Blockchain là gì? Giải thích 100% ai cũng hiểu được

Trừ khi bạn là Aquaman, tôi chắc bạn đã từng nghe nói đến Bitcoin và Blockchain. Nó là xu hướng, là chủ đề ưa thích trong thời gian gần đây – buzzword of the years.

Trong quá trình kiếm tiền online, mình luôn muốn biết thực ra Blockchain là cái gì. Nhưng chưa bao giờ đọc hết được 1 bài viết trọn vẹn vì chẳng hiểu cái mô tê gì cả. Có 1 lần vô tình mình đã tìm thấy bài viết này với tựa đề WTF is The Blockchain của Mohit Mamoria. Đọc phát hiểu luôn nên mình muốn lược dịch cho bạn nào cần. Đảm bảo ai cũng hiểu được dù bạn chưa biết gì cả. Lưu ý: Bài viết này KHÔNG dành cho người muốn tìm hiểu về kỹ thuật.

Ngay cả với những người chưa từng đào tiền ảo hay hiểu cách hoạt động của nó cũng bàn luận về nó.

Tôi có nhiều người bạn không làm trong ngành kỹ thuật.

Thời gian trở lại đây họ luôn nhờ tôi giải thích về những thuật ngữ mới này. Tôi đoán có hàng ngàn người ngoài kia cũng cảm thấy như vậy.

Blockchain – Tại sao chúng ta phải cần một thứ gì đó phức tạp

Không giống như những bài viết khác trên internet. Thay vì định nghĩa blockchain, chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề mà nó giải quyết ở đây là gì.

Hãy thử tưởng tượng thế này, Joe là thằng bạn thân nhất của bạn.

Nó đi du lịch khắp thế giới. Đến ngày thứ 50 của chuyến đi, nó gọi cho bạn và nói “Ê dude, tao cần ít tiền. Tao hết cmn tiền rồi“.

Bạn đáp lại “Ok dude, để tao gửi cho“.

Blockchain là gìBlockchain là gì

Bạn liền gọi cho tay quản lý tài khoản ngân hàng nơi bạn gửi tiền. Và nói với ông ta “Hãy chuyển $1.000 từ tài khoản của tôi tới tài khoản của Joe nhé“.

– Vâng, thưa ông.

Người quản lý mở sổ cái. Kiểm tra số dư của bạn xem có đủ $1.000 để chuyển cho Joe hay không.

Bởi vì bạn là richkid, bạn có rất nhiều tiền. Người quản lý sẽ tạo một mục trong cuốn sổ cái có dạng như sau:

Blockchain là gìBlockchain là gì

Note: Chúng ta sẽ không nói về máy tính để giữ cho mọi thứ đơn giản

Bạn gọi cho Joe và nói “Ê, tao chuyển tiền rồi đó. Mày ra ngân hàng là rút được nhé“.

Blockchain là gìBlockchain là gì

Hãy cùng suy nghĩ xem chuyện gì vừa xảy ra?

Cả bạn và Joe đều tin tưởng vào ngân hàng để quản lý tiền của mình.

Việc chuyển tiền thực chất chỉ là một chỉ mục trong cuốn sổ cái của bạn.

Hay chính xác hơn, là một chỉ mục trong cuốn sổ mà cả bạn và Joe đều không quản lý hay sở hữu.

Và đó chính là vấn đề của những hệ thống đang tồn tại.

  • Để tạo dựng niềm tin với nhau, chúng ta phải phụ thuộc vào một bên thứ ba

Nhiều năm qua, chúng ta luôn phụ thuộc vào những bên trung gian này để có thể tin tưởng lẫn nhau. Có thể bạn sẽ hỏi “Phụ thuộc vào họ thì có vấn đề gì?

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu cuốn sổ cái lưu trữ những giao dịch đó bị cháy trong 1 trận hỏa hoạn?
  • Sẽ thế nào nếu tay quản lý đó ghi $1.500 thay vì $1.000?
  • Hay ông ta có mưu đồ riêng?
  • Suốt nhiều năm qua, chúng ta đã đặt tất cả số trứng mình có vào một cái giỏ. Và thậm chí nó cũng chẳng phải là giỏ của mình.

Vậy liệu có một hệ thống chúng ta có thể chuyển tiền mà không cần đến ngân hàng không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải đào sâu hơn nữa. Và đặt ra một câu hỏi tốt hơn (sau tất cả, chỉ những câu hỏi tốt hơn mới dẫn đến những câu trả lời tốt hơn).

Hãy thử suy nghĩ một chút, thực ra chuyển tiền có nghĩa là gì? Đối với ngân hàng, đó chỉ là một mục trong cuốn sổ cái. Vậy thì câu hỏi tốt hơn sẽ là:

  • Liệu có cách nào để duy trì cuốn sổ cái giữa chúng ta thay vì phải nhờ đến ai đó hay không?

Đó là một câu hỏi “đáng giá”. Và có lẽ bạn đã đoán ra được câu trả lời. Đó chính là Blockchain.

Blockchain là một phương thức để duy trì cuốn sổ cái giữa tất cả chúng ta. Thay vì phải phụ thuộc vào ai đó.

Bạn vẫn tiếp tục đọc đến đây chứ? 

Thật tuyệt, bởi vì ngay từ lúc này, sẽ có rất nhiều câu hỏi nảy ra trong đầu bạn. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu hệ thống sổ cái phân tán (distributed register) này hoạt động như thế nào nhé.

Okay. Giờ thì hãy nói cho tôi biết cái Blockchain này hoạt động như thế nào

Yêu cầu chính của phương thức này, đó là phải đủ số người cần thiết, để không bị phụ thuộc vào bên thứ ba.

Chỉ có như vậy nhóm này mới có thể tự duy trì được cuốn sổ cái của họ.

Một câu hỏi đặt ra là, bao nhiêu người thì được coi là đủ? Ít nhất là ba.

Trong ví dụ sau đây, giả sử có 10 người không muốn phụ thuộc vào ngân hàng hoặc bên thứ ba.

Sau khi thỏa thuận với nhau, họ sẽ có thông tin chi tiết về tài khoản của những người khác. Ngoại trừ danh tính (identity) của người đó.

Blockchain là gìBlockchain là gì

​An empty folder

Mỗi người được cung cấp một thư mục rỗng (empty folder) để bắt đầu.

Khi quá trình bắt đầu diễn ra, tất cả 10 cá nhân này sẽ cùng thêm các trang giấy vào thư mục rỗng hiện tại của họ.

Và tập hợp các trang giấy này sẽ tạo thành một cuốn sổ cái để theo dõi các giao dịch.

Khi có một giao dịch xảy ra

Tiếp đến, mỗi người trong mạng lưới đều có một tờ giấy trắng và một chiếc bút trong tay. Họ đã sẵn sàng để ghi chép bất cứ giao dịch nào xảy ra trong hệ thống.

Giả sử, số #2 muốn chuyển $10 cho số #9. Để thực hiện giao dịch, #2 thông báo với tất cả mọi người:

  • Tôi muốn chuyển 10$ cho #9. Mọi người xin hãy note lại vào trang giấy của mình nhé
Blockchain là gìBlockchain là gì

Tiếp đó, tất cả mọi người sẽ cùng kiểm tra xem #2 có đủ số dư để chuyển 10$ cho #9 hay không.

Nếu ok, tất cả mọi người sẽ cùng note lại giao dịch trên trang giấy của mình.

Blockchain là gìBlockchain là gì

Giao dịch sau đó được coi là hoàn thành.

Các giao dịch tiếp tục diễn ra

Theo thời gian, ngày càng có nhiều người trong mạng lưới có nhu cầu chuyển tiền cho nhau.

Mỗi khi họ muốn thực hiện một giao dịch, họ sẽ thông báo với tất cả những người khác.

Và khi nghe thấy thông báo, những người còn lại sẽ viết thông tin của giao dịch đó lên trang giấy của mình.

Công việc này sẽ được tiếp tục cho đến khi trang giấy của mọi người đều đã hết.

Giả sử mỗi trang giấy chỉ đủ chỗ để ghi 10 giao dịch. Khi 10 giao dịch được thực hiện thì cũng là lúc hết giấy.

Blockchain là gìBlockchain là gì

Đã đến lúc cất trang giấy đó vào thư mục và lấy ra một trang giấy mới. Và lặp lại quá trình từ bước 2 ở trên.

Cất trang giấy vào thư mục

Trước khi cất trang giấy vào thư mục, chúng ta cần niêm phong nó bằng một chìa khoá duy nhất mà tất cả mọi người trong mạng đều đồng ý.

Bằng cách niêm phong trang giấy này. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng không ai có thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Khi mà bản sao của nó được lưu giữ trong thư mục của mỗi người – không phải hôm nay, ngày mai hay thậm chí là rất nhiều năm về sau.

Một khi đã ở trong thư mục, nó sẽ mãi ở đó, và luôn được niêm phong.

Hơn nữa, nếu mọi người tin tưởng vào dấu niêm phong. Mọi người cũng sẽ tin tưởng vào nội dung của trang giấy.

Việc niêm phong trang giấy chính là mấu chốt của phương pháp này.

  • Trước kia, các bên thứ ba, bên trung gian tạo cho chúng ta niềm tin rằng bất cứ điều gì họ viết trong cuốn sổ cái (register) sẽ không bao giờ thay đổi. Trong một hệ thống phân tán (distributed) và phi tập trung (decentralized) như hệ thống tôi đang mô tả, dấu niêm phong sẽ cung cấp niềm tin tương tự như thế.

Thật thú vị phải không! Vậy chúng ta sẽ niêm phong trang giấy như thế nào

Trước khi tìm hiểu xem làm thế nào để niêm phong trang giấy. Chúng ta cần phải hiểu cách thức hoạt động của nó một cách tổng quát.

Đã đến lúc chúng ta cùng làm quen với một thứ được gọi là…

Cỗ máy thần kỳ (The Magic Machine)

Hãy tưởng tượng có một cỗ máy được bao quanh bởi các bức tường dày.

Nếu bạn đưa vào cỗ máy đó một chiếc hộp chứa một thứ gì đó bên trong từ phía bên trái. Nó sẽ nhả ra một chiếc hộp chứa một thứ gì đó khác ở phía bên phải.

  • Thực ra cỗ máy này được gọi là Hash Function (Hàm băm). Nhưng chúng ta không muốn thiên quá nhiều về kỹ thuật. Nên hôm nay, để cho đơn giản tôi sẽ chỉ gọi nó là Cỗ máy thần kỳ.
Blockchain là gìBlockchain là gì

Giả sử bạn gửi vào cỗ máy số 4 từ bên trái. Nó sẽ trả lại bạn một chuỗi ký tự “dcbea” ở bên phải.

Làm thế nào cỗ máy này có thể chuyển đổi từ số 4 sang chuỗi ký tự kia? Không ai biết cả. Hơn nữa, đây là một quá trình không thể đảo ngược.

Với chuỗi đã cho là “dcbea”, bạn không thể nào biết được sẽ phải đưa vào bên trái cỗ máy cái gì để cho ra chuỗi ký tự đó.

Nhưng bất cứ khi nào bạn đưa số 4 vào cỗ máy này. Nó đều sẽ trả về cho bạn cùng một chuỗi ký tự là “dcbea”.

Blockchain là gìBlockchain là gì

Bây giờ hãy thử gửi một con số khác. Ví dụ như 26?

Blockchain là gìBlockchain là gì

Lần này chúng ta nhận được chuỗi “94c8e”. Hãy để ý, chuỗi này có thể chứa ký tự là chữ số nữa.

Bây giờ tôi muốn hỏi bạn câu hỏi này:

  • Bạn có thể nói cho tôi biết tôi cần gửi con số nào từ bên trái của cỗ máy để có thể nhận được một chuỗi ký tự bắt đầu bằng 3 chữ số 0 ở bên tay phải? Ví dụ như 000ab, 00069, 000fa,hay đại loại thế…
Blockchain là gìBlockchain là gì

Hãy thử suy nghĩ về câu hỏi này một chút.

Như tôi đã nói với bạn rằng với chuỗi được trả về ở bên phải, cỗ máy thần kỳ này không thể cho chúng ta biết giá trị đầu vào ở bên trái là gì.

Vậy làm thế nào có thể trả lời được câu hỏi trên?

Tôi nghĩ đến một phương pháp. Tại sao chúng ta không thử từng số một cho đến khi thu được kết quả thoả mãn?

Blockchain là gìBlockchain là gì

Hãy lạc quan lên, sau vài nghìn lần thử, chúng ta sẽ tìm ra được số đáp ứng yêu cầu ban đầu (chuỗi ký tự bắt đầu với 3 chữ số 0).

Blockchain là gìBlockchain là gì

Bạn thấy đấy, việc tính toán đầu vào ban đầu dựa vào kết quả đầu ra là cực kỳ khó khăn.

Nhưng đồng thời, nó lại cực kỳ dễ dàng để kiểm tra xem một đầu vào cho trước có thoả mãn đầu ra theo yêu cầu hay không.

Hãy nhớ rằng cỗ máy này trả về kết quả giống nhau với cùng một giá trị đầu vào.

Bạn nghĩ câu trả lời có khó không nếu tôi đưa bạn một số, ví dụ 72533, và hỏi bạn “Số này nếu đưa vào cỗ máy thì có thể cho ra một chuỗi ký tự bắt đầu bằng 3 chữ số 0 hay không?

Tất cả những gì bạn cần làm, là ném con số này vào cỗ máy thần kỳ và xem bạn nhận được gì ở phía bên tay phải.

Đó cũng chính là thuộc tính quan trọng nhất của cỗ máy này.

  • Với một kết quả đầu ra cho trước, sẽ rất khó để tính toán giá trị đầu vào. Nhưng nếu có một giá trị đầu vào và kết quả đầu ra, bạn sẽ có thể dễ dàng kiểm tra giá trị đầu vào có trả về giá trị đầu ra cho trước hay không.

Sử dụng cỗ máy thần kỳ này để niêm phong trang giấy như thế nào

Chúng ta sẽ sử dụng cỗ máy thần kỳ này để tạo ra một dấu niêm phong cho trang giấy của chúng ta. Như mọi khi, chúng ta sẽ bắt đầu với một tình huống giả định.

Hãy tưởng tượng tôi đưa cho bạn 2 chiếc hộp.

Chiếc hộp đầu tiên chứa con số 20893.

Sau đó, tôi sẽ hỏi bạn “Bạn có thể tìm cho tôi một số mà khi cộng với con số trong chiếc hộp đầu tiên và đưa vào cỗ máy thần kỳ thì nó sẽ trả về cho chúng ta một chuỗi ký tự bắt đầu bằng 3 chữ số 0 không?

Blockchain là gìBlockchain là gì

Đây là một tình huống tương tự như những gì mà chúng ta đã xem ở phần trước. Cách duy nhất để tìm ra con số đó là thử tất cả các số có trong vũ trụ này.

Sau vài nghìn lần thử, chúng ta sẽ tìm được một số, ví dụ 21191. Mà khi cộng với 20893 (i.e. 21191 + 20893 = 42084) và đưa vào cỗ máy sẽ cho ra chuỗi ký tự thoả mãn yêu cầu.

Blockchain là gìBlockchain là gì

Trong trường hợp này, con số 21191 sẽ trở thành dấu niêm phong cho số 20893.

Giả sử có một trang giấy có số 20893 được viết trên đó.

Để niêm phong trang giấy này (không ai có thể thay đổi nội dung của nó), chúng ta sẽ đóng 1 con dấu đỏ có nhãn là số 21191 lên trang giấy đó.

Khi số niêm phong 21191 được đóng lên, trang giấy này sẽ ngay lập tức bị niêm phong.

Blockchain là gìBlockchain là gì
  • Con số niêm phong được gọi là “Proof Of Work” (Bằng chứng công việc). Nghĩa là con số này là bằng chứng cho những nỗ lực để tính toán ra nó. Vì mục đích của bài viết, chúng ta vẫn sẽ thống nhất gọi nó là số niêm phong nhé.

Nếu ai đó muốn biết trang giấy có bị thay đổi hay không? Tất cả những gì anh ta cần làm là thêm nội dung vào trang giấy với số niêm phong và đưa qua cỗ máy thần kỳ.

Nếu cỗ máy trả về một chuỗi bắt đầu bằng 3 chữ số 0. Có nghĩa là nội dung của trang không hề bị thay đổi.

Nếu chuỗi trả về không đáp ứng yêu cầu, chúng ta có thể vứt bỏ trang giấy đó đi. Vì nội dung của nó đã bị xâm nhập và không còn hiệu lực.

Chúng ta sử dụng một cơ chế niêm phong giống nhau để niêm phong tất cả các trang giấy. Và sắp xếp chúng trong các thư mục tương ứng.

Cuối cùng, niêm phong các trang giấy của chúng ta lại

Để niêm phong trang giấy chứa toàn bộ giao dịch của mạng lưới, chúng ta cần tìm ra một con số mà khi nối vào danh sách giao dịch và đưa qua cỗ máy thần kỳ, chúng ta sẽ thu được một chuỗi bắt đầu bằng 3 chữ số 0.

Blockchain là gìBlockchain là gì
  • Note: Tôi hay sử dụng cụm từ “Chuỗi ký tự bắt đầu bằng 3 chữ số 0” chỉ như là một ví dụ đơn giản nhằm minh họa các Hash Function hoạt động như thế nào. Những thử thách trong thực tế phức tạp hơn rất nhiều.

Sau khi đã tiêu tốn một khoảng thời gian (và cả điện năng), chúng ta sẽ tính ra được một con số. Con số đó sẽ được dùng để niêm phong trang giấy.

Nếu một người nào đó thử thay đổi nội dung của trang giấy. Số niêm phong sẽ cho phép bất kỳ ai kiểm tra tính toàn vẹn của trang giấy đó.

Sau khi đã hiểu về cơ chế niêm phong, chúng ta sẽ cùng quay lại thời điểm khi trang giấy đã ghi đầy 10 giao dịch và hết chỗ để viết thêm.

Lúc này, tất cả mọi người trong mạng lưới sẽ cùng tính toán để tìm ra con số niêm phong.

Người đầu tiên tìm ra được số niêm phong sẽ thông báo cho tất cả những người còn lại.

Blockchain là gìBlockchain là gì

Ngay khi nhận được số niêm phong, tất cả mọi người trong mạng sẽ xác nhận xem nó có thoả mãn yêu cầu đầu ra hay không.

Nếu có, tất cả mọi người sẽ đóng dấu trang của mình với số niêm phong này và đặt nó vào thư mục.

Nhưng nếu có ai đó, giả sử là #7, nói rằng số niêm phong này không thoả mãn yêu cầu đầu ra. Những trường hợp như vậy không phải là quá bất thường.

Những lý do có thể là:

  • Anh ta có thể đã nghe nhầm các giao dịch được thông báo trong mạng
  • Anh ta có thể đã viết sai các giao dịch được thông báo trong mạng
  • Hoặc anh ta có thể đã cố gắng gian lận hoặc không trung thực khi viết các giao dịch

Không quan trọng lý do là gì, #7 chỉ có một lựa chọn, đó là loại bỏ trang giấy và copy lại từ một người khác, sau đó có thể đặt nó vào thư mục của mình.

Nếu anh ta không đưa trang giấy của mình vào thư mục, anh ta không thể tiếp tục viết thêm các giao dịch khác, và như vậy anh ta sẽ bị cấm tham gia vào mạng lưới.

Bất kể số niêm phong nào được đa số thành viên trong mạng đồng ý, sẽ trở thành số niêm phong chính được sử dụng.

Vậy tại sao mọi người lại phải bỏ công sức ra để tính toán, khi mà họ biết rằng ai đó trong mạng sẽ tìm thấy con số niêm phong và thông báo cho họ.

Tại sao không đơn giản chỉ cần ngồi rung đùi và chờ đợi thông báo?

Đây là một câu hỏi rất hay. Và đây là nơi sự khích lệ phát huy tác dụng của nó.

Tất cả mọi người là thành viên của mạng Blockchain đều xứng đáng nhận được phần thưởng.

Người đầu tiên tìm ra được số niêm phong sẽ nhận được phần thưởng cho những nỗ lực mà anh ta đã bỏ ra (i.e tiêu tốn điện sức mạnh của CPU và điện năng).

Hãy tưởng tượng đơn giản thế này, nếu #5 tìm ra số niêm phong của một trang, anh ta sẽ nhận được phần thưởng là 1 khoản tiền miễn phí, ví dụ là $1.

Nói cách khác, tài khoản của #5 được cộng thêm $1 mà không làm giảm số dư của những người khác trong mạng.

Đó chính là cách Bitcoin ra đời. Đó là đơn vị tiền tệ đầu tiên được giao dịch trên một Blockchain (hay gọi là sổ cái phân tán).

Xem thêm: Bitcoin là gì? Tất tần tật về Bitcoin đơn giản, dễ hiểu

Và đổi lại, để duy trì cho những nỗ lực tính toán ra các con số niêm phong trong mạng, mọi người sẽ được trả công bằng Bitcoin.

Khi đủ người sở hữu Bitcoin, nó sẽ tăng giá trị, làm cho người khác cũng muốn có Bitcoin, làm cho nó tăng giá trị hơn nữa. Và cứ thế tiếp tục.

Phần thưởng giữ cho mọi người tiếp tục làm việc trong mạng lưới.

Bây giờ thì bạn đã hình dung ra được, việc tính toán ra các con số niêm phong hay gọi theo ngôn ngữ thực tế chính là việc đào Bitcoin rồi phải không.

Và khi mọi người cất trang giấy đã ghi kín thông tin giao dịch của mình vào thư mục, họ lại tiếp tục lấy ra một trang giấy mới và lặp lại toàn bộ quá trình này – do it forever.

  • Một trang giấy chính là một Khối (Block) giao dịch, và thư mục chính là một Chuỗi các Khối (Chain of Blocks) ghi thông tin giao dịch. Do đó, thuật ngữ Blockchain ra đời. 

Ngoại trừ một điều mà tôi chưa nói với bạn.

Hãy tưởng tượng có 5 trang giấy đã được niêm phong trong thư mục. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi quay lại trang thứ 2 và chỉnh sửa một vài giao dịch có lợi cho bản thân?

Như chúng ta đã biết, số niêm phong sẽ cho phép bất cứ ai phát hiện sự thay đổi trong các giao dịch.

Vậy nếu tôi đi trước 1 bước và tính toán ra một số niêm phong mới cho các giao dịch đã được sửa đổi và đóng dấu trang giấy đó với số niêm phong mới thì sao?

Để ngăn chặn vấn đề này, người ta đưa ra một số quy ước cho việc cho tính toán số niêm phong.

Cùng bảo vệ số niêm phong

Bạn có nhớ trước đây tôi đã đưa cho bạn 2 chiếc hộp không? Một chiếc hộp chứa con số 20893, và 1 hộp trống để chứa con số bạn sẽ tính toán.

Trong thực tế, để tính toán một số niêm phong trong một Blockchain, thay vì 2 hộp, hệ thống sẽ cung cấp cho bạn 3 hộp – 2 hộp đã được điền sẵn và một hộp trống để cho bạn tính toán.

Khi nội dung của 3 hộp đã được điền và đưa vào cỗ máy thần kỳ, giá trị trả về phải thoả mãn các yêu cầu đã cho.

Chúng ta đã biết rằng một hộp chứa danh sách các giao dịch, một hộp thì chứa số niêm phong. Vậy hợp thứ ba chứa gì?

Hộp thứ 3 sẽ chứa giá trị đầu ra của cỗ máy thần kỳ của trang giao dịch trước.

Blockchain là gìBlockchain là gì

Với thủ thuật nhỏ này, chúng ta có thể đảm bảo rằng tất cả mọi trang giao dịch đều phụ thuộc vào trang trước đó.

Do đó, nếu ai đó có ý định thay đổi một trang, anh ta sẽ phải thay đổi nội dung và số niêm phong của tất cả các trang sau đó, để giữ cho chuỗi được nhất quán.

Nếu một người trong số 10 người ở ví dụ ban đầu cố gắng gian lận và thay đổi nội dung của Blockchain (thư mục chứa các trang giấy ghi danh sách các giao dịch), anh ta sẽ phải điều chỉnh một vài trang và đồng thời phải tính toán số niêm phong mới cho tất cả các trang đó.

Chúng ta đã biết việc tính toán một số niêm phong khó khăn đến mức nào rồi phải không.

Và do đó, một gã không trung thực sẽ không thể đánh bại 9 người trung thực còn lại.

Điều sẽ xảy ra là, từ trang giao dịch mà gã không trung thực cố gắng gian lận, anh ta có thể tạo ra một chuỗi hoàn toàn khác trong mạng, nhưng chuỗi đó sẽ không thể nào có thể bắt kịp tốc độ của chuỗi chính, đơn giản là vì nỗ lực và tốc độ của anh ta không thể đánh bại nỗ lực và tốc độ của 9 người còn lại gộp lại.

Do đó, chuỗi dài nhất trong mạng sẽ được coi là chuỗi trung thực nhất.

Blockchain là gìBlockchain là gì

Khi tôi nói với bạn rằng một gã không trung thực không thể đánh bại 9 người trung thực, có điều gì đó nảy ra trong đầu bạn không?

Điều gì xảy ra nếu, thay vì một, mà là 6 người không trung thực

Trong trường hợp này, giao thức sẽ bị thất bại. Và nó được gọi là “51% Attack”.

Nếu phần lớn các thành viên trong mạng quyết định gian lận để lừa dối những người còn lại, giao thức sẽ không thành công.

Và đó là lý do duy nhất mà Blockchain có thể sụp đổ nếu họ muốn. Biết rằng điều này khó có thể xảy ra, nhưng chúng ta cần phải biết lỗ hổng của hệ thống.

Blockchain được xây dựng trên giả định rằng phần lớn đám đông luôn luôn trung thực.

Tạm kết

Trên đây là toàn bộ những gì liên quan đến Blockchain (ở mức dễ hiểu).

Và nếu bạn thấy có ai đó bị bỏ rơi lại phía sau và tự hỏi “Blockchain là cái nồi gì vậy?“, hãy đưa bài viết này cho họ nhé.

Bạn có nghĩ là có ai đó nên đọc bài viết này không? Nút Share ở ngay dưới bài viết nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *