Cần phải biết hỏi!

Từ câu chuyện vặt trong gia đình, một hôm bà mẹ đi làm quên dặn con gái (đã tốt nghiệp sắp đi làm) nấu món gì với các nguyên liệu có sẵn trong tủ lạnh.

Công việc bận bịu khiến bà không nhớ gọi về cho con gái và cô cũng không gọi điện cho mẹ hỏi nấu món gì. Trưa về nhà, nhìn mâm cơm bà mẹ hỡi ôi! Đáng lý thịt và khoai tây sẽ làm món xào. Miếng cá sẽ nấu canh ngọt. Thế nhưng, khoai tây con gái đem chiên để ăn vã. Thịt thì đem nấu canh ngọt và miếng cá cô để lại, cô chiên thêm cái trứng.

Tất nhiên, mọi thứ chỉ là không đúng ý bà mẹ thôi chứ bữa cơm vẫn bình thường. Có điều thịt mà nấu ngọt không ra sao. Và, hai con của bà khi ăn hết số khoai tây chiên đó, ngang bụng, bỏ cơm. Khẳng định ở đây chỉ không đúng ý bà mẹ thôi, còn lý lẽ của con gái đưa ra là bởi cô và em trai đều thích ăn khoai tây chiên nên chế biến theo ý thích không cần phải đúng theo công thức! Cái lý của cô không sai, thế nhưng bà mẹ vẫn băn khoăn!

Bà mẹ cảm thấy không hài lòng là tại sao con gái không điện thoại hỏi mẹ một tiếng có phải mọi thứ hoàn hảo hơn không. Ý bà mẹ, hỏi là việc rất quan trọng, phải biết hỏi và hỏi như thế nào? Đây là điều con gái phải chú ý để sau này ra đi làm không bị vấp ngã. Phải biết hỏi sao để không phiền người chung quanh: không biết thì hỏi, nhưng hỏi nhiều quá sẽ gây khó chịu cho người khác.

Trao đổi với con gái, bà mẹ cho con biết rằng cách hỏi không phù hợp rất dễ gây bực mình, hay người ta sẽ đánh giá mình dốt. Bà nêu vài ví dụ cho thấy đôi khi con gái có suy nghĩ không tự tin nên ngại hỏi, cứ lẳng lặng làm (rốt cục kết quả không đạt yêu cầu). Ý bà là, điều gì không biết thì hỏi.

Đặt vấn đề thẳng thắn rằng tôi phải làm như thế nào. Và, khi người khác đã chỉ vẽ cho mình điều đó rồi, phải biết tiếp thu, nắm bắt và mở rộng vấn đề ra để những thứ liên quan đến vấn đề cũ sẽ không được hỏi lại nữa. Nếu con gái không hỏi mà cứ im im làm sai, để lại hậu quả nghiêm trọng, có khi chịu trách nhiệm từ việc phải đền bồi cho đến những hệ lụy khác nữa.

Hỏi rất tế nhị và theo quy luật: Hỏi như thế nào? Hỏi khi nào? Tại sao phải hỏi? Hỏi ai? Hỏi cái gì? Hỏi ở đâu?

Bà mẹ giải thích cho con gái, cách hỏi là điều đầu tiên người khác đánh giá mình: Có thật sự cầu thị, muốn học hỏi hay không hay là hỏi một cách xấc xược, khiêu khích, chọc tức?

Hỏi nhã nhặn, khiêm nhường nhưng không rụt rè sợ hãi hay hèn yếu, nịnh bợ, xun xoe. Đặt vấn đề rõ ràng là tôi chưa biết, tôi cần phải hỏi để làm tốt hơn. Đó là “Hỏi như thế nào?”.

Ví dụ, một người sếp đang bực mình vì chuyện gì đó, có thể công việc ấy liên quan đến điều mà cô con gái cần nắm bắt. Nếu cô chạy đến hỏi, bà cam đoan, cô sẽ bị sếp nhìn bằng cặp mắt rất khác lạ. Do đó, dù là công việc gấp rút, hãy đợi sếp bình tâm lại và hỏi một cách nhẹ nhàng rằng cần ông giúp đỡ cho công việc này, việc kia chẳng hạn…

Hỏi khi nào? Tất nhiên khi mình lúng túng, cần hỏi. Thế nhưng không phải bí cái gì cũng hỏi mà phải hỏi sau khi mình đã “hết cách” rồi! Bà mẹ liên hệ câu chuyện bữa cơm ở trên, nếu con gái hỏi mẹ rằng cần nấu món nào với nguyên liệu nào, khi mẹ sẽ đưa ra đáp án và cô thấy thực đơn đó không hay, cần phải cải tiến, vậy thì hai mẹ con sẽ trao đổi điều chỉnh menu sao cho vừa hợp khẩu vị mọi người, vừa đúng theo “chuẩn” món ăn.

Bà kết luận, việc hỏi lúc này không đơn thuần là hỏi nữa mà đôi khi sẽ thành cuộc thảo luận để làm sáng tỏ vấn đề.

Tại sao phải hỏi? Gặp những vấn đề chưa đủ tự tin thì cần phải hỏi nhưng quan trọng là hỏi đúng người (hỏi ai), đúng việc (hỏi cái gì) và đúng thời điểm tại nơi cần hỏi. Nên nhớ, vị trí hỏi cũng rất quan trọng, không thể hỏi sếp về công việc khi ông mới từ ngoài nắng vào hay ông đang trao đổi với đối tác mà nhân viên lại chạy xộc vào hỏi!

Đến lúc này thì cô con gái lúng túng thật sự, bởi việc đời không dừng lại ở chỗ “không biết thì hỏi” nữa mà là cả một nghệ thuật, cần phải “trải” mới “nghiệm” ra được.

Bà mẹ cũng biết vậy, nhưng thôi thì được chữ nào hay chữ ấy, khi cần, những thông tin lưu trong bộ nhớ của con gái sẽ được kích hoạt giúp cô biết cách hỏi cho ra vấn đề!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *