Giao con cho tivi!

Ngày nay, trong các gia đình sống ở đô thị, trẻ em hầu như chỉ xem tivi và chơi điện tử. Điều nguy hại này được cảnh báo là sẽ gây thụ động trong nhận thức và lười vận động cơ thể.

Phải chăng lao động chính yếu, cả đời của chúng trong tương lai chỉ là ngồi trước máy tính? Và chỉ còn mắt, tay và cái đầu là có vận động, các bộ phận khác của cơ thể đều ở trạng thái tĩnh? Chưa một nghiên cứu nào toàn diện cho những câu hỏi ấy. Với các bà mẹ, thì mới chỉ biết rằng: để con xem tivi, chơi điện tử suốt ngày là rất có hại, nhưng không biết làm thế nào. Vì cấu trúc đời sống của xã hội chưa có thay đổi nào để tìm lối thoát cho vấn đề này.

Các thành phố lớn của các nước phát triển, con người vận động hằng ngày. Ngoài các môn thể dục thể thao, họ còn đi bộ nhiều trên phố để đến các trạm xe, tàu điện ngầm và các phương tiện giao thông công cộng. Ở Việt Nam, khái niệm vỉa hè cho người đi bộ hầu như đã biến mất hẳn. Phố xá không còn chỗ cho đi bộ. Vỉa hè nay được một số nơi chính thức “cho thuê” để buôn bán. Người Việt Nam ở đô thị hoàn toàn gắn chặt mình trên chiếc xe gắn máy.

Chuyện này ai cũng thấy, nhưng chỉ kêu ca thế thôi, không có một nỗ lực nào để tạo ra giải pháp. Các công viên, tụ điểm vui chơi quá ít ỏi. Hà Nội may mắn có nhiều hồ, dù đang bị đe dọa xâm lấn hủy hoại, nhưng dù sao cũng còn có vài vòng bờ hồ cho dân cư ở gần đó sáng sáng chiều chiều đi tập thể dục. TP. Hồ Chí Minh thì chịu, ngoài vài ba công viên ít ỏi.

Chuyện này dẫn tới đâu? Không chỉ trẻ em, mà người già, người nội trợ cũng chỉ biết xem tivi. Mà chương trình tivi thì ai cũng biết rồi. Năm nào cũng có các cuộc trao giải truyền hình toàn quốc nhưng chưa bao giờ có các hội thảo nghiêm túc về thực trạng tình hình và hiệu năng thực sự của truyền hình cùng các vấn đề của nó trong đời sống. Có người dân “tự tổng kết” và bảo nhau: Xem truyền hình tết thì chỉ đến hết giao thừa, mùng một là có chương trình hay. Còn sau đó thì toàn phim Việt Nam chiếu dài dài, để cho nhà đài nghỉ tết.

Giao con cho tivi!

Thì trách sao được, nhà đài cũng lao động căng thẳng, cũng phải được nghỉ ngơi sau nhiều cố gắng. Với lại, xã hội hóa đã cho phép “bán kênh” cho các công ty kinh doanh tự làm chương trình phục vụ thương mại, cho nên đi tìm sự hưởng thụ văn hóa, trí tuệ sâu sắc thì đừng đòi hỏi cao. Các nghiên cứu cho rằng “ưu thế của nghe nhìn là hình ảnh, âm thanh dễ tiếp nhận. Nhưng đọc sách thì kích thích và đòi hỏi nỗi lực tích cực của trí tuệ… Và trí tuệ, về cơ bản phải được rèn luyện và phát triển bằng đọc sách…” (Hoàng Ngọc Hiến).

Nghe nói nhà văn Tô Hoài “kỵ” hình ảnh nghe nhìn đến nỗi ông là tác giả kịch bản phim Vợ chồng A Phủ nhưng ông chưa xem. Hoặc có vài học giả còn có ý muốn cực đoan thành lập “câu lạc bộ những người không xem truyền hình”.

Nói gì thì nói, nghe nhìn là một đóng góp lớn lao trong văn hóa phát triển. Chắc là các vị đó chỉ cảnh báo cho sự lệch lạc thiếu hài hòa trong lối sống. Bởi ngày nay thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ tuổi đang bị mai một. Sách báo, nghệ thuật giáo dục năng lực cảm nhận sự thật và khám phá, tự ý thức và hình thành nhân cách, năng lực cảm nhận nỗi đau nhân tình và cảm nhận cái đẹp. Nó chuẩn bị tâm hồn cho sự tiếp thu đạo đức.

Vậy mà các vị phụ huynh lại không tìm thấy con đường thoát, làm hài hòa con mình, kéo chúng ra khỏi cái tivi, bằng rèn cho con thói quen đọc sách. Các vị nói rằng sách hay còn hiếm, và trẻ con bây giờ đâu có mê Tấm Cám bằng siêu nhân, phù thủy ma thuật, hay các phim hành động đánh đấm, rượt đuổi ghê người…

Thế đó, phải đọc, phải trải qua giai đoạn “ngốn sách” mới giàu có tâm hồn và trí tuệ. Làm sao các nhà nghiên cứu không giúp đưa ra được một danh sách đọc cơ bản cho các lứa tuổi, được chọn lọc qua di sản sách của nhân loại? Để hướng dẫn cho các bậc làm cha mẹ. Làm sao chính tivi – bên cạnh sự bùng nổ mời chào sản phẩm tiêu dùng – phải có chương trình chọn sách cho trẻ.

Hoặc các buổi trao đổi về các tác phẩm di sản. Thí dụ như thiếu niên bàn bạc, cảm nhận về các nhân vật trong Dế mèn phiêu lưu ký hay hình ảnh, câu chuyện đời ông Đông-ki-sốt (Donkihote) chẳng hạn? Hiếm hoi quá! Bây giờ lại thấy người ta toàn nói đến kỹ năng sống mà quên mất ông thầy vĩ đại nhất chính là sách vở, văn học nghệ thuật.

Các bậc cha mẹ trẻ ngày nay cũng chẳng đọc sách, chẳng yêu các hình tượng nghệ thuật, cũng chỉ tò mò xem đời của “sao”, thì họ biết gì mà hướng dẫn con cái. Nên làm sao tránh được việc giao con cho tivi và trò chơi điện tử!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *