Trong cuộc sống, đôi khi một lời cảm ơn lại có thể giúp bạn đi được cả một chặng đường dài. Trong bán hàng cũng vậy, lời cảm ơn khách hàng rất quan trọng. Khi bạn có thái độ biết ơn đối với khách hàng, họ sẽ luôn đánh giá cao điều này. Từ đó giúp cho bạn có cơ hội nâng tầm thương hiệu của mình lên trên đối thủ.
Có rất nhiều cách khác nhau để cảm ơn khách hàng của bạn và tạo ra những khoảnh khắc thú vị sau khi mua hàng. Hãy nhớ rằng, chìa khóa để tạo nên một lời cảm ơn khách hàng hoàn hảo chính là xuất phát từ sự chân thành. Khách hàng hay bất cứ ai nói chung đều thích một lời cảm ơn chân thành hơn là giả tạo. Vậy nên, hãy để Hoc11.vn gợi ý cho bạn những cách sáng tạo để cảm ơn khách hàng một cách chân thành, hiệu quả.
1. Cảm ơn khách hàng bằng thiệp viết tay:
Thay vì gửi tin nhắn hoặc email cám ơn thì hãy cố gắng gửi thiệp viết tay cho khách hàng. Điều này sẽ giúp khách hàng cảm thấy sự chân thành và ý nghĩa hơn. Trong thời đại công nghệ hiện nay, thử nhớ lại lần cuối cùng bạn thực sự gửi một lá thư viết tay là khi nào.
Vì thế, so với việc nhanh chóng gửi một tin nhắn qua Facebook hay email thì thử tưởng tượng xem khách hàng sẽ vui đến thế nào khi nhận được một lời cảm ơn viết tay. Một tấm thiệp viết tay nhỏ gọn lại có thể giúp bạn ghi điểm tuyệt đối. Nó vượt lên trên bản chất máy móc, vô hồn của hộp thư kỹ thuật số ngày nay và tạo ra một cảm nhận ý nghĩa, sâu sắc hơn nhiều.
Hãy nhớ năm lời khuyên này khi viết lời cảm ơn để chúng hoàn hảo:
- Sử dụng loại thiệp chất lượng, giấy dày, có mùi thơm hoặc được thiết kế độc đáo, thể hiện được thương hiệu của bạn
- Luôn sử dụng tên khách hàng để cá nhân hóa thông điệp, như thể đây là lời cảm ơn dành riêng cho họ.
- Nói lời cảm ơn và nêu lý do cụ thể tại sao bạn muốn gửi thiệp cám ơn này cho khách hàng.
- Kết thúc thiệp cảm ơn bằng chữ ký và lời chào chuyên nghiệp, thể hiện sự trân trọng.
- Hãy khéo léo chèn thiệp cám ơn vào trong món hàng để khách hàng thấy thích thú và bất ngờ khi nhận được.
Ví dụ:
Epic Bars: Một thương hiệu chuyên cung cấp thực phẩm, đồ ăn nhẹ là các thanh snack làm từ thịt, giàu protein. Sau khi gửi nhầm một đơn hàng cho khách hàng, họ đã nhanh chóng sửa sai bằng cách gửi lại đơn hàng mới. Kèm theo đó là thiệp viết tay xin lỗi và cám ơn. Đồng thời còn gửi tặng thêm 3 thanh snack cùng với coupon giảm giá. Điều này đã khiến cho vị khách vô cùng hài lòng đến mức tán dương dịch vụ của họ trên Facebook.
Mặc dù việc gửi ghi chú viết tay theo từng đơn hàng sẽ mất thời gian và khó thực hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện chúng bằng cách đặt mục tiêu hàng tháng gửi được tối thiểu khoảng 100 khách hàng chẳng hạn. Cứ tiếp tục duy trì và phát triển mục tiêu, đẩy con số lên cao hơn mỗi tháng. Mục đích là bạn có thể gửi được nhiều thiệp cám ơn viết tay nhất đến cho khách hàng trong khả năng của bạn.
Điều này không những giúp khách hàng đánh giá cao dịch vụ mà còn giúp tạo ra văn hóa biết ơn khách hàng đối với nhân viên của bạn. Không nhất thiết chỉ gửi thiệp cám ơn sau khi khách đặt hàng mà bạn cũng có thể gửi thiệp cảm ơn vào những dịp lễ, ngày sinh nhật, ngày đặc biệt…
2. Gửi quà tặng hoặc mẫu dùng thử miễn phí cho khách hàng:
Gửi quà tặng:
Dù sao bạn cũng đã bỏ công để đóng gói một đơn hàng hoàn chỉnh để gửi đi, vậy thì hãy tận dụng nó một cách hiệu quả nhất để mang lại cho khách hàng thêm một chút thích thú. Biết đâu nó sẽ giúp cho bạn có thêm một khách hàng trung thành đấy. Gửi kèm thêm một món quà nhỏ nào đó vào gói hàng cũng là một cách tuyệt vời để nói lời cảm ơn.
Chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm vượt trên cả mong đợi của khách hàng. Khoảnh khắc họ đang háo hức, mong chờ được cầm sản phẩm mới trên tay sẽ càng thêm ngạc nhiên và thích thú khi thấy có quà tặng kèm theo. Chỉ với một chút cố gắng và nỗ lực, bạn đang tạo ra một cơ hội để thêm giá trị cho đơn đặt hàng lần sau, thậm chí là upsells.
Dưới đây là một vài ví dụ nổi bật từ các cửa hàng, những người hiểu được giá trị của việc cung cấp một bất ngờ nhỏ.
Ví dụ:
Vision Direct: thương hiệu kính áp tròng này luôn gửi kèm một gói kẹo Haribo nhỏ vào hộp kính của khách hàng. Dù đây chỉ là một món quà nhỏ nhưng nó giúp thêm sự ngọt ngào vào trải nghiệm khi khách hàng mở hộp kính.
Frank Body: cửa hàng mỹ phẩm này luôn gửi kèm theo sản phẩm tẩy tế bào chết vào các đơn đặt mua sản phẩm thanh lọc cơ thể của khách hàng. Trên bao bì của sản phẩm tẩy tế bào chết còn cung cấp cách kênh phương tiện truyền thông xã hội để giúp tăng tương tác, giữ liên lạc với khách hàng.
Gửi mẫu dùng thử:
Có khách hàng nào mà lại không thích mẫu dùng miễn phí chứ. Nhất là khi nó được gửi kèm như một món quà tặng cùng với đơn hàng. Đây cũng là một cách tuyệt vời để cảm ơn khách hàng của bạn. Đôi khi, nếu họ thích nó thì bạn thậm chí có thể thấy họ mua sản phẩm đó trong đơn hàng tiếp theo. Chỉ cần chắc chắn mẫu dùng thử bạn gửi cho khách hàng là sản phẩm chất lượng và phù hợp với nhu cầu.
Ví dụ:
Beardbrand: Cửa hàng mỹ phẩm Bearbbrand sẽ luôn đưa vào một vài mẫu thử các sản phẩm bán chạy nhất của họ gửi kèm vào đơn hàng để khách hàng dùng thử.
HelloFresh: Dịch vụ giao hàng thực phẩm HelloFresh sẽ thường xuyên kết hợp với các thương hiệu mà họ nghĩ rằng khách hàng của họ sẽ yêu thích. Điển hình như là mẫu nhỏ dùng thử sản phẩm muối tinh thể này. Nó vừa là một điều bất ngờ dễ thương và còn có giá trị giúp bổ sung thêm gia vị cho bữa ăn.
3. Gửi lời cảm ơn khách hàng bằng Video:
Nếu bạn muốn tiến xa hơn một bước trong cách thức cảm ơn khách hàng, hãy thử quay video cảm ơn dành riêng cho từng khách hàng của bạn. Điều tuyệt vời của việc quay video chính là nó mang đậm dấu ấn, thương hiệu mà không ai có thể giả mạo được. Đồng thời, khách hàng cũng biết được bạn thực sự đầu tư và bỏ công sức thực hiện. Video cám ơn khách hàng thật sự phù hợp áp dụng cho những dịp đặc biệt, ngày lễ. Đó là thời điểm bạn có thể tha hồ sáng tạo với các chủ đề.
Ví dụ:
Popov Leather: Mỗi khách hàng mới sau khi mua hàng đều nhận được một video cảm ơn cá nhân từ người sáng lập thương hiệu – Ryan Popoff. Nội dung được lên kịch bản chỉn chu nhưng vẫn rất tự nhiên và chân thật. Nó thể hiện sự biết ơn thật sự và cả sự sáng tạo đằng sau một thương hiệu.
Có thể nói video cám ơn là một thử nghiệm hoàn toàn tuyệt vời để bạn tìm hiểu phản ứng của khách hàng như thế nào. Ngoài ra, với hình thức này bạn thực sự có thể sáng tạo nhiều nội dung video cám ơn khác nhau.
4. Ưu đãi giảm giá sau khi mua hàng:
Đối với các khách hàng thân thiết, gắn bó, bạn có thể gửi mã hay phiếu giảm giá để cảm ơn. Đó cũng là một cách tuyệt vời để giữ họ quay lại mua hàng trong những lần sau. Tuy nhiên, bạn phải cẩn thận với việc giảm giá và đừng lạm dụng. Vì điều này có thể tạo thói quen cho khách hàng, họ chỉ chờ khi nào có mã giảm giá thì mới mua hàng.
Nên sử dụng các cụm từ giúp thúc đẩy tính độc quyền và cá nhân hóa của phiếu giảm giá như: “Chỉ dành cho bạn”, “Đây là lời cảm ơn dành riêng cho bạn”,.. Giảm giá có thể được gửi dưới dạng coupon kèm theo gói hàng hay dưới dạng email điện tử. Nếu bạn đang tạo giảm giá, hãy đảm bảo mỗi mã giảm giá là duy nhất để bạn có thể dễ dàng theo dõi hiệu quả của nó.
Ví dụ:
Outdoor Research: Sau mỗi đơn hàng, thương hiệu Outdoor Research đều gửi email cám ơn kèm theo cung cấp mã giảm giá cho khách hàng để được chiết khấu 15% cho đơn hàng tiếp theo của họ.
5. Làm nổi bật khách hàng của bạn:
Giới thiệu và chia sẻ từng câu chuyện về khách hàng của bạn trên cách kênh truyền thông như là Website, Fanpage, Instagram,.. là một cách tuyệt vời để thể hiện công khai bạn đánh giá cao khách hàng như thế nào! Đây cũng chính là cách giúp bạn xây dựng mối quan hệ khách hàng. Từ đó nâng tầm thương hiệu của bạn lên trên đối thủ.
Ngày nay, trong thời đại công nghệ, hầu hết mọi người đều có nhu cầu truyền thông, đặc biệt nếu khách hàng của bạn cũng đang kinh doanh. Họ cũng sẽ thích thú khi có sự tương tác giúp tăng lượng người biết đến và theo dõi họ. Ví dụ, chẳng hạn như một shop mỹ phẩm là khách hàng của bạn và họ được nhắc đến trên blog hay fanpage của bạn. Nó có thể giúp nâng cao uy tín cho họ và có thêm được khách hàng. Đồng thời, điều này cũng tạo ra một mối liên kết giữa bạn và họ.
Ví dụ:
Luxy Hair: spa chuyên chăm sóc tóc này khuyến khích khách hàng chia sẻ những hình ảnh đẹp về mái tóc của họ sau khi sử dụng dịch vụ của họ. Nó giúp truyền tải những thông điệp và củng cố thương hiệu.
Wool and the Gang: là một cửa hàng bán nguyên vật liệu đồ handmade. Họ thường xuyên chia sẻ các dự án đan len từ khách hàng của họ trên Instagram. Khách hàng của họ đều thích thú và nó mang lại cho họ nhiều sự tương tác, giúp tăng kết nối cộng đồng giữa họ và khách hàng hơn.
Để các nội dung này được chia sẻ một cách rộng rãi hơn, hãy tạo một hashtag mà khách hàng có thể sử dụng trên các bài đăng của riêng họ. Lưu ý, trước khi đăng những nội dung, hãy chắc chắn rằng bạn đã xin phép khách hàng, người chủ sở hữu.
Cuối cùng, nên nhớ dù là dưới hình thức nào, chìa khóa để lời cảm ơn khách hàng đạt được hiệu quả chính là phải chân thật và chu đáo. Làm được điều này sẽ giúp cho thương hiệu của bạn ghi dấu ấn trong lòng khách hàng và thành công về lâu dài.
- 2 nguyên tắc định giá sản phẩm bán trên Shopee để không bị lỗ
- Chạy theo trend mở quán trà chanh vỉa hè có ‘hốt bạc’ như lời đồn?
- Thiết kế nhà hàng đẹp không hề khó nếu bạn nắm vững những kinh nghiệm sau đây
- Creative director là gì ? Khái niệm về creative director
- WordPress Core Web Vitals tăng hiệu suất lên đến 33% trên phiên bản WordPress 5.9