Trong thời điểm dịch COVID-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, việc giữ gìn vệ sinh và ăn uống điều độ là vô cùng cần thiết. Để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bạn hãy tham khảo 10 phương pháp dinh dưỡng mà BlogAnChoi đem đến dưới đây để bảo vệ sức khỏe tốt nhất nhé.
1. Cung cấp đầy đủ năng lượng
Cơ thể chúng ta chỉ được cung cấp năng lượng đầy đủ khi ăn đủ 3 bữa/ngày. Nhiều người luôn duy trì thói quen này, nhưng vì cuộc sống ngày càng bận rộn nên một số người đã quen với việc bỏ qua bữa sáng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian nhưng về lâu dài rất nguy hại cho sức khỏe.
Khi bỏ một bữa trong ngày, tổng năng lượng cơ thể cần để duy trì hoạt động sẽ bị thiếu hụt, từ đó dẫn đến sức đề kháng bị suy giảm, nguy cơ bị nhiễm bệnh sẽ tăng lên. Vì vậy, trong giai đoạn này, việc ăn đủ bữa là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, nếu có thể nên ăn thêm bữa phụ giữa giờ như trái cây, sữa chua, ngũ cốc… để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
2. Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều đạm
Chế độ ăn đủ đạm góp phần quan trọng trong việc cải thiện hệ miễn dịch, phòng chống dịch bệnh. Chất đạm (protein) rất cần thiết cho quá trình sản sinh và tổng hợp các kháng thể để bảo vệ các tế bào khỏi sự xâm nhập của virus. Vì vậy, để cung cấp đủ đạm cho cơ thể, nên bổ sung vào bữa ăn hàng ngày các thực phẩm như: trứng, cá, thịt, sữa, các loại đậu…
Lượng đạm cần thiết cho một người trong một ngày là từ 5 đến 6 phần, mỗi phần tương đương với 40gram cá/tôm/thịt, 1 quả trứng gà/vịt, 1 bìa đậu và 1 cốc sữa tươi. Tốt nhất nên ăn kết hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm để đảm bảo lượng đạm tối thiểu cơ thể cần trong một ngày.
3. Tăng cường các thực phẩm chứa nhiều Vitamin A và Omega-3
Vitamin A và Omega-3 chứa nhiều trong cá và các loại hải sản nên cần bổ sung cá vào bữa ăn hàng ngày ít nhất 2 lần/tuần. Đây là hai dưỡng chất rất cần thiết trong việc duy trì sức khỏe hệ miễn dịch của đường hô hấp. Hơn nữa, trong các loại hải sản còn chứa lượng kẽm dồi dào giúp tăng cường hệ miễn dịch của toàn cơ thể.
4. Tăng cường sử dụng các loại rau, củ, gia vị chứa nhiều tinh dầu
Hầu hết chúng ta ai cũng biết các loại gia vị chứa nhiều tinh dầu như tỏi, gừng, chanh rất tốt cho sức khỏe đường hô hấp, bởi các loại thực vật này có tính sát khuẩn và kháng khuẩn rất cao. Không chỉ trong mùa dịch bệnh, mà hàng ngày chúng ta cũng nên dùng tỏi, gừng khi chế biến món ăn hoặc uống nước chanh, nước gừng ngâm ấm để bảo vệ đường hô hấp.
5. Uống nhiều nước ấm
Không nên chỉ uống nước khi thấy khát, mỗi ngày nên uống tối thiểu 1500ml nước, tốt nhất là nước ấm. Bổ sung nước thường xuyên trong ngày, mỗi lần uống từng ngụm nhỏ.
6. Hạn chế đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ và đồ ngọt
Đây là thói quen của đa số mọi người khi chế biến đồ ăn ở nhà và đi ăn bên ngoài. Những thực phẩm chiên, rán nhiều dầu mỡ hay đồ ngọt tuy ngon miệng hơn và cung cấp nhiều năng lượng, nhưng dễ gây đầy bụng, khó tiêu và các bệnh về tim mạch, đường ruột. Không những thế, cách chế biến này còn không thể cung cấp đủ đạm và vitamin cho hệ miễn dịch của cơ thể.
7. Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và dầu cá
Một khẩu phần ăn đầy đủ vẫn là cách tốt nhất để cung cấp lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu không thể duy trì chế độ ăn như vậy đều đặn thì bạn cũng có thể bổ sung thêm bằng cách uống thêm các loại thuốc bổ chứa vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin D… theo chỉ định của bác sĩ. Đây là các khoáng chất giúp cải thiện hệ miễn dịch hiệu quả trong mùa dịch COVID-19.
8. Ăn đa dạng các loại thực phẩm, dừng ăn kiêng
Trong hoàn cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp đang có tốc độ lây lan gia tăng thì việc ăn kiêng để giảm cân cần được dừng lại. Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm nhiều màu sắc phong phú. Tốt nhất nên ăn tối thiểu 15 loại thực phẩm mỗi ngày, kể cả các loại gia vị.
9. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Dù có đang trong mùa dịch hay không thì thói quen ăn chín, uống sôi vẫn luôn được khuyến cáo. Thịt, cá và các thực phẩm tươi sống cần phải được nấu chín kỹ trước khi ăn. Những nguyên liệu tươi sống thì phải để vào ngăn đá tủ lạnh, đồ ăn đã chế biến thì để vào ngăn mát. Để an toàn nhất, các loại đồ ăn đã chế biến chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh không quá 2 ngày.
Rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn hay khi tiếp xúc với những bề mặt có nguy cơ lây nhiễm cao như mặt bàn, mặt bếp. Việc vệ sinh khử khuẩn những khu vực này thường xuyên cũng giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus.
10. Tránh sử dụng bia, rượu và tụ tập nơi đông người
Việc uống nhiều bia, rượu quá mức sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, làm tổn thương phổi, khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh và sẽ khó điều trị hơn so với người không lạm dụng bia, rượu.
Vào thời điểm nhạy cảm này thì việc ăn uống hay tụ tập đông người là hoàn toàn không nên. Mọi người cũng hạn chế đi ăn hàng hay các quán ăn vỉa hè càng ít càng tốt để tránh sự lây lan rộng hơn của COVID-19.
Chúng ta hãy cùng thực hiện tốt theo các khuyến cáo của bác sĩ cũng như tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý để góp phần đẩy lùi đại dịch COVID-19 nhé!
Các bạn có thể tìm đọc thêm những thông tin hữu ích khác qua các bài viết:
Hãy tiếp tục theo dõi BlogAnChoi để không bỏ lỡ bất kỳ thông tin hữu ích nào bạn nhé!
- ROI Là Gì? Làm Thế Nào Để Tối Ưu Chỉ Số ROI Trong Marketing
- Làm gì khi khách hàng ‘say NO’ với sản phẩm của bạn?
- “Cẩm nang” ôn luyện thành ngữ tiếng Anh dễ dàng cho người mất gốc
- Google Analytics là gì? Hướng dẫn sử dụng Google Analytics toàn tập
- Mizoguchi là gì? Cải thiện vóc dáng chỉ với 5 động tác theo phương pháp Mizoguchi