Việc chia sẻ và nhớ lại những câu chuyện gia đình giúp lưu giữ những kỷ niệm, để thế hệ tương lai hiểu thêm về các thành viên và cội nguồn của gia đình. Nếu muốn gia đình hạnh phúc hơn, cha mẹ hãy tạo ra, chọn lọc và chia sẻ với con cái về những khoảnh khắc tươi đẹp của gia đình và khả năng để vượt qua những khoảnh khắc khó khăn trong cuộc sống gia đình.
Sự kết nối giữa quá khứ và những điều chưa biết trước đó còn giúp con trẻ có thêm một viễn cảnh về lịch sử. Cho dù là những câu chuyện trên bàn ăn vào bữa tối, lúc ngồi trong xe hơi, vào những ngày lễ kỷ niệm của gia đình hay bất cứ dịp nào khác, đều mang ý nghĩa chia sẻ. Những câu chuyện có tính cá nhân cũng là dịp để giới thiệu trẻ với bạn bè và các thành viên gia đình, thắt chặt các mối quan hệ giữa các thế hệ, giữ gìn những ý tưởng và truyền thống, giúp trẻ nhận thức được nền tảng văn hóa gia đình. Hơn nữa, những câu chuyện ấy có thể cung cấp cho con trẻ những trải nghiệm quý giá, cách giải quyết vấn đề hoặc đối phó với thử thách.
Theo ghi nhận của các chuyên gia tâm lý, những câu chuyện gia đình có một sức mạnh đáng ngạc nhiên, giúp con bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống, nhất là khi trẻ biết chú ý, kết nối và đưa ra những câu hỏi để có thể học hỏi được nhiều kỹ năng đáng giá. Từ đó, trẻ có thêm sự tự tin, biết đánh giá cao về người khác và cảm thấy mình là một phần của điều gì đó cao hơn cả bản thân.
Mối quan tâm của cha mẹ
Bí quyết là kể những câu chuyện phù hợp, cân nhắc nên chia sẻ loại thông tin nào với trẻ. Bởi khả năng nhận thức và cảm xúc của trẻ nhỏ và thiếu niên có xu hướng thay đổi tùy theo độ tuổi và mức độ phát triển. Một số cha mẹ có thể nhận biết con trẻ gặp khó khăn trong việc xử lý các câu chuyện hoặc vô tình để lộ các bí mật gia đình. Hơn nữa, nhiều trẻ không hiểu được các ngữ cảnh, mối quan hệ hoặc trải nghiệm cuộc sống của người khác. Kết quả là chúng có thể bối rối, thờ ơ hoặc mất tự tin, gặp trở ngại khi nghĩ đến những cảm xúc hoặc những chi tiết rối rắm của câu chuyện.
Khi chia sẻ với trẻ những câu chuyện, hãy:
- Đừng hối thúc trẻ. Hãy chắc chắn rằng muốn nghe hay nhìn thấy câu chuyện trước khi bạn muốn chia sẻ với chúng. Nếu trẻ cảm thấy lo lắng, một cuộc nói chuyện gần gũi về lý do tại sao trẻ cảm thấy như vậy sẽ giúp xua tan sự bối rối. Những câu chuyện được trẻ tiếp thu và đánh giá cao nhất là khi chúng sẵn sàng để lắng nghe, quan tâm và cảm thấy thoải mái với câu chuyện.
- Chia sẻ những câu chuyện phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ. Những câu chuyện quá phức tạp hay nhiều cảm xúc thường gây khó khăn cho trẻ khi tiếp thu. Vậy nên, hãy sắp xếp thứ tự, mạch lạc câu chuyện, tiếp tục hay dừng kể câu chuyện, khi cần thiết.
- Cân nhắc thời gian. Dành đủ thời gian để có thể dừng câu chuyện và trả lời một cách thận trọng những câu hỏi của trẻ trước khi, trong lúc và sau khi chia sẻ một câu chuyện. Chọn lúc trẻ không cảm thấy mệt mỏi, đói bụng, lơ đãng hay tâm trạng bất an để chia sẻ câu chuyện.
- Giám sát tiến trình. Nếu trẻ tỏ vẻ thiếu quan tâm đến câu chuyện bạn chia sẻ, hãy cho trẻ nghỉ ngơi. Đồng thời, nghĩ cách tạo ra các kết nối thích hợp giữa chi tiết câu chuyện và thế giới hiện thực hằng ngày của trẻ.
Chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống gia đình đem lại nhiều lợi ích đối với con trẻ, giúp trẻ học hỏi, hình thành ý thức về bản sắc gia đình và hướng những trải nghiệm của trẻ đến cuộc sống tương lai. Việc chia sẻ và bảo tồn những câu chuyện là cầu nối nhận thức giữa quá khứ và hiện tại, tạo ra và duy trì các mối quan hệ qua nhiều năm tháng.
Tuy nhiên, việc chia sẻ cần an toàn và nuôi dưỡng những cảm xúc gần gũi, và việc trao đổi giữa những câu hỏi và câu trả lời cần là một phần của tiến trình của sự mở mang kiến thức. Bằng cách này, mọi thành viên gia đình sẽ có chuẩn bị tốt hơn để đánh giá đầy đủ câu chuyện cần chia sẻ cũng như hiểu rõ hơn về người cần được chia sẻ.
– Theo Creativity Post
Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/chia-se-voi-tre-nhung-cau-chuyen-gia-dinh-342392.html