Người xưa thường nói, “trẻ cậy cha, già cậy con”, ai rồi cũng sẽ già, đến một lúc nào đó, cha mẹ phải dựa dẫm vào con cái.
Thời điểm cụ thể thì mỗi người mỗi khác, có cha mẹ sống khỏe đến bảy tám mươi mà không phải dựa dẫm vào con, nhưng có người mới sáu mươi, vì lý do sức khỏe đã phải sống nhờ con cái.
Cha mẹ làm kinh doanh thì lo xa, thời buổi làm ăn khó khăn, thương trường là chiến trường, nên thường mong con cái mau lớn có thể nối nghiệp điều hành. Tuy nhiên, không phải đứa con nào cũng có thể làm được điều đó.
Hai vợ chồng kia mở doanh nghiệp, làm ăn nuôi bầy con bốn đứa tốt nghiệp đại học. Những tưởng khi chúng trưởng thành, họ có thể giao lại cơ ngơi để có thời gian rảnh rỗi du lịch đây đó. Vậy mà không! Người ta vẫn thấy hai vợ chồng đã có tuổi suốt ngày túi bụi với công việc. Ông lo đối ngoại, tìm đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; bà đối nội coi trong ngó ngoài, quản lý sổ sách tiền bạc. Hỏi sao không nhờ con, bà thở dài.
Hai anh con trai, một anh học mỹ thuật, nếu không suốt ngày giam mình trong phòng để vẽ vời thì lại balô khăn gói lên đường tìm cảm hứng sáng tác. Anh kia sư phạm, bận bịu chính khóa, dạy thêm. Hai cô con gái cũng thế, một cô học tiếng Anh, làm công ty du lịch, một cô học Ngữ văn, ra trường… đi làm thơ! Bà than thở, bốn đứa con mà không đứa nào học ngành tài chính, kinh tế, để ít ra cũng làm được công việc kế toán khỏi phải thuê người!
Rút kinh nghiệm những người đi trước, nhiều cha mẹ bây giờ không cho con cái tự ý chọn ngành nghề nữa mà quyết định luôn. Cha mẹ kinh doanh thì con phải học tài chính, quản trị kinh doanh hay kinh tế, luật… Ra trường không cần phải xin việc nơi nào, về nhà có ngay nhiệm sở, lương hậu.
Cũng có gia đình may mắn, con học xong về phụ được ngay. Có đứa đã không chịu về làm việc cho cha mẹ còn xin đi học tiếp ngành khác. Một ông kể chuyện, đứa con trai cao mét tám, đẹp trai ngời ngời, học xong ngành tài chính, cậu xin cha mẹ cho đi… đóng phim. Cậu lý giải, đóng phim nổi tiếng nhiều người biết, chứ làm ngành nghề quấn mô-tơ như cha mẹ thì ai mà biết đến!
Nhưng xem ra, việc không nhờ được con cái vẫn còn… may chán so với những gia đình có con phá phách, suốt ngày moi tiền cha mẹ, chơi bời hoang phí… Khi ấy, nguy cơ trắng tay khi về già của các bậc cha mẹ là hoàn toàn có khả năng.
Có ông bố tính kỹ, đầu tư cho con du học ngành du lịch, dự tính khi con tốt nghiệp ông sẽ chuyển loại hình kinh doanh. Bao năm lăn lộn thương trường, ông biết đã đến lúc ngành kinh doanh của ông không còn “ăn” nữa. Trong quá trình chuyển tiếp, ông kịp thời mua đất. Chuẩn bị cho con kế thừa sự nghiệp, ông bán các cửa hàng, lấy tiền đầu tư xây khách sạn. Không biết tương lai thế nào, nhưng dù sao ông cũng đã tính rất kỹ về nguồn nhân lực thế hệ tiếp sau và ít ra, kinh doanh khách sạn cũng đỡ hơn việc ông phải quản lý hai, ba cửa hàng, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ hàng lên xuống giá, tồn kho…
Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho con cái nếu cha mẹ đầu tư đúng hướng và biết tính ý từng đứa con. Nhiều người kết luận, được – mất trong cuộc đời khi về già phần lớn quyết định ở nơi con cái. Bao nhiêu năm cày cuốc, cơ ngơi giao lại cho con, nếu con khuếch trương được, cha mẹ hãnh diện trong lòng và an tâm tuổi già, nếu con không kế tục được coi như… thua!
“Con không khôn hay học kém thì vẫn là con mình, chứ con hư là mất con” – một ông bố đúc kết như vậy sau những kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình. Con cái là tài sản, đầu tư cho con cái cũng chính là đầu tư lâu dài cho tương lai khi về già. Ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có chiến lược đúng. Trong quá trình kinh doanh, việc xây dựng kế hoạch và bảo đảm nguồn nhân lực là điều quan trọng, con cái cũng vậy, chăm sóc con từ khi con nhỏ và quá trình dạy dỗ con nên người cũng cần có chiến lược và phải đầu tư đúng.
- Không cập nhật bài viết thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến SEO
- Phần mềm tăng tương tác Facebook công cụ hỗ trợ bán hàng hiệu quả
- Một số lưu ý khi in mã vận đơn giúp shop vận chuyển hàng nhanh chóng
- Bật mí cách xoá lịch sử tìm kiếm trên Shopee chỉ trong vài giây
- Cách đặt tiêu đề trang và thẻ trang trên Shopee đúng chuẩn SEO