Trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, phụ huynh nên quan tâm chế độ dinh dưỡng của trẻ, giúp con nâng cao sức đề kháng và chống lại bệnh tật. Bữa ăn của trẻ phải đáp ứng được nhu cầu năng lượng, cân đối giữa 4 nhóm chất (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
Thực đơn có thể chuẩn bị từ ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm như lương thực; các loại hạt hoặc đậu; sữa và sản phẩm từ sữa; thịt cá và hải sản; trứng và các sản phẩm từ trứng; rau củ quả có màu xanh thẫm, màu da cam hay đỏ; các loại rau củ khác (su hào, củ cải…); dầu ăn và mỡ.
Sử dụng ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm trên có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, hỗ trợ bổ sung các loại vitamin và khoáng chất khác nhau giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Một số loại thực phẩm còn hỗ trợ duy trì và tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng – điều mà các bố mẹ rất quan tâm trong thời dịch.
Các loại thịt hoặc cá, hải sản là nguồn thực phẩm giàu đạm giúp trẻ ăn ngon miệng hơn nhờ vị ngọt đặc trưng, cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng để hoạt động khỏe mạnh. Các loại thịt đỏ như thịt bò, heo rất giàu sắt góp phần phòng chống thiếu máu. Các loại thịt trắng như thịt gà giàu vitamin B, hỗ trợ tăng cường miễn dịch đường ruột và tăng sức đề kháng.
Các loại cá và động vật có vỏ giàu kẽm – vi chất giúp các tế bào miễn dịch thực hiện tốt chức năng bảo vệ cơ thể. Lựa chọn các món ăn sống và tái có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Bố mẹ chỉ nên sử dụng thực phẩm đã được nấu chín trong bữa ăn của trẻ.
Vitamin C trong các loại rau củ quả là “chìa khóa” để tăng cường khả năng miễn dịch. Vitamin C tăng sản xuất bạch cầu chống lại sự tấn công của vi khuẩn, virus. Các loại thực phẩm giàu vitamin C gồm ớt chuông, bông cải, các loại quả họ nhà cam (cam, quýt, bưởi), ổi, thanh long, kiwi…
Vitamin A cũng là vi chất thiết yếu. Ngoài khả năng phòng chống khô mắt, vitamin A tham gia vào các quá trình đáp ứng miễn dịch của của cơ thể, góp phần tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Các nhóm thực phẩm giàu vitamin A hoặc tiền vitamin A bao gồm rau củ quả màu cam hoặc đỏ thẫm như gấc, cà rốt, bí ngô, cà chua, dưa hấu, đu đủ…
Trong bữa ăn nên bổ sung gia vị có tính kháng khuẩn cao như tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… Các loại rau thơm nhiều tinh dầu hỗ trợ kích thích và tăng cường miễn dịch cho trẻ.
Phụ huynh có thể có thể tham khảo một số thực đơn bữa trưa được chuẩn bị theo phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, thuộc dự án “Bữa ăn học đường”. Dự án do Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế thực hiện từ năm 2012.
Các thực đơn này được cân bằng dinh dưỡng, cân đối giữa 4 nhóm chất và kết hợp đa dạng trên 10 loại thực phẩm (không bao gồm gia vị) từ ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm.
Đại diện Công ty Ajinomoto Việt Nam cho biết, các thực đơn của phần mềm được phát triển trong hơn một năm, trải qua nhiều quá trình từ khảo sát, phân tích, phát triển công thức, thực nghiệm đến điều chỉnh kỹ càng, sau đó được thông qua bởi Hội đồng thẩm định của Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế và Hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, thực đơn và phần mềm hiện được sử dụng tại hơn 4.000 trường tiểu học bán trú thuộc 62 tỉnh thành toàn quốc.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, phụ huynh nên nhắc nhở các em uống đủ nước và dùng nước ấm. Thiếu nước, khô họng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, có thể khiến tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây nên các bệnh về hô hấp.
Bố mẹ cũng hạn chế cho trẻ sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn. Thường xuyên giáo dục và khuyến khích trẻ biết cách lựa chọn thực phẩm có lợi, xây dựng cho con lối sống sinh hoạt khỏe mạnh như tập thể dục, ngủ đủ giấc…
Dưới đây là một số ảnh trong thực đơn bữa chính trong dự án “Bữa ăn học đường” dành cho trẻ tiểu học.
Kim Uyên
- Top 4 phần mềm quản lý Fanpage miễn phí được sử dụng nhiều nhất hiện nay
- Lập kế hoạch kinh doanh spa hiệu quả với 6 bước đơn giản
- Lãi suất từ bán hàng tạp hóa thế nào? Bán tạp hóa có giàu không?
- 3 lỗi người bán cần chú ý để tránh nguy cơ bị “Huỷ Shop” trên Sendo
- Chiến lược thương hiệu giúp gì được cho doanh nghiệp và vì sao cần xây dựng?