Nhiều người than phiền dường như rất lâu rồi gia đình họ không còn cảnh bốn thành viên cùng ngồi lại với nhau. Không chỉ con cái lớn lên đi học xa mà ở gần cũng thành xa lạ.
Câu chuyện của một bà mẹ dưới đây có thể là lời nhắc cho các bậc cha mẹ, hãy nhìn kỹ con mình hơn nữa.
Con trai chị hiện đang học năm thứ ba một trường đại học (xa nhà). Tết năm ngoái khi cháu về nhà, chị thấy cháu có hiện tượng sút cân nhưng chủ quan cho rằng có thể do cháu đang trong thời gian chỉnh răng, ăn uống kém hơn bình thường; thêm nữa cháu ở chung với chị gái, trước đây, chị còn đi học, có thời gian nấu cơm cho em ăn, chị vừa xin được việc làm hơi xa nhà, giờ giấc cập rập, ít duy trì bữa cơm cho hai chị em mà toàn ăn cơm hộp. Với suy nghĩ như vậy nên chị không chú ý quan sát nhiều những thay đổi bề ngoài của cháu.
Đến hè cháu không về nhà vì bận học quân sự. Tháng sau chị vô thăm và không thể tin vào mắt mình khi cháu sụt đến mười kilô, gầy như một cây tre, cảm giác có thể bẻ gãy làm đôi. Khi ấy chị vẫn chưa biết nguyên nhân gì ảnh hưởng đến thể trạng cháu như vậy.
Giải pháp tình thế của chị là đi mua ngay một cái bàn ăn cơm đặt cạnh bếp, không cho cháu mang tô cơm ngồi ăn cùng với máy vi tính nữa. Ở với cháu ba ngày, chị phát hiện tay cháu bị run khi cầm đũa ăn cơm. Lúc đó chị vẫn nghĩ do cháu gầy sút dẫn đến suy dinh dưỡng nên run tay.
Hai ngày sau, ngồi ăn cơm cùng với con, qua nói chuyện trao đổi, nhìn kỹ quan sát con, chị mới phát hiện cổ cháu hơi to giống như có bướu cổ. Sau đó chị đưa cháu vào bệnh viện khám và làm các xét nghiệm. Kết quả cháu bị cường giáp. Bác sĩ chẩn đoán bảo rằng cháu bị bệnh này gần một năm rồi! Tiếp theo là một quá trình điều trị lâu dài trong thời gian một năm rưỡi, mỗi tháng làm xét nghiệm một lần và uống thuốc theo toa bác sĩ.
Từ việc của con trai, chị rút ra một kết luận rằng, cha mẹ phải để ý quan sát con mình ngay cả khi chúng trưởng thành. Chính việc thiếu đối thoại trong gia đình không những đẩy tình cảm xa dần mà có nhiều vấn đề không lường được như trường hợp con trai chị.
Trong thời gian bệnh, cháu có hiện tượng nóng trong người, thường xuyên khát nước, tim đập rất nhanh. Nhịp tim không bình thường là một dấu hiệu rất nguy hiểm đến tính mạng. Chính lúc chuyện trò với con, chị mới có dịp quan sát những biểu hiện bất thường và can thiệp kịp thời.
Trong cuộc sống nhiều lúc chúng ta không chú ý hay đến lúc con cái không còn thích gần gũi cha mẹ chuyện trò như hồi chúng còn bé, cha mẹ mất đi cơ hội quan sát con cái mình từ những việc rất nhỏ đôi khi gây ảnh hưởng lớn.
Kinh nghiệm của chị, ưu tiên hàng đầu “giữ lửa” trong gia đình là chiếc bàn ăn. Phải làm sao duy trì được bữa cơm cùng nhau, nói chuyện, quan sát con cái. Trao đổi những vấn đề ngoài đời thực, kể những chuyện đời thực. Chị cho rằng, gia đình nào duy trì việc ngồi chung bên mâm cơm, cùng ăn những món ăn, gia đình ấy mới có sự gắn kết, chan hòa hạnh phúc.
Nhiều gia đình có thói quen ngồi lại rất lâu bên bàn ăn. Xong bữa cơm rồi mà các thành viên chưa ai muốn đứng lên vì câu chuyện đến hồi rôm rả, khó dứt. Có gia đình chọn cách tiếp khách vào giờ ăn trưa hay tối. Theo họ, chính trong bữa cơm chủ – khách mới có nhiều chuyện để nói, không có “khoảng lặng”.
Đối thoại trong gia đình ngày càng hiếm bởi thứ nhất là không còn duy trì bữa cơm chung, thứ hai là các thành viên trong gia đình không muốn ngồi lại lâu với nhau quanh bàn ăn do ai cũng có khoảng trời riêng cho mình, đa phần là chuyện trên thế giới ảo!
Một vấn đề nữa là gia đình cần duy trì việc cuối tuần cả nhà kéo nhau đi ăn đâu đó, có thể là ăn sáng, cà phê hay ăn trưa, tối… Không khí quán xá nhiều khi khiến mọi người dễ cởi mở tâm tình với nhau hơn mà không gian gia đình không thể tạo được cảm xúc này!