Con yêu bố nhờ mẹ…

Trong các gia đình, đa phần con cái gần gũi với mẹ hơn. Nếu có chuyện gì thì con hay đứng về phía mẹ. Các bà mẹ giải thích: đơn giản thôi, là vì mẹ khổ, mẹ vất vả và trực tiếp chăm sóc con cái nhiều hơn.

Khi xảy ra chuyện lớn như ông bố có bồ chẳng hạn thì dĩ nhiên con cái sẽ vừa sợ vừa ghét người cha tội lỗi, có khi mất hết sự kính trọng vì cho là cha mình lăng nhăng, kém cỏi, không nghĩ đến gia đình, chỉ lo hưởng thụ cá nhân.

Nhiều đứa con trở nên hỗn hào, nếu trong lúc tranh cãi mà bố trót bạt tai con, hoặc nói lời lẽ xúc phạm nặng nề thì coi như bố con chẳng còn nhìn mặt nhau trong nhiều năm.

Người con trai cô độc, ít nói, mà gặp cảnh bố mẹ như vậy nữa thì cậu càng trở nên cô độc, lầm lì, tách khỏi bầu không khí chung của gia đình.

Hiếm nhưng vẫn có đứa nổi cơn khùng điên đánh cả bố, nên mới có các vụ án nghiêm trọng xảy ra do đứa con chém cha vì quá thương mẹ. Bi kịch gia đình phủ lên đời những thanh thiếu niên cạn nghĩ, không kiềm chế ấy.

Nhiều thiếu niên phạm tội, phải trả giá bằng nhiều năm tù tội chỉ vì bột phát không chịu nổi bầu không khí gay cấn giữa cha mẹ.

Các bậc cha mẹ thương yêu nuôi nấng chăm chút cho con, vậy mà chỉ vì không giải quyết nổi mâu thuẫn vợ chồng, để con cái phải nhúng tay vào và chịu hậu quả nặng nề.

Nghĩ lại thì đã muộn rồi, con đã đi tù rồi. Rõ ràng là cha mẹ đã hại chính đứa con mà họ tưởng rằng mình hy sinh hết thảy cho nó.

Nhiều gia đình tan vỡ. Con số ly dị thường là một trong ba cặp kết hôn. Ở Mỹ, hơn nửa cuộc hôn nhân tan vỡ và có tới 18 triệu trẻ em sống với cha hoặc mẹ.

Cuộc sống có vẻ ổn cả, vì điều kiện công việc, điều kiện giao tiếp xã hội khiến những ông bố, bà mẹ đơn thân nhanh chóng tìm được người khác.

Đời sống của đứa trẻ vẫn được bảo đảm. Có khi còn được chú ý hơn vì nghĩ con mình bị thiệt thòi.

Nhưng khoa học tâm lý đã chứng minh trẻ có cha mẹ ly dị như thế có nhiều phần rối loạn tình cảm, đặc biệt khi chúng tiến tới các mối quan hệ tình cảm, dù nhiều người vẫn cho rằng bố mẹ ly dị hay sống đơn thân không có gì phải lo lắng, vì cuộc sống vẫn dễ chịu và trẻ em đâu có bị hủy hoại gì nhiều.

Con yêu bố nhờ mẹ… - 1

Vai trò của người mẹ luôn là cầu nối giữa con cái với thói quen sinh hoạt và mọi người trong gia đình. Hình như với mẹ, đứa con dễ kể cho nghe nhiều chuyện.

Nhất là các bà mẹ trí thức, có học, hiểu biết, thường trò chuyện với con về nhiều thứ, không như các bà mẹ lao động quá vất vả, buôn bán khó nhọc, đến bữa cơm ăn cũng còn lo việc, chẳng có chuyện gì nói với con. Chỉ khi nào con cần tiền học, mua sắm gì, thì con cái mới nói ra để hỏi xin mẹ.

Nếu bà mẹ nào dùng con vào việc gây áp lực với chồng mình, thì thường kể cho con bao nhiêu là thói xấu của ông bố.

Nào là ở dơ, nói là bận việc nhưng thật ra lười biếng, không muốn bỏ bữa cà phê hay ăn nhậu với bạn bè.

Nhờ việc gì thì kêu bận nhưng bạn “hú” một tiếng là chuồn đi ngay. Không chỉ bầy hầy trong sinh hoạt, ông bố còn bị chỉ trích là vô trách nhiệm.

Đứa con rõ ràng thấy chỉ mình mẹ lo toan, còn ông bố rất “ăn hại”. Thế nhưng, gieo vào đầu con cái những suy nghĩ như vậy rất không hay cho chính cuộc sống của chúng.

Các bà mẹ đừng vội mừng vì tưởng rằng mình có “đồng minh” vững chắc. Sự “căm ghét tiềm tàng” khiến đứa con mất đi một chỗ dựa, và vì thế mọi quyết định, mọi việc đổ lên vai người phụ nữ nhiều hơn.

Như thế ông bố càng có “lý do chính đáng” để khỏi phải suy nghĩ, khỏi phải cố gắng để có trách nhiệm, bởi vợ con đã “khai trừ” ông khỏi nhiều việc rất rắc rối, cấp bách, phải lo toan của gia đình.

Cách cư xử khôn ngoan là người vợ nên củng cố cho con mình lòng tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ với người cha. “Ba mày tuy thế nhưng ổng có tài giải quyết việc này”.

“Đi giao dịch giải quyết thủ tục giấy tờ, sửa chữa nhà cửa, xem xét đồ điện… phải nhờ đến ba”.

Những bà mẹ khôn ngoan thường xoa dịu sự khó chịu của con cái, dù người cha có những thiếu sót.

Phân tích cho con thấy đúng, sai, thái độ khách quan, sẽ làm cho con cái tự mình suy xét, tôn trọng, sẽ dẫn đến cách xử lý mang tính tự giác của con, không phải để bị “xúi giục” hoặc dẫn dắt tình cảm mù quáng yêu ghét.

Như thế các con sẽ càng tin tưởng vào mẹ hơn. Không làm mất đi “đồng minh”, mà còn giúp cho đồng minh đó sáng suốt, bớt đi cư xử sai lầm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *