Xây dựng thương hiệu hiện nay không còn là một khái niệm mới mẻ đối với nhiều doanh nghiệp. Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ mới được thành lập cũng có ý thức xây dựng cho mình một nhãn hiệu khác biệt và vững mạnh ngay từ đầu. Có nhiều lý thuyết về các nhân tố cơ bản mà mọi bản sắc thương hiệu cần phải có. Nhưng để có thể thực sự đưa những lý thuyết đó vào thực tế từ đó giúp doanh nghiệp của bạn dành phần thắng trong cuộc cạnh tranh trên thị trường thì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được.
Trước khi “đào sâu” về vấn đề xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp thì bạn cần nắm rõ khái niệm về thương hiệu, đặt ra câu hỏi tại sao lại phải xây dựng thương hiệu mà không đẩy mạnh doanh số bán hàng trước, vv… Trong bài viết dưới đây SaleKit sẽ phân tích cho bạn hiểu rõ nhé!
Thương hiệu là một thuật ngữ được dùng để chỉ bất cứ yếu tố nào (tên gọi, logo, slogan, bao bì…) mà doanh nghiệp dùng để xác định sản phẩm/dịch vụ của mình hoặc chính mình trên thị trường. Nó có thể là cả những yếu tố không được pháp luật bảo hộ và những yếu tố được pháp luật bảo hộ nhưng không dưới danh nghĩa nhãn hiệu như tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp …
Nói cách khác, thương hiệu là một hình ảnh độc đáo và rõ nét trong nhận thức của khách hàng, đem đến cho họ những lợi ích đặc biệt khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp bởi một doanh nghiệp đặc biệt. Sẽ thật sai lầm khi nghĩ rằng một thương hiệu chỉ thực sự là thương hiệu khi nó tồn tại ở mọi nơi xung quanh người tiêu dùng, chứ không phải trong suy nghĩ của họ.
Như vậy, qua những định nghĩa trên, có thể thấy rằng thương hiệu là một tên gọi, tổ hợp màu sắc, biểu tượng, hình tượng, dấu hiệu để phân biệt sản phẩm/dịch vụ hay doanh nghiệp này với sản phẩm/dịch vụ hay doanh nghiệp khác. Thương hiệu là niềm tin, là tình yêu mà khách hàng và công chúng dành cho doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, khái niệm thương hiệu thường được hiểu đồng nghĩa với nhãn hiệu hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế khái niệm thương hiệu được hiểu rộng hơn nhiều, nó có thể là bất cứ gì gắn liền với sản phẩm/dịch vụ nhằm làm cho chúng được nhận diện dễ dàng và khác biệt so với các sản phẩm/dịch vụ cùng loại.
Trong tiếng Anh, Brand có nghĩa là nhãn hiệu. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của Marketing, Brand còn dần dần được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là thương hiệu. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này. Những điểm khác biệt cơ bản giữa thương hiệu và nhãn hiệu được phân tích như sau:
1. Về giá trị:
Thương hiệu:
– Là một khái niệm trừu tượng, khó xác định giá trị
– Là tài sản vô hình của một doanh nghiệp
– Là phần hồn của doanh nghiệp
Nhãn hiệu:
– Có giá trị cụ thể, thông qua màu sắc, ý nghĩa, trang trí
– Là tài sản hữu hình của một doanh nghiệp
– Là phần xác của doanh nghiệp
2. Về mặt pháp lý:
Thương hiệu:
– Thương hiệu không hiện diện trên các văn bản pháp lý, nó nói lên chất lượng sản phẩm/dịch vụ, uy tín và sự tin cậy của khách hàng dành cho sản phẩm/dịch vụ trong tâm trí người tiêu dùng.
– Thương hiệu được xây dựng trên hệ thống tổ chức của công ty.
Nhãn hiệu:
– Nhãn hiệu là tên và biểu tượng hiện diện trên văn bản pháp lý, xây dựng trên hệ thống pháp luật quốc gia được doanh nghiệp đăng ký và cơ quan chức năng bảo hộ.
– Do doanh nghiệp xây dựng dựa trên hệ thống luật pháp quốc gia.
3. Về mặt quản lý:
Thương hiệu:
– Do bộ phận chức năng quản lý.
– Phải xây dựng chiến lược marketing và quảng bá.
Nhãn hiệu:
– Phải đăng ký với cơ quan chức năng để bảo vệ quyền sử dụng và khởi kiện vi phạm.
Thương hiệu thể hiện đẳng cấp, niềm tin cũng như lợi thế của doanh nghiệp trong thị trường đầy cạnh tranh. Xây dựng thương hiệu chính là tạo dựng uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
Thông qua thương hiệu người tiêu dùng tin tưởng hơn, yên tâm hơn và có mong muốn được lựa chọn và tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
Một thương hiệu thành công, được người tiêu dùng biết đến và mến mộ sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Giá trị của một thương hiệu là triển vọng lợi nhuận mà thương hiệu đó mang lại cho doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.
Bên cạnh đó, khi đã có được thương hiệu nổi tiếng, các nhà đầu tư cũng không e ngại khi đầu tư vào doanh nghiệp; bạn hàng của doanh nghiệp cũng sẽ sẵn sàng hợp tác kinh doanh, cung cấp nguyên liệu và hàng hoá cho doanh nghiệp. Thương hiệu luôn là tài sản vô hình và có giá của doanh nghiệp. Chính những điều đó đã thôi thúc các doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xây dựng và phát triển thương hiệu.
Dưới đây là một số lợi ích thiết thực có thể nhìn thấy ngay được của việc xây dựng thương hiệu:
+ Người tiêu dùng nhận biết được và nghĩ ngay đến sản phẩm và dịch vụ của công ty khi có nhu cầu
+ Gia tăng doanh số bán hàng
+ Gia tăng giá trị của Doanh nghiệp
+ Tạo niềm tự hào cho nhân viên
+ Tạo lợi thế cạnh tranh tốt
Xây dựng thương hiệu là quá trình lựa chọn và kết hợp các thuộc tính hữu hình cũng như vô hình với mục đích để khác biệt hóa sản phẩm, dịch vụ hoặc tập đoàn một cách thức thú vị, có ý nghĩa và hấp dẫn.
Để có thể xây dựng thương hiệu phát triển bền vững trong dài hạn, các doanh nghiệp có thể tham khảo năm bước sau: (1) Xác định cấu trúc nền móng thương hiệu; (2) Định vị thương hiệu; (3) Xây dựng chiến lược thương hiệu; (4) Xây dựng chiến lược truyền thông; (5) Đo lường và hiệu chỉnh.
Bước 1: Xác định cấu trúc nền móng của thương hiệu
Đây là bước quan trọng nhất của việc xây dựng thương hiệu vì nếu xây dựng sai lầm nền móng thì khó có thể điều chỉnh sau này. Các chất liệu cơ bản để xây dựng nền móng bao gồm:
– Các nhận biết cơ bản của thương hiệu (Brand Attributes): là logo, màu sắc, đặc điểm nhận dạng giúp thương hiệu đó khác biệt với thương hiệu khác. Ví dụ đặc tính cơ bản của Aquafina là: Nước tinh khiết đóng chai; Logo màu trắng trên nền xanh mát mẻ với màu đỏ của mặt trời trên dãy núi. xanh với sóng trắng, rõ nét, khác biệt.
– Các Lợi ích thương hiệu (Brand Benefits): là lợi ích thực tính lợi ích cảm tính và lợi ích cảm xúc của thương hiệu đó mang lại cho người tiêu dùng.
– Niềm tin thương hiệu/Brand Beliefs Niềm tin nào chứng tỏ rằng thương hiệu sẽ mang lại lợi ích cho người dùng.
– Tính cách thương hiệu/ Brand personlization: Nếu thương hiệu đó biến thành người thì người đó sẽ như thế nào, tính cách người đó ra sao?
– Tinh chất thương hiệu/ Brand Essence là tóm tắt yếu tố tạo sự khác biệt và đặc trưng, thường được sử như câu slogan của thương hiệu.
Bước 2: Định vị thương hiệu
Xác định vị trí của thương hiệu trong “não” của người tiêu dùng (người tiêu dùng sẽ nhớ gì về thương hiệu đó). Tại sao phải định vị?
– Hàng ngày hàng giờ, người tiêu dùng tiếp nhận hàng núi thông tin, quá tải với trí nhớ của họ nên không thể nhớ được hết các thông tin thu nhận. Họ chỉ có thể nhớ những gì rõ ràng, đơn giản và khác biệt.
– Nếu thương hiệu không được xác định rõ nằm ở đâu trong não người dùng thì họ không bao giờ nhớ được thương hiệu đó.
– Định vị thương hiệu nhằm truyền thông tinh chất của thương hiệu một cách đồng nhất trên mọi phương tiện truyền thông từ đó xây dựng tài sản của thương hiệu (Brand Equity)
Bước 3: Xây dựng chiến lược thương hiệu
Sau khi đã định vị được thương hiệu, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thương hiệu trong dài hạn (3 năm trở lên)bao gồm:
– Mục tiêu của thương hiệu trong từng năm.
– Mức chi tiêu cho khuếch trương thương hiệu trong từng năm.
– Kế hoạch tung sản phẩm mới theo từng năm.
– vv..vv
Bước 4: Xây dựng chiến dịch truyền thông
Sau khi đồng ý chiến lược về thương hiệu, người quản lý thương hiệu dựa trên ngân sách của năm thứ nhất để lên kế hoạch truyền thông cho cả năm.
Kế hoạch bao gồm tháng nào tiêu bao nhiêu tiền, quảng cáo thông điệp nào, trên các kênh nào…vv.
Bước 5: Đo lường và hiệu chỉnh kế hoạch truyền thông
Sau mỗi giai đoạn truyền thông, cần có sự đo lường hiệu quả của chiến dịch truyền thông để có sự hiệu chỉnh kịp thời.
Các thông tin thường phải được thu thập bao gồm:
– Có bao nhiêu % người biết thương hiệu (brand awareness)?
– Họ nhớ được những yếu tố nào của thương hiệu đó?
– Họ có mối liên hệ/nhận xét về thương hiệu đó thế nào?
– Có bao nhiêu % người dùng thử thương hiệu đó?
– Có bao nhiêu % người tiếp tục dùng sau lần dùng thử?
– Có bao nhiêu % người giới thiệu cho người khác về thương hiệu?
Kết thúc phần 1 của loạt bài xây dựng thương hiệu cho starup, nếu bạn là một nhà khởi nghiệp, hãy nhớ rằng bí quyết xây dựng thương hiệu cho startup là cảm xúc mà thế giới dành cho những gì bạn làm. Nếu bạn có thể thổi hồn những xúc cảm đó vào thông điệp thương hiệu của bạn và phát sóng trên nhiều phương tiện truyền thông báo chí, thì bạn đã đi được hơn nữa chặng đường rồi,
Giai đoạn khởi nghiệp được xem là thời điểm tốt nhất để bắt đầu xây dựng thương hiệu, xác lập danh tiếng của startup. Việc làm này cần song hành với phát triển sản phẩm, cho dù nguồn lực về tài chính cũng như nhân sự của startup còn nhiều giới hạn. Hãy cùng theo dõi bài viết tiếp theo của SaleKit để hiểu và học hỏi thêm nhiều kiến thức về xây dựng thương hiệu cho những ai muốn “dấn thân” vào con đường kinh doanh nhé!
Nguồn: https://salekit.vn/blog/xay-dung-thuong-hieu-va-nhung-dieu-starup-can-phai-khac-cot-ghi-tam-phan-1-.html
Post Views:
739