Jen Prosek là nhà sáng lập của một công ty PR quốc tế. Bà khởi nghiệp từ những năm ở tuổi hai mươi. Khi có con gái (sinh năm 2007), Jen đã tự hỏi liệu điều gì cha mẹ có thể làm để ảnh hưởng đến chỉ số “IQ khởi nghiệp” của con mình.
Để trả lời câu hỏi này, bà đã liên hệ với tiến sĩ Richard Rende, một chuyên gia nghiên cứu về phát triển ở trẻ em và họ đã định ra những khía cạnh mà cha mẹ có thểảnh hưởng lớn ở trẻ.
Trong thế giới đang thay đổi rất nhanh của chúng ta, trẻ cần những kỹ năng mới để có thể thành công. Giúp trẻ có được những tính cách khởi nghiệp này sẽ tạo cho trẻ một nền tảng vững chắc để trẻ có thể xác định, theo đuổi và đạt được sự thành công của chính mình.
Sau đây là những kỹ năng khởi nghiệp đáng để chúng ta vun trồng ở trẻ:
Sẵn sàng đón nhận trải nghiệm
Trẻ được sinh ra để khám phá. Chúng cởi mở và tò mò về thế giới xung quanh. Hãy để trẻ nghe theo bản năng, không ngừng khám phá và củng cố điều đó bằng sự nhiệt tâm và ngạc nhiên. Những người trưởng thành biết sẵn sàng đón nhận trải nghiệm sẽ luôn mở “màn hình radar” của họ. Họ nhìn thấy những cơ hội mà người khác không thể thấy và sẵn sàng đón nhận thách thức, tạo nên sự thành công cả trong công việc và trong cuộc sống.
Tầm nhìn của một nhà sáng tạo
Sự sáng tạo không chỉ dành riêng cho những ai tạo nên công nghệ hay doanh nghiệp mới. Người trẻ của thế giới hôm nay nên là những “nhà phát minh liên tục”, phát minh nên các giải pháp và cách tiếp cận mới đối với những vấn đề đang tồn tại.
Hãy cho phép trẻ thử nghiệm ý tưởng khi chơi và làm bài tập (mà không chịu chỉ trích). Bằng cách để trẻ đề xuất những giải pháp của mình, bạn có thể giúp con trẻ phát triển và củng cố khả năng sáng tạo và tư duy.
Và nên bảo đảm rằng bạn đang vun đắp nên một môi trường mà ở đó sự thất bại được khoan dung. Các nhà phát minh đón nhận những trải nghiệm và biết rằng phải thất bại để thành công.
Lạc quan
Nếu có một đặc tính để liên tưởng tới những nhà khởi nghiệp, đó chính là sự lạc quan. Những nhà khởi nghiệp thành công tin rằng họ có thể thay đổi, làm điều gì đó tốt hơn qua chính những nỗ lực của họ. Một tính cách lạc quan mang lại những lợi thế về sức khỏe, nghề nghiệp và cuộc sống.
Để khuyến khích sự lạc quan ở trẻ, hãy định hình mỗi ngày trong cuộc sống một cách lạc quan, làm gương về tinh thần lạc quan trong cách suy nghĩ, giải quyết vấn đề và nuôi dưỡng lòng biết ơn. Và hãy nhớ rằng sự lạc quan có khả năng lan tỏa. Tính cách lạc quan của người cha và mẹ sẽ thấm vào con trẻ.
Sự cần mẫn
Những người thành công phải “có bàn tay dính bẩn”, đôi lúc theo nghĩa đen – nghĩa là phải “xắn tay lên mà làm”. Để giúp trẻ hình thành một tinh thần làm việc mạnh mẽ, trẻ cần học được giá trị của phần thưởng có thật mỗi khi hoàn thành một công việc nào đó.
Các phụ huynh nên cưỡng lại sự thôi thúc muốn “dọn đường” cho con trẻ hay làm thay trẻ điều mà trẻ có thể tự làm được. Một cách đã được sử dụng và chứng minh hiệu quả từ lâu có thể giúp rèn luyện tính siêng năng là giao trẻ làm việc nhà.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tham gia làm việc nhà từ lúc còn nhỏ có liên quan mật thiết đến sự thành công trong đường học vấn và sự nghiệp cá nhân ở thời điểm hai mươi năm sau đó của cuộc đời.
Tìm kiếm cơ hội
Trẻ cần thoải mái tìm kiếm cơ hội – trong học tập, trong xã hội, đời sống cá nhân và hoạt động thể chất – mà không sợ hãi về những hệ quả tiêu cực. Khi trẻ cảm thấy an toàn và được hỗ trợ, trẻ sẽ phát triển sự tự tin mà các em cần có để có niềm tin vào óc phán xét và bản năng của mình và tự do đón nhận cơ hội mà mình nhìn thấy.
Dễ mến
Sự dễ mến khi còn trẻ nhỏ sẽ chuyển thành sự thành công khi trưởng thành. Nên lưu ý rằng dễ mến không tương đồng với sự nổi tiếng. Dễ mến là quan hệ tốt với những người xung quanh. Cha mẹ đóng một vai trò lớn trong việc giúp trẻ phát triển năng lực xã hội. Phụ huynh có thể giúp con mình điều đình các mâu thuẫn mà không gây bất đồng, làm hình mẫu cho con trong việc hợp tác với người khác và nâng cao kỹ năng giao tiếp.
Biết cảm thông
Có một phẩm chất được xem là chìa khóa cho sự thành đạt của những nhà khởi nghiệp: tinh thần phục vụ người khác. Trong bất cứ nỗ lực nào, nếu mọi người không đóng góp điều gì đó được mong muốn và cần, họ không thể thành công. Thanh niên ngày nay có thể sở hữu một lý lịch trên cả tuyệt vời nhưng lại có cảm giác được đặc quyền và thiếu sự cảm thông – điều sẽ cản trở bước đường của họ. Hãy chia sẻ những cảm xúc của bạn với con và giúp các em hiểu rằng cảm xúc của người khác quan trọng như thế nào. Lòng nhân ái và sự cảm thông sẽ thay đổi thế giới và cuộc sống của trẻ theo hướng tốt đẹp hơn.
Không phải tất cả mọi đứa trẻ đều trở thành nhà khởi nghiệp nhưng những phẩm chất khởi nghiệp sẽ giúp trẻ định hướng tốt hơn trong thế giới hôm nay. Giống như các nhà khởi nghiệp, các em có thể tự tạo nên con đường của riêng mình trong thế giới này mà không cần có một bản đồ chỉ dẫn. Các bậc phụ huynh có thể giúp con mình hình thành con đường có thể sử dụng tài năng và khả năng của các em để tạo nên sự thành công cho bản thân và cho người khác.
Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/nhung-tinh-cach-khoi-nghiep-nen-vun-trong-cho-tre-203532.html
- Tổng hợp các nguồn tài liệu chính thống và uy tín nhất về Google Marketing.
- Toàn diện về Google Panda cốt lõi của thuật toán – cập nhật cho năm 2018
- 9 Google My Business update mà bạn không nên bỏ lỡ
- Ngành bán lẻ mỹ phẩm: bán hàng online hay cửa hàng truyền thống (P2: cửa hàng online)
- Top 10 phần mềm học tiếng Anh cho bé hay nhất cha mẹ không nên bỏ qua (phần 1)