Công bằng với con cái

Xưa nay, quan niệm của bất cứ cha mẹ nào cũng là gắng làm để lại cho con. Vì con, khổ mấy họ cũng cày. Nuôi con lớn, lo cho con ăn học, nên người, dựng vợ gả chồng, có chút ít tài sản làm của để dành cho con nữa là mãn nguyện một đời rồi, không mơ ước gì hơn. Trong hành trình cuộc đời này, có người thành công, có người thất bại. Người làm ăn thắng lợi, giàu có, gia sản để lại cho con nhiều nhưng con cái không như ý cha mẹ, đứa ăn chơi, đứa ỷ lại, trường hợp này họ (cha mẹ) tự cho là thất bại dù ngồi trên đống tiền. Tuy nhiên, có cha mẹ không giàu nhưng con cái học hành giỏi giang, nên người, dù chưa thành đạt lắm nhưng cha mẹ cảm thấy an tâm, người đời cũng khen là khéo dạy con, nhà có phước, vậy là thành công rồi! Lại có trường hợp, cha mẹ giỏi giang, con cái nên người nhưng không thuận đường hôn nhân, khiến cha mẹ rầu rĩ, xem như đời chẳng gì toàn vẹn.

DN589_GD261214_Cong-bang-voi-con-cai

Trời không cho ai quá nhiều cũng không lấy hết của ai là “triết lý” mà người xưa nhằm khuyên con người hãy an nhiên, bình tĩnh đối mặt với sóng gió. Sông có khúc, người có lúc, đời có lúc này lúc khác. Giàu chưa chắc đã sướng mà nghèo cũng chưa phải đã là “kiếp đọa đày”. Người không tài sản tự an ủi, “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, có tiền để lại mất công… con cái tranh chấp. Báo chí không đưa bao nhiêu cảnh đời oái ăm, anh em tranh giành tài sản, thậm chí con cái còn lôi cha mẹ ra tòa vì tranh chấp đất đai. Người giàu cũng khóc!

Chuyện đời nay có thật.

Ông bà cụ có năm người con, ba trai, hai gái. Mảnh đất nhà năm trăm mét vuông, ông chia đều theo thứ tự lớn trước nhỏ sau, không phân biệt con trai hay con gái. Cụ thể, phía trước mặt tiền ba phần, phía sau hai phần, chừa lối đi, diện tích đất đều nhau hết. Anh cả, chị hai và anh thứ ba được ba phần mặt tiền. Anh thứ tư và cô út phía sau. Vì anh cả có nhà bên Mỹ nên nhường cô út căn mặt tiền, phần mình lui ra sau. Chia đất xong, anh em cất nhà theo “quy hoạch” cho giống nhau. Người chị thứ hai có nhà ở thành phố nên căn mặt tiền chị cho thuê. Đáng lý ông bà ở với cô Út, nhưng người anh cả dành nhà mình cho cha mẹ ở. Vẹn cả đôi đường. Ông bà không phiền con cái về giờ giấc sinh hoạt, lại được phục vụ ăn uống. Hỏi một người trong gia đình, chia như vậy có ai cảm thấy mình bị thua thiệt, đâm ra ghen tức, mất hòa khí anh em không, câu trả lời là không. Họ khẳng định, từ nhỏ họ đã được cha mình dạy rằng, trong gia đình phải có trên có dưới. Anh có điều kiện thì giúp em, từ trên thương xuống. Quyền lợi cũng vậy, chia từ trên xuống, nên không có chuyện ganh tỵ. Nếp nhà mấy chục năm rồi và ai cũng thấy hài lòng.

Quả thật, một mô hình gia đình khá đặc biệt trong thời đại mà có nhiều người khẳng định là con cái càng lớn thì càng không đơn giản. Nhỏ sống cùng cha mẹ, họ không nghĩ đến quyền lợi cá nhân, nhưng khi có gia đình riêng, ít nhiều cũng gợn chút lăn tăn nếu cha mẹ chia không đều, hay anh làm ăn khá không giúp đỡ đứa em làm ăn còn lẹt đẹt.

Bố mẹ nào cũng đều căn dặn con cái phải thương yêu đùm bọc nhau. Từ yêu cầu này, ngược lại, cha mẹ cũng phải công bằng trong cách đối xử với con. Tuy nhiên, tình cảm là phạm trù phức tạp và tế nhị. Pháp luật cũng quy định rằng quyền lợi của con cái là ngang nhau, nhưng bởi nếp nghĩ của nhiều người còn cho rằng “con gái là con người ta” nên quy ước chung đó bị xáo trộn. Nếu ngay khi con còn nhỏ, cha mẹ đã khẳng định rõ thứ tự trong gia đình theo quy luật lớn trước nhỏ sau mà cư xử thì xã hội đâu có mất trật tự? Tôn ti trật tự trong gia đình còn thể hiện ở chỗ uy quyền của người cha và tình yêu thương đồng đều của mẹ với con cái.

Thật sự, từ cổ chí kim, việc chia chác chưa bao giờ công bằng cả, để con cái tâm phục, chấp nhận được thì ngay từ đầu cha mẹ phải cầm trịch. Gia đình có luật của gia đình, cha mẹ phải nghiêm, giữ được trên thuận dưới hòa mới nói chuyện. Có khó quá không khi mà người xưa đã dặn “dạy con từ thuở còn thơ”, hay đành phó mặc rủi – may, phước – họa?

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *