Ông bố có cô con gái rượu đang học lớp 11 tại một trường chuyên kể chuyện rằng một hôm khi chở con đến trường, ông nghe con gái ngồi sau buột miệng than: “Bố ơi, con buồn quá!”. Ông hỏi lý do, cô bé nói: “Các bạn lớp con đều có bồ, chỉ mình con không có!”.
Ông bố vừa thở phào nhẹ nhõm vì nghĩ rằng con mình còn ngây thơ, vừa lo con bị ảnh hưởng bởi bạn bè trong lớp. Chuyện có bồ bây giờ như một cái mốt của tuổi dậy thì, đứa nào không có là quê độ, còn bị bạn bè trêu chọc vô duyên.
Suy nghĩ mãi, không biết giải thích với con như thế nào về chuyện yêu đương ở độ tuổi trăng tròn, ông bố bèn chỉ vào những đứa con trai đang đứng trước cổng trường, đứa kính cận dày cộp, ốm như que tăm, đứa lại béo phì, mặt thì đầy mụn, ông nói:
“Con nghĩ con có thể kết bồ với một trong những cậu kia không? Anh nào cũng lười tắm, hôi rình, có anh tối nào cũng bị mẹ mắng vì không chịu đánh răng!”.
Ông biết, đó chỉ là một câu nói đối phó, không có tác dụng giáo dục và vẫn phải đang suy nghĩ về… biện pháp với con gái một khi con mình có bồ.
Một ông bố khác than thở rằng cậu con trai năm lớp 11 tự nhiên học sút hẳn. Tìm hiểu, theo dõi, ông mới thấy buổi tối cậu ta học hành rất qua loa, thường nhắn tin cho ai đó rất khuya.
Ông tìm cách đọc tin nhắn trên điện thoại của con và bị tá hỏa bởi những dòng tin yêu đương của con trai với một cô bé nào đó. Ông đem gánh nặng này trút sang cho vợ: “Hình như nó có bồ, em theo dõi xem”.
Bà vợ nhìn cậu con trai cưng, mặt còn búng ra sữa, ăn cơm còn đợi mẹ múc ra tô, tắm còn phải nhắc, quần áo, sách vở còn đợi mẹ dọn dẹp, giặt ủi…, tỏ vẻ không tin.
Một ngày, vô tình dọn bàn học của con, bà thấy một cuốn album đầy hình ảnh “hai anh chị” tay trong tay ở bãi biển Vũng Tàu.
Lúc đó bà mới thật sự hoảng. Hai vợ chồng nhìn nhau, không biết xử lý ra làm sao đây. Họ đều biết, một khi con vướng vào cái vòng tình cảm như vậy thì còn đâu đầu óc để học tập.
Một bà mẹ khác kể chuyện có cậu con trai yêu đương từ hồi lớp 10. Hai tháng liền, gia đình phải trả đến 700 ngàn đồng tiền điện thoại, đành phải cắt điện thoại bàn.
Sau này cậu chuyển sang nhắn tin rất khuya. Một lần, khi kiểm tra tin nhắn của con bà mẹ thật sự lo lắng bởi những câu yêu đương mùi mẫn qua lại đầy trong điện thoại.
Nhiều phụ huynh cho rằng thà đừng kiểm tra tin nhắn của con cái, không biết chúng đang làm gì còn hơn là biết để rồi phải… ngồi trên đống lửa!
Nhưng làm vậy đồng nghĩa với việc bỏ lơ chúng. Báo chí đã đề cập nhiều vụ “thanh toán” nhau bên ngoài cổng trường bởi các cô cậu tuổi teen yêu đương tay ba, tay tư. Ôi, quả là quá đau đầu!
Tuy nhiên, có nhiều bậc cha mẹ khá bình tĩnh vì ngày xưa cũng đã từng yêu như vậy. Rõ ràng, không cha mẹ nào muốn con cái yêu đương sớm.
Tuy nhiên, không muốn cũng không được. Nhiều người cho rằng, có đứa yêu sớm, có đứa mãi mà không biết yêu, âu là do số phận cả! Có nói đến cách nào cũng vậy thôi bởi ai cũng biết con tim có lý lẽ của nó.
Tuy nhiên, trở lại trường hợp ông bố ở trên, đúng là không thể cấm con yêu sớm, nhưng ông đã chặn đường trước rằng những đối tượng mà con định yêu cũng còn nhỏ lắm, đường đời còn dài, còn nhiều cơ hội lựa chọn hạnh phúc và việc tự lập trong tương lai mới là quan trọng.
Ông bố thứ hai thì lấy kinh nghiệm yêu đương của chính mình làm ví dụ. Mỗi khi muốn tâm sự với con trai, ông rủ con đi ăn sáng, uống cà phê rồi kể (có thêm thắt đôi chút) về những mối tình đẹp và những mối tình đã gây cho ông đau khổ. Điều quan trọng là kết luận rằng chưa nên yêu sớm. Tuy nhiên, ông biết đó chỉ là lời khuyên với con, còn nó thấm đến đâu thì… có trời biết!
Có bà mẹ cương quyết kiểm soát và giới hạn tài khoản trong điện thoại di động của con. Những người đang yêu thường suốt ngày “ôm” điện thoại, kể cả khi lên giường ngủ.
Khi thấy con chuyện trò quá nhiều, ảnh hưởng đến việc học tập, bà không khoan nhượng trong việc cắt điện thoại.
Lại có bà mẹ đành phải đến thương lượng với gia đình “phía bên kia” một cách thật tế nhị và khôn khéo.
Nếu may mắn gặp người biết điều và tế nhị thì hai bên sẽ thông cảm và góp tay “thắng cỗ xe tình cảm của con cái”, nhưng cũng có thể gặp phải câu trả lời: “Lo cho con mấy người đi, chắc gì con tôi đã yêu”.
Nhiều bậc cha mẹ tâm sự rằng không có gì khổ tâm bằng khi con cái yêu sớm. Nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra do cha mẹ cấm đoán.
Phải thật khôn ngoan, dịu dàng nhưng cương quyết. Đó là kinh nghiệm của một bà mẹ mà sau này, cô con gái đã cảm ơn bà rất nhiều vì những cư xử tế nhị của mẹ trong những ngày cô mới biết yêu…
- Công thức câu bị động là gì? Cách chuyển câu chủ động sang bị động
- Khi đứa con thứ hai chào đời
- Tìm hiểu chi tiết “combo” cấu trúc used to và cách sử dụng
- Áp dụng ngay 3 công thức sinh tố giúp tóc óng ả, chắc khỏe thách thức cả mùa rụng tóc
- Tìm hiểu quy định khiếu nại về hình ảnh và thương hiệu trên Sendo