Google RankBrain là gì? 80% SEOer hiểu sai về thuật toán RankBrain

Nếu bạn thực sự đang nghiêm túc với SEO và coi nó là công cụ marketing chính, bạn chắc chắn CẦN phải tối ưu RankBrain.

Tại sao ư?

Đơn giản vì, Google gần đây đã công bố rằng RankBrain là dấu hiệu quan trọng thứ 3 quyết định thứ hạng của một từ khóa.

Và RankBrain đang dần trở thành đứa con được Google coi trọng hơn mỗi ngày.

Bài viết này sẽ đưa đến cho bạn định nghĩa về thuật toán RankBrain của Google một cách đơn giản, dễ hiểu và toàn diện nhất. Cùng bắt đầu nhé.

Chương 1. Google RankBrain là gì?

RankBrain là một thuật toán xây dựng trên nền tảng học máy (AI) được Google sử dụng để phân loại kết quả tìm kiếm. RankBrain cũng rất có ích trong việc giúp Google xử lý và hiểu nhanh hơn các truy vấn tìm kiếm của người dùng.

Vậy: RankBrain có khác biệt gì?

Trước khi RankBrain xuất hiện, 100% thuật toán của Google được lập trình bằng tay. Và quá trình đó sẽ diễn ra như sau:

ky-su-google

Các kỹ sư vẫn đang làm việc dựa trên thuật toán, dĩ nhiên rồi. Nhưng ngày nay, RankBrain đóng vai trò như một trợ lý đắc lực và âm thầm ngay sau đó, giúp cho việc thay đổi thuật toán của các kỹ sư trở nên dễ dàng hơn.

rank-brain

Hiểu đơn giản, RankBrain có khả năng tự thay đổi thuật toán một cách vi diệu.

Dựa trên từ khóa, RankBrain sẽ tăng hoặc giảm tầm quan trọng của các yếu tố quyết định thứ hạng của từ khóa trong bài viết như backlinks, sự mới mẻ của nội dung, độ dài bài viết cũng như tính tin cậy của domain, v.v…

Sau đó, RankBrain sẽ tập trung vào cách mà người dùng Google tương tác với các kết quả tìm kiếm mới. Nếu người dùng thích cách mà thuật toán mới vận hành và nhận thấy những kết quả tìm kiếm này mang lại giá trị cho họ, thuật toán đó sẽ được RankBrain giữ lại. Nếu không, RankBrain sẽ tự động quay về thuật toán cũ.

Nếu điều đó vẫn chưa đủ khiến bạn ngạc nhiên thì đây:

Google thử test trên 1 nhóm Kỹ sư của họ, đề bài là phải lựa chọn đúng trang sẽ được xếp hạng #1 trên Google cho những từ khóa đã cho. Họ cũng giao đề bài tương tự cho RankBrain.

Và RankBrain đánh bại những vị kỹ sư tài ba này với dự đoán chính xác hơn đến 10%!

do-chinh-xac-cua-du-doan-google-rankbrain

Tóm lại, RankBrain thực sự hiệu quả. Và chúng sẽ càng ngày càng tinh vi hơn trong việc thỏa mãn các truy vấn của người dùng.

Bạn đã hiểu sơ qua RankBrain là gì rồi đúng không? Nếu vẫn còn chưa hiểu lắm, thì đọc tiếp chương 2 để xem cách mà nó vận hành nhé, đảm bảo bạn sẽ biết tại sao RankBrain lại được Google “cưng chiều” đến thế.

 

Chương 2. Nguyên lý vận hành RankBrain

RankBrain có 2 nhiệm vụ chính:

  1. Hiểu truy vấn tìm kiếm (từ khóa)
  2. Đo lường phản ứng của mọi người với kết quả trả về (sự thỏa mãn của người dùng)

Cùng tìm hiểu từng ý một nhé.

Cách RankBrain hiểu bất kì từ khóa nào mà bạn tìm

Vài năm trước, Google gặp phải 1 vấn đề:

15% số lượng từ khóa mà người dùng gõ vào Google là những từ khóa chưa bao giờ xuất hiện trước đó.

15% có vẻ không phải là con số quá lớn. Nhưng khi bạn phải xử lý hàng tỷ truy vấn tìm kiếm mỗi ngày, nghĩa là thông thường có đến 450 triệu từ khóa mới xuất hiện.

Trước khi RankBrain ra đời, Google sẽ quét các trang xem liệu trang đó có chứa đúng từ khóa chính xác mà người dùng tìm kiếm hay không.

Nhưng bởi vì những từ khóa này hoàn toàn mới, Google không có manh mối nào để hiểu người dùng đang thực sự muốn gì. Vì thế mà Google phải đoán.

Ví dụ, nếu bạn tìm kiếm từ khóa “cửa hàng gà rán”. Google sẽ tìm những trang có chứa các từ khóa “cửa”, “hàng”, “gà” và “rán”.

tim-kiem-tu-khoa

Ngày nay, RankBrain có thể hiểu những gì mà bạn tìm kiếm và cung cấp kết quả chính xác đến 100%:

cua-hang-ga-ran

RankBrain hiểu rằng rất có thể bạn đang có nhu cầu ăn gà rán nên đã hiện ngay các cửa hàng gà rán xuất hiện xung quanh vị trí của bạn. Ngoài ra danh sách tìm kiếm cũng hiển thị một số thương hiệu nổi tiếng, gắn liền với món gà rán như KFC, Lotteria, Five Star, v.v… để bạn có thể đưa ra sự lựa chọn tốt nhất cho mình.

Không hề tệ, phải không?

Vậy điều gì đã thay đổi? Trước đây, Google sẽ cố gắng trả về những kết quả có chứa chính xác những từ trong truy vấn tìm kiếm của bạn.

Ngày nay, RankBrain cố gắng để hiểu điều bạn thực sự đang mong muốn là gì. Bạn biết đấy, giống như cách mà con người cố gắng thấu hiểu nhau vậy.

Bằng cách nào ư? Bằng cách khớp những từ khóa chưa-từng-thấy-trước-đây với những từ khóa mà Google đã từng thấy trước đó.

Ví dụ, Google RankBrain có thể đã để ý rằng có rất nhiều người tìm kiếm từ khóa “cửa hàng gà rán”.

Và RankBrain học được rằng những người tìm kiếm “cửa hàng gà rán” thực chất muốn nhìn thấy những danh sách cửa hàng gà rán gần đây để họ có thể đi ăn.

Vậy khi ai đó tìm kiếm từ khóa “cửa hàng gà rán”, RankBrain trả về những kết quả tương tự với những từ khóa mà nó đã từng biết trước đó (“gà rán tại hà nội”).

Vì thế nó sẽ hiển thị những kết quả về các cửa hàng gà rán tại Hà Nội.

Một ví dụ khác: Google từng đăng một bài blog về cách mà họ sửa dụng học máy (machine learning) để hiểu ý định của người dùng:

google-open-source-blog

Trong bài post đó, họ mô tả một công nghệ gọi là “Word2vec” chuyển hóa và đặt những từ khóa trong những bối cảnh cụ thể.

Ví dụ, Google nói rằng công nghệ này “hiểu được rằng Paris và France liên quan với nhau tựa như Berlin và Đức vậy (thủ đô và đất nước), nhưng Madrid và Ý thì lại không có mối liên hệ tương tự như thế“.

country-and-capital

Mặc dù bài blog của Google không đề cập đến RankBrain, nhưng thực chất RankBrain cũng sử dụng công nghệ tương tự.

Tóm lại: Google RankBrain không chỉ dừng lại ở việc khớp truy vấn tìm kiếm với từ khóa trong trang đích. RankBrain đặt truy vấn tìm kiếm của bạn trong một bối cảnh cụ thể… và cố gắng tìm những trang đích thể hiện được bối cảnh đó.

Ở chương 3, HOC11.VN sẽ chỉ cho bạn điều này sẽ thay đổi cách chúng ta nghiên cứu từ khóa SEO như thế nào. Nhưng trước tiên, cùng tìm hiểu điều tuyệt vời mà RankRain có thể mang lại cho chúng ta dưới đây…

RankBrain đo lường sự thỏa mãn của người dùng như thế nào?

Chắc chắn, RankBrain có thể cố gắng hiểu những từ khóa mới. Và nó thậm chí có thể vặn thuật toán theo chiều hướng mà nó thấy tốt hơn.

Nhưng câu hỏi mà tất cả mọi người đều thắc mắc là:

Khi RankBrain hiển thị một danh sách những kết quả tìm kiếm, làm sao nó biết được liệu những kết quả này có thực sự chất lượng hay không?

Thật ra, quá trình mà RankBrain quan sát diễn ra như sau:

rankbrain-uses-ux-signals

Nói cách khác, RankBrain sẽ hiển thị một danh sách những kết quả tìm kiếm mà nó nghĩ là bạn sẽ thích. Nếu nhiều người thích một trang đích bất kì trong danh sách, nó sẽ cho trang đích đó lên thứ hạng cao hơn.

Còn nếu bạn không thích trang đích đó thì sao? Họ sẽ cho trang đích đó tụt hạng và thay thế vào đó bằng một trang đích khác. Và lần tới nếu ai đó tìm kiếm từ khóa này (hoặc từ tương tự), họ sẽ lại tiếp tục cân đo chất lượng của trang đích vừa được thay thế.

Vậy chính xác thì RankRain quan sát những gì?

RankBrain đặc biệt chú ý đến cách mà người dùng tương tác với những kết quả tìm kiếm. Chính xác thì, RankBrain nhìn vào những chỉ số sau:

  • Organic Click-Through-Rate (Tỷ lệ nhấp chuột tự nhiên)
  • Dwell Time (Thời gian dừng chân của người dùng trên trang)
  • Bounce Rate (Tỷ lệ bỏ trang)
  • Pogo-Sticking (Hành động người dùng xem một trang đích và back rất nhanh về trang kết quả tìm kiếm)

Những chỉ số này được coi là dấu hiệu đánh giá trải nghiệm của người dùng (UX signals).

Hãy thử nhìn vào ví dụ dưới đây nhé:

Bạn chẳng may bị căng cơ lưng khi chơi tennis. Vậy bạn tìm kiếm “căng cơ lưng” trên Google.

google-search-cang-co-lung

Như bao người, bạn nhấn vào kết quả đầu tiên.

Thật không may, bạn đọc qua phần mở đầu và nhận ra đây không phải là những thông tin mang lại giá trị cho bạn (“Cơ lưng là một trong những nhóm cơ quan trọng…”)

Vậy bạn nhấn back trở về và xem kết quả tìm kiếm thứ 2:

ket-qua-tim-kiem-1

Kết quả này cũng không khá khẩm hơn, bài viết chứa đầy những lời khuyên chung chung kiểu “hãy nghỉ ngơi và chườm đá”.

Vậy bạn lại nhấn vào nút back trên trình duyệt một lần nữa và thử kết quả #3.

ket-qua-tim-kiem-2

Chuẩn luôn! Kết quả này CHÍNH XÁC là những gì mà bạn đang tìm kiếm.

Thay vì nhấn “back” một lần nữa, bạn dành 5 phút đọc quy trình vật lý trị liệu trên trang này. Và bởi vì bạn đã có được thứ bạn muốn, bạn không ghé thăm các trang kết quả khác nữa.

Hoạt động qua lại này được gọi là “Pogo-sticking”. Và đây chính là thứ mà RankBrain đặc biệt chú ý đến.

Việc người dùng back khỏi 1 trang nào đó để nhấn vào 1 kết quả tìm kiếm khác là dấu hiệu để Google nhận ra: “Trang đó rất tệ!”.

ket-qua-tim-kiem-3

Và nếu Google nhận thấy có nhiều người NGỪNG pogo-sticking một kết quả cụ thể, họ sẽ tăng thứ hạng cho trang đích đó để khiến nó được dễ dàng tìm thấy hơn.

pogo-stick-effect-4

HOC11.VN sẽ có rất nhiều tips giúp bạn tối ưu hóa UX signals trong chương 4 và 5. Nhưng bây giờ, hãy cùng xem RankBrain đã thay đổi cách nghiên cứu từ khóa như thế nào nhé.

Chương 3. Nghiên cứu từ khóa “kiểu” RankBrain

Bạn thấy đấy, Google giờ đây đã có thể hiểu Ý ĐỊNH của chúng ta đằng sau một từ khóa cụ thể.

Vậy đó có phải dấu hiệu cách nghiên cứu từ khóa truyền thống đã lỗi thời rồi hay không?

Không!

Điều đó cho thấy, bạn cần phải chỉnh sửa sao cho quy trình nghiên cứu từ khóa của mình thân thiện với RankBrain hơn.

Dưới đây là cách mà HOC11.VN khuyên bạn nên làm:

Phớt lờ những từ khóa dài – Long tail Keywords đi (Chúng lỗi thời rồi)

Từ khóa dài đã chết.

(Đúng, bạn không nghe nhầm đâu)

Quay về cái ngày mà tất cả mọi người làm SEO đều tạo hàng trăm những trang đích khác nhau… mỗi cái tối ưu quanh 1 từ khóa duy nhất.

Ví dụ, bạn tạo một trang tối ưu cho từ khóa “công cụ nghiên cứu từ khóa tốt nhất”. Và một trang khác tối ưu cho “công cụ tốt nhất để nghiên cứu từ khóa”.

Và Google theo cách cũ sẽ xếp hạng mỗi từ khóa này dựa trên từ khóa dài tương ứng.

identical-results

Ngày nay, RankBrain hiểu rằng 2 từ khóa này thực chất là một. Vì vậy họ gần như trả về 2 kết quả đồng nhất.

identical-results

Vì vậy, việc tối ưu từ khóa dài không mang lại nhiều ý nghĩa như trước nữa.

Bạn nên làm gì ư? Đọc tiếp nhé…

Tối ưu xung quanh những từ khóa có độ dài trung bình (Medium Tail Keywords)

Thay vì từ khóa dài, HOC11.VN khuyên bạn nên tối ưu nội dung xung quanh những từ khóa có độ dài trung bình.

Những Medium Tail Keywords này có mật độ tìm kiếm ở khoảng giữa. Chúng nhận được nhiều lượt tìm kiếm hơn từ khóa dài. Nhưng chúng lại không quá cạnh tranh.

Ví dụ, dưới đây là danh sách nhưng từ khóa xoay quanh chủ đề “Giảm cân Keto”. Những từ khóa ở giữa là những Medium Tail Keywords.

medium-tail-keywords

Khi bạn tối ưu trang đích xung quanh một từ khóa trung bình (và khiến trang đó mang lại giá trị thực sự cho người dùng), RankBrain sẽ tự động xếp hạng cao hơn cho bạn… và hàng nghìn từ khóa tương tự trên website.

similar-keywords

Tóm lại, HOC11.VN khuyên bạn nên tối ưu trang đích của bạn xung quanh một từ khóa cụ thể.

(Chỉ cần chắc chắn đó là Medium Tail Keyword)

Sau đó, hãy để RankBrain xếp hạng trang đích đó của bạn dựa trên rất nhiều những từ khóa khác nhau có liên quan.

Một ví dụ về quy trình này để bạn dễ hiểu hơn nhé?

Ví dụ

Trước đây HOC11.VN đã từng viết 1 bài về viết bài chuẩn SEO.

Bài đó đây.

viet-bai-chuan-seo

Nội dung này của HOC11.VN cung cấp một lượng lớn những kiến thức giá trị trong một trang đích, nên nó được xếp hạng đầu tiên với từ khóa (có độ dài trung bình): viết bài chuẩn SEO.

viet-bai-chuan-seo-2

Nhưng điều quan trọng hơn cả, đó là RankBrain hiểu rằng trang đích của HOC11.VN đang “hướng dẫn viết bài chuẩn seo” hay phù hợp với một cách nói khác viết bài chuẩn seocách viết content chuẩn seo

Nếu là cách đây 1 năm HOC11.VN viết bài này, chúng tôi sẽ tối ưu cho từ khóa dài hướng dẫn viết bài chuẩn seo trước, sau đó từ khóa ngắn hơn viết bài chuẩn seo sẽ lên TOP sau!

Tuy nhiên, khi HOC11.VN tập trung hướng vào medium keyword “viết bài chuẩn seo”. Thậm chí, chúng tôi còn không đưa các từ khóa phụ như: hướng dẫn, cách viết – lên tiêu đề. Google vẫn hiểu nội dung này phù hợp với các Longtail khác như:

  • cách viết bài chuẩn seo
  • cách viết content chuẩn seo
  • hướng dẫn viết bài chuẩn seo

Đó là lý do mà khi người dùng tìm kiếm những từ khóa khác ngoài từ khóa viết bài chuẩn seo, bài viết của HOC11.VN vẫn hiển thị.

 

Một trong số những từ khóa người dùng tìm kiếm mà bài viết về “viết bài chuẩn SEO” của HOC11.VN được hiển thị ở trang kết quả đầu tiên.

Đó là sức mạnh của việc tối ưu nội dung theo 1 Medium Tail Keyword cụ thể.

Chương 4. Tối ưu CTR

Như bạn thấy ở chương 1, tỷ lệ nhấp chuột tự nhiên là chìa khóa để RankBrain xếp hạng từ khóa.

Câu hỏi là: làm thế nào để bạn khiến người dùng click vào trang đích của bạn?

HOC11.VN sẽ giúp bạn trả lời ở chương này.

Thêm yếu tố cảm xúc vào tiêu đề

Không còn nghi ngờ gì nữa: những tiêu đề chứa đựng cảm xúc bao giờ cũng được nhiều nhấp chuột hơn.

Đây là điều mà copywriters đã biết từ lâu. Và những năm gần đây ý tưởng này được minh chứng rõ ràng hơn thông qua số liệu. Thực tế, CoSchedule đã chỉ ra sự tương quan rõ ràng giữa những tiêu đề mang đậm cảm xúc và lượt chia sẻ trên mạng xã hội.

emotional-value

Ví dụ, dưới đây là một tiêu đề được tối ưu chuẩn SEO theo công thức chung:

Tips cải thiện hiệu suất: Làm sao để hoàn thành công việc nhanh hơn?

Không hề tệ. Nhưng nó thiếu để yếu tố cảm xúc thúc đẩy mọi người nhấp chuột.

Dưới đây là cách mà bạn có thể sử dụng để khiến cho dòng tiêu đề đó tràn ngập cảm xúc hơn (mà vẫn chuẩn SEO):

Không còn nỗi lo stress với 17 tips cải thiện hiệu suất dưới đây

Tất nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể lồng ghép yếu tố cảm xúc vào tiêu đề. Nhưng bất cứ khi nào bạn có thể, hãy tận dụng.

Thêm dấu ngoặc đơn vào cuối tiêu đề của bạn

Đây là 1 trong những tips yêu thích nhất mà HOC11.VN hay sử dụng.

Tip này có được từ một nghiên cứu mà HubSpot và Outbrain chỉ ra vào vài năm trước…

Nghiên cứu phân tích 3.3 triệu tiêu đề khác nhau. Và họ nhận ra những tiêu đề chứa ngoặc đơn hiệu quả hơn những tiêu đề không có đến 33%:

them-ngoac-don-vao-tieu-de

Thực tế, cách này hiệu quả đến mức HOC11.VN từng có ý định thêm ngoặc đơn vào hầu hết tiêu đề của mình:

them-ngoac-don-vao-tieu-de

Dưới đây là một số ví dụ về những ngoặc đơn mà bạn có thể sử dụng:

  • (2019)
  • [Infographic]
  • (số liệu mới cập nhật năm 2019)
  • [Báo cáo]
  • (Case Study thực tế)
  • (mang lại hiệu quả thực sự)

Bạn hiểu ý tưởng rồi đó! Thay đổi cách viết tiêu đề của mình ngay thôi! ?

Sử dụng số (không chỉ dừng lại là số trong một bài viết liệt kê – ví dụ như bài 35 checklist chuẩn SEO của HOC11.VN)

Nghiên cứu từ các nguồn (bao gồm cả BuzzSumo) đã chỉ ra một điều khá rõ ràng: số giúp cải thiện tỷ lệ nhấp chuột.

Phần thú vị hơn cả đó là:

Bạn có thể sử dụng số trong tiêu đề của mình… ngay cả khi chúng không phải là một bài viết liệt kê.

Ví dụ, tháng trước HOC11.VN có 1 bài như sau về bí kíp sáng tạo nội dung viral năm 2019:

yeu-to-cam-xuc

Nhấn nhá những từ ngữ có sức nặng vào tiêu đề của bạn

Từ ngữ có sức nặng là những từ hàm chứa từ ngữ mang lại cảm xúc nghiêm trọng và khẩn cấp.

Bạn cũng biết rồi đó: sử dụng những từ ngữ như vậy sẽ giúp tiêu đề của bạn nổi bật và thu về nhiều clicks hơn.

Dưới đây là một list những từ ngữ có sức nặng yêu thích của HOC11.VN:

  • Hiệu quả
  • Bất ngờ
  • Tức khắc
  • Case Study
  • Ví dụ thực tế
  • Đã được minh chứng
  • Được nghiên cứu
  • Mới
  • Mạnh mẽ

Đừng quên tối ưu hóa mô tả để tăng tỷ lệ nhấp chuột (CTR)

Đúng thế, mô tả được tối ưu sẽ giúp bạn cải thiện CTR của mình một cách bất ngờ.

Dưới đây là cách để tạo một dòng mô tả thực sự mang lại hiệu quả:

1. Đầu tiên, hãy khiến nó thật cảm xúc.

Cũng giống như tiêu đề, bạn sẽ muốn dòng mô tả của mình phải chứa đựng một cảm xúc nào đó.

Ví dụ:

yeu-to-cam-xuc

2. Tiếp theo, hãy bán LÝ DO mà người dùng nên click vào trang đích của bạn.

Nội dung của bạn có mang lại giá trị cho họ không? Có được nghiên cứu chuyên sâu hay không?

Có buồn cười không? Nếu có, hãy bán chúng trong dòng mô tả của bạn:

ban-ly-do

3. Sau đó, hãy sao chép những từ hoặc cụm từ mà quảng cáo trả phí (Google Ads) sử dụng.

Ví dụ, khi chúng ta tìm kiếm từ khóa “thức ăn cho chó”, có thể dễ dàng nhận thấy từ sau xuất hiện ở hầu hết các trang đích quảng cáo:

tu-trong-quang-cao-tra-phi

Yếu tố nguồn gốc của thức ăn được đưa vào mô tả quảng cáo chứng tỏ người dùng khá quan tâm đến nguồn gốc của chúng, vì thế mà các nhà quảng cáo cần phải nhấn mạnh yếu tố này.

Vì thế bạn sẽ muốn thêm từ “chính hãng” vào trong mô tả của mình nếu bạn đang bán mặt hàng tương tự.

4. Cuối cùng, thêm vào mô tả từ khóa mà bạn muốn SEO.

Google sẽ bôi đậm từ khóa đó mỗi khi có người dùng tìm kiếm, giúp nó trở nên nổi bật hơn:

tu-khoa-seo

Đó, chỉ đơn giản vậy thôi.

Chương 5. Bí kíp giữ chân khách hàng lâu hơn (tăng Dwell Time)

OK vậy là bạn đã có trong tay bí kíp tăng tỷ lệ nhấp chuột (CTR) của HOC11.VN. Vậy là sẽ càng ngày càng có nhiều người hơn nữa click vào kết quả tìm kiếm của bạn.

Giờ thì sao nhỉ? Bạn cần chứng minh với Google rằng những kết quả của bạn khiến người dùng của họ thỏa mãn.

Và cách tốt nhất để làm điều đó? Chính là sử dụng chỉ số dwell time – Thời gian khách hàng dừng chân trên website của bạn.

Google có THỰC SỰ xem xét chỉ số Dwell Time không? Có chứ!

Dwell time là thời lượng người dùng Google sử dụng trên trang của bạn sau khi nhấn vào kết quả tìm kiếm.

Tất nhiên, người dùng tiêu tốn thời gian càng lâu trên trang của bạn càng tốt. Điều này cho Google thấy: “Uầy, có vẻ mọi người THÍCH kết quả tìm kiếm này đấy. Cho nó lên vài thứ hạng thôi”.

Và nếu ai đó rời bỏ trang của bạn sau 2 giây, Google sẽ biết ngay: “Kết quả này tệ thật! Phải giảm thứ hạng của nó ngay”.

Vì vậy dĩ nhiên RankBrain sẽ đo lường Dwell Time – và xáo trộn kết quả tìm kiếm xung quanh dựa trên dấu hiệu này.

Thực tế, một kỹ sư Google gần đây đã nói rằng Google đã từng phụ thuộc 100% vào các dấu hiệu off-page (đặc biệt là backlinks). Mặc dù Google vẫn sử dụng backlinks, vị kỹ sư này cũng chỉ ra rằng:

google-machine-learning

2 bước giữ chân khách hàng lâu hơn (tăng Dwell Time)

Giờ là lúc chia sẻ vài chiến lược đơn giản mà bạn có thể áp dụng ngay nhằm tăng thời gian khách hàng dừng chân trên website của mình.

[emaillocker]

1. Tận dụng những nội dung dài, mang tính chuyên sâu

Sau khi thử nhiều lần, HOC11.VN có thể chắc chắn với bạn rằng:

Nội dung dài hơn = Dwell Time tốt hơn.
Tất nhiên, người dùng sẽ phải tốn nhiều thời gian để đọc 2000-từ trong 1 bài viết hướng dẫn hơn là 400-từ trong 1 bài blog ngắn. Nhưng đó chỉ là một lý do mà thôi.

Một lý do khác cho nguyên nhân tại sao những nội dung dài cải thiện Dwell Time đó là những bài viết dài có thể trả lời một cách đầy đủ truy vấn của người tìm kiếm.

Ví dụ, bạn tìm kiếm từ khóa “làm sao để giảm cân”.

publish-long-content

Và kết quả tìm kiếm đầu tiên mà bạn nhấp chuột vào là một bài viết có chứa 300-từ. Nó có vẻ trả lời được câu hỏi của bạn… nhưng vẫn khiến bạn muốn tìm hiểu nhiều hơn.

pogosticking

Vì vậy bạn nhấp chuột trở về trang Google và tìm kiếm 1 bài viết tốt hơn (bạn có nhớ không, Google gọi hành động này là “Pogo-sticking”).

Và lần này bạn đã khám phá ra một kho vàng.

Bạn tìm được 1 bài hướng dẫn chuyên sâu có tất cả MỌI THỨ bạn cần về việc giảm cân.

publish-comprehensive-guides

Và thế là bạn pha ngay 1 cốc cà phê nóng hổi và đọc bài hướng dẫn từ đầu đến cuối. Bạn thậm chí còn đọc lại một vài mục trong đó. Tất cả hành động này đã giúp chủ website cải thiện Dwell Time.

Nội dung dạng dài hoạt động tốt đến nỗi HOC11.VN gần đây chỉ tập trung vào các bài viết chuyên sâu có độ dài ít nhất 2,000 từ.

2. Chia nội dung của bạn thành những phần nhỏ

Thành thực mà nói:

Đọc 2,000 từ khá là KHÓ.

Và càng khó hơn nếu 2,000 từ được viết díu vào nhau thành 1 cục.

Thật may, có một cách đơn giản giúp bạn thoát khỏi vấn đề này, đó là: subheaders, hay còn gọi là tiêu đề phụ.

Tiêu đề phụ giúp bạn chia content thành những phần nhỏ dễ nhằn hơn. Điều này giúp người dùng cảm thấy việc đọc chúng không còn quá khó khăn, do đó, tăng được Dwell Time.

HOC11.VN thường sử dụng RẤT NHIỀU tiêu đề phụ này vì những lý do trên:

chia-content-thanh-tung-phan-nho

Điều đặc biệt đó là, cứ mỗi 200 từ HOC11.VN sẽ cố bỏ 1 tiêu đề phụ vào bài viết.

 

Chương 6. Giảm Tỷ lệ bỏ trang (Bounce Rate) với 2 bước

Khi phân tích một lượng lớn kết quả tìm kiếm trên Google, chúng tôi nhận ra sự tương quan giữa thứ hạng cao và tỷ lệ bỏ trang thấp:

high-rankings-and-bounce-rate

1. Để nội dung của bạn hiện lên trước khi người dùng cuộn trang

Khi ai đó click vào trang của bạn trên Google, họ sẽ muốn nhận được câu trả lời NGAY LẬP TỨC.

Nói cách khác, họ không muốn phải cuộn xuống thêm để đọc nội dung của bạn.

Đó là lý do tại sao HOC11.VN khuyên rằng bạn nên bỏ bất cứ thứ gì khiến cho nội dung của bạn bị đẩy xuống dưới phần cuộn trang này, ví dụ như thế này:

content-below-fold

Thay vào đó, bạn sẽ muốn câu đầu tiên của bài viết hiện rõ ràng và ở chính giữa màn hình như thế này:

content-above-fold

Bằng cách này, bạn sẽ hạ gục người đọc ngay từ những giây đầu tiên.

2. Sử dụng Intros ngắn (NHIỀU NHẤT là 5-10 câu)

Tin hay không thì tùy, nhưng thông thường HOC11.VN sử dụng NHIỀU thời gian để viết phần intros hơn cả viết headlines.

Đó là lý do tại sao intros chiếm đến 90% lý do người đọc quyết định ở lại… hay ra đi.

Và sau RẤT NHIỀU lần thử HOC11.VN nhận ra rằng những intros ngắn mang lại tác dụng cực tốt.

Tại sao ư?

Khi ai đó tìm kiếm trên Google, họ đã biết về chủ đề đó rồi. Vì thế bạn không nhất thiết phải viết intro dài dòng làm gì cả.

Thay vài đó, hãy sử dụng intro như một lời mời chào người đọc, như thế này:

intros-ngan

 

BÍ KÍP TỪ CHUYÊN GIA: Hạn chế những tiêu đề phụ nhàm chán như “Cách để luôn khỏe mạnh” hay “Cách giữ dáng”. Thay vào đó, hãy khiến tiêu đề phụ của bạn có cảm xúc hơn. Ví dụ “3 cách đơn giản để cơ thể luôn khỏe mạnh từ Tăng Thanh Hà” và “Nghiên cứu mới nhất từ chuyên gia giúp bạn luôn giữ được dáng mà không sợ tăng cân.”

 

Chương 7. Chiến lược tối ưu RankBrain dựa trên Case Studies thực tế

Ở chương này HOC11.VN sẽ đưa cho bạn một cuốn sổ tay với những tips ngắn để bạn có thể ứng dụng được trong việc tối ưu website của mình trước RankBrain.

Tăng nhận diện thương hiệu. Cải thiện CTR.

HOC11.VN đã cho bạn thấy sự hiệu quả của con số, cảm xúc và những từ ngữ có sức nặng trong việc cải thiện tỷ lệ nhấp chuột – CTR tự nhiên.

Nhưng có một biến số LỚN mà HOC11.VN chưa nhắc đến, đó là: nhận diện thương hiệu.

Khỏi phải nói, nếu ai đó biết đến thương hiệu của bạn, họ sẽ có xu hướng nhấp chuột vào trang của bạn trên kết quả tìm kiếm hơn. Thực tế, số liệu từ WordStream cũng cho thấy nhận diện thương hiệu tốt có thể cải thiện CTR lên đến 342%!

increase-brand-awareness

Ví dụ, hãy thử nhìn vào những kết quả tìm kiếm sau:

search-results

Trang nào bạn sẽ muốn click vào hơn? VnExpress và Ivivu, tất nhiên rồi!

Nói cách khác, bạn sẽ muốn mọi người phải biết về thương hiệu của bạn TRƯỚC KHI họ tìm kiếm chúng trên Google.

Vậy làm sao để bạn tăng nhận diện thương hiệu của mình?

1. Đầu tiên, thử Facebook Ads.

Ngay cả khi mọi người không nhấp chuột và tạo chuyển đổi, quảng cáo Facebook vẫn có thể giúp bạn tiếp cận đến đối tượng tiềm năng của mình rất tốt.

facebook_ads

Và khi những đối tượng này tìm kiếm kết quả cho truy vấn của mình trên Google, họ sẽ có xu hướng NHIỀU hơn click vào kết quả của bạn.

2. Đừng quên, tạo một chuỗi email có giá trị gửi đến đối tượng tiềm năng của mình.

Không gì tăng nhận diện thương hiệu tốt hơn gửi đi những nội dung có giá trị vào hòm thư của đúng đối tượng.

Thực tế, tỷ lệ mở email của HOC11.VN cũng cao hơn mức thông thường trong ngành vì chúng tôi chỉ gửi đi những email có giá trị cho đúng người – đúng thời điểm:

noi-dung-co-gia-tri

Qua đó, những đối tượng tiềm năng của HOC11.VN đã quen với việc HOC11.VN chỉ gửi đi những nội dung có giá trị trong ngành marketing. Vì thế khi kết quả tìm kiếm của HOC11.VN hiện lên trên trang đầu, họ sẽ có xu hướng click vào nhiều hơn.

3. Cuối cùng, hãy thử làm một cuộc “Xả Content”.

“Xả Content” là khi mà bạn tung ra một loạt bài viết trong một khoảng thời gian ngắn. Và tin tôi đi: chúng hiệu quả HƠN HẲN việc đăng nội dung nhỏ giọt xuyên suốt năm.

Thực tế, HOC11.VN đã từng sử dụng phương pháp này khi mới bắt đầu blog HOC11.VN.

Một loạt bài viết về Google:

xa-content

Đăng bài viết lên Brands Vietnam:

dang-bai-len-brands-vietnam

(Tất cả đều diễn ra trong tháng 3/2016)

Điều này đã giúp người dùng định vị HOC11.VN là trang cung cấp thông tin hàng đầu về Google trong thời gian ngắn.

Từ “Zeros” thành “Heros”

Có trang nào trên website của mình mà không đem lại hiệu quả như bạn mong đợi hay không?

Tin tốt là: nếu bạn quay lại và tối ưu trang đó cho RankBrain, bạn HOÀN TOÀN có thể khiến nó tăng thứ hạng.

Ví dụ, Sean từ trang Proven.com đã từng hướng dẫn chi tiết cách cải thiện 1 trang mà anh ấy nghĩ là khá OK… nhưng lại không nhận được thứ hạng như anh ấy mong muốn.

Và Sean nhận ra rằng tiêu đề của bạn không đủ hấp dẫn để người dùng nhấp chuột:

Vì thế anh ấy thêm số, một từ ngữ có sức nặng và ngoặc đơn vào cuối tiêu đề:

Và thay đổi nhỏ này đã giúp lưu lượng truy cập (traffic) tự nhiên của Sean tăng gần 128%:

Rõ ràng, một trong số những lý do cho sự tăng trưởng này đến từ việc nhiều người đã nhấp chuột vào kết quả của Sean hơn trước đây.

Nhưng điều HAY nhất của câu chuyện đó là RankBrain đã phát hiện rằng CTR của bài viết này tăng… và đưa trang của Sean lên vài thứ hạng:

Sử dụng những từ khóa LSI để lấp đầy những “Khoảng trống trong bài viết”

Từ khóa LSI là những từ và cụm từ liên quan đến chủ đề chính của bài viết.

Tại sao từ khóa LSI lại quan trọng? Chúng giúp RankBrain biết về bối cảnh (context) của bài viết, từ đó hiểu hơn về nội dung có trong đó.

Ví dụ, chẳng hạn bạn đang viết 1 bài hướng dẫn về cách xây dựng liên kết (link building).

Từ khóa LSI sẽ là những từ sau:

  • Backlinks
  • Sự uy tín của tên miền (Domain Authority)
  • Tiếp cận bằng email (Email outreach)
  • Neo văn bản (Anchor text)

Và khi RankBRain thấy rằng nội dung của bạn có chứa những từ này, nó sẽ tự tin rằng trang của bạn là về link building…

… nghĩa là bạn sẽ dễ được xếp hạng với những từ khóa liên quan đến chủ đề đó.

Một công cụ khá hay mọi người có thể sử dụng để tìm kiếm các từ khóa LSI là LSIGraph. Dưới đây là những từ khóa LSI cho “RankBrain”:

tu-khoa-lsi

Bạn cần phải rải đều những từ khóa LSI này vào bài viết của mình để RankBrain hiểu rằng bài viết của bạn là 1 bài viết chuyên sâu.

[/emaillocker]

GIỜ THÌ ĐẾN LƯỢT BẠN!

ket-luan

Vậy là bạn đã nắm trong tay toàn bộ bí kíp để đương đầu với Google RankBrain. Cũng không đến mức khó nhằn lắm phải không?

Bí kíp nào mà bạn tâm đắc nhất và muốn áp dụng ngay?

Bạn sẽ tập trung vào tăng CTR hay những từ khóa LSI? Hoặc cải thiện nội dung để tăng Dwell Time?

Hãy chia sẻ với HOC11.VN bằng cách bình luận phía dưới nhé!

Nguồn: Backlinko

***Dịch và biên soạn bởi Bùi Minh Thủy, HOC11.VN.com

* Tìm hiểu dịch vụ SEO Tổng thể (PPP) của HOC11.VN – Lên TOP hàng nghìn từ khóa & lấy giá trị nội dung làm trọng tâm tại:

dich-vu-seo-topic

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *