Các bậc cha mẹ đều muốn con mình lớn lên trở thành người tốt hơn chính bản thân họ. Dưới đây là sáu lời khuyên từ các nhà nghiên cứu ở Đại học Harvard về cách nuôi dạy con để trở thành người tốt, có trách nhiệm và có lòng trắc ẩn.
1. Dạy con kiểm soát cảm xúc
Tức giận, buồn bã và thất vọng có thể ảnh hưởng nhiều đến con trẻ tương tự như với người lớn chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn có thể dạy cho con cái những bài học về cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực và cách tránh mất quá nhiều năng lượng vì những cảm xúc này. Khi con bạn đang ở trong một trạng thái bình tĩnh, hãy dạy cho chúng thủ thuật sau: đầu tiên hãy hít sâu bằng mũi, sau đó thở ra qua miệng và đếm đến 5. Nếu bạn thấy rằng con trẻ chuẩn bị bộc lộ những cảm xúc nào đó, hãy nhắc nhở chúng về ba bước này và cùng nhau thực hiện.
2. Dạy con chịu trách nhiệm cho hành động của mình
Cha mẹ là hình mẫu cho con cái bắt chước và làm điều tương tự. Hãy nói chuyện với chúng về đạo đức và ý tưởng giúp đỡ lẫn nhau và quan tâm đến thế giới xung quanh chúng ta. Hãy giải thích về việc chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Và quan trọng hơn tất cả là đừng quên hành xử theo lời dạy của bạn và khuyến khích con cái bạn làm những điều tốt đẹp.
3. Dạy con có lòng trắc ẩn và giúp đỡ những người yếu
Điều quan trọng là dạy con bạn có lòng trắc ẩn không chỉ với những người thân và bạn bè của mình mà còn với tất cả những người cần giúp đỡ. Hãy yêu cầu chúng tưởng tượng chúng sẽ cảm thấy ra sao nếu chúng là những đứa trẻ mới vào lớp – đây là một cách tuyệt vời để chúng suy nghĩ về những điều này. Nhưng cũng cần nói chuyện với chúng về những vấn đề phổ quát hơn: con có thể làm gì cho những đứa trẻ không có gì để ăn? Điều gì xảy ra cho những người vô gia cư? Cha mẹ có thể giúp ích rất nhiều trong việc dạy con cái phát triển ý thức trách nhiệm xã hội của chúng.
4. Dạy con biết ơn
Hãy chắc chắn rằng con bạn sẽ không bao giờ cảm thấy quá xấu hổ đến nỗi không dám thừa nhận rằng chúng biết ơn vì một điều gì đó hay một ai đó. Hãy bắt đầu với những điều nhỏ nhặt. Ví dụ: hãy yêu cầu chúng ôm và cảm ơn bà ngoại của chúng về những món ăn ngon mà bà đã chiêu đãi chúng, nhắc nhở chúng phải luôn luôn nói cảm ơn bất cứ khi cần và cảm ơn bạn và bạn đời của bạn về tất cả những điều làm cho chúng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người luôn bày tỏ lòng biết ơn thường hạnh phúc và khỏe mạnh hơn những người né tránh.
5. Dạy con thế nào là hành vi tốt và thấm nhuần các giá trị gia đình của bạn trong chúng
Đa số các bậc cha mẹ mong con em mình thành công của ở trường học hoặc trong thể thao. Tại sao bạn lại không tỏ thái độ tương tự đối với hành vi đạo đức của chúng? Điều quan trọng là phải xác định rõ giá trị gia đình của chính bạn và chắc chắn rằng con bạn luôn tôn trọng những giá trị đó trong cả lời nói và hành động. Liệu chúng có hành xử với sự tôn trọng không? Chúng có giữ lời hứa của mình không? Chúng đối xử ra sao với bạn đồng trang lứa hoặc với những người đã làm chúng buồn phiền? Đừng quên con bạn lấy hình mẫu để noi gương theo từ ai.
6. Hãy dành nhiều thời gian bên con cái hơn
Nếu tất cả những giao tiếp giữa bạn và con trẻ đều bàn về vấn đề kỷ luật, thì vấn đề sẽ không được giải quyết. Hãy cố gắng xây dựng một mối quan hệ tin cậy với các con của mình. Trò chuyện với chúng, chơi với chúng, dành nhiều thời gian với nhau, cùng đi du lịch đâu đó, và, tất nhiên, không bao giờ quên thể hiện cho chúng biết bạn yêu chúng bao nhiêu. Tất cả những điều này sẽ giúp chúng trở thành một người tử tế, chân thành. Chúng sẽ hiểu được thế nào là tình yêu và sự tôn trọng và sẵn sàng chia sẻ những cảm xúc với những người xung quanh chúng.