Được con tin tưởng và yêu thương

Từ những mâu thuẫn đó con đã ra ngoài sống riêng với những người bạn…”. Mười năm, hai mẹ con không gặp nhau.

Mười năm sống xa nhà, cô khao khát được ăn một món ăn mẹ nấu, chạnh lòng khi xem hình các chị em họ được mẹ dắt đi mua sắm, đi xem phim, còn cô thì không. Tuy nhiên, cô đã khẳng định được một điều rằng, chính sự hà khắc trong dạy dỗ của mẹ với cô ngày còn nhỏ khiến cô đủ bản lĩnh sống tốt một mình nơi xứ người.

Có rất nhiều bình luận, đa số là an ủi và khuyên cô ca sĩ nên tìm cách làm lành với mẹ, dù biết cô đã chủ động làm lành rồi, nhưng mẹ cô vẫn không chấp nhận. Có người thổ lộ rằng, nữ ca sĩ ấy đã dám làm một bước “đột phá” để theo đuổi ước mơ, trong khi nhiều bạn trẻ khác có hoàn cảnh tương tự, bị cha mẹ kèm cặp, muốn “bứt phá” nhưng không đủ can đảm.

Trên một diễn đàn, nhiều bạn trẻ cho rằng chính việc kèm cặp quá đáng của cha mẹ đã khiến con cái thụ động và không có cơ hội thể hiện ước mơ của mình. Các bạn than thở, mười tám, hai mươi tuổi rồi mà mẹ còn quản giờ ngủ, ăn món gì, hằng ngày phải uống sữa, nước chanh…

Con đi xa, mỗi ngày mẹ gọi điện thoại không biết bao nhiêu lần. Mẹ đi công tác, gọi cho con cũng chỉ quanh quẩn ăn chưa, ăn gì, nhớ không bỏ bữa, phải ăn thêm trái cây… Có bạn trẻ thẳng thắn, thấy số điện thoại của mẹ là cúp máy trốn vì không muốn nghe lời dặn dò hay càm ràm của mẹ. Thậm chí có bạn cho rằng tuổi trẻ của mình ngày một “héo úa” vì mẹ kèm cặp dữ quá, từ mái tóc, quần áo, giày dép cho đến dáng đi, cách ngồi… Bạn không có điều kiện thể hiện “cá tính”…

Một bạn trẻ khẳng định, cần mẹ chứ không cần người quản lý. Dù được mẹ lo cho đầy đủ, nhưng lúc nào bạn cũng bị áp đặt theo ý của mẹ, nên nếu có điều kiện như cô ca sĩ ấy, bạn sẽ đi ra khỏi nhà. Cô ca sĩ ấy dù sao cũng hạnh phúc là có khả năng độc lập về tài chính, thoát khỏi vòng tay của mẹ để thực hiện ước mơ, còn bạn thì không thể…

Tuy nhiên, có bạn trẻ khác không đồng tình. Dù gì thì cãi lời mẹ cũng là sai, dù mâu thuẫn giữa mẹ và mình có lên đến cao trào thì cũng không được bỏ nhà ra đi như vậy. Mẹ con là mối quan hệ tốt đẹp nhất trên đời, không gì có thể sánh được. Nhiều người lớn lên được chính từ những lời… la mắng của mẹ, giờ đây mẹ đã già, muốn mẹ la mà không được.

Đa phần các ý kiến thiên về “đời dài lắm, mình chưa đi hết cuộc đời”, có trải, mới nghiệm ra lời mẹ dạy.

Một bà mẹ xấp xỉ sáu mươi cũng thẳng thắn thừa nhận, bà đã từng qua giai đoạn tuổi dậy thì, cũng nông nổi khi một yêu cầu nào đó không được mẹ đáp ứng. Đến khi làm mẹ, bà mới hiểu lòng mẹ và cũng biết không phải tất cả những điều chỉ dạy của mẹ đều đúng, nhưng vẫn biết ơn mẹ. Bởi có như thế bà mới rút kinh nghiệm để chỉ dạy con gái.

Bà nhận sai lầm trong cư xử với con gái khi một lần vô tình đọc được đoạn trao đổi của con tâm sự với bạn về sự nóng tính của bà, hay những điều nhắc nhở, chỉ bảo của bà không phù hợp với suy nghĩ của con.

Cha mẹ lo cho con cái là bổn phận và trách nhiệm. Đời vốn nhiều cạm bẫy, người mẹ như một người đi trước lường được thế nào là ổ gà, vực sâu để hướng dẫn con mình tránh đi.

Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng đúng! Thêm nữa, khoảng cách thế hệ cũng là một trong những lý do khiến con cái không hài lòng về cách cư xử của mẹ hay những điều dạy bảo của mẹ không hợp với xu thế hiện đại.

Thật ra, mâu thuẫn cha mẹ – con cái là vấn đề không mới, nhưng, ở trường hợp của cô ca sĩ ấy cũng khiến mọi người phải suy nghĩ, mẹ cô có cứng nhắc quá hay không mà hố sâu ngăn cách đến mười năm khiến con mình phải lên trang cá nhân thổ lộ tình cảm rất riêng tư này?

Mới thấy, hạnh phúc nhất cho ai có mẹ hiểu mình và cũng hạnh phúc nhất cho tất cả các bà mẹ được con cái tin tưởng, gửi gắm tâm sự và yêu thương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *