Facebook, Instagram hay Zalo và các trang mạng xã hội khác là nơi tuyệt vời để trẻ, nhất là ở tuổi teen (13-19) kết nối với bạn bè hay người thân. Chỉ cần mở trang web hay ứng dụng lên là trẻ có thể liên lạc và biết thông tin về những người quan trọng với mình.
Giống như tất cả những thứ mà con người đam mê, mạng xã hội cũng có những khía cạnh bị bài bác. Đối với trẻ nhỏ và trẻ tuổi teen, một nghiên cứu của Đại học Oxford đã chỉ ra rằng mạng xã hội có ảnh hưởng xấu tới trí thông minh của trẻ, sự nguy hại có thể là lâu dài và không thể phục hồi. Mặt khác, những người bảo vệ mạng xã hội lại nhanh chóng chỉ ra rằng sự hiện diện trên mạng xã hội giúp trẻ tăng sự tương tác xã hội và tập cho não của trẻ thích nghi với công nghệ mới.
Những ảnh hưởng xấu của mạng xã hội đối với trẻ
Ảnh hưởng xấu thường thấy nhất là nghiện mạng xã hội – kiểm tra liên tục cập nhật của Facebook và các trang khác. Các chuyên gia tin rằng việc muốn biết điều gì đang xảy ra với bạn bè và cảm xúc của họ có thể trở thành nghiện. Đặc biệt là trẻ sẽ dễ bị thôi thúc muốn biết xem mình được bao nhiêu người “like”, theo dõi hay ngừng theo dõi, cũng như họ nói gì về mình.
Việc nghiện mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung học ở trường và các hoạt động khác như đọc sách hay chơi thể thao. Những bạn trẻ nghiện mạng xã hội nặng nhất thú nhận rằng họ kiểm tra nội dung mới trên mạng hơn trăm lần mỗi ngày, thậm chí trong giờ học ở trường.
Một việc rất rõ ràng cũng được các nhà giáo dục lên tiếng là “không có chính tả hay văn phạm” trên mạng xã hội. Càng viết không đúng chính tả và không có nghĩa thì càng “ngầu”. Một số trẻ có thể khó phân biệt giữa giao tiếp thế giới ảo và thế giới thực.
Những báo cáo của các giáo viên cũng cho thấy mạng xã hội ảnh hưởng đến khả năng hiểu của trẻ. Và nếu chỉ giao tiếp chủ yếu qua màn hình, trẻ sẽ không học được sự tinh tế của giao tiếp trong đời sống thật – chẳng hạn như ngôn ngữ hình thể, giọng điệu…
Các thói quen sử dụng mạng xã hội cũng bị quy trách nhiệm cho các vấn đề về giấc ngủ và tình trạng thiếu ngủ của teen. Giấc ngủ ở độ tuổi này là rất quan trọng đối với khả năng học tập, sự phát triển của trí não cũng như sự trưởng thành và lối sống lành mạnh.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (báo cáo năm 2015), những trẻ dành hơn 3 giờ/ngày trên các trang mạng xã hội có nguy cơ mắc phải tình trạng sức khỏe tinh thần kém gấp hai lần so với bình thường. Ngập trong thế giới ảo có thể làm trẻ chậm phát triển cảm xúc và xã hội.
Cũng theo báo cáo này, mạng xã hội nhiều khả năng là “nguồn của sự so bì, bắt nạt và cô lập trên mạng”, là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe tinh thần. Những trẻ dễ bị tổn thương có thể bị trầm cảm khi thấy mọi thứ với bạn bè quá tuyệt vời, còn mình thì không được vậy. Trẻ tuổi teen bị “trầm cảm Facebook” thường gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội, theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ.
Những mối quan hệ trên màn hình sẽ lấy mất thời gian dành cho quan hệ trong đời sống thật và phát triển các kỹ năng xã hội. Việc giao tiếp xã hội là cần thiết để phát triển những kỹ năng giúp hiểu được cảm xúc của người khác.
Hơn nữa, Facebook hay các trang khác đều cho người dùng, ở đây là trẻ, có trang riêng của mình, điều này có thể làm cho một số trẻ dễ bị tổn thương nghĩ rằng mọi thứ đang xoay quanh mình, và đây là bước dẫn đến các vấn đề cảm xúc về sau.
Với những trẻ thích thu hút sự chú ý, Facebook hay các trang mạng khác có thể thành nơi để trẻ hành động. Những trẻ này có thể có những phát ngôn, hình ảnh và video không đúng mực và có thể tự làm hại mình bằng những hành động này. Hơn nữa, các trạng thái và tài liệu đã được “phát hành” thường lưu trú mãi trên mạng và có thể sẽ “ám” theo trẻ trong tương lai.
Những số liệu thống kê cũng cho thấy có những hiểm họa tồn tại trên mạng xã hội. Chẳng hạn, trẻ bị những đối tượng xấu tiếp cận, tiếp nhận các quảng cáo có nội dung không phù hợp hay trẻ vì tò mò mà tiếp cận các trang web mà lẽ ra không được phép ở độ tuổi này.
Cha mẹ có thể làm gì?
Nhiều ý kiến chuyên gia lại nhìn vấn đề lạc quan hơn và chỉ ra những mặt tốt của mạng xã hội đối với trẻ. Trẻ có thể học các kỹ năng xã hội và kỹ thuật cơ bản để tham gia vào thế giới hiện đại, có thể kết bạn với bạn bè trên khắp thế giới.
Nhận thức được trẻ đang làm gì trên mạng là điều quan trọng, nhưng quá tò mò sẽ làm trẻ xa lánh và tổn hại đến niềm tin giữa trẻ và bạn. Điều mấu chốt là bạn cần có cách can dự có thể làm trẻ hiểu rằng bạn tôn trọng quyền riêng tư của con nhưng muốn bảo đảm rằng con được an toàn. Sau đây là một số gợi ý mà phụ huynh có thể chia sẻ với các công dân nhí của mạng xã hội:
* Hãy dễ thương. Cư xử xấu là điều không thể chấp nhận được trong cả thế giới ảo và thật. Hướng dẫn con cư xử với người khác bằng sự tôn trọng và lịch sự và không bao giờ đăng tải những thông điệp xúc phạm hay làm tổn thương người khác. Đề nghị trẻ kể cho bạn biết những thông điệp mang tính dọa nạt, quấy rối mà người khác đăng tải trên mạng xã hội.
* Suy nghĩ kỹ trước khi nhấn “enter”. Nhắc để con trẻ nhớ là những gì chúng ta đăng tải lên mạng có thể được dùng để chống lại chính mình. Chẳng hạn, cho cả thế giới biết là mình đang đi du lịch và đăng thông tin địa chỉ nhà là một “cơ hội” cho kẻ trộm. Teen cũng nên tránh đưa ra các địa điểm cụ thể về tiệc, sự kiện hay số điện thoại.
* Bà của con sẽ nói gì về con? Dạy cho trẻ hiểu rằng “cái gì đã xuất hiện thì sẽ không thể rút lại”. Thành ra, trẻ không nên chia sẻ bất cứ điều gì mà mình không muốn thầy cô giáo, sếp tương lai và ông bà mình nhìn thấy.
* Thiết lập quyền riêng tư. Điều này rất quan trọng và để nhấn mạnh tính quan trọng của nó, hãy cùng trẻ lướt qua phần này (privacy setting) để biết chắc rằng trẻ hiểu hết từng mục. Cũng cần giải thích rằng mật khẩu là để bảo vệ người dùng trước các kẻ cắp thông tin danh tính và không bao giờ nên chia sẻ mật khẩu với bất cứ ai.
* Không được làm bạn với người lạ. “Nếu con không biết họ, không nên kết bạn với họ. Đây là một nguyên tắc an toàn hiển nhiên và đơn giản.
Có “thỏa thuận chính thức”
Một giải pháp là thiết lập “thỏa thuận mạng xã hội” với trẻ – một dạng hợp đồng mà trẻ có thể ký vào. Trong đó, trẻ đồng ý sẽ bảo vệ quyền riêng tư, lưu tâm đến danh tiếng và không tiết lộ thông tin cá nhân. Hơn nữa, trẻ cũng cần hứa không sử dụng công nghệ để làm tổn thương bất cứ ai. Đổi lại, cha mẹ cũng đồng ý tôn trọng quyền riêng tư của trẻ khi trẻ đang cố gắng trở thành một phần của thế giới mạng xã hội.
Cũng nên giới hạn thời gian sử dụng mạng của trẻ. Chẳng hạn, nên đặt laptop trong phòng khách, tránh để laptop và smartphone trong phòng ngủ, hoặc “không sử dụng công nghệ vào giờ ăn”. Và đừng quên, chính cách cư xử của bạn trên thế giới ảo có thể giúp trẻ rất nhiều trong việc sử dụng mạng xã hội một cách an toàn.