Nội dung số: Mỏ vàng đã lộ thiên

Nội dung số đang phát triển với quy mô một ngành công nghiệp mới, có thể vượt qua dệt may, xăng dầu… về giá trị kinh tế.

Nội dung số đang hình thành một ngành công nghiệp quy mô tại Việt Nam. Từ mức chỉ đạt 3.000-4.000 tỉ đồng cách đây 10 năm, đến nay ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam đã có doanh số chục ngàn tỉ đồng. Doanh nghiệp trong nước đang bắt kịp làn sóng này và hướng tầm nhìn ra thế giới.

Ngành công nghiệp mới

Tính riêng trong cộng đồng ASEAN với hơn 400 triệu người, doanh thu hằng năm của ngành công nghiệp nội dung số khu vực ước đạt 150 tỉ USD, trong đó nguồn thu từ bản quyền đạt 5-7 tỉ USD và lên tới 55-65 tỉ USD cho các dịch vụ nội dung số.

Ở Việt Nam, trong bối cảnh thiết bị và hạ tầng mạng ngày càng phát triển, dân số trẻ, số người dùng smartphone ngày càng tăng, hạ tầng internet và băng rộng ngày càng phát triển, tuy tỉ trọng doanh thu của công nghiệp nội dung số trong toàn ngành công nghệ thông tin chưa đạt được 10% nhưng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đã xác định, nội dung số là thị trường đầy tiềm năng, sẽ bùng nổ. Trong 5-10 năm tới, ngành nội dung số phát triển được dự báo chỉ sau du lịch, vượt qua dệt may, xăng dầu… về giá trị kinh tế mang lại cho Việt Nam và ước chừng có một triệu lao động.

Thị trường nội địa cho công nghiệp nội dung số ở Việt Nam có cơ hội rất lớn bởi dân số trẻ, với tổng dân số xấp xỉ 95 triệu dân trong đó có hơn 60% dân số dưới 35 tuổi và thu nhập bình quân đang tăng trưởng nhanh, đặc biệt tầng lớp trung lưu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 đạt 33 triệu người. Tại Việt Nam, một số công ty nội dung số đạt quy mô lớn như VNG và VCCorp có khoảng 4.000 người, doanh thu hằng năm vài ngàn tỉ đồng. Những công ty này dường như đang vẽ nên ngành công nghiệp nội dung số quy mô tại Việt Nam.

“Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới về thuê bao di động và internet. Thế hệ trẻ Việt Nam cũng là những người yêu công nghệ, việc sử dụng điện thoại và internet như là một chuẩn mực trong đời sống hằng ngày nên nhu cầu nội dung số là rất lớn và không ngừng tăng trưởng”, bà Esther Nguyễn, CEO POPS Worldwide, đánh giá.

Theo đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực ASEAN với 92% người xem video trực tuyến mỗi tuần, kế đến là Philippines với 85%, Indonesia với 81%. Trong vòng 4 năm, tỉ lệ xem video trực tuyến trên smartphone đã tăng từ 10% lên 64%. Có đến 97% người Việt Nam được phỏng vấn nói rằng họ dùng dịch vụ “video theo yêu cầu” để xem phim, 90% xem chương trình giải trí, 89% xem tin tức từ các kênh địa phương, 87% xem ca nhạc, 84% xem phim nước ngoài.

Dịch chuyển ngược

Tháng 11.2018, NBC Universal, tập đoàn truyền thông và giải trí thế giới phát hành chuyên trang giải trí E!Zone tại Việt Nam. Là hãng truyền thông chuyên tổng hợp các tin tức Hollywood về thời trang, làm đẹp và chuyện đời tư của các ngôi sao, người nổi tiếng bằng hàng loạt series truyền hình thực tế, NBC Universal đã cung cấp nội dung cho hơn 165 lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, NBC Universal không đi theo cách cũ, phát sóng trên truyền hình, mà hợp tác với POPS Worldwide, xây dựng kênh giải trí trên nền tảng số.

noi-dung-so

Cụ thể, nội dung của NBC Universal sẽ được chuyển giao cho POPS Worldwide, một trong những thương hiệu đầu tiên phát triển hệ sinh thái nội dung số tại Việt Nam. POPS sẽ đảm nhận công tác Việt hóa và độc quyền phát hành các chương trình truyền hình thực tế thuộc kênh truyền hình E! phát sóng trên hệ sinh thái internet.

Bà Christine Fellowes, Giám đốc Điều hành NBC Universal International Networks, Asia Pacific cho biết, nhu cầu người xem hiện nay là nội dung phải được cung cấp nhanh, linh hoạt thời gian nên nền tảng số sẽ thay thế truyền hình để giải quyết được nhu cầu này. Đó chính là lý do, lượng người xem nội dung trên internet ngày một cao hơn, tỉ trọng này mới là đối tượng các đơn vị sản xuất nhắm đến. Do vậy, ở thị trường Việt Nam, NBC Universal chấp nhận đi ngược hướng từ giai đoạn này, nuôi dưỡng cho thị trường tương lai.

Ông Nguyễn Thành Vinh, CEO Khang Media, đơn vị sản xuất những chương trình truyền hình đình đám như Cười Xuyên Việt, Solo Cùng Bolero… cho biết dịch chuyển từ truyền hình sang cung cấp nội dung số là xu hướng không thể tránh khỏi. Làn sóng này đã diễn ra và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Hiện nay, các kênh truyền hình truyền thống vẫn mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất nội dung nhưng rõ ràng, con số đã không bằng trước đây.

Do đó, cách duy nhất để tồn tại là các nhà sản xuất nội dung truyền thống đang có những bước chuyển với việc thành lập các kênh online của mình trên nền tảng internet. Tuy nhiên, ông Vinh cũng khẳng định: “Thời điểm này, online cũng chỉ là kênh hỗ trợ thêm, sau khi phát sóng truyền hình bởi thực tế là nguồn thu từ online hiện khá nhỏ, chưa đủ và xứng để nhà sản xuất có thể đầu tư”.

Đồng quan điểm, bà Esther Nguyễn, CEO của POPS Worldwide cũng cho biết, dù tỉ lệ người dùng rất cao nhưng nguồn thu từ nội dung số ở Việt Nam vẫn không bằng các thị trường khác. Nguyên nhân là do người Việt thường Skip Ad, không chấp nhận thời gian dành cho nhà tài trợ nên nguồn thu mà các đơn vị sản xuất nhận được vẫn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu không tham gia thị trường từ giai đoạn này, các đơn vị sản xuất có thể lỡ cuộc chơi. Bà Esther khẳng định: “Nhu cầu nội dung sẽ ngày một lớn hơn trong thời gian tới, cả ở Việt Nam và thế giới”.

Thời gian tới, POPS Worldwide và NBC Universal sẽ hợp tác sản xuất một số nội dung giải trí mới mang dấu ấn văn hóa nội địa. Các nội dung này sẽ được phân phối chính trên chuyên trang E!Zone. Tất cả những bước chuẩn bị này, không đơn thuần là làm chủ thị trường Việt Nam mà còn bước ra thị trường thế giới. “Sau khi thử nghiệm mở văn phòng tại Thái Lan trong năm 2017, gặt hái nhiều thành công, POPS đang có kế hoạch mở thêm văn phòng tại Philippine, Indonesia… làm bàn đạp chinh phục thị trường châu Á. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có lợi thế khi tham gia thị trường hấp dẫn này của khu vực”, bà Esther Nguyễn cho biết.

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *