Vụ án xử ly hôn đã kết thúc, hôn thú không còn hiệu lực trước pháp luật, tư cách vợ chồng cũng chấm dứt và thế là tổ ấm tan rã từ nay. Trước khi quyết định chia tay, vấn đề đầu tiên người cha và mẹ ấy phải tính đến là rồi đây các con của họ sẽ ở với ai?
Thông thường, đa số các cặp vợ chồng ly hôn tự dàn xếp với nhau về phân công trách nhiệm nuôi dạy con cái. Theo thống kê gần đây, 80% các trường hợp ly hôn thì người mẹ nhận nuôi con, chỉ có 10% ở với cha. Số 10% còn lại con cái hoặc về ở với người thứ ba (ông bà nội, ông bà ngoại hay họ hàng) hoặc được chia đôi (con trai ở với cha, con gái ở với mẹ hay ngược lại).
Theo các nhà tâm lý, giải pháp tốt nhất (chính xác hơn là ít xấu nhất) cho vấn đề “con ở với ai” chính là giải pháp được hai bên đồng lòng thỏa thuận. Chỉ có cách đó mới ngăn ngừa được bi kịch những đứa trẻ bị cha hay mẹ giành nuôi cho đã nư rồi sau đó lại bỏ bê chúng.
Khi cha mẹ không nhất trí được với nhau về việc nuôi con, tòa sẽ quyết định và như thế có thể đưa lại đau khổ cho người này hay người kia. Mặt khác, khi tòa án xử cho phép bên nào nuôi con thì xem như bên ấy đạt… thắng lợi, ngược lại bên kia tự cho là mình đã thất bại và từ đó vị thế của hai bên cũng được phân định lại đối với con cái.
Tất nhiên mọi rắc rối chưa phải đã chấm dứt sau ngày tan đàn xẻ nghé, mà một trong những vấn đề nảy sinh nhiều phức tạp nhất là việc thực hiện “quyền đến thăm con”.
Có thể nói bên nào nhận nuôi dạy con, bên ấy có quyền hơn và trong thực tế không ít trường hợp quyền ấy bị lạm dụng triệt để. Đặc biệt quan hệ giữa cha đẻ và đứa con ra sao tùy thuộc phần lớn vào thái độ của người mẹ. Một số bà mẹ tuy đau khổ nhưng vẫn cố kìm nén và tạo thuận lợi cho đứa con được thường xuyên gặp gỡ cha, nhờ vậy bảo vệ an toàn về tâm lý cho con.
Ngược lại, một số khác công khai ngăn cản, thậm chí cấm đoán quyền thăm con của chồng cũ và chẳng cần giấu giếm ý muốn trả thù, mà đây chính là cơ hội tốt để họ rửa hận.
Kết quả của cuộc “chiến tranh lạnh” này thật đáng buồn vì có cả người chết lẫn bị thương: người cha xem như chết khi bị phủ nhận sự hiện hữu đối với con cái, còn những đứa con thì mang thương tích suốt đời vì đã bị sử dụng như một thứ vũ khí trong cuộc chiến tình cảm của bậc sinh thành.
Khó thể có một giải pháp nào đối với những trường hợp trên đây – kể cả pháp luật – vì mọi sự thương lượng sẽ chẳng đi đến đâu khi đã có sự đầu hàng ngay từ đầu của một bên. Bởi người cha (hay mẹ) không được quyền nuôi con rõ ràng ở vào vị thế bất lợi, nhất là khi họ ý thức rất rõ mọi cố gắng tranh giành chỉ khiến cho con cái càng bị dằn vặt và đau khổ hơn mà thôi.
Về mặt đạo đức, không lý lẽ nào có thể biện hộ cho những hành động lôi kéo con vào hùa với mình để trút mọi oán hận vào người cha (hay mẹ) của chúng, bởi dù thế nào đi nữa cũng không ai được quyền làm tổn thương đến tình cảm của đứa con đối với người đã sinh ra nó.
Tuy nhiên, mọi mưu toan của người lớn rắp tâm xóa bỏ hình ảnh cha (hay mẹ) trong tâm trí và đời sống của đứa con khó có thể thành công về lâu dài. Trong thực tế chúng ta từng chứng kiến nhiều trường hợp những đứa trẻ được nhận làm con nuôi từ rất nhỏ trong các gia đình có đời sống vật chất đầy đủ, được hấp thụ một nền giáo dục cao nhưng vẫn trăn trở đi tìm gốc gác của mình. Vì vậy hầu như chắc chắn đến một lúc nào đó, thường là khi trưởng thành, đứa con cũng sẽ tìm về với cha (mẹ) đẻ của mình như người xưa vẫn nói: lá rụng về cội.
Một trường hợp phổ biến khác. Sau khi ly hôn, nhiều người cha hay mẹ do không giữ quyền nuôi con đã dần dà từ bỏ vai trò của mình hoặc thực hiện vai trò ấy một cách rất đáng trách.
Một công trình nghiên cứu trong số những gia đình sau khi ly dị mà người mẹ nhận nuôi con thì cứ bốn trường hợp lại có một trường hợp người cha cắt đứt mọi quan hệ và không đoái hoài gì đến con nữa. Lý do những người này đưa ra thường tập trung ở hai điểm: hoặc do vợ cũ cản trở, hoặc do người vợ mới không tán thành.
Cả hai lý lẽ biện minh này đều rất thiếu thuyết phục. Kinh nghiệm cho thấy người cha nào thật sự quan tâm đến con thì sẽ đủ kiên nhẫn – cộng với một sự giúp đỡ tối thiểu của người ngoài – để vẫn có thể chăm sóc con bằng cách này hay cách khác. Thậm chí sự khôn khéo của họ nhiều khi đáng ngạc nhiên.
Vấn đề gửi tiền nuôi con sau ly hôn cũng có nhiều điều đáng nói. Đáng tiếc là khá nhiều người vợ dễ dàng làm ngơ trước thái độ vô trách nhiệm của chồng cũ không chịu đóng góp tiền nuôi con, đặc biệt là sau khi tái hôn, đa số phụ nữ nghĩ rằng đương nhiên người chồng mới phải gánh lấy trách nhiệm nuôi con riêng của mình.
Thật ra việc góp tiền nuôi con sau khi ly hôn không chỉ nhằm tôn trọng một cam kết tượng trưng của người cha đối với con mình, mà chính là để bảo tồn một khế ước xã hội về nghĩa vụ cha – con. Sự gắn bó của người cha có vai trò không thể thay thế được trong việc phát triển tinh thần, tình cảm và hành vi xã hội của những đứa trẻ ở độ tuổi đang lớn. Các cuộc điều tra xã hội học chứng minh rằng những người có hành vi chống lại xã hội và tội phạm hầu hết đều không có mối quan hệ tốt đẹp với cha mình.
Trên đây chỉ là đôi nét chấm phá có gam màu u tối của bức tranh gia đình mang tên Chia ly. Ở đoạn cuối của cuộc sống chung, cho dù ai đúng ai sai, ai thắng ai bại, thì người chịu thua thiệt nhất vẫn là những đứa con vô tội. Chính vì thế mà trách nhiệm hàng đầu của cả cha lẫn mẹ là giảm nhẹ nỗi đau cho con cái ở mức tối thiểu, chứ không buộc chúng phải gánh thêm những nỗi khổ tâm không đáng có. Đó là lương tâm và đạo lý.