Một clip lan truyền trên mạng với tựa đề “Chỉ có thể là bố”. Cả gia đình đang xem tivi, bố nằm dài trên salon, đứa con nhỏ khoảng một tuổi sắp rớt xuống đất. Bố không trực diện thấy con nhưng ngay lập tức ngoặt tay ra sau đỡ lấy. Hai đứa bé chạy ngon trớn, vừa lúc một đứa sắp ụp mặt vào bồn hoa, đứa sắp té xuống đường liền có bố đưa tay ra bế. Một vật nguy hiểm vừa sắp bay trúng con gái, bố đưa tay bắt lấy. Con gái chạy xe đạp sắp tung vào một xe hơi, lập tức có bố giang tay ôm con thoát khỏi hiểm nguy. Một cô dự thi nấu ăn, mở hoài không ra nắp chai (có lẽ là rượu) liền chạy đến cầu cứu bố đang làm khán giả. Một cậu bé mang đến khoe với bố cái bánh kem vừa làm xong, cậu bị trượt tay, bánh kem rơi ra, chuồi trên bàn, vừa lúc cậu ngây người tuyệt vọng (cầm chắc bánh rớt xuống đất) thì đã có bố nhanh tay đỡ lấy. Hai bố con đang chơi xích đu, vừa lúc xích đu có nguy cơ trúng con, bố liền ôm con nằm rạp xuống đất… Hay, bố đang đứng trước siêu thị cạnh đấy là xe nôi của con, bỗng xe nôi tuột dốc, vừa lúc bố quay lại chạy theo giữ được xe nôi… Vào những tình huống nguy hiểm nhất liên quan đến con, liền có bàn tay của bố nắm/đỡ lấy.
Không phải là những vấn đề vĩ mô về vai trò của người cha trong gia đình, chỉ những tình huống khẩn cấp trong clip đã nói lên tất cả. Chỉ có thể là bố mới làm được cho con những điều kỳ diệu ấy! Không cần phải khẳng định “bố là tất cả, bố ơi bố ơi” mà thấy rằng, hạnh phúc cho ai có bố tuyệt vời như thế!
Nếu làm một cuộc phỏng vấn với trẻ từ 7-16 tuổi, chắc chắn, bố tuyệt vời là bố thương yêu, gần gũi và chịu khó chơi với con. Những đứa trẻ không cần biết bố làm ra nhiều tiền, chúng cần sự hiện diện của bố bên cạnh, mỗi ngày. Có thể bố dạy con học không dịu dàng, nhỏ nhẹ như mẹ nhưng ít ra trẻ sẽ an tâm với cảm giác chúng đang có một ông bố cừ khôi, giải toán giòn tan như ăn bắp chiên bơ. Trẻ sẽ sung sướng khoe với bạn bè, đây là món đồ chơi tự tay bố làm cho chúng. Ai đưa con đi tập bơi, tập xe đạp, xe máy tốt hơn bố? Không chỉ khiến con vững tâm mà còn làm chúng hãnh diện. Chỉ có bố mới là bức tường vững chãi cho con dựa vào, cho dù về kinh tế bố có “lép vế” đến đâu so với mẹ!
Lớn lên, bước xuống cuộc đời, có đứa con thành công, có đứa con thất bại. Đứa con thất bại trở về. Có thể hai bố con không nói chuyện nhiều (như với mẹ) nhưng họ gặp nhau ở tính bản lĩnh, chịu đựng và quyết tâm vượt qua. Nhiều khi con trở về để nhìn ánh mắt cảm thông và hành trang ra đi là cái bắt tay siết chặt của bố. Con cảm thấy mình còn một chỗ dựa tiếp tục cuộc hành trình cơm áo. Bố là thần tượng của con là vì thế.
Trong xã hội, cũng có không ít ông bố chỉ sống cho riêng mình. Ông nghĩ, mang về từng ấy tiền, không để vợ con phải khổ sở vì kinh tế là đã chu toàn trách nhiệm rồi. Những ông bố suốt ngày ở bên ngoài, tối về say khướt lại đổ thừa cho công việc thì không thể nào giáo dục được con. Bởi thế nên con chỉ biết có mẹ. Nhưng, suy cho cùng, mẹ không thể làm tốt vai trò của bố dù mẹ có tài giỏi, uyên bác, hiểu biết tâm lý đến đâu vì mẹ là mẹ, chỉ là một nửa trong cái cấu thành nên đứa con.
Nhiều người cho rằng, hình ảnh bố nấu một bữa ăn giá trị hơn rất nhiều lần bữa cơm mẹ nấu. Công cha như núi Thái Sơn là vì thế. Không nhiều lời, không hoa mỹ, không ồn ào, tình cha với con lặng lẽ, là hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Còn nữa, cha chắc chắn là bản sao cho con trai sau này và ao ước của con gái mong gặp được một người chồng tốt như cha. Dù người cha có quyền cao chức trọng đến đâu mà khi về nhà vợ không kính, con không thương thì chỉ có thể nói là bi kịch!