Có nên cho trẻ nhỏ truy cập vào mạng internet hay không luôn luôn là một vấn đề gây tranh cãi, và một cuộc khảo sát được tiến hành bởi ASSOCHAM (Phòng liên hiệp Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ) tiết lộ rằng gần 73% trẻ em ở độ tuổi từ 8 đến 13 ở các thành phố cấp II đang sử dụng Facebook và các trang mạng xã hội. Cuộc khảo sát này cũng cho biết gần như 82% phụ huynh giúp con cải tạo hồ sơ trực tuyến của chúng.
DS Rawat, Tổng thư ký ASSOCHAM, nói: “Trẻ em được tiếp cận với các trang web mạng xã hội ở độ tuổi rất nhỏ. Khả năng tiếp cận với nội dung, con người hay những tình huống mà chúng có thể gặp phải vượt quá sự hiểu biết của chúng”.
Hầu hết các trang mạng xã hội, bao gồm cả Facebook và Google Plus, khuyến nghị độ tuổi tối thiểu để đăng ký một tài khoản là 13.
Vì vậy, một cuộc khảo sát đã được thực hiện. Đối tượng phỏng vấn là cha mẹ có con trong nhóm 8-13 tuổi để xem liệu họ có đồng ý cho con mình sử dụng các trang mạng xã hội.
Một số người nói không nên giúp con trẻ tạo một tài khoản trực tuyến vì chúng dễ bị nghiện nó, những người khác tin rằng có những khía cạnh tích cực từ việc đăng ký một tài khoản mạng xã hội cho con trẻ – như nắm bắt những tin tức trực tuyến của trường hoặc gửi thư mời điện tử đến bạn bè
Mọi thứ đều trực tuyến
Cho dù đó là đăng ký trực tuyến vào các cuộc thi khác nhau của nhà trường hoặc gửi thư mời điện tử đến bạn bè, các bậc phụ huynh cho rằng ngày nay tất cả các hoạt động đều diễn ra trực tuyến và họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép con trẻ tiếp xúc với thế giới ảo.
Pooja, một bà mẹ nội trợ có một cô con gái 13 tuổi, nói: “Hiện nay, trẻ em bắt đầu sử dụng các thiết bị thông minh từ độ tuổi rất sớm. Và trước khi bước vào lứa tuổi thanh thiếu niên, chúng đã quen thuộc với thế giới ảo.
Một vài tháng trở lại đây, hội trại hè của con gái tôi đã tổ chức một cuộc thi trực tuyến trên trang Facebook. Rõ ràng, bạn không thể tham gia nếu bạn không có một tài khoản trực tuyến. Vì vậy, tôi đã giúp con gái tôi đăng ký tạo một trang Facebook một năm nay”.
Tuy nhiên, bà cho biết thêm: “Điều này đã khiến con gái tôi nghiện mạng truyền thông xã hội. Tôi có kiểm tra các hoạt động trực tuyến của con bé, nhưng nó khăng khăng dành một, hai giờ trực tuyến để trò chuyện với bạn bè và chơi trò chơi trực tuyến thôi”.
Ashutosh Pandey, một doanh nhân và là cha của một cậu con trai 12 tuổi, nói: “Tôi nhận thức được những khía cạnh tiêu cực của việc tiếp xúc quá nhiều với phương tiện truyền thông xã hội.
Trong thực tế, tôi hoàn toàn không đồng ý với việc con trai tôi mở một tài khoản Facebook. Nhưng tất cả bạn bè của thằng bé đều có một tài khoản và nó là đứa duy nhất không có Facebook.
Vì vậy, nó vẫn tiếp tục nài nỉ tôi để giúp nó đăng ký vào Facebook. Cuối cùng, tôi đành nhượng bộ nhưng chỉ với một điều kiện rằng nó sẽ không được thay đổi mật khẩu do tôi lập ra.
Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy số lượng thư mời điện tử nó nhận được cho những tiệc sinh nhật và những cuộc gặp mặt khác. Đây là một thế hệ hi-tech thực sự và nếu được thực hiện với sự giám sát thích hợp, tài khoản trực tuyến có thể rất hữu ích”.
Shinjini, một bà mẹ nội trợ có đứa con 14 tuổi, nói: “Ngay cả nếu chúng ta không giúp chúng tạo tài khoản trực tuyến, chẳng phải, cuối cùng thì chúng cũng sẽ tự làm điều đó sao?
Hơn nữa, tôi cảm thấy rằng internet là một cường quốc của kiến thức. Nếu sử dụng đúng cách, nó giúp trẻ em nâng cao kiến thức.
Tôi cũng nằm trong danh sách bạn bè Facebook của con trai tôi; vì vậy, tôi biết những gì nó đang làm. Nó cho tôi biết mật khẩu của nó nhưng như vậy cũng tốt rồi. Nó cũng cần một chút riêng tư”.
Trẻ em đã quá tiến bộ đến nỗi điều đó không thực sự quan trọng
Jayshree, một doanh nhân và là mẹ của một cô con gái 14 tuổi, nói: “Con gái tôi đã có một tài khoản ngay cả trước khi chúng tôi nhận ra. Tôi chỉ biết điều này khi con bé gửi yêu cầu kết bạn với một trong những người anh em họ.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng trẻ em là đã quá tiến bộ đến nỗi việc cha mẹ có giúp chúng tạo ra một tài khoản trực tuyến hay không không còn quan trọng nữa. Không chỉ có vậy, con gái tôi cũng có tài khoản trên Twitter, Google Plus và Instagram”.
Priyanka, con gái của Jayshree, cho biết thêm: “Cha mẹ cháu vô cùng bận rộn với công việc làm ăn và em gái cháu chỉ mới có 6 tuổi”.
Pháp luật nói gì?
Trong khi không có luật cấm trẻ vị thành niên sử dụng internet, trong các trường hợp có liên quan đến trẻ em, cha mẹ của chúng sẽ chịu trách nhiệm về bất kỳ sự cố không may nào xảy ra.
Luật sư Amit K Upadhyay cho biết “Mặc dù pháp luật trên mạng không bao quát các vấn đề lạm dụng trẻ em trên mạng internet, trong một số trường hợp nhất định khi một cá nhân có những lợi thế không đáng có và/hoặc làm mất danh dự hoặc mất mát cho người khác bằng những thông tin hoặc tài liệu sai lệch, bị cáo có thể bị xử theo những điều lệ khác nhau của Bộ luật hình sự Ấn Độ (IPC) như 420 và 468.
Và trong trường hợp này nếu bị cáo là người chưa thành niên nhưng được sự giúp đỡ của một người lớn (ở đây là cha mẹ) thì chắc chắn các bậc cha mẹ sẽ bị buộc là có tội”.
Nếu được theo dõi, mạng toàn cầu là an toàn
“Cháu hầu như không có ai để trò chuyện khi cháu đi học về. Internet chắc chắn đã đến để cứu cháu. Cháu có thể chat với bạn bè, chơi trò chơi và chia sẻ hình ảnh với họ”, Priyanka cho biết thêm.
Tuy nhiên, Tejas Gupta, một chuyên gia tiếp thị và là cha của hai đứa con tuổi vị thành niên, không đồng ý về điều này. Ông nói, “Ban đầu, tôi cũng nghĩ rằng việc tạo tài khoản trực tuyến là tốt cho bọn trẻ nhà tôi và rằng việc đó sẽ giúp chúng am hiểu công nghệ hơn. Vì vậy, tôi hỗ trợ chúng trong việc tạo ra tài khoản.
Nhưng tôi đã sai. Chẳng bao lâu sau, con trai tôi trở nên nghiện thế giới trực tuyến. Con trai lớn của tôi, 15 tuổi, bắt đầu dành thì giờ chơi trò chơi trực tuyến và trò chuyện với bạn bè. Nhưng đến khi tôi phát hiện ra rằng nó kết bạn với những người không quen biết trên mạng, tôi quyết định hành động nghiêm khắc.
Tôi yêu cầu nó xóa tài khoản và chỉ cho phép nó sử dụng các trang mạng xã hội một khi nó đủ lớn khôn. Tôi cũng đã lấy lại điện thoại thông minh của nó. Đây là thời gian chúng cần học tập và tham gia nhiều hơn nữa vào các hoạt động thể chất.
Ngồi một chỗ và lướt net, nơi có thể chứa những thứ vượt quá sự hiểu biết của chúng, không chỉ là một mối đe dọa đến an toàn của chúng, mà còn làm cho chúng xa rời thực tế”.
Không cho phép trẻ em truy cập vào nội dung người lớn
Geetika, một doanh nhân và là mẹ của một cậu con trai 10 tuổi, nói: “Đôi khi, tôi nghĩ rằng tôi không nên cho phép con tôi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội ở độ tuổi sớm như vậy.
Tôi đã nhận thấy một số thay đổi trong tính cách của nó – như cách nói chuyện hoặc cách hành xử – kể từ khi nó trở nên hoạt động trên mạng. Tôi biết rõ rằng rất khó để giữ trẻ tránh xa khỏi hiện tượng trực tuyến này.
Nếu tôi không giúp nó tạo một tài khoản, nó có thể xoay xở để làm điều đó một cách lén lút. Ít nhất theo cách này, nó sẽ không cố che giấu chúng tôi mọi thứ và tôi sẽ biết những gì nó đang làm”.
Anurag, một học sinh 14 tuổi, nói thêm: “Cháu là người may mắn nhất trong nhóm. Cha mẹ cháu tình nguyện và giúp cháu tạo tài khoản Facebook và Instagram.
Cháu thường dành rất nhiều thời gian chơi trò chơi trực tuyến và bởi vì cháu yêu nhiếp ảnh, cháu cũng chia sẻ hình ảnh của mình trên Instagram.
Cảm ơn Chúa, cha mẹ cháu nghĩ rằng điều đó là “bình thường” đối với trẻ em trong độ tuổi của cháu khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, nếu không cháu sẽ buồn chán đến chết trong kỳ nghỉ hè”.
Kashika Jain, một bà mẹ nội trợ của một cậu trai 11 tuổi, chia sẻ lý do giúp con trai mình đăng ký một tài khoản Facebook. Bà nói với chúng tôi, “Con trai tôi, Dhruv, đã gặp tai nạn vào tháng Giêng và đã nằm trên giường trong một tháng.
Bởi vì không thể đi ra ngoài chơi với bạn bè, nó liên tục khẩn cầu tôi cho phép nó chơi trò chơi trực tuyến. Rõ ràng là chúng tôi đã phải khai giả tuổi của nó để tạo tài khoản.
Bây giờ nó đã ổn và có thể dễ dàng đi ra ngoài chơi, nhưng nó nghiện những trò chơi trực tuyến như Farmville và Candy Crush. tôi nhận ra rằng tôi không nên giúp nó tạo tài khoản”.
Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/co-nen-cho-tre-duoi-13-tuoi-su-dung-mang-xa-hoi-457362.html