Trong cuốn If you want to be rich & happy – don’t go to school?, tác giả Robert T. Kiyosaki thẳng thừng nêu đích danh nền giáo dục đại chúng có lỗi trong chuyện không dạy cho người ta biết giá trị đích thực của đồng tiền.
Đáng lý ra tiền phải được dạy trong nhà trường như một hệ tư tưởng chính thống; và mọi đứa trẻ khi học hết cấp I đều phải hiểu căn bản về tầm quan trọng, mối nguy hiểm, tính văn hóa… của tiền, để lớn lên chúng không ngây ngô, nhập nhằng về tiền mà biết linh hoạt thích nghi với hoàn cảnh hầu tạo cho mình một sự an toàn tài chính.
Thời nay không dạy trẻ về tiền thì khác nào xã hội tiền sử không dạy người ta cách săn bắn, hái lượm. Giáo dục về tiền thậm chí còn cấp bách và cần kíp hơn cả giáo dục về giới tính nữa. Lúc lên 2, trẻ đã có thể có ý niệm về ma lực đặc biệt của tiền khi nó suýt chết vì đút đồng xu vào miệng.
Trẻ thấy thỉnh thoảng họ hàng trịnh trọng cho tiền, thấy tiền mang lại những thứ nó muốn nhưng hễ xin tiền thì bị la rầy, chứng kiến cảnh bố mẹ gấu ó vì tiền… Tất cả sẽ khiến trẻ nhận ra chung quanh đồng tiền có một bức màn kỳ bí và nó sẽ tò mò cố tìm hiểu bằng đủ mọi cách. Ai dám chắc không có những cách tệ hại?
Trường phổ thông đã buông xuôi việc giáo dục về tiền cho các chủ ngân hàng hoặc các trung tâm tài chính. Hậu quả là số đông dân chúng, kể cả những người có bằng đại học, phải chật vật chuyện tiền nong do không biết quản lý tiền bạc, hoặc do không biết cách “kiếm tiền”. Chẳng lẽ cứ vịn vào quy luật 80-20 để chấp nhận xã hội có 20% người dồi dào tiền bạc và 80% còn lại phải “giật gấu vá vai”?
Học về tiền không phải là học những mánh lới, cũng không nhất thiết là học để trở thành “phù thủy tài chánh”. Trong khi chờ nhà trường chính thức dạy về tiền thì thà cha mẹ chủ động trước còn hơn để cho những đứa bạn xấu của con mình hoặc giao cho đường phố. Trong trò chơi với bạn bè, một khi trẻ biết bán bốn căn nhà màu xanh lá cây để mua một khách sạn màu đỏ thì sau này chúng sẽ dễ dàng làm những “thao tác” ấy bằng tiền thật.
Hãy bỏ thành kiến rằng tiền là băng hoại dù rằng tiền cũng có mặt trái của nó. Vấn đề là phải dạy con biết tiền chỉ là công cụ cũng như cây bút hay bất kỳ cái gì khác – tốt hay xấu tùy động lực của người cầm nó. Bút có thể viết nên lá thư tình lai láng, nhưng cũng có thể ký giấy sa thải ai đó. Có quan điểm cho rằng tự kiếm được tiền thì trẻ sẽ dần dần bớt thắc mắc về nó.
Nếu bạn muốn “lập trình” cho con trở thành kẻ làm việc như điên để được trả công thì cứ bảo nó đi cắt cỏ thuê hay giữ trẻ để “có tiền xài”. Còn nếu mục đích của bạn là dạy chúng biết cách bắt tiền làm việc cho mình lại là chuyện khác. Câu chuyện sau đây có thể giúp ta về cách dạy trẻ.
Con trai một tỉ phú đi rửa xe và tích góp được 500 USD nhưng ông bố nhất định không cho cậu mua gậy đánh gôn ngay như mong muốn. Ông bảo cậu mua 100 USD quỹ tương hỗ “để dành tiền học đại học”, sau đó hãy đọc rao vặt trên báo và dùng số tiền còn lại mua hai máy bán bánh kẹo tự động cũ cùng ít kẹo bánh hết chừng 350 USD và thương lượng với chủ cửa hàng bán dụng cụ thể thao cho đặt máy vào.
Một tuần sau, cậu tới thu tiền trong máy và bỏ thêm kẹo bánh vào. Qua hai tháng thì đủ tiền mua gậy đánh gôn ngay tại cửa hàng bán dụng cụ thể thao ấy. Ít lâu nữa thì có tiền mua thêm bốn máy. Vậy là cậu vừa có thu nhập lai rai, lại có thời giờ chơi gôn mà quỹ đi học đại học vẫn gia tăng. Cậu ta hiểu mình có thể giữ lại những đồng tiền làm lụng vất vả mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của mình. Nhưng trước hết, cậu ta học được nhiều về tiền và biết rằng khi lớn lên mình có thể kiếm tiền như bất cứ người nào. Đến lúc việc kinh doanh phát đạt thì cậu được bố dạy cách lập sổ sách theo dõi tình hình tài chính, giải thích cặn kẽ tư duy tài chánh phải như thế nào…
“Nên cho con tiền tiêu vặt?”, “Trả công cho con vì điều chúng làm là tốt?”, “Có cần khuyên con lo học, hãy khoan lo kiếm tiền?”… Câu trả lời là tùy bạn. Mỗi đứa trẻ và mỗi gia đình đều có những điểm khác biệt, chỉ nên nhớ “tiền là công cụ giáo dục” nên phải cẩn thận khi dùng tiền giáo dục con. Cứ để con điềm nhiên đút tiền vào túi thì bạn sẽ trở thành máy rút tiền tự động của chúng. Nếu con bạn coi thường tiền thì cuộc đời chúng sẽ có kết cục chẳng ra gì. Nếu cho tiền để con chịu học hành thì điều gì xảy ra khi bạn không cho nó tiền? Còn dùng tiền như một cách “đền bù” tình thương cho con thì hẳn bạn đã biết tác hại ra sao rồi.
Hãy bắt đầu bằng cách định nghĩa lại tiền – rằng tiền không dơ bẩn mà là công cụ cơ bản mà mỗi đứa trẻ phải hiểu trước khi bước vào lớp 6. Nếu tất cả các quốc gia đều bắt đầu giáo dục trẻ em các nguyên tắc của tiền trong cuộc sống thì trong vòng 30 năm nữa thế giới sẽ bớt phân hóa giàu nghèo. Cháu chắt chúng ta sẽ không phải nhìn cảnh cha mẹ chúng bật khóc trước những tờ hóa đơn. Chính phủ sẽ nhẹ bớt gánh nặng những trợ cấp an sinh xã hội.
- 5 loại sữa rửa mặt có độ pH trung bình được chuyên gia khuyên dùng
- Cải thiện giá trị giỏ hàng với cách tạo combo linh hoạt trên Lazada
- A – Z Vải Denim là gì? Sự khác biệt giữa Denim và Jeans
- Các chỉ số AS, DA, DR, TF trong SEO?
- Chị em đừng bao giờ đeo dây chun buộc tóc ở cổ tay, lý do thì nhiều nhưng đây là 2 lý do quan trọng