Ăn cơm luôn tại bàn làm việc là thói quen nhiều dân văn phòng lựa chọn – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
11h30 đã đến giờ ăn trưa chị P.T.T.T. (22 tuổi), một nhân viên văn phòng tại quận 3, đã nhanh chóng mở app đặt cơm trưa ngay trên điện thoại, rất nhanh chóng chỉ 15 phút sau chị T. đã có một bữa trưa gồm có cơm, canh và thịt kho.
“Chỉ tốn vài phút không phải đi xa”
Mô hình đặt đồ ăn online không hề xa lạ đối với nhiều người, chỉ tốn vài phút để đặt thức ăn qua app như GrabFood, Go-Viet, Lala, Now,… mà không phải vất vả đi đến nơi bán thức ăn để mua.
Nhiều nơi làm việc thường có diện tích nhỏ, không có khu vực dành cho ăn uống khiến nhiều người ăn luôn trước màn hình máy tính.
Miễn phí cước vận chuyển, tặng mã giảm giá khi đặt, đặt càng nhiều lần giá càng giảm… là hình thức nhiều app đưa ra nhằm thu hút được nhiều khách hàng.
Chị M.T.T. (24 tuổi) làm việc tại quận Phú Nhuận cho biết ban đầu đến giờ ăn trưa chị thường đến thẳng quán để ăn, được một thời gian cảm thấy ngại di chuyển nên thường xuyên đặt cơm qua app đến tận chỗ làm. Không chỉ riêng chị mà cả phòng đều đặt vì chỗ làm không có căngtin nên ăn luôn tại bàn làm việc để tiết kiệm thời gian.
“Ngoài việc không phải di chuyển ra quán ăn, tiết kiệm được thời gian nghỉ ngơi và xử lý công việc, các app thường xuyên có mã giảm giá nên đặt qua app rất tiện lợi” – chị T. cho biết thêm
Anh N.V.L. (32 tuổi) làm việc tại Bình Thạnh chia sẻ: “Vì tính chất công việc nên tôi cũng phải xử lý nhiều thứ thường thì không có thời gian ra ngoài để ăn cơm, đặt cơm qua app tiện lợi, mà trung bình chỉ tốn khoảng 50.000 đồng/phần. Ngoài ra hiện nay các app cạnh tranh nên giảm giá nhiều, có khi chỉ khoảng 20.000 – 30.000 đồng/phần. Có thể vừa ăn cơm vừa xử lý được khối lượng lớn công việc lại vừa đỡ tốn thời gian ra ngoài”.
“Khi đặt qua app để biết được thức ăn ở đâu, đảm bảo được vệ sinh hay chất lượng tôi thường dựa vào lượt đánh giá và bình luận phía dưới. Nếu nhiều người đánh giá tốt thì sẽ an tâm lựa chọn hơn”, anh L. chia sẻ
Đừng chủ quan vừa làm việc vừa ăn
Bác sĩ Nguyễn Đô – phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – cho biết các bữa ăn trong ngày đều quan trọng để bảo đảm sức khỏe cho một ngày làm việc. Đặc biệt trong và sau bữa ăn trưa nên có thời gian ngắn nghỉ ngơi giúp hồi phục và duy trì khả năng làm việc cho đến cuối ngày.
Một số nơi do áp lực công việc nên nhân viên thường tranh thủ ăn tại bàn làm việc, thường là vừa ăn vừa làm. Nếu tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ tạo nguy cơ mắc một số bệnh lý ảnh hưởng đến thể chất lẫn tâm thần như suy dinh dưỡng, stress và bệnh lý về đường tiêu hóa như bệnh dạ dày ruột.
Các yếu tố môi trường như bàn làm việc, bàn phím bị vấy bẩn bởi thức ăn rơi vãi từ nguồn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh là môi trường thuận lợi giúp vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Triệu chứng có thể gặp như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa thường nhẹ tự khỏi. Tuy nhiên khi lặp đi lặp lại kéo dài có nguy cơ tổn thương thực thể niêm mạc đường ruột gây hệ lụy là kém hấp thu, suy dinh dưỡng, viêm loét dạ dày mãn tính.
Khi sức đề kháng cơ thể bắt đầu suy giảm thì các nhóm cơ hội như nhiễm trùng, nhiễm siêu vi trùng và ký sinh trùng cũng dễ xâm nhập và dễ gây bệnh hơn.
Ngoài ra khi vừa ăn vừa làm việc trong trạng thái căng thẳng dễ gây mệt mỏi, làm giảm khả năng hoạt động thể lực, giảm khả năng tư duy và giảm sức đề kháng miễn dịch của cơ thể.
Theo BS Đô, bữa ăn trưa ở một môi trường ngoài nơi làm việc là hợp lý hơn, một mặt vừa giúp thư giãn đầu óc, vừa chống thiểu động làm giảm nguy cơ mắc các bệnh văn phòng như béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường…, ngoài ra tăng cường vận động có thể nâng cao khả năng tư duy sáng tạo, tăng hiệu quả trong công việc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/an-tai-ban-lam-viec-doi-mat-nguy-co-suy-dinh-duong-20190805135209624.htm
- Công việc kinh doanh online tại nhà là gì? Các bí quyết để kinh doanh hiệu quả cạnh tranh thị trường 2020
- Alt text là gì? Cách triển khai tốt nhất trong SEO 2021
- 14 ý tưởng kinh doanh nhỏ năm 2020-2022 cho người tay trắng
- Mẫu kế hoạch kinh doanh xuất sắc cho Start-up
- Google Analytics là gì? Hướng dẫn sử dụng Analytics Google (2020)