Có một bà mẹ rất dị ứng với game (trò chơi điện tử), vì cậu con trai học lớp 11 của bà suốt ngày mê game.
Cậu này học giỏi nhưng “chưa đạt yêu cầu” theo ý bà mẹ bởi chỉ học kiểu đối phó, ỷ lại việc học thêm nhà thầy cô chứ không chịu tự học. Nếu dùng thời gian chơi game đó để đọc sách, giải thêm bài tập, rèn luyện tiếng Anh thì cậu ta sẽ rất giỏi. Bà khẳng định, kết quả học qua cuốn sổ liên lạc đa phần chạy theo thành tích. Cuối năm học, lớp có con số đẹp trình với trường, trường trình với Sở. Lối giáo dục chuộng thành tích ấy sẽ khiến cả lũ học trò cấp ba hụt hẫng khi vào đại học. Chúng đã quen với việc người khác tư duy giùm, học theo định mức, lười biếng tư duy… Bà kết luận, nguyên nhân chính là vì game! Nếu thoát ra được những trò chơi “ma mị” ấy thì con bà mới chú tâm học tập, nắm vững lý thuyết, giải đa dạng bài tập…
Một ngày, bà mẹ ngồi xếp quần áo cạnh cậu con trai đang say sưa chơi game. Khi ấy cậu không đeo tai nghe mà mở loa. Bà nghe tiếng nhạc vẳng ra hay quá mới hỏi con nhạc ở đâu, bài gì, cậu trả lời, nhạc game đó mẹ. Bà ngẩn người, không ngờ nhạc game hay đến thế! Lúc này cậu con mới giải thích, game bây giờ do tính chất cạnh tranh cao nên nhạc phải hay, trò chơi phải độc, câu chuyện phải lạ. Cậu còn biện luận rằng, chính bởi người chơi tham gia là một trong các nhân vật của game nên tính tương tác giữa game và người chơi không thụ động như việc đọc sách! Tất nhiên, bà mẹ phản ứng rất dữ, nhưng khi bình tĩnh lại, bà thấy, bây giờ đã khác trước nhiều rồi, nếu không chịu thay đổi tư duy thì bà sẽ không tìm thấy điểm chung với con cái nữa. Từ không cùng “hệ” ấy, làm sao hiểu và biết con nghĩ gì, ước mơ ra sao…
Bà mẹ hiểu ra, game giờ đây là một ngành công nghệ làm ăn phát đạt. Người ta bỏ tiền của, chất xám vào đó, cải tiến liên tục sao cho chinh phục không chỉ giới trẻ mà cả giới trung niên, thậm chí người cao tuổi. Có một công việc mà nhận vào chỉ để… chơi game. Chơi mới phát hiện ra lỗi, đề xuất cải tiến, căng đầu căng óc chơi để có ý tưởng mới… Nếu ngày xưa người ta chú trọng đến sáng chế, thì giờ đây phải chú trọng việc đổi mới. Sáng chế có thể thành công hay thất bại, nhưng đổi mới phải hội đủ ba yếu tố: mới lạ, hữu ích và thành công. Như thế mới gọi là vận động không ngừng để phát triển. Game lại cần phải đổi mới liên tục để chinh phục người chơi. Chơi mà, mãi một thứ sẽ chán.
Rồi bà lại suy nghĩ phản biện của con về việc đọc sách. Dù không đồng tình nhưng bà phải thầm chịu rằng, mỗi thời mỗi khác. Làm sao ép đứa trẻ ôm cuốn sách, phải nghiền ngẫm từng chữ mới thấy được áng văn hay, nghĩa đen, nghĩa bóng; trong khi đó, game cũng là câu chuyện, có cốt truyện và người chơi được làm một trong những nhân vật của câu chuyện đó. Tất nhiên, chính bởi mối tương tác chủ động, đòi hỏi liên tục đạt được “level” cao đã khiến người chơi không còn quan tâm đến gì khác, dẫn đến… gây nghiện. Bà nhớ lại, ngày xưa, anh trai bà ghiền truyện của Kim Dung, cứ chui vào góc nhà luyện hết bộ này đến bộ khác, xao nhãng học hành bị ông bố la mắng. Rồi chị của bà ghiền phim bộ, làm việc gì cũng qua loa cho xong để thời gian ôm tivi. Nên cũng phải chấp nhận “hiện thực xã hội” để không phát hoảng lên vì con cái ghiền game. Vấn đề là chừng mực mà thôi. Bà vừa nghe được câu chuyện của một người bạn ở nước ngoài, rằng vợ chồng họ vừa xin lỗi cậu con trai năm nay ba mươi tuổi, do lúc nhỏ đã la mắng, đánh đòn con vì tội mê game. Giờ đây, “cậu mê game” ấy đang làm giám đốc điều hành một công ty phần mềm chuyên về game. Cậu đã bắt đầu từ công việc một nhân viên… chơi game. Vậy nên, cũng đừng quá sốt ruột khi con cái không theo ý người lớn. Chúng có ước mơ chứ không phải vùi đầu vào game mà không biết suy nghĩ. Tất nhiên, không nói đến những cô cậu vì game mà bỏ cả học hành, nghiện đến mức sinh tệ nạn.
Vai trò của người lớn chỉ nên là cái thắng, kiềm hãm bớt những nông nổi của tuổi trẻ và hướng thiện cho chúng là đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” rồi!
Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/hoan-thanh-xuat-sac-nhiem-vu-duoc-giao-78333.html