Hầu hết các cặp vợ chồng đều có lúc cãi nhau trước mặt con. Chuyện này khó tránh khỏi vì đâu phải lúc nào hai người cũng đồng thuận nhưng điều đó có thể ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Theo tiến sĩ E. Mark Cummings, nhà tâm lý học ở Đại học Notre Dame (bang Indiana, Mỹ), thậm chí những đứa trẻ 6 tháng tuổi cũng cực kỳ nhạy cảm với tất cả những dạng mâu thuẫn giữa cha mẹ từ cãi vặt, thù ghét và đánh nhau. Nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy huyết áp ở trẻ nhỏ tăng lên khi cha mẹ cãi nhau trong tầm nghe của chúng. Chúng có thể không hiểu được từ ngữ, nhưng vẫn tiếp nhận sự mâu thuẫn này và cố tìm ra ý nghĩa của nó.
Cũng theo một cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Cummings phối hợp cùng một số nhà nghiên cứu ở Đại học Rochester (bang New York, Mỹ), mối quan hệ giữa cha mẹ và cách mà họ xử lý mâu thuẫn có ý nghĩa rất quan trọng đối với hạnh phúc của con. Nếu cha mẹ hòa thuận, trẻ sẽ có được cảm giác an toàn hơn, có thể tự tin khám phá và học hỏi về thế giới của mình. “Còn cha mẹ tranh cãi thường xuyên, bế tắc trong giải quyết vấn đề sẽ làm suy giảm sự tự tin, mang lại nỗi buồn và sự lo âu, sợ hãi dù cho trẻ đang ở độ tuổi nào”, tiến sĩ Cummings nói.
Khía cạnh tích cực của cơn giận
Mặt khác, trẻ cũng học được bài học tích cực từ những lần tranh cãi của cha mẹ. “Trẻ cần biết rằng thậm chí những đôi vợ chồng hạnh phúc cũng có thể bất đồng, và giận dữ là một cảm xúc chính đáng, bình thường”, tiến sĩ Richard Gallagher thuộc Trung tâm nghiên cứu về trẻ em ở Đại học New York nói.
Những cuộc tranh cãi của cha mẹ cũng ảnh hưởng đến cách mà con của họ xử lý cơn giận của chính mình. “Nếu chúng không bao giờ học được cách diễn đạt thành lời cảm xúc thật của mình, khi lớn lên, chúng có thể đè nén những cảm xúc đó và tin rằng mâu thuẫn không bao giờ có thể được giải quyết trên tinh thần xây dựng”, nhà tâm lý học Susan Heitler, một chuyên gia trị liệu về hôn nhân gia đình giải thích. Như thế, khi vấp phải một thời điểm bất lợi trong các mối quan hệ, hoặc bất đồng với đồng nghiệp hay cấp trên, chúng sẽ không có kỹ năng để tháo gỡ và giải quyết những khác biệt. Nếu như bạn giấu mọi cuộc cãi vã phía sau cánh cửa hoặc bảo với trẻ rằng “Cha mẹ không cãi nhau” dù rõ ràng là các bạn đang làm điều đó, thì trẻ không học được cách tin tưởng những nhận thức của riêng chúng hoặc của cha mẹ về vấn đề đó.
Điều đó không có nghĩa là bạn cần giải thích cặn kẽ mọi vấn đề với trẻ. “Ba và mẹ giận nhau nhưng đang nói về chuyện đó và tìm cách giải quyết”. Một lời giải thích như thế là đủ hiệu quả. Nếu trẻ chứng kiến cha mẹ thật sự giải quyết được những khác biệt, chúng sẽ hiểu rằng những cuộc tranh cãi có thể rất căng thẳng, nhiều cảm xúc nhưng cũng có thể đưa đến giải pháp.
Tranh cãi hiệu quả
Sau đây là một vài chiến thuật giúp cho các cuộc tranh cãi hiệu quả hơn.
Hạ nhiệt. Mỗi người đều có giới hạn chịu đựng trong một mối quan hệ. Điều quan trọng là cần nhận ra những dấu hiệu phát ra từ cơ thể trước khi cuộc khẩu chiến trở nên quá nóng. Cơn giận của bạn đã chạm đến điểm mà cuộc nói chuyện không còn hiệu quả nữa? Bạn đang hét to hơn? Tâm trí của bạn chỉ tập trung vào lỗi lầm của người kia? Hãy tạm dừng lại, uống một ly nước hay đi bộ một vòng và quay lại cuộc nói chuyện khi nào bạn thấy bình tĩnh hơn. Có lẽ bạn nghĩ rằng trẻ không nghe cuộc tranh cãi nhưng thật sự thì chúng có nghe. Vì thế, hãy thỏa thuận với chồng (vợ) của bạn rằng nếu mọi thứ quá nóng thì cả hai nên nhấn nút tạm dừng.
Tập trung giải quyết vấn đề, không chỉ trích cá nhân. Mỗi khi tranh luận, chỉ nên tập trung vào một chủ đề. Nên bỏ những từ “kết tội” như “luôn luôn”, “không bao giờ” ra khỏi tự điển của bạn. Kết tội chung chung chỉ đẩy người kia vào thế tự vệ, đổ thêm dầu vào lửa.
Đừng cố “thắng cuộc”. Cố gắng suy nghĩ một cách khách quan: Đơn giản đây chỉ là những vấn đề cần giải quyết. Khi bạn phản ứng một cách tôn trọng đối với quan điểm của người kia, trẻ sẽ hiểu rằng luôn có giải pháp cho một vấn đề nào đó và sự nhượng bộ không phải là điều tệ hại.
Quan tâm đến các dấu hiệu stress ở trẻ. Cũng giống như người lớn, trẻ em biểu hiện sự lo âu bằng nhiều cách khác nhau. Có trẻ lảng tránh khi nghe hoặc thậm chí chỉ mới cảm nhận sự mâu thuẫn, chúng bịt tai, che mắt hoặc chạy khỏi phòng. Một số trẻ phản ứng bằng những hành vi không tốt ở nhà hoặc trường. Có trẻ lao đến bảo vệ mẹ hoặc cha. Hậu quả là trẻ ngày càng trở nên kém kiên nhẫn. Nhức đầu, đau bao tử hoặc ăn quá nhiều chính là hệ quả không mong muốn đến từ những mâu thuẫn, va chạm của cha mẹ.
– Theo Parents
Trẻ thấy gì từ cuộc cãi vã của cha mẹ?
Em bé và trẻ mới biết đi
Bé bắt đầu hiểu được âm điệu, ngôn ngữ cơ thể cũng như cảm xúc của cuộc nói chuyện. Cha mẹ có thể đang tranh luận về một vấn đề xã hội nào đó nhưng bé chỉ cảm nhận là hai người mình yêu thương đang hét với nhau. Nếu để ý thấy điều này, hãy chậm lại và hạ thấp giọng, nhìn vào mắt trẻ và cùng nhau trao cho trẻ một nụ cười, một cái ôm, “Con yêu ơi, cha mẹ vẫn yêu nhau”.
Trẻ ở lứa tuổi mầm non
Trẻ ở độ tuổi này có thể nghĩ rằng chúng là nguyên nhân gây ra cuộc tranh cãi. “Nếu mình không đánh em thì cha mẹ đã không cãi nhau”. Hãy trấn an trẻ.
Trẻ đã đi học
Trẻ lớn hơn 5 hoặc 6 tuổi đôi khi tự giả định điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra – rằng cha mẹ sắp bỏ nhau – nếu như những cuộc tranh cãi không được giải quyết. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Cummings, con cái của những gia đình nhiều mâu thuẫn thường lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ. Chúng cũng khó tập trung học ở trường và khó có quan hệ tốt với bạn bè. Cha mẹ thay vì cố “phủi bỏ” cuộc tranh cãi bằng cách nói với con “Không có chuyện gì cả”, thì nên thừa nhận tình trạng bất đồng và thông báo cách giải quyết nếu như có thể.
Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/cai-nhau-truoc-mat-con-can-dung-cach-356398.html