Một chị bạn hỏi “Sao bọn trẻ ngày nay ích kỷ quá?”
Trẻ không đột nhiên có “sáng kiến” trở thành ích kỷ. Chúng là sản phẩm của gia đình và xã hội và tính cách của chúng hình thành từ từ trong môi trường sinh hoạt hằng ngày.
Không cha mẹ nào công khai dạy con nên sống ích kỷ và họ cũng không hề ích kỷ với con. Thậm chí họ còn hy sinh tất cả cho con cái. Nhưng vô tình họ vun đắp tính ích kỷ nơi con cái qua cách chăm sóc của họ.
Thời nay gia đình đô thị có ít con nên cha mẹ, nhất là những gia đình có điều kiện, tập trung sự chăm sóc và đầu tư tất cả cho cái ăn cái học của con.
Không ít cha mẹ muốn cái “nhất” cho con mình. Trường tốt nhất, quần áo bảnh nhất, xe tốt nhất, điện thoại di động đời mới nhất…
Nếu do công việc, thiếu điều kiện gần gũi con thì xu hướng bù đắp bằng vật chất lại càng mạnh hơn nữa. Ở tuổi đi học thì con không động móng tay với việc nhà mà chỉ tập trung vào việc học.
Ở các gia đình nghèo cũng như giàu khi trẻ còn nhỏ thì được bảo bọc quá đáng, ví dụ trẻ được đút ăn tới 4-5 tuổi, hay được bồng ẵm quá lâu.
Trẻ là “trung tâm”, là vua và mọi hoạt động đều xoay xung quanh nó hay nhằm phục vụ nó. Gia đình càng có điều kiện thì trẻ càng nghĩ mình là trung tâm và có quyền hưởng mọi thứ trên đời.
Lớn lên con trở thành ích kỷ, bất hiếu, cha mẹ lại than thở rằng mình đã cho nó tất cả mà bây giờ nó sử xự như vậy. Đúng là cha mẹ đã cho con rất nhiều, chỉ trừ giúp nó thành người một cách trọn vẹn, là biết sống vì người khác…
Nguy cơ nhỏ hơn đối với các gia đình nghèo khi mọi người đều phải làm lụng mới có cái ăn, khi anh em phải chia sẻ nhau từng hột cơm, miếng cá.
Thời trước cha mẹ thích gởi con đi hướng đạo là để tạo điều kiện cho chúng chịu sống trong những điều kiện thiếu thốn khi cắm trại, tập leo đèo leo núi, tập thổi cơm, tập tính tháo vát. Hơn hết, trẻ ra đời phải biết cảnh khổ của trẻ em nghèo khó hơn mình, tập chia sẻ v.v…
Trong một bối cảnh cạnh tranh khốc liệt để đứng vững trên thương trường, để được vào trường điểm, vào đại học v.v… xu hướng “mình vì mình” lại càng mạnh mẽ hơn.
Nhưng tất cả không tuyệt vọng nếu cha mẹ cũng quan tâm chia sẻ với người nghèo, khuyến khích con tham gia các phong trào xã hội, tự rèn luyện ở Mùa Hè Xanh, tiếp cận và giáo dục trẻ em đường phố… Và trên hết là ở nhà biết tự phục vụ! Xót con đôi lúc ta trở nên thiếu sót trong việc giáo dục chúng.
Để trả lời câu hỏi của chị bạn “Ai dạy trẻ ích kỷ?” xin thưa: AI TRỒNG KHOAI ĐẤT NÀY!
- Tìm kiếm cơ hội truyền thông thương hiệu trong cơn khủng hoảng Corona
- Thì quá khứ hoàn thành tiếp diễn: 10 phút học mẹo cùng UNICA
- Cách sử dụng hạt chia đơn giản và đạt hiệu quả cao nhất
- 5 tiêu chí cần có của dịch vụ SEO chuyên nghiệp
- Xem Ngay 5 Host Giá Rẻ Ngon Top Đầu Cho Thiết Kế Website Bán Hàng Và Làm Blog Kiếm Tiền