Con cái là tình yêu của đời bạn, là niềm vui, niềm tự hào của bạn, lúc con còn bé cũng thế và khi lớn lên cũng thế. Nếu đó là đứa con duy nhất, nó luôn giành lấy tất cả tình yêu thương và sự chú ý của bạn. Vì thực tế đó, những đứa trẻ con một thường “già nhanh”, sống để làm vui lòng người khác và là “những nhà lãnh đạo bẩm sinh”. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có con một cũng cần lưu ý một số đặc điểm cá tính để có thể giúp con lớn lên hạnh phúc và thành công.
1. Con không phải là “tôi-thu-nhỏ” của ba mẹ
Là con một, trẻ thường lớn lên như những “người lớn bé nhỏ”, rất vâng lời và hăng hái làm vui lòng bề trên – chính là bạn. Nhưng trong cuốn sách The Birth Order Effect (tạm dịch: Ảnh hưởng của thứ tự chào đời), các tác giả Cliff Isaacson và Kris Radish cho rằng con một “cần thời gian và không gian tự do để làm điều mình muốn”. Những người mẹ cần nhận ra rằng bé gái sáu tuổi của họ sẽ không trở thành vận động viên tầm cỡ thế giới – điều mà người mẹ mong muốn nhưng không thể hoàn thành; và những người cha phải chấp nhận sự thật rằng con trai của họ sẽ không thành bác sĩ, kỹ sư hay thương gia sở hữu hàng trăm triệu đôla trước tuổi 30. Đứa con duy nhất của bạn không phải là “cơ hội thứ hai cho khát vọng của bạn”. Vì thế, đừng áp đặt mong muốn của cha mẹ lên con. Thay vào đó, hãy để cho con tự do khám phá những quan tâm của bản thân. Đứa con nhỏ bé của bạn có thể sẽ không trở thành một ngôi sao ca nhạc nhưng tương lai sẽ là một nhà khoa học tài ba.
2. Phụ huynh cần cưỡng lại mong muốn can thiệp quá sâu
Con một có khuynh hướng trở thành người theo chủ nghĩa hoàn hảo, vì thế cha mẹ đừng cố “làm lại” mọi điều nhỏ nhặt mà con đã làm, chẳng hạn dọn lại giường ngủ của con hay lau lại kệ sách mà con vừa lau xong. Nếu như thế, bạn càng làm cho thói quen chạy theo “chủ nghĩa hoàn hảo” của con thêm trầm trọng. Tiến sĩ Kevin Leman, tác giả quyển sách The Birth Order Book: Why You Are the Way You Are (tạm dịch: Ảnh hưởng của thứ tự chào đời lên tính cách), nói: “Đừng cố cải thiện mọi thứ mà đứa con duy nhất của bạn nói hoặc làm”.
3. Tập cho con tính kỷ luật
Không có anh chị em, những người con một có khuynh hướng hay chỉ trích và thậm chí “tự cho mình là trung tâm”. Một số người khó học cách chia sẻ, thương lượng hoặc không giỏi ứng biến. Họ dễ đặt suy nghĩ, cảm xúc và động cơ của mình lên người khác, thậm chí ngắt lời người khác nếu cần. Vì thế, phụ huynh cần tập cho con tính kỷ luật và khả năng tự kiểm soát, cho con thấy rằng “đã làm sai thì không thể trốn chạy được”.
4. Tập vượt qua mức xà cao
Con một có khuynh hướng chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu người theo chủ nghĩa hoàn hảo nản chí? Những mong đợi không thực tế sẽ dẫn đến thất bại, nhưng điều quan trọng là cách đối đầu với thất bại. Trước hết, đừng để con “đắm đuối” với những độc thoại tiêu cực, chẳng hạn “chuyện này thế nào cũng xảy ra với mình! Nó luôn xảy ra với mình mà!”; thay vào đó, hãy giúp con xem xét kỹ tình huống. Lý do vì sao lại có kết quả như thế? Liệu có còn sự chọn lựa nào khác không? Sau hết, luôn là người giỏi nhất trong mọi chuyện không phải là tất cả.
5. Dừng lại và lắng nghe mùi hương của hoa hồng
Theo tiến sĩ Leman, con một thường tham vọng, táo bạo và sẵn sàng hy sinh để đạt được thành công. Tuy nhiên điều này có thể khiến một đứa trẻ 10 tuổi yêu đàn piano tự đặt áp lực phải học xong những tác phẩm của Tchaikovsky trước giờ đi ngủ. Hãy cho con biết rằng xác lập mục tiêu là điều tốt nhưng ngoài công việc, sự nghiệp thì cuộc sống còn có nhiều thứ khác và niềm tự hào của bạn về con không hề suy giảm nếu con không thể chiến thắng ở kỳ liên hoan dành cho tài năng âm nhạc trẻ.
6. Con cần học cách tự giải quyết vấn đề
Vì đó là đứa con duy nhất nên bạn sẽ dành nhiều thời gian cho con. Và điều này cũng có thể dẫn đến một khả năng: con của bạn không bao giờ học được cách tự làm bất cứ thứ gì. Gần gũi và hướng dẫn cho con là điều tốt nhưng đôi khi cũng cần cho con đối mặt với những bất trắc để con có thể phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và khẳng định sự độc lập. Theo thời gian, trẻ có thể phạm sai lầm và giải quyết tình huống mà không cần bạn giúp. Một bé gái năm tuổi bám vào váy mẹ và không chịu đến trường là một hình ảnh dễ thương. Nhưng, hình ảnh tương tự không còn dễ thương nữa khi cô ấy đã 18 tuổi.
7. Đừng để con trở thành “đứa con một cô đơn”
Theo Isaacson và Radish, trẻ con một có thể đối mặt với sự cô đơn vì không có anh chị em. Và để tránh cảm giác này, trẻ thường xây dựng những người bạn tưởng tượng và gắn bó với những món đồ như búp bê hoặc thú nhồi bông. Dù cho cha mẹ có quan tâm thế nào đi nữa, đôi khi trẻ chỉ cần một người bạn cùng lứa tuổi. Vì thế, nên cố gắng tạo tình huống để trẻ có thể kết bạn với trẻ đồng trang lứa. Chẳng hạn, đăng ký để trẻ học đá bóng hay cùng con đến công viên.
8. Hãy cười cùng con!
Theo tiến sĩ Leman, những đứa trẻ là con một có thể rất thông minh, tư duy rõ ràng và logic, nhưng cũng có thể sẽ quá nghiêm túc và không thể nhìn thấy khía cạnh hài hước của sự việc. Các phụ huynh hãy mỉm cười và cười to với con, như thế có nhiều khả năng trẻ sẽ theo gương cha mẹ.
9. “Không” có nghĩa là “không”
Con một sống để làm vui lòng cha mẹ và cha mẹ cũng khó khước từ những yêu cầu của con. Tuy nhiên, hãy dạy cho con hiểu rằng trẻ có quyền chọn lựa và điều đó sẽ không làm cha mẹ thất vọng hay cảm thấy tổn thương. Nếu học được cách nói “không”, con của bạn sẽ biết cách ưu tiên cho những việc quan trọng trong cuộc sống.
- Tối ưu hóa nội dung như thế nào để có vị trí thứ hạng tốt nhất?
- Shopee Platinum /Thẻ Super Shopee Platinum là gì?
- Chủ shop Lê Nguyệt chia sẻ kinh nghiệm bán hàng Shopee cho người mới
- Facebook Pixel là gì? Dừng ngay việc đốt tiền vào Facebook Ads
- Chiến lược SEO: Hướng dẫn lập chiến lược SEO bứt phá website 2020