Dạy kỹ năng sống cho trẻ

Đầu tháng 8, bài viết Hành trình leo Fansipan của “phượt nhí” 5 tuổi trên mạng đã gây nhiều tranh cãi. Đa phần các ý kiến không ủng hộ việc ông bố đưa hai con tuổi mầm non và tiểu học đi phượt Fansipan để trải nghiệm cuộc sống, rèn luyện thử thách, vượt qua khó khăn…

Ông nói: “Hoặc con tiếp tục đi, hoặc ba sẽ ném thẳng con xuống cái vực kia”.

Ngay sau đó, trên trang Facebook của một người có nick là “Người hay ăn” có ghi chú: “Những kỹ năng sinh tồn thiết thực nhất cho trẻ” đã được cộng đồng mạng chia sẻ cả ngàn lượt trong thời gian ngắn. “Người hay ăn” cho biết, cô đúc kết kinh nghiệm chính bản thân mình từ ngày còn bé được bố chỉ dạy cho. Xin trích ra đây để các bậc cha mẹ chú ý trong vấn đề rèn luyện kỹ năng sống cho con cái từ khi còn bé.

1. Nếu bị lạc?

– Dặn trẻ dừng ngay tại điểm mình bị lạc.

– Nếu tìm sự giúp đỡ thì đối tượng có thể tin tưởng là những người mặc đồng phục như cảnh sát, nhân viên an ninh, nhân viên của địa điểm mình đang bị lạc (siêu thị, khu vui chơi…).

– Mẹo vặt giúp con gây tiếng ồn khi bị lạc (trường hợp trẻ không có điện thoại). Khi cho con đi chơi ở những khu vui chơi quá rộng, người đông, khó tìm được nhau, bố mẹ nên bỏ vào túi con một chiếc còi đồ chơi để chúng có thể thổi khi lạc bố mẹ hoặc rơi vào tình huống bị làm cho sợ hãi.

2. Dạy trẻ cách xem bản đồ.

3. Dạy trẻ bơi.

4. Dạy trẻ cách sơ cứu như rửa vết thương, khử trùng vết thương, dán băng y tế đơn giản…

5. Ở nhà một mình: Nguyên tắc là không được mở cửa cho bất cứ ai trừ bố mẹ. Nếu thấy có người vẻ như cố tình rình rập ở cửa để vào nhà thì trẻ nên bật tivi thật lớn, gây tiếng ồn trong nhà để kẻ lạ mặt nghĩ trong nhà có người lớn.

6. Khi bố mẹ gặp sự cố như bất tỉnh, tai nạn: Ở tủ lạnh, mình luôn treo danh sách số điện thoại quan trọng như xe cấp cứu, cứu hỏa, cảnh sát… và dạy trẻ cách gọi cấp cứu khi cần. Nếu dùng điện thoại di động thì mở loa ngoài để người trong trạng thái bị thương nghe được.

7. Xác định thực phẩm ăn được trong trường hợp cần sống sót: Dạy trẻ thực phẩm như thế nào là đã hỏng, mốc, không còn có thể ăn được (trong sinh hoạt hằng ngày). Dạy trẻ cách nhận diện, xác định nguồn thực phẩm từ cây quả, thảo dược.

8. Dạy trẻ về các thao tác thoát hiểm như khi có hỏa hoạn, có động đất, trong trường hợp nguy cấp, phải lánh nạn thì cố gắng nhặt theo thứ cần kíp nhất, như điện thoại, chai nước (đồ ăn, đèn pin…), vật dụng gây tiếng ồn như còi (đồ chơi bình thường này lại rất có ích trong nhiều trường hợp).

9. Đi đường một mình an toàn: Dặn trẻ nhận diện phương tiện như biển số xe, tên công ty xe, những tòa nhà hay biển hiệu quan trọng trên con đường lạ chúng đi qua là rất cần thiết, ngoài ra, chúng cần mang theo điện thoại và đảm bảo không được chơi game đến vạch pin cuối cùng.

Với trẻ nhỏ tuổi, dạy tự vệ không quan trọng bằng việc phòng tránh mối nguy hiểm, vì chúng quá nhỏ, nếu gặp kẻ gian là người lớn thì chúng khó mà chống cự được, vì vậy cần:

– Dặn trẻ cố gắng tránh đi vào toilet công cộng một mình, nếu có bạn đi cùng thì không la cà lâu bên trong. Nếu có anh, chị, em thì luôn đi với nhau, trông chừng nhau ở những nơi đó.

– Dạy trẻ không nhận bất cứ thức ăn nào từ người lạ, không nói chuyện. Ở trường, ngoài giáo viên ra, trẻ không được tiếp nhận và tin vào bất cứ một thông tin gì khác lạ so với thường ngày mà không tự miệng bố mẹ dặn dò.

– Trường hợp bỗng bị kẻ nào lôi đi mà không thể bỏ chạy được vì bị túm giữ thì kháng cự bằng cách đu chặt lấy chân kẻ gian, cố gắng nằm xoài ra đất, dùng sức nặng của cơ thể mình víu xuống và kêu gào hết sức có thể, để cản trở việc kẻ gian di chuyển (như lôi vào xe).

10. Dạy trẻ những kỹ năng khác, ít khẩn cấp hơn như nhóm lửa, cách làm chín thực phẩm một cách đơn giản, mở nắp hộp đồ ăn, cách dùng khăn, vải để lọc nước bẩn và đun chín trong trường hợp bị khát ở nơi không có nước sạch, cách dựng lều hoặc che phủ kín toàn thân để ngủ không bị muỗi…

  • Kim Duy theo trang Facebook của “Người hay ăn”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *