Canh chừng con

Có nhiều bà mẹ rất thích… theo dõi con. Ngoài lý do chính có thể vì ít con, mẹ sốt ruột muốn quản con theo ý mình, không loại trừ nguyên nhân các bà mẹ này… rảnh quá!

Việc theo dõi con thường gây ra xung đột trong nhiều gia đình giữa cha mẹ và con cái. Nhưng quản thì cứ quản, chứ không phải ai cũng biết có những “chiêu” quản thế nào hiệu quả!

Con gái chị này năm nay học lớp chín, dễ thương xinh xắn nên có nhiều bạn bè, thỉnh thoảng cũng có mấy bạn nam đến nhà chơi, nói chuyện. Thường khi con gái có bạn đến nhà chơi, nhất là bạn nam, chị liền bỏ hết công việc để ngồi theo dõi!

Một hôm có người bạn thân đến nhà thăm chị, đã tám giờ tối mà thấy chị còn ngồi thu lu ngoài cổng. Nhìn vào trong nhà, con gái chị đang ngồi nói chuyện với một bạn trai học cùng lớp. Có khách đến, chị đứng dậy, nhường lối cho khách dắt xe vào. Khách vào nhà, nhìn bàn ăn cơm chưa dọn dẹp chén bát, cặp sách các cháu đi học về còn để ngổn ngang, khách hỏi: “Bề bộn thế này sao ra ngồi ngoài cổng?”. Chị than: “Con bé tiếp bạn bè lâu quá, mình chẳng làm gì được!”. Khách ngạc nhiên: “Nó tiếp bạn nó, chị làm việc chị có liên quan gì đến nhau?”. Chị nói nhỏ: “Đâu được, phải ngồi canh chừng nó!”.

Rồi chị giải thích thêm: “Mỗi lần bạn trai nó đến chơi là mình phải canh như vậy. Thứ nhất cho chúng nó ngại rồi sau này sẽ bớt đến, thứ hai thấy mình ngồi đó nó rút lui sớm, thứ ba là phải canh chừng xem tụi nó nói chuyện gì với nhau. Hôm nay gặp cái thằng nói chuyện dai nhách, gần hai tiếng đồng hồ rồi mà chưa chịu đứng lên ra về”.

Khách hỏi: “Sao chị không nói cháu chủ động chấm dứt câu chuyện để làm việc nhà, rồi còn học bài nữa? Hay chính chị chủ động chấm dứt câu chuyện của chúng nó?”. Chị: “Nó nói không muốn làm bạn mếch lòng. Mình cũng ngại nói với bạn của con, sợ chúng nghĩ mình khó tính. Đành phải ngồi canh chừng như vậy thôi”. Khách hỏi thêm: “Vậy chúng nó nói chuyện đến chín mười giờ thì chị cũng phải ngồi canh vậy sao?”. Chị trả lời: “Không, chỉ có hôm nay chúng nó nói chuyện lâu như vậy. Nhưng nếu tụi nó nói lâu đến đâu, mình ngồi canh đến đó!”.

Khách lắc đầu, không biết theo cái đà này, con gái ngày càng lớn càng có nhiều bạn bè, chị sẽ có đủ sức canh chừng chúng đến bao giờ nữa. Quả là một bà mẹ độc đáo, hiếm thấy ở thời hiện đại!

dn694_240217_gd_canh-chung-con-ok

Không phải bà mẹ nào cũng theo dõi con “lộ liễu” như vậy. Hai vợ chồng có một con trai duy nhất. Nhà chung cư hai phòng ngủ rộng bằng nhau. Vợ chồng một phòng, con trai một phòng. Phòng con trai có cái tủ âm tường lớn mà con trai ít quần áo hơn ba mẹ. Mẹ viện cớ tủ phòng bên này chật rồi nên qua để nhờ một số thứ bên tủ phòng con.

Cậu con trai đâu hiểu đó là “chiêu” của bà mẹ muốn có cớ để ra vô phòng con mà không cần phải nói lý do. Cậu này thuộc loại dễ tính, không như nhiều bạn trẻ khác là… cấm cửa không cho người lớn vào phòng riêng của mình. Thỉnh thoảng khó chịu lắm cậu mới hỏi: “Sao không để đồ bên phòng mẹ?”.

Tất nhiên bà mẹ giải thích rất hợp lý. Thật ra, đó chỉ là cách theo dõi con mà không để chúng biết, phàn nàn mình, bà mẹ giải thích!

Nhiều ông bố, bà mẹ khẳng định khi chưa xây nhà mới, cha mẹ con cái còn quây quần trong một không gian chung, tình cảm gắn bó nhau hơn, có điều kiện theo dõi hay nói chuyện với con. Đến khi xây nhà, mỗi người một tầng thì gần như mối quan hệ cha mẹ – con cái lỏng lẻo, thậm chí nhợt nhạt. Tuy nhà có phòng sinh hoạt chung nhưng hầu như chẳng tập trung được con cái ngồi vào đó đông đủ. Con ở tầng của con như một giang sơn riêng, cha mẹ khó quản lý, nhất là việc sử dụng máy tính theo hướng không tích cực, lấy mất giờ học hành bằng chơi game, xem phim…

Thật sự, với “công nghệ” như bây giờ, dù cha mẹ có theo dõi con cỡ nào cũng khó bắt kịp nếp nghĩ của con cái bởi có thể con vẫn ở nhà, nhưng ý tưởng, tâm hồn của con cái đã thoát ra đi khắp năm châu bốn bể rồi. Quản cũng chỉ là một hình thức coi như… tự trấn an mà thôi.

Một bạn trẻ cho biết không đồng ý với cách nghĩ của mẹ mình khi sợ con cái ra ngoài bị bạn bè dụ dỗ, lôi cuốn. Chính việc áp đặt này đã làm con cái mất tự tin khi chọn bạn mà chơi hay không bao giờ muốn rủ bạn đến chơi nhà. Và, một người đã qua cái thời quản con phát biểu, rồi cũng đến lúc hết quản, vui vẻ thoải mái với nhau ngày nào hay ngày đó vì thời gian qua nhanh lắm!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *