CHUỖI BÀI VIẾT VỀ “NHỊN ĂN GIÁN ĐOẠN”


Mặc dù bài viết dựa trên các thông tin khoa học mới nhất mà nhóm biên tập tìm thấy, bản chất của khoa học là luôn cập nhật cũng như cần một quãng thời gian nhất định để xác thực trước khi được đưa vào các phác đồ và hướng dẫn thực hành lâm sàng. Vì vậy, bài viết chỉ dừng lại ở việc chia sẻ một số góc nhìn dựa trên cơ sở khoa học mà ban biên tập cố gắng chuyển tải một cách khách quan nhất có thể. Bài viết không mang tính kêu gọi áp dụng các nội dung được chia sẻ trước khi có những hướng dẫn chính thức từ cơ quan chức năng.

1. Vấn đề an toàn của nhịn ăn gián đoạn

a. Những ai nên thận trọng khi thực hiện phương pháp này?

Nhịn ăn gián đoạn không phải là chế độ ăn cho mọi người. Nếu thiếu cân hay có tiền sử rối loạn ăn uống thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi nhịn ăn. Trong những trường hợp như trên, nhịn ăn có thể trở nên hết sức có hại.

Nữ giới có nên nhịn ăn không?

Một số bằng chứng cho thấy nhịn ăn gián đoạn ở nữ giới không đem lại lợi ích nhiều như trên nam giới.

Ví dụ, một nghiên cứu của Leonie K. Heilbron và cộng sự tại trung tâm nghiên cứu Y sinh Pennington (Los Angeles, Hoa Kỳ) đã cho thấy tình trạng nhạy cảm insulin được cải thiện ở nam giới nhưng sự kiểm soát đường huyết ở nữ giới lại tệ đi. Ngoài ra, tuy các nghiên cứu trên người về chủ đề này chưa được thực hiện nhưng kết quả nghiên cứu trên chuột cống của Bronwen Martin cùng cộng sự thuộc Viện quốc gia về Lão hoá (Maryland, Hoa Kỳ) đã cho thấy nhịn ăn gián đoạn có thể làm chuột cái gầy gò, nam hoá, vô sinh, thậm chí có thể gây mất chu kỳ kinh nguyệt.
Khi lượng calo nạp vào thấp (ví dụ như do nhịn ăn quá lâu hoặc quá thường xuyên), vùng dưới đồi ở não bộ có thể bị ảnh hưởng. 2 nghiên cứu của B. Meczekalski (Đại học Khoa học Y Poznan, Phần Lan) và cộng sự đã chỉ ra mối liên hệ giữa phụ nữ giảm cân và mất kinh do giảm tiết GnRH tại vùng dưới đồi. Sự giảm tiết này làm ảnh hưởng đến 2 hormone quan trọng, có vai trò kích thích và điều hoà noãn bào trong hệ sinh sản là LH và FSH. Khi sự điều hoà 2 hormone này bởi GnRH bị ảnh hưởng, phụ nữ có nguy cơ bị rối loạn kinh nguyệt, vô sinh và một số vấn đề khác về sức khoẻ.

Vì các lý do trên, nữ giới nên cẩn thận với chế độ nhịn ăn gián đoạn và nên dừng lại ngay lập tức nếu phát hiện các vấn đề như mất kinh nguyệt. Những đối tượng có vấn đề về khả năng thụ thai và/hoặc đang cố gắng có con không nên thử nhịn ăn gián đoạn. Ngoài ra, chế độ ăn này cũng không được khuyến khích đối với phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ.

          phụ nữ mang thai có nên nhịn ăn gián đoạn?

b. Các tác dụng phụ và tính an toàn

Tác dụng phụ chính của nhịn ăn gián đoạn là gây đói bụng. Người áp dụng phương pháp còn có thể cảm thấy yếu và não bộ không hoạt động tốt như thông thường. Các hiện tượng này có thể chỉ diễn ra tạm thời do cơ thể cần thời gian để thích ứng với lịch ăn mới. Tuy vậy, những người có tình trạng bệnh lý cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện chế độ ăn nói trên, đặc biệt là những trường hợp như sau:

  • Đái tháo đường hoặc có các vấn đề về điều hòa đường huyết
  • Huyết áp thấp
  • Đang dùng thuốc
  • Thiếu cân
  • Có tiền sử rối loạn ăn uống
  • Nữ giới đang cố thụ thai
  • Nữ giới có tiền sử mất kinh
  • Đang mang thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ

Nghiên cứu của Nazim Ghouri và cộng sự (Đại học Glasgow, Glasgow, Anh) đã chỉ ra rằng phối hợp giữa nguy cơ hạ đường huyết do nhịn ăn, đái tháo đường kết hợp với điều khiển máy móc (chẳng hạn như lái xe) là một mối lo ngại đáng cân nhắc liên quan đến chế độ nhịn ăn. Trong nghiên cứu của Nazim, nhóm đã tập trung vào trường hợp nhịn ăn Ramadan của người Hồi giáo. Hạ đường huyết có thể dẫn đến sự suy giảm khả năng nhận thức, khả năng phán đoán cũng như xử lý các tình huống phức tạp. Việc lái xe trong khi nhịn ăn (Ramadan) có liên quan đến sự tăng nguy cơ tai nạn giao thông do tài xế dễ bị ngủ gật. Do đó, để đảm bảo an toàn, những người bị đái tháo đường nên thật sự cẩn trọng hoặc hoàn toàn từ bỏ ý định áp dụng phương pháp nhịn ăn (đặc biệt là khi người này phải điều khiển máy móc).

2. Kết luận

Các nghiên cứu tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy nhịn ăn gián đoạn có lợi ích phủ rộng trên nhiều tình trạng bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, các loại ung thư và các bệnh thần kinh. Tuy các mô hình động vật cho thấy nhịn ăn gián đoạn cải thiện sức khỏe trong suốt thời gian sống nhưng các nghiên cứu lâm sàng hầu hết chỉ liên quan đến những can thiệp ngắn hạn (trong khoảng vài tháng). Việc mọi người duy trì chế độ nhịn ăn gián đoạn suốt nhiều năm và từ đó có được các lợi ích như mô hình động vật là câu chuyện vẫn cần được làm rõ. Hơn nữa, các nghiên cứu lâm sàng chủ yếu tập trung trên đối tượng người thừa cân trẻ ở độ tuổi trưởng thành và trung niên. Do đó, chúng ta vẫn chưa thể khái quát hóa cho các nhóm tuổi khác về những lợi ích và tính an toàn đã quan sát được của chế độ nhịn ăn gián đoạn trên các nghiên cứu này.

Mặc dù hiện nay, chúng ta chưa hiểu rõ cơ chế cụ thể nhưng các lợi ích của nhịn ăn gián đoạn có liên quan đến cơ chế thay đổi chuyển hóa (metabolic switching) và đề kháng stress tế bào. Thế nhưng, một số người không có khả năng hoặc không muốn tuân theo chế độ nhịn ăn gián đoạn. Bằng việc hiểu hơn về các quá trình liên quan giữa nhịn ăn gián đoạn và lợi ích sức khỏe, chúng ta có thể phát triển một số liệu pháp dùng thuốc bắt chước tác động của nhịn ăn gián đoạn mà không cần phải thay đổi đáng kể thói quen ăn uống.

Cụ thể, đã có các nghiên cứu về cơ chế của việc giới hạn calo và nhịn ăn gián đoạn ở mô hình động vật dẫn đến sự phát triển và thử nghiệm nhiều phương pháp can thiệp bằng thuốc bắt chước lợi ích về sức khỏe cũng như giảm nhẹ bệnh của thói quen nhịn ăn gián đoạn. Một số ví dụ bao gồm các thuốc gây thách thức nhẹ lên chuyển hoá (2-deoxyglucose, metformin và các chất gây tách cặp ty thể), tăng cường năng lượng sinh học ty thể (ketone ester hoặc nicotinamide riboside) hoặc ức chế con đường mTOR (thuốc sirolimus). Tuy nhiên, dữ liệu an toàn đang có từ các mô hình động vật gợi ý rằng mức độ an toàn và tác dụng của các hướng tiếp cận bằng thuốc như vậy có thể thua kém so với nhịn ăn gián đoạn.

Nếu bạn có ý định nhịn ăn gián đoạn thì hãy thảo luận với bác sĩ thật kỹ lưỡng. Việc bỏ bữa ăn và giới hạn calo quá mức có thể gây hại đối những người đang có tình trạng bệnh lý (ví dụ như đái tháo đường). Những người đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc bệnh tim cũng có nguy cơ bị bất thường điện giải do nhịn ăn. Các đối tượng thực hiện chế độ ăn này nên có sự hỗ trợ về mặt xã hội về lâu dài để đối mặt với quãng thời gian phải tiêu thụ ít calo. Tóm lại, nhịn ăn gián đoạn có thể đem lại nhiều lợi ích nếu những người theo đuổi phương pháp này đang khoẻ mạnh và có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất.

 

  • Theo dõi fanpage chính thức của BV-NTP để biết thêm các thông tin tại ĐÂY
  • Tham khảo thêm các video dành cho cộng đồng trên kênh Youtube của BV-NTP tại ĐÂY

 

Nguồn: http://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/can-lam-sang/dinh-duong/chuoi-bai-viet-ve-nhin-an-gian-doan.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *