Nuôi dạy con nên người luôn được các bậc cha mẹ quan tâm. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng…
“Con hư tại mẹ”?
Chẳng biết tự lúc nào, các ông bố thường cho rằng việc dạy dỗ con cái phần lớn là trách nhiệm của mẹ chúng, bởi thế nên mới có câu “Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ”. Rồi cứ thế, cái tư tưởng đó nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, dẫn đến việc đàn ông coi nhiệm vụ chính của mình là tiền tài, danh vọng, là xây cho được nhà cao cửa rộng mới đáng mặt anh hào.
Còn các bà, dù muốn hay không vẫn cứ phải một tay thay chồng dạy dỗ các con, tìm trăm phương nghìn kế để con mình vừa “hồng” vừa “chuyên”, nếu không lại bị các đức lang quân đổ lỗi là “con hư tại mẹ”! Có một thực tế trái ngược đến buồn cười là các ông tự cho mình quyền không cần dạy dỗ con cái nhưng lại được quyền phán xét kết quả dạy dỗ con cái của vợ!
Vì thế, đến một lúc nào đó, khi thấy “sản phẩm giáo dục” của vợ không ổn thì các ông mới: “Sao bà lại có thể dạy con theo cách chiều chuộng chúng như thế?!”. Uất ức, lắm khi các bà cũng phải nổi quạu: “Ông thì giỏi lắm, chỉ biết công việc ngoài đường chứ biết gì đến vợ con trong nhà!”. Tiếp: “Tôi lo làm giàu là làm giàu chung cho cả cái nhà này. Bà có mỗi việc dạy con mà cũng không làm nổi (?!).
Đúng là con hư tại mẹ!”… “Con hư tại mẹ”, tư tưởng này xem ra còn xưa hơn cả Trái đất, mà không phải bất cứ cái gì xưa, cổ cũng đều đúng! Việc dạy dỗ con cái là trách nhiệm chung của cả vợ lẫn chồng, nếu còn có tư tưởng đổ lỗi lên đầu vợ (hay đổ lỗi lẫn nhau) như thế thì tình cảnh “khẩu chiến” là không thể tránh khỏi và không chóng thì chầy, tình cảm vợ chồng sẽ ngày càng sứt mẻ, thậm chí gia đình còn có nguy cơ mất hạnh phúc và con cái càng thêm hư hỏng hơn.
Thuận vợ, thuận chồng…
Thật ra, tình cảm và nhân cách của con trẻ chỉ thật sự hoàn thiện khi chúng được giáo dục theo sự hướng dẫn, bảo ban của cả bố lẫn mẹ. Nếu thiếu một trong hai, nhân cách con trẻ sẽ phát triển một cách phiến diện và khi đó, hoặc chúng chỉ có thể làm vừa lòng mẹ mà không làm vừa lòng bố, hoặc ngược lại.
Về bản năng tự nhiên, người mẹ bao giờ cũng dạy dỗ con cái theo khuynh hướng “nhu”, tức là nhẹ nhàng, tình cảm, trong khi đó, tư tưởng các ông lại luôn luôn “cương”, tức là khắt khe, nguyên tắc. Con trẻ cần tình yêu thương, tính nhẫn nhục của mẹ để tự hun đúc cho tình cảm trong tương lai của mình nhưng cũng cần tính cương quyết, khắt khe của bố để rèn luyện cho mình đức tính cứng rắn, sống có nề nếp, quy củ. Do đó, các bậc làm cha làm mẹ không nên “nhường” trách nhiệm nuôi dạy con cho riêng một ai, rồi đến lúc đổ lỗi cho nhau vì con hư thì đã quá muộn.
Kết hợp giữa nhu với cương
Tuy nhiên, nếu vợ chồng chỉ biết dừng lại ở việc cùng nhau chia sẻ trách nhiệm dạy dỗ con cái mà không biết chia sẻ như thế nào cho đúng thì cũng không thể mang lại kết quả tốt đẹp. Theo tiến sĩ tâm lý người Mỹ Robert Shaw, Giám đốc Viện Gia đình ở Berkeley, thuộc bang California, cách chia sẻ tốt nhất là trước hết vợ chồng cần hiểu nhau, tôn trọng cách giáo dục con cái của nhau rồi mới đi đến thống nhất về mặt phương pháp, quan điểm dạy dỗ con cái. Theo ông, đó là điều kiện tiên quyết và quan trọng hơn hết.
Trên thực tế, tạo hóa sinh ra người phụ nữ có những nét tính cách hoàn toàn khác biệt so với nam giới và ngược lại. Mỗi giới có một cách thức giáo dục con riêng, do vậy, cũng không nên đặt lên bàn cân để so sánh cách giáo dục của giới nào là hiệu quả hơn, vì làm như vậy là vô cùng khập khiễng. Con trẻ cần cái “nhu” của mẹ nhưng cũng cần cái “cương” của cha, nghệ thuật dạy con là phải biết kết hợp hai đặc điểm đó, đa dạng mà thống nhất.
Nên nhớ, việc vợ chồng cùng tôn trọng quan điểm dạy dỗ con cái của nhau không có nghĩa là mạnh ai người nấy uốn nắn con cái theo ý muốn của riêng mình, để rồi cuối cùng nhân cách con trẻ bị nhào nặn một cách “dở dở ương ương”, cái khéo léo của vợ chồng là biết tôn trọng, bổ sung lẫn nhau để từ đó đi đến thống nhất.