Mọi đứa trẻ đều có tiềm năng trở thành người lãnh đạo một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống. Những người lãnh đạo xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có nhiều dạng cá tính phong phú; một số thì cởi mở và thân thiện, số khác thì bình tĩnh và tinh tế. Nhiều người lãnh đạo thành công đã học được kỹ năng từ những người thầy, cố vấn của họ. Các bậc cha mẹ có cơ hội để làm hình mẫu cho con mỗi ngày và hun đúc những phẩm chất lãnh đạo ở trẻ. Dưới đây là một số cách để phát triển kỹ năng lãnh đạo ở trẻ:
1. Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp
Hãy chỉ cho trẻ cách cùng ăn mừng vui vẻ với người khác. Cho trẻ thấy cách mà bạn ngợi khen người khác với sự chân tình, rộng lượng và bày tỏ bất đồng trong sự tôn trọng. Giúp trẻ nhận diện cảm xúc của mình bằng cách trao đổi với trẻ, chẳng hạn “Con bực vì anh lấy đồ chơi của mình à?”. Một nhà lãnh đạo hiệu quả cần có khả năng xây dựng quan hệ, gợi cảm hứng cho người khác và giao tiếp tốt. Vì vậy, hãy giúp trẻ nuôi dưỡng khả năng giao tiếp với mọi người.
2. Cùng nhau làm tình nguyện viên
Dành thời gian để cùng với trẻ phục vụ cộng đồng sẽ giúp cha mẹ xây dựng mối quan hệ với con và mở rộng thế giới quan cho cả hai. Trẻ có thể tận mắt chứng kiến những nhu cầu trong cộng đồng. Hãy nói với trẻ về ảnh hưởng mà trẻ có thể tạo ra cho thế giới khi tình nguyện giúp đỡ những người gặp khó khăn.
3. Khuyến khích trẻ tìm con đường của riêng mình
Con của mình không phải là mình. Hỗ trợ con theo đuổi đam mê sẽ giúp trẻ phát triển thành người có khả năng lãnh đạo. Trẻ có thể quan tâm tới những thứ hoàn toàn khác với bạn, nên khuyến khích trẻ sống với giấc mơ của chúng chứ không phải là giấc mơ của cha mẹ. Khi trẻ có những ý tưởng mới, hãy cùng hội ý và giúp trẻ biến ước muốn thành hành động.
4. Nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp
Giúp trẻ làm áp-phích, tờ rơi cho quầy bán nước giải khát hay soạn bài “thuyết trình chào hàng” và lắng nghe trẻ thực hành bài nói chuyện.
5. Giúp trẻ đặt ra những mục tiêu tài chính
Khi trẻ quan tâm đến một món đồ chơi, một sự kiện hoặc điều gì đó cần tiền, thay vì đáp ứng ngay mong muốn của con thì hãy xem đây là một cơ hội để giúp trẻ lên kế hoạch và đạt được mục tiêu của mình. Có thể giao cho trẻ những việc phù hợp với lứa tuổi để chúng có thể tự kiếm tiền và mua thứ mà mình muốn. “Lòng tự trọng mà trẻ có được khi đạt đến những mục tiêu đề ra thì có ý nghĩa vô giá”, Robert Kiyosaki – tác giả quyển Rich Kid Smart Kid (tạm dịch: Trẻ giàu có là trẻ thông minh) nói.
6. Giúp trẻ tìm những hình mẫu tích cực
Hãy giải thích cho trẻ biết tầm quan trọng của việc chọn bạn và giúp trẻ tìm những hình mẫu tích cực. Nếu trẻ quan tâm đến một chủ đề nào đó, nên tìm cho trẻ một cố vấn thành công trong lĩnh vực đó.
7. Lắng nghe
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe. Những nhà lãnh đạo thành công đều có kỹ năng lắng nghe xuất sắc và cố gắng hiểu người khác.
8. Khuyến khích trẻ giải quyết vấn đề
Khuyến khích cách tư duy “Làm sao con có thể…?” sẽ nâng cao lòng tự trọng của trẻ và gợi cảm hứng để trẻ tiếp tục giấc mơ lớn. Khi trẻ gặp khó khăn với chuyện gì đó và muốn bỏ cuộc, bạn rất dễ nhảy vào cuộc và ra tay cứu con. Tuy nhiên, hãy lùi lại và đưa ra những câu hỏi, chẳng hạn “Con thử nghĩ xem có còn cách nào khác không?”. Cách này sẽ giúp trẻ vận dụng sự sáng tạo để giải quyết vấn đề và đó là một kỹ năng rất quan trọng giúp trẻ thành công trong cuộc sống.
9. Khuyến khích sự kiên trì
Phải nhìn trẻ đau buồn khi thất bại trong một lần tranh tài là điều rất khó khăn, nhưng đây cũng chính là những khoảnh khắc mà bạn có thể chỉ dạy cho con và sẽ ảnh hưởng đến trẻ trong suốt cuộc đời. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà bạn có thể dạy cho con là khả năng sắp xếp lại kế hoạch và tiếp tục tiến lên.
10. Dạy trẻ kỹ năng thương lượng
Trao cho trẻ cơ hội để thương lượng với người khác, cùng tìm ra những giải pháp “cả hai bên cùng có lợi”, tất nhiên là bắt đầu từ trong gia đình.
11. Là hình mẫu cho con về sự trung thực và đáng tin
Phụ huynh chính là hình mẫu cho con thông qua lời nói và hành động của mình. Khi cha mẹ làm cho người khác vui vẻ, giúp đỡ người khác, giữ lời hứa…, họ cũng dạy con hành động tương tự.
12. Khích lệ trẻ tham gia các hoạt động tập thể
Tham gia các hoạt động tập thể sẽ cho trẻ cơ hội phát triển những tính cách giá trị, có ích cho trẻ trong suốt cuộc đời. Làm việc theo nhóm giúp trẻ học cách hợp tác với người khác, hỗ trợ đồng đội, hướng tới một mục tiêu chung, kiểm soát cảm xúc và giao tiếp hiệu quả.
13. Trao cho trẻ cơ hội chọn lựa
Trẻ nhỏ có thể chọn lựa giữa hai món đồ ăn vặt. Khi trẻ lớn hơn, “độ khó” của sự chọn lựa sẽ tăng dần. Trao cho trẻ cơ hội chọn lựa sẽ giúp trẻ cảm thấy rằng chúng đang kiểm soát tình huống và nuôi dưỡng khả năng ra quyết định của trẻ, giúp trẻ xây dựng lòng tự tin.
14. Nhấn mạnh giá trị của việc đọc
Đọc là cách mở mang tâm trí của trẻ đến với những khả năng mới và mở rộng thế giới của trẻ.
Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/14-cach-de-phat-trien-ky-nang-lanh-dao-cho-con-389625.html
- Hướng dẫn cách huỷ và đăng ký gói voucher hoàn xu Xtra trên Shopee
- Timviec365.com.vn – Nơi giúp tìm việc hiệu quả và cung cấp CV ấn tượng
- Customer Journey – Bản Đồ Hành Trình Khách Hàng [Kèm Mẫu]
- Quy định về nội dung đăng bán sản phẩm cho từng ngành hàng trên Shopee Mall
- Top 10+ điểm gửi hàng giao hàng nhanh HN bạn nên biết