Cách bố mẹ quan sát sự phát triển tâm lý của con

Theo các nhà tâm lý trẻ em, có thể nhận ra ba loại thân thể và từ đó tương ứng với ba dạng thần kinh.

Phân loại sự phát triển trong tâm lý học trẻ em

Loại “thực” nổi bật thì cơ thể hơi mập, tròn trĩnh. Loại này tính tình vui vẻ, dễ kết bạn, ăn uống dễ, thích ngủ và ngủ dễ.

Loại “bì” thì bộ máy tuần hoàn khỏe. Xương lớn, dẻo dai, vững chắc. Da dày, mạch máu lớn. Loại này ham thích hoạt động và sai khiến người khác.

Loại thứ ba là “não”. Gầy ốm, cao dong dỏng. Hay sợ hãi, e dè, nhạy cảm, ít thích chỗ đông đúc ồn ào giao tiếp. Khó ngủ và hơi động là dậy. Loại này cần được ngủ nhiều như hai loại kia. Ăn cũng khó và rất lâu lên ký.

Tuy nhiên, đó chỉ là những nét tiêu biểu. Trên thực tế ít có đứa trẻ nào hoàn toàn là loại này hay loại kia. Có khi là sự kết hợp khác nhau giữa ba loại. Nhưng trong mỗi cơ thể, một thành phần này có thể nổi bật hơn thành phần khác.

Cách quan sát tâm sinh lý của con nhỏ

Nếu cha mẹ biết nhận xét con mình thuộc loại nào, sẽ biết cái dễ cái khó trong việc nuôi con và đừng có bận tâm so sánh, ao ước, sao con tôi khó quá. Ngủ chút xíu đã dậy. Cho ăn là một cực hình. Hầu như rất khó lên ký. Bệnh một đợt là hết cả thịt da.

Ngay trong một gia đình, có khi hai anh em khác nhau thấy rõ. Một đứa thì khi cho ăn là cả nhà hồi hộp. Ông gõ trống, bà kể chuyện, mẹ vỗ tay mà nó chẳng há miệng. Đứa em thì lại mở tủ lạnh suốt ngày, có gì ăn uống nấy, từ sữa tươi đến kẹo chocolate.

Nếu bố mẹ nhận thức được sự khác biệt này thì sẽ bớt đòi hỏi phi lý, rằng đứa con mình phải giống con nhà hàng xóm. Thậm chí các bé khác nhau cả cách đứng ngồi.

Đứa bé loại “bì” đứng thẳng, vai mở ra vuông vắn tự nhiên, muốn nhắc nhở nó đứng ngồi nghiêm chỉnh là nó làm được ngay.

Trong khi đó, đứa loại “não” thì vai hay xệ xuống, lúc đứng cũng nghiêng một bên, ngồi có khi cũng lệch hoặc chân nọ gác lên chân kia.

cách quan sát con cái 1

Có đứa thì ồn ào, tivi oang oang nó vẫn ngủ tốt. Còn có đứa hay mách ba mẹ “anh ấy làm ồn con không học được”. Thậm chí tiếng dọn xếp nilon sột soạt cũng làm nó cáu giận. Cha mẹ đừng vội trách là khó tính đòi hỏi lắm chuyện, mà nên cảm thông với những khó khăn của con.

Học thấu hiểu về tính cách của con

Quan sát con, bạn có thể hiểu cá tính của chúng. Các bác sĩ nói rằng một trong những cách để tìm hiểu cá tính là xem chúng hành động ra sao.

Con bạn có thể tập trung chú ý tốt không, có hay thay đổi hoạt động luôn luôn, hay chú ý tới cái gì nhiều hơn, sự vật hay con người?

Từ đó, có thể hiểu con qua các tác phong đặc biệt. Các bác sĩ tâm lý cho rằng những tác phong gần như là bẩm sinh và khi lớn lên có thay đổi tùy theo môi trường sinh sống và giáo dục, nhưng trong bản chất, trẻ vẫn thế.

Có đứa trẻ thích tập trung, có đứa thích phân tán. Đứa ngồi chơi một mình xếp hoài trò lắp ráp trong khi đứa khác chỉ chút xíu là bỏ ngay, lấy chiếc xe đạp để đạp khắp nơi, chạy nhảy reo hò.

Năm tháng sẽ làm cho trẻ thay đổi, bớt cực đoan đi và cha mẹ nên nhớ mỗi cá tính này đều có cái hay cái tốt để phát huy. Nếu không hiểu, nhiều bậc cha mẹ thất vọng về con mình, cứ day dứt muốn con thành một đứa trẻ khác mà không chịu chấp nhận các đặc tính cá nhân.

Nhiều bậc cha mẹ còn quyết liệt tấn công, thay đổi con mình. Các bác sĩ còn chỉ ra nhiều loại trẻ: có đứa khó thích ứng với hoàn cảnh mới, từ giai đoạn tăng trưởng này sang một đoạn tăng trưởng khác.

Thậm chí có đứa còn không thích ứng khi đổi món ăn này sang món khác. Chuyển từ thức sang ngủ cũng lâu hơn. Khi đã ngủ rồi lại khó thức dậy. Ngày đi học thì lay mãi không mở mắt, ngày nghỉ được đi chơi đâu thì dậy từ sớm.

Gặp con khó thích ứng, cha mẹ có thể giúp, đừng quá cứng nhắc. Thí dụ khi vào giường, con vẫn cầm đồ chơi vào thì cứ để con cầm trong tay, đi vào giấc ngủ. Đừng bắt con chuyển tiếp đột ngột.

Lại có đứa trẻ khi mới đầu thì tốt đẹp, lâu một thời gian thì dở chứng. Với trẻ như thế thì nên tìm cách thay đổi hoàn cảnh luôn. Cho con sang phòng khác, về nhà bà nội bà ngoại, sơn lại cái bàn, cái ghế… Trẻ thích thay đổi mà.

Rắc rối nhất là gặp đứa trẻ hay phá phách đồ vật. Các bác sĩ nói rằng: đứa trẻ biết nói “không” trước khi biết nói “có”, biết ném đi trước khi biết nhận vào. Phải lựa theo từng cá tính mà giúp con.

Tác phong là hậu quả của tạng cơ thể và cá tính phần lớn là bẩm sinh. Vậy cha mẹ không làm gì được sao? Thật ra, cha mẹ sẽ dạy dỗ, rèn luyện con nên người, nhưng muốn làm được như thế, trước tiên phải hiểu và chấp nhận con như một cá thể độc đáo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *