Ở bài trước chúng ta đã cùng đi tìm hiểu về những nguyên nhân khóa hoặc xóa sản phẩm Shopee liên quan đến việc hạn chế bán thì trong bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu thêm về một nguyên nhân khóa hoặc xóa sản phẩm khác nữa liên quan đến hàng giả/hàng nhái. Bạn hãy cùng theo dõi chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.
1. Lý do sản phẩm bị khóa
Nguyên nhân dẫn đến việc sản phẩm bị khóa trên Shopee đến từ việc sản phẩm của Shop là hàng giả/nhái hoặc bị tố cáo/ khiếu nại là hàng giả/nhái.
Nếu rơi vào tình trạng này, Shop sẽ có những cách để khắc phục như sau:
Trường hợp 1: Nếu bán hàng chính hãng và có giấy tờ xuất xứ hàng hóa
Cách 1: Cập nhật lại hình ảnh sản phẩm và tải lên hình ảnh của MỘT trong các loại giấy tờ sau:
– Hóa đơn mua hàng
– Hợp đồng phân phối/ mua bán
– Chứng nhận đại lý ủy quyền hợp pháp
Cách 2: Gửi mail cung cấp giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cho bộ phận Chăm sóc khách hàng Shopee để được hỗ trợ trong vòng 2 – 3 ngày làm việc tiếp theo. Tùy từng thương hiệu sẽ có các loại giấy tờ khác nhau.
Trường hợp 2: Nếu bán hàng giả hoặc không có giấy tờ
Trong trường hợp mà sản phẩm của shop là hàng giả và không có giấy tờ chứng minh thì đương nhiên Shop bắt buộc phải tự xóa sản phẩm ngay lập tức để không bị điểm phạt Sao Quả Tạ.
2. Lý do sản phẩm bị xóa
Những lý do sản phẩm bị xóa trên Shopee liên quan đến hàng giả/hàng nhái sẽ có những nguyên nhân sau:
- Sản phẩm bị cá nhân/tổ chức đại diện Thương Hiệu tố cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Hàng bị khiếu kiện là sản phẩm độc hại, hoặc hàng giả/nhái nhưng Shop không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm.
- Sản phẩm từng bị khóa vì nghi ngờ hàng giả/ nhái trước đó nhưng Shop không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm.
Nếu rơi vào một trong những trường hợp như vậy Shop hãy ngừng đăng mới các sản phẩm tương tự.
3. Tìm hiểu về hàng giả/hàng nhái
Để các shop có thể hiểu hơn về những sản phẩm được coi là hàng giả/hàng nhái thì bài viết sẽ đưa ra định nghĩa về hàng giả/hàng nhái theo Theo Nghị Định 185/2013/NĐ-CP như sau:
– Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.
– Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
– Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
– Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
– Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác.
– Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
– Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
– Tem, nhãn, bao bì giả: gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác.
Nguồn: https://shopeeplus.com/blogs/nhung-nguyen-nhan-khoa-hoac-xoa-san-pham-shopee-lien-quan-hang-gia-hang-nhai-phan-2.html