Có bao giờ bạn từng thắc mắc, tò mò về Nón Sơn – một thương hiệu từng làm mưa làm gió trong thị trường mũ thời trang nhưng đi ngang các cửa hàng, lúc nào cũng đều thấy rất vắng khách. Hầu như chỉ thấy nhân viên ra vào ở cửa hàng.
Dù vậy, Nón Sơn vẫn đang mở rộng chuỗi kinh doanh hơn 100 cửa hàng, toàn ở vị trí đẹp và giá bán rất cao. Thậm chí ở các điểm bán vẫn treo biển tuyển nhân viên liên tục. Thật ra Nón Sơn kinh doanh và vận hành như thế nào để duy trì và phát triển được như vậy? Hãy cùng Hoc11.vn khám phá thử nhé!
Nón Sơn luôn thuê vị trí đẹp để đỡ tiền quảng cáo:
Chúng ta có thể thấy được ngoài các sản phẩm màu sắc bắt mắt, ưu điểm vượt trội của Nón Sơn chính là mức độ phủ sóng rộng rãi. Việc sơn hồng toàn bộ căn nhà thuê (màu chủ đạo của Nón Sơn) khiến cho các cửa hàng vô cùng nổi bật tại những ngã ba, ngã tư, vòng xoay và trên các mặt phố lớn.
Với những vị trí mặt bằng đắc địa, tiền thuê cửa hàng chắc hẳn chiếm phần đáng kể trong tổng chi phí mở rộng và vận hành của chuỗi bán lẻ này. Cộng thêm khoản phụ phí decor không í tcũng góp phần làm tăng chi phí mặt bằng.
Nón Sơn hiện có hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc. Riêng TP HCM, hãng này có 30 cửa hàng; Hà Nội: 13; Quảng Ninh: 4; Đà Nẵng: 2; Đồng Tháp: 2… Trung bình mỗi năm, hệ thống này tăng thêm 20 cửa hàng, hầu hết tăng ở các tỉnh, thành địa phương.
Tại Hà Nội, các cửa hàng của Nón Sơn đều nằm trên các tuyến phố lớn như: Hàng Bông, Hàng Nón, Thanh Niên, Tôn Đức Thắng, Đại Cồ Việt, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Khuyến, Xã Đàn… Tại TP. HCM, các điểm bán cũng đều nằm ở vị trí đắc địa. Tại quận 1, hãng có 4 cửa hàng trên các đường Võ Thị Sáu, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Trãi và Phạm Hồng Thái,…
Theo thông tin chia sẻ, một quản lý cửa hàng Nón Sơn tại TP HCM cho hay: Nón Sơn vẫn phát triển tốt nhờ việc không chi tiền cho quảng cáo. Chi phí cho việc quảng cáo thường rất lớn nhưng nhờ vào chiến lược “án ngữ” ở những vị trí đắc địa, đáng mơ ước. Vô hình trung, việc này được xem như là công tác truyền thông PR cực tốt cho Nón Sơn.
Thay vì quảng bá thương hiệu, họ thuê những vị trí đẹp, trang trí bắt mắt để nổi bật, thu hút người qua đường. Thêm vào đó, có những cửa hàng thuê đã lâu rồi nên giá cả không đắt như thuê tại thời điểm hiện tại. Nón Sơn cũng là công ty lớn nên đối tác cũng tin tưởng. Đó là lý do vì sao thương hiệu này vẫn phát triển tốt dù các cửa hàng luôn vắng khách.
Nguồn doanh thu chủ yếu từ khách hàng doanh nghiệp & đại lý:
Thêm một câu trả lời cho việc vì sao Nón Sơn vắng khách mà công ty vẫn cân bằng được tài chính. Quản lý của họ cho biết, nhiều khách của thương hiệu này là các công ty lớn. Họ đặt với số lượng rất lớn và thường xuyên để tặng nhân viên, để thực hiện các chương trình khuyến mại.
“Khách hàng lớn của của hàng tôi là công ty Yamaha hoặc ngân hàng Nông nghiệp. Họ mua rất nhiều để tặng nhân viên hoặc tri ân khách hàng, thực hiện các chương trình khuyến mại”, người quản lý chia sẻ. Quản lý này cũng cho biết thêm hãng không xuất khẩu mà chỉ bán trong nước nhưng vẫn giữ được doanh thu tốt. Ngoài ra, công ty còn bán cho các đại lý bán lẻ, có đội ngũ bán hàng online.
Sản phẩm của Nón Sơn tuy mắc nhưng chất lượng “tiền nào của nấy”:
Theo một nhân viên bán hàng của Nón Sơn cho hay, khách của họ chủ yếu là giới trẻ trung lưu trở lên. Họ dùng hàng của Nón Sơn rồi thành “ghiền”. Thông thường, họ không dùng của thương hiệu khác nữa. Theo nhân viên này, các loại mũ của Nón Sơn được làm thủ công, màu pha rất đẹp, không bị lỗi chỉ. Mỗi ngày, một công nhân lành nghề cũng chỉ làm được 3 chiếc.
Mặc dù nguyên liệu nhập khẩu nên giá thành cao, dao động từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng. Nhưng vì sản phẩm được làm thủ công và chất lượng nên khách hàng khi sử dụng luôn hài lòng. Từ đó, khách cảm thấy “tiền nào của nấy”, mua sản phẩm đáng tiền và tiếp tục ủng hộ lần sau. Chưa kể giá bán hàng online còn luôn được “giảm giá”. Nhưng khách hàng mua online sẽ không được mua 1 tặng 1 như ở đại lý.
Ngoài ra, Nón Sơn còn hay khuyến mại các vật dùng kèm theo như móc chìa khóa, giảm giá hoặc những ưu đãi khác. “Giá online và đại lý nhìn chung là bằng nhau”, người bán hàng chia sẻ. Hãng cũng chia sẻ thêm là bộ phận sản xuất luôn phải cân đối trong việc làm hàng theo nhu cầu để lượng hàng vừa đủ, không tồn kho, bán ra thị trường rồi tái đầu tư.