SEO là một kỹ thuật đặc biệt được thực hiện ở môi trường internet dùng để nâng cao thứ hạng website trên các công cụ tìm kiếm. Hầu hết, các doanh nghiệp muốn thực hiện chính sách marketing dài hạn, cho ra kết quả bền lâu đều làm SEO.
Đối với những người trong nghề hay các chủ doanh nghiệp, ai cũng biết rằng, điểm mấu chốt để SEO một website thành công chính là bộ từ khóa được lựa chọn từ ban đầu. Tuy nhiên, đối với những người đã có kinh nghiệm 2-3 năm làm SEO hay thậm chí lâu hơn nữa khi được hỏi về cách nghiên cứu từ khóa như thế nào để có được 1 bộ keyword hữu ích thì lại lúng túng, mơ hồ. Điều này đã làm tôi ấp ủ mong muốn và thực hiện một bài viết chi tiết hướng dẫn mọi người cách nghiên cứu từ khóa đúng chuẩn, khoa học và mới nhất 2022. Cho dù bạn là ai, sinh viên mới ra trường, người làm marketing tổng thể, kỹ thuật SEO, chủ doanh nghiệp,… thì cũng đừng bỏ qua bài viết này!
Nội dung chính
- I – Bạn biết gì về từ khóa?
- 1. Khái niệm từ khóa
- 2. Phân loại từ khóa
- II – Tại sao phải thực hiện nghiên cứu từ khóa SEO?
- 1. Hiểu được insight khách hàng trong ngách đã chọn
- 2. Chọn được từ khóa phù hợp từ dữ liệu cụ thể
- 3. Định hướng nội dung dài hạn cho website
- 4. Tránh lãng phí nguồn lực
- III – Mục đích tìm kiếm của người dùng
- 1. Mục đích thông tin
- 2. Mục đích giao dịch
- 3. Mục đích điều hướng đến website
- 4. Mục đích nghiên cứu thị trường
- IV – Quy trình nghiên cứu và lập kế hoạch từ khóa
- 1. Xác định mục tiêu nghiên cứu từ khóa
- 2. Tìm từ khóa chủ quan
- 3. Mở rộng từ khóa
- 4. Phân tích đối thủ cạnh tranh
- 5. Gom nhóm, tìm từ khóa chính cho mỗi nhóm.
- V – Các công cụ nghiên cứu từ khóa phổ biến hiện nay
- 1. Semrush
- 2. Google Keyword Planner
- 3. Ahrefs
- 4. Keyword Tool
- VI – Từ khóa SEO và từ khóa Google Ads khác nhau ở điểm nào?
- 1. So sánh SEO và Google Ads
- 2. Sự khác nhau giữa từ khóa SEO và từ khóa Google Ads
I – Bạn biết gì về từ khóa?
Nếu bạn chưa biết gì về từ khóa hay đã từng xem qua nhưng còn mơ hồ, đọc ngay thông tin dưới đây!
1. Khái niệm từ khóa
Từ khóa, hay còn gọi là keyword, là một từ hoặc cụm từ mô tả chủ đề của một bài viết hay trang web. Dễ hiểu hơn, đứng ở góc độ người dùng, khi bạn muốn tìm kiếm thông tin về một vấn đề nào đấy, bạn thường nhập từ khóa đại diện cho vấn đề lên công cụ tìm kiếm (Google, Bing, Yahoo,…) và chờ đọc kết quả.
Ví dụ cụ thể: Hiện tại, dịch covid đang tràn lan khắp nơi. Tôi là một người có bệnh nền và muốn tìm hiểu các triệu chứng để chủ động phát hiện kịp thời. Khi đó, tôi thường gõ vào công cụ tìm kiếm Google các từ “triệu chứng covid”, “triệu chứng covid nhẹ”. Đây được gọi là từ khóa.
2. Phân loại từ khóa
Theo độ dài
– Từ khóa ngắn: Thường không quá 3 từ, chủ đề rộng, ý định tìm kiếm chung chung, không cụ thể, có độ cạnh tranh cao, tỷ lệ chuyển đổi thấp (Theo Google: Tỷ lệ chuyển đổi được tính đơn giản bằng cách lấy số lượt chuyển đổi chia cho tổng số lần tương tác với quảng cáo/bài viết có thể theo dõi được cho một lượt chuyển đổi trong cùng khoảng thời gian).
Ví dụ: “Xe máy”, “xe ô tô” là những từ khóa ngắn
– Từ khóa dài: Thường gồm 3 từ trở lên, diễn tả ý nghĩa cụ thể, có độ cạnh tranh thấp, tỷ lệ chuyển đổi cao.
Ví dụ: “Địa điểm bán xe máy tại TP HCM”, “nơi bảo hành xe máy Honda tại Thủ Đức” là những từ khóa dài.
⇒ Vì vậy, đối với những người mới nghiên cứu từ khóa cũng như làm SEO thì thường sẽ bắt đầu với những từ khóa dài trước vì có độ khó dễ hơn các từ khóa ngắn.
Theo chủ đề
– Từ khóa chính: Từ khóa trọng tâm mà bạn muốn xếp hạng, đại diện cho một ngành nghề hoặc dịch vụ, thường có lượt tìm kiếm cao.
Ví dụ: “Du lịch”
– Từ khóa LSI: Các từ khóa có sự liên quan với nhau được dùng trong một ngữ cảnh.
Ví dụ: Với từ khóa chính là “du lịch”, một số từ khóa LSI bao gồm: “đặt vé máy bay”, “đặt phòng khách sạn”,…
Theo chính tả
- – Từ khóa có dấu
Ví dụ: “Nồi cơm điện giá rẻ”
- – Từ khóa không dấu
Ví dụ: “Noi com dien gia re”
⇒ Trong thực tế, khi làm SEO, các từ khóa có dấu lên top thì các từ khóa không dấu cũng sẽ lên theo nên người ta thường tập trung đầu tư vào các từ khóa có dấu.
Khi đó, nghiên cứu từ khóa sẽ phải thực hiện nhiều bước để khám phá và tìm được những từ khóa chất lượng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Những cụm từ này sẽ quyết định đến chủ đề nội dung bạn sẽ triển khai cho trang web của mình. Cụ thể hơn là căn cứ vào đó, bạn sẽ biết được nhu cầu của người dùng: đang cần sản phẩm gì, đang muốn thông tin gì và tạo nội dung đáp ứng đúng nhu cầu đó để kéo người dùng ghé thăm trang web của bạn.
II – Tại sao phải thực hiện nghiên cứu từ khóa SEO?
Trong quy trình SEO, nghiên cứu từ khóa là bước thứ hai sau khi xác định mục tiêu của chiến dịch SEO. Đây được xem là bước quan trọng nhất, là chiếc la bàn để định hướng cho cả một quá trình dài về sau.
1. Hiểu được insight khách hàng trong ngách đã chọn
Thông thường, khi thực hiện nguyên cứu từ khóa, bạn sẽ phải đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến khách hàng như: Họ là những ai? Bao nhiêu tuổi? Làm công việc gì? Có thu nhập như thế nào?… để hình thành chân dung khách hàng mục tiêu cũng như xác định được họ muốn gì. Từ đó, bạn sẽ tạo được nội dung phù hợp với từng tập khách hàng và đáp ứng chính xác nhu cầu của họ.
2. Chọn được từ khóa phù hợp từ dữ liệu cụ thể
Không phải tất cả những gì bạn nghĩ là khách hàng cũng sẽ nghĩ như vậy. Do đó, có những từ khóa bạn nghĩ ra và cho rằng khách hàng sẽ tìm kiếm nó nhưng thực tế là ngược lại.
Khi đó, việc nghiên cứu từ khóa sẽ giúp bạn biết những từ khóa nào được tìm kiếm, số lượng tìm kiếm chính xác là bao nhiêu, độ khó như thế nào để chọn được những từ khóa phù hợp, khoa học từ dữ liệu cụ thể. Ngoài ra, căn cứ vào đó, bạn cũng sẽ biết nên ưu tiên đẩy những từ khóa nào trước để đạt kết quả SEO tốt nhất.
3. Định hướng nội dung dài hạn cho website
Kết quả của quá trình nghiên cứu từ khóa là tìm ra được một bộ từ khóa hoàn chỉnh. Vì vậy, khi căn cứ vào đó, bạn sẽ hiểu và định hướng phát triển nội dung cho website của mình theo một kế hoạch rất rõ ràng: các chủ đề lớn, mỗi chủ đề lớn gồm nhiều topic nhỏ và nội dung cụ thể cần có trong đó để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của khách hàng. Do đó, không mấy khó hiểu người ta thường ví bộ từ khóa là chiếc la bàn hay khung xương định hướng cho toàn bộ website.
4. Tránh lãng phí nguồn lực
Rất nhiều công ty đầu tư thời gian, chi phí và nhân lực để làm SEO nhưng mãi không có kết quả. Khi đó, một trong những nguyên nhân chính là bộ từ khóa đang có vấn đề dẫn đến không đánh được vào đúng tập khách hàng mục tiêu gây lãng phí nguồn lực và tâm lý chán nản, đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu.
III – Mục đích tìm kiếm của người dùng
Người dùng khi thực hiện thao tác tìm kiếm thông tin trên các công cụ tìm kiếm thường sẽ gồm các mục đích sau đây (chuyên môn gọi là search intent):
1. Mục đích thông tin
Người dùng đang muốn tìm kiếm thông tin về điều gì đó mà họ chưa biết
Ví dụ: Bạn là sinh viên năm nhất ngành marketing. Bạn hay nghe các anh chị khóa trên nói về SEO mà bạn không biết nó là gì. Khi đó, bạn sẽ thực hiện tìm kiếm “SEO là gì” với mong muốn nhận về kết quả các thông tin liên quan đến SEO.
2. Mục đích giao dịch
Hay còn gọi là mục đích mua hàng, có tỷ lệ chuyển đổi ra đơn hàng rất cao
Ví dụ: Thời điểm này đang cận tết, những cụm từ “mua vé máy bay”, “mua vé tàu tết 2022” đang rất hot với mục đích của người dùng là muốn mua cho mình vé máy bay hay vé tàu để về quê.
3. Mục đích điều hướng đến website
Thường ở mục đích này, người dùng đã xác định từ đầu là muốn truy cập vào website nào nhưng vẫn tìm trên Google để không phải đánh hết cả một tên miền dài hoặc cũng có thể rơi vào trường hợp là không nhớ chính xác đường link của trang web muốn tìm kiếm.
Ví dụ: Tôi thường gõ cụm từ “Hoc11.vn” khi muốn truy cập vào trang web gobranding.com.vn.
4. Mục đích nghiên cứu thị trường
Người dùng có ý định mua hàng trong tương lai, vì vậy ở thời điểm này họ cần thời gian để tìm hiểu thêm cũng như so sánh các sản phẩm, dịch vụ.
Ví dụ: “Tủ lạnh nào tốt nhất”, “máy tính giá rẻ ở TPHCM” là những tìm kiếm có mục đích nghiên cứu thị trường.
Khi thực hiện nghiên cứu từ khóa SEO, bạn phải hiểu được mục đích tìm kiếm của khách hàng. Cơ chế hoạt động của Google là cung cấp những thông tin liên quan nhất đến tìm kiếm của người dùng. Vì vậy, bạn cần gom những từ khóa có cùng mục đích tìm kiếm lại với nhau và xác định chủ đề content cho phù hợp.
IV – Quy trình nghiên cứu và lập kế hoạch từ khóa
1. Xác định mục tiêu nghiên cứu từ khóa
Bản chất của từ khóa là xuất phát từ chính sản phẩm, dịch vụ hay cụ thể hơn là tất cả nội dung tìm kiếm xung quanh nó nên điều cần làm đầu tiên là xác định mình sẽ nghiên cứu từ khóa để làm SEO cho sản phẩm, dịch vụ nào.
Hiện nay, hầu hết tất cả các công ty hoạt động sẽ cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Trong đó mỗi sản phẩm, dịch vụ lại bao gồm nhiều loại và mỗi loại lại có nhiều ngách nên bạn cần xác định càng cụ thể càng tốt.
Ví dụ: Theo hình trên, một công ty agency thường sẽ có 2 mảng chính đó là các hoạt động marketing online và offline. Trong đó, online được chia làm nhiều mảng, có thể kể tên như SEO, SEM, Social Media, Email Marketing,… Tiếp tục chia nhỏ hơn, SEO sẽ gồm nhiều ngách khác nhau như nghiên cứu từ khóa, onpage, offpage,…Thực hiện phân tích tương tự đối với các hoạt động, mảng còn lại càng cụ thể, chi tiết càng tốt. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng xác định được ngách mình cần làm SEO cũng như việc thực hiện nghiên cứu từ khóa sẽ tập trung vào vấn đề chính để tạo được bộ từ khóa chất lượng.
2. Tìm từ khóa chủ quan
Sau bước xác định mục tiêu, bạn đã biết mình sẽ thực hiện nghiên cứu từ khóa ở loại sản phẩm, dịch vụ nào (hay gọi là ngách) giữa vô vàng các sản phẩm, dịch vụ mà công ty đang cung cấp. Quy trình nghiên cứu và lập kế hoạch từ khóa được tiếp tục bằng việc tìm những từ khóa chủ quan cho sản phẩm, dịch vụ đó.
Từ khóa chủ quan, hay còn gọi là từ khóa hạt giống, là những từ khóa mà ta tự nghĩ ra dựa vào sự am hiểu của mình đối với sản phẩm, dịch vụ và cả khách hàng.
Cách tốt nhất để tìm được những từ khóa chủ quan hữu ích là tự đặt mình vào bản thân khách hàng và suy nghĩ xem khi tìm kiếm loại sản phẩm, dịch vụ này, họ thường sẽ gõ cụm từ khóa nào. Ngoài ra, bạn cũng có thể họp team để cùng suy nghĩ, trao đổi hay hỏi thăm bạn bè để cho ra nhiều từ khóa chủ quan chất lượng hơn.
Ví dụ: Ở ngay bài viết này, trước khi tạo nội dung, tôi cũng đã thực hiện lần lượt các bước trong quy trình nghiên cứu từ khóa SEO. Sau khi xác định ngách cần làm là nghiên cứu từ khóa, tôi đã nghĩ ra một vài từ khóa chủ quan như sau: “nghiên cứu từ khóa”, “cách nghiên cứu từ khóa”, “công cụ nghiên cứu từ khóa”,…
3. Mở rộng từ khóa
Kết thúc bước 2, bạn đã có được 1 bộ từ khóa chủ quan, tuy nhiên đây không phải là là những từ khóa để làm SEO. Chúng ta sẽ thực hiện bước 3 với mục đích mở rộng từ khóa vì những lý do sau đây:
- – Thứ nhất, bản chất của những từ khóa chủ quan là do chính chúng ta đặt mình vào khách hàng để nghĩ ra nên chưa chắc khách hàng đã nghĩ như mình. Vì vậy sẽ có những từ rất ít hoặc thậm chí không có ai tìm kiếm nên chắc chắn làm SEO sẽ không hiệu quả. Do vậy, bạn cần phải thực hiện bước này để biết được volume search (lượng tìm kiếm trong bình/tháng) cũng như độ cạnh tranh để lựa chọn từ khóa cho phù hợp
- – Thứ hai, thông thường khi thực hiện nghiên cứu từ khóa chủ quan, chúng ta hay nghĩ đến những dạng từ khóa mang ý nghĩa trực tiếp hướng đến việc bán hàng, chẳng hạn như tour du lịch Đà lạt 3 ngày 2 đêm mà thường bỏ quên các từ khóa gián tiếp, ví dụ như địa điểm du lịch Đà Lạt đẹp.
- Về phía doanh nghiệp, ở một số ngành, miếng bánh thị trường được chia bởi các “ông lớn” nên hầu hết các từ khóa trực tiếp đều đang được các doanh nghiệp hàng đầu nắm giữ, bạn rất khó cạnh tranh lại với họ. Mặt khác nhìn từ góc độ khách hàng, chủ đề nội dung của những từ khóa gián tiếp sẽ thực hiện vai trò cung cấp thông tin và khơi gợi nhu cầu cho họ. Khi đó, nếu nội dung của bạn hữu ích, được tìm kiếm nhiều, từ khóa gián tiếp được lên top thì có khả năng các từ khóa trực tiếp cũng được lên theo.
Ví dụ: 1 landing page mới (chưa có traffic) cần SEO 5 từ khóa (trong đó có 1 từ khóa trực tiếp và 4 từ khóa gián tiếp). Khi thực hiện xây dựng nội dung cho landing page, đi backlink,… thì các từ khóa phụ sẽ lên top trước (bởi độ cạnh tranh thấp hơn các từ khóa chính). Một lượng traffic nhất định truy cập vào landing page làm cho nội lực của nó tăng lên, do đó thứ hạng của từ khóa chính cũng được tăng dần theo thời gian từ trang 3 → trang 2 —> trang 1 tùy theo mức độ cạnh tranh với top 10 hiện tại.
⇒ Vì vậy, tổng hợp từ các ý trên, việc mở rộng từ khóa sẽ giúp bạn tìm kiếm thêm các từ khóa liên quan với dữ liệu cụ thể được xuất ra từ chính các công cụ tìm kiếm cũng như hỗ trợ cho việc lựa chọn các từ khóa (theo lượng tìm kiếm và độ cạnh tranh) để hình thành bộ từ khóa chất lượng nhất.
Mách bạn một số cách bạn có thể sử dụng để mở rộng từ khóa:
- – Sử dụng các công cụ: Google Keyword Planner, Ahrefs, Semrush,…
- – Các từ khóa được gợi ý khi gõ từ khóa trên thanh tìm kiếm.
- – Chân trang Google.
Tuy nhiên phổ biến và chính xác nhất vẫn là sử dụng các công cụ hỗ trợ nên hôm nay, tôi sẽ hướng dẫn bạn cụ thể cách mở rộng từ khóa bằng Keyword Planner – tool được nhiều người dùng nhất. Vì đây là bài viết dành cho mọi đối tượng nên chúng ta sẽ đi từ những thao tác đầu tiên, đó là tạo tài khoản Google Ads để sử dụng được Google Keyword Planner.
Cách tạo tài khoản Google Ads (cần phải làm đúng từng bước để được sử dụng miễn phí)
- – Bước 1: Sau khi đã đăng nhập mail vào Google, truy cập vào đường link: https://ads.google.com/intl/en_VN/home/ sau đó chọn Đăng ký.
- – Bước 2: Kéo xuống phía cuối trang và chọn chuyển sang chế độ chuyên gia Switch To Expert Mode
- – Bước 3: Tiếp tục chọn Create Account Without A Campaign (Tạo tài khoản không cần chiến dịch).
- – Bước 4: Hoàn thiện thông tin và nhấn Gửi. Như vậy bạn đã hoàn thành việc tạo tài khoản Google Ads miễn phí!
Mở rộng từ khóa (tìm từ khóa khách quan)
Sau khi tạo xong tài khoản Google Ads, thực hiện mở rộng từ khóa thông qua các bước sau:
- – Bước 1: Mở tài khoản Google Ads, chọn vào Tool ⇒ Planning ⇒ Keyword Planner
- – Bước 2: Bạn sẽ thấy xuất hiện 2 chức năng tìm kiếm khác nhau: Discover new keywords (khám phá từ khóa mới), Get search volume and forecasts (nhận thông tin dự đoán và số lượng tìm kiếm hàng tháng).
⇒ Bạn chọn vào chức năng Discovery new keywords, chọn thêm địa điểm cũng như ngôn ngữ khu vực bạn muốn thực hiện SEO.
- – Bước 3: Nhập từ khóa chủ quan vào ô tìm kiếm và nhấn Get Results . Lưu ý có thể gom nhóm các từ khóa chủ quan có mối liên quan lại với nhau (mỗi nhóm không quá 10 từ).
- – Bước 4: Sau khi xuất hiện kết quả, bạn sẽ lựa chọn những từ khóa liên quan đến chủ đề của chiến dịch SEO.
Thông thường, việc này sẽ được thực hiện dựa trên gợi ý về lượng tìm kiếm hàng tháng, độ cạnh tranh và kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, nếu bạn là người mới thì chỉ có thể dựa vào gợi ý của Google. Những từ khóa có lượng tìm kiếm nhiều với volume search từ 100 trở lên, bạn có thể chọn. Ở bài viết này, lượng tìm kiếm khá ít nên tôi sẽ lựa chọn những từ khóa có volume search từ 50.
- – Bước 5: Sau khi xác định được những từ khóa phù hợp, bạn hãy tick chọn rồi nhấn Add Keyword.
Tiếp tục thực hiện tương tự với các từ khóa chủ quan còn lại. Kết thúc quá trình, hãy tải danh sách các từ khóa mở rộng về bằng cách chọn vào Saved Keyword rồi chọn biểu tượng mũi tên tải về.
Ngoài ra, bạn có thể tìm kiếm thêm các từ khóa liên quan ở các công cụ khác để có được nhiều sự lựa chọn hơn. Thông thường, tôi sẽ thực hiện mở rộng từ khóa một lần nữa trên Keyword Tool bởi đây là công cụ cho ra rất nhiều từ khóa dài hữu ích mà như tôi đã đề cập ở trên từ khóa dài diễn tả ý nghĩa cụ thể, có độ cạnh tranh thấp, tỷ lệ chuyển đổi cao nên khi SEO dễ lên top.
4. Phân tích đối thủ cạnh tranh
Đừng bỏ qua bước này bởi khi thực hiện nó, bạn sẽ biết được những ai đã thành công ở các từ khóa bạn vừa tìm được, họ đã tạo nội dung như thế nào và cách triển khai ra sao. Một bức tranh tổng thể của các đối thủ sẽ được hiện ra.
Xem xét độ khó của từ khó
- – Bạn cần search từ khóa vừa tìm được trên công cụ tìm kiếm, mà cụ thể ở đây là Google.
- – Sau đó, bạn sẽ nhận được kết quả: có bao nhiêu lượng tìm kiếm liên quan đến từ khóa này, kết quả đang được ghi nhận ở dạng nào (trang chủ, danh mục sản phẩm, sản phẩm chi tiết hay bài viết tin tức) và những ai đang nắm giữ 10 thứ hạng đầu tiên.
- – Hãy nhìn vào danh sách top 10, đây là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của bạn. Nếu trong đó xuất hiện quá nhiều các thương hiệu đứng đầu ngành hay các sàn thương mại điện tử thì đây là từ khóa rất khó, bạn nên cân nhắc loại bỏ từ khóa này bởi không đủ nguồn lực để cạnh tranh với họ.
Ví dụ: Tôi đã tiến hành tìm kiếm cụm từ khóa “nghiên cứu từ khóa”, kết quả như sau:
Có 26.700.000 kết quả liên quan đến từ khóa cần tìm, trong đó các trang web đang đứng top xuất hiện như trên hình. Có thể thấy từ khóa này có khả năng thực hiện SEO bởi 10 kết quả đầu tiên không có các sàn thương mại điện tử cũng không có quá nhiều những “cây đa” trong ngành nên tôi quyết định sẽ chọn từ khóa này.
Phân tích nội dung top 10
Tiếp tục với cách làm xem xét độ khó của từ khóa, sau khi có được kết quả top 10, bạn cần phải tiến hành đọc nội dung của từng bài viết. Mục đích của việc này là cần xác định xem với từ khóa đang tìm kiếm, Google sẽ nhận diện và cung cấp nội dung như thế nào cho người đọc cũng như top 10 đang định hướng nội dung theo hướng nào.
Đến đây, bạn cần hiểu về cách thức hoạt động của Google: Sau khi tạo nội dung trên website, các con robot của Google sẽ vào website của bạn để thu thập dữ liệu (hay còn gọi là crawl dữ liệu) sau đó đem về phân loại và xếp vào kho thông tin của Google, thường được gọi là Index – lập chỉ mục. Khi người dùng tìm kiếm một thông tin nào đấy, Google sẽ vào kho thông tin đã lập chỉ mục để tìm kiếm kết quả phù hợp nhất và trả lại truy vấn cho người dùng.
Do đó, kết quả top 10 hiện tại là những nội dung đang được Google đánh giá cao nên chúng ta cần phân tích và học hỏi để xác định nội dung cần viết trong tương lai. Ngoài ra, thông qua việc phân tích nội dung này, bạn cũng sẽ đánh giá được những từ khóa nào có cùng nội dung để thực hiện gom nhóm (sẽ được nêu rõ ở bước sau).
Ví dụ: Tiếp nối với ví dụ xem xét độ khó của từ khóa ở trên, tôi đã thực hiện phân tích nội dung 10 kết quả đứng đầu và cho kết quả: 6 nội dung liên quan đến hướng dẫn cách nghiên cứu từ khóa và 4 kết quả đề cập đến các công cụ hỗ trợ. Vì vậy, tôi đã định hướng được cách viết của bài này là hướng dẫn cho các bạn cách nghiên cứu từ khóa.
Tương tự như trên, bạn cần thực hiện xem xét độ khó và phân tích nội dung top 10 cho từng từ khóa. Tôi chắc chắn rằng sau đó, bạn sẽ biết được cần lựa chọn từ khóa nào, loại bỏ từ khóa nào và định hình được những gì cần đề cập cho nội dung của bạn.
*** Thông tin thêm:
Như đã đề cập ở trên, 10 kết quả tìm kiếm đầu tiên có thể xuất hiện dưới dạng trang chủ công ty, danh mục sản phẩm (ví dụ: ghế văn phòng), sản phẩm chi tiết (ghế xoay văn phòng A nào đấy) hay bài viết tin tức. Bạn có thể nhận biết dễ dàng điều này thông qua URL hay nội dung bên trong. Với một số từ khóa, người làm Marketing muốn nó được lên top ở dạng trang chủ hay danh mục sản phẩm chẳng hạn để phục vụ cho mục đích bán hàng. Tuy nhiên sau quá trình làm SEO, kết quả từ khóa lại được ghi nhận ở một bài viết tin tức khác. Đây là một điều thường xuyên gặp phải trong SEO, được hiểu nôm na là lên nhầm landing page.
Khi đó, nếu vẫn muốn thực hiện ý định ban đầu thì bạn có thể tiến hành chỉnh sửa nội dung ở bài viết tin tức (xóa từ khóa) và cập nhật thêm nội dung cho trang đích (landing page bạn đang muốn từ khóa lên top). Điều này có được thực hiện thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nội lực website, sức mạnh của các đối thủ cạnh tranh,… tuy nhiên thường sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức của người làm SEO.
5. Gom nhóm, tìm từ khóa chính cho mỗi nhóm.
Gom nhóm
Sau khi đã lọc và chọn được danh sách từ khóa triển khai, ta bắt đầu thực hiện gom nhóm từ khóa. Các từ khóa có cùng chủ đề sẽ được gom lại với nhau thành 1 nhóm. Việc này được thực hiện dựa vào kinh nghiệm và nghiên cứu nội dung top 10 ở bước 3.
Ví dụ: Sau khi chọn được danh sách từ khóa cần triển khai, tôi đã thực hiện gom nhóm các từ khóa liên quan. Hình ảnh bên dưới là ví dụ về 2 trong số các nhóm tôi đã gom được. Nhóm 1 với có chủ đề liên quan đến hướng dẫn cách nghiên cứu từ khóa SEO trên Google, nội dung nhóm 2 lại liên quan hơn đến các công cụ.
Tìm từ khóa chính cho mỗi nhóm
Đến đây, các nhóm từ khóa đã được hình thành. Việc cần làm bây giờ là tìm ra được từ khóa đứng đầu cho mỗi nhóm (từ khóa chính). Một từ khóa đầu nhóm thường thỏa mãn các tiêu chí: ngắn nhất, có nội dung bao quát cho cả nhóm, volume search lớn.
Như vậy, sau bước này, ta đã lập được một bảng từ khóa hoàn chỉnh gồm các nhóm với từ khóa chính và các từ khóa phù. Công việc cần làm sau đó là xác định chủ đề nội dung cho từng nhóm từ khóa một cách hợp lý và khoa học (căn cứ vào nghiên cứu nội dung ở bước 3) để triển khai sản xuất content. Như vậy, quá trình nghiên cứu từ khóa đã hoàn thành!
V – Các công cụ nghiên cứu từ khóa phổ biến hiện nay
1. Semrush
Khác với các công cụ nghiên cứu từ khóa trên đây, Semrush được biết đến với cách hoạt động toàn diện hơn cả về SEO, quảng cáo Google, Content, Social Media,…
Về cơ bản, khi nghiên cứu từ khóa, người ta thường dùng nó ngoài việc mở rộng để tìm thêm từ khóa thì đánh giá các đối thủ cạnh tranh là mục đích quan trọng không kém. Cụ thể hơn, khi sử dụng tool này, bạn sẽ nắm được chính xác số lượng các từ khóa cũng như từ khóa nào các đối thủ của mình đang lên top. Chính vì lý do đó, Semrush được xem là công cụ hỗ trợ hữu ích nhất mà hầu hết các doanh nghiệp thực hiện marketing online đều cần dùng.
Để sử dụng được Semrush, bạn cần chọn mua 1 trong 3 gói Pro, Guru hay Business. Hiện tại, giá của chúng tương đối cao nên nếu sử dụng cá nhân thì bạn có thể mua chung với nhiều người để tiết kiệm chi phí.
Mở rộng từ khóa vớiSemrush
- – Bước 1: Đăng nhập
Sau khi mua tài khoản Semrush, bạn truy cập vào semrush.com và đăng nhập thông tin.
- – Bước 2: Chọn tính năng nghiên cứu từ khóa
Sau khi đăng nhập, giao diện của Semrush sẽ được xuất hiện.
Giới thiệu một chút về giao diện này, nhìn vào thanh làm việc ở bên trái, bạn sẽ thấy được tất cả chức năng của công cụ, bao gồm: SEO, SEO Local, Advertising, Social Media, Content Marketing, Trend, Agency Solutions. Trong mỗi phần, khi bạn chọn vào nút mũi tên mở rộng sẽ mở ra nhiều tính năng cụ thể hơn, bạn có thể thấy rõ ở hình ảnh bên dưới.
Với mở rộng từ khóa, bạn cần nhấp vào SEO, trong phần Keyword Research chọn Keyword Magic Tool.
- – Bước 3: Nhập từ khóa chủ quan
Hãy nhập các từ khóa chủ quan vào ô tìm kiếm, chọn khu vực Việt Nam rồi nhấp vào Search.
- – Bước 4:Đọc kết quả và lọc danh sách từ khóa
Xuất hiện bảng từ khóa liên quan theo kết quả như hình bên dưới. Trong đó bạn cần chú ý một số thông số sau:
- + Volume (lượng tìm kiếm trung bình hằng tháng): thường chọn các từ khóa có volume từ 100 trở lên.
- + Keyword Difficulty (độ khó từ khóa): Chia theo các mức 0-14 (rất dễ), 14-29 (dễ), 30-49 (có thể), 50-69 (khó), 70-84 (khó hơn), 84-100 (rất khó). Với những người mới tìm hiểu về SEO cũng như nghiên cứu từ khóa thì nên chọn những từ khóa có độ khó dưới 30 để thực hiện.
Lọc danh sách từ khóa là bước không bắt buộc, tuy nhiên nó sẽ hỗ trợ bạn thu gọn được danh sách mà Semrush gợi ý lên đến cả nghìn từ. Khi đó, hãy nhập tiêu chí của mình vào các ô lọc, danh sách từ khóa tương ứng sẽ được xuất hiện:
- + Lọc theo Volume
- + Lọc theo Keyword Difficulty
- + Lọc theo Include Keywords: Từ khóa có chứa cụm từ mình mong muốn
Ví dụ: Lọc các từ khóa có chứa từ “SEO”
- + Lọc theo Exclude Keywords: Từ khóa không chứa cụm từ mình đã nhập
Ví dụ: Lọc các từ khóa không chứa từ “công cụ”
- – Bước 5: Lưu danh sách từ khóa mở rộng đã lọc
Sau khi chọn được danh sách từ khóa thích hợp, thực hiện tick chọn vào ô vuông đầu Keyword, nhấn vào To Keyword Manager, gắn thẻ tag cho bộ từ khóa rồi Enter.
Việc Semrush cho phép gắn thẻ tag cho từng bộ từ khóa sẽ giúp người dùng dễ dàng lưu và quản lý danh sách từ khóa của các dự án trong kho của mình (Keyword Manager), do đó đặc biệt phù hợp cho doanh nghiệp. Đây là một tính năng mà Google Keyword Planner chưa làm được.
- – Bước 6: Tải danh sách từ khóa mở rộng về máy
Để tải danh sách từ khóa mở rộng vừa tìm được về máy, vào Keyword Manager, nhấp mở danh sách từ khóa cần tải sau đó chọn Export.
Phân tích từ khóa đối thủ
Trong Semrush, Keyword Gap được biết đến với chức năng chính là phân tích từ khóa của các đối thủ cạnh tranh với doanh nghiệp của mình trong cùng lĩnh vực. Theo đó, bạn sẽ phân tích và lấy ý tưởng từ khóa dựa theo những từ khóa đã lên top mà đối thủ đã làm. Các bước thực hiện như sau:
- – Bước 1: Chọn vào Keyword Gap trong SEO
- – Bước 2: Nhập domain của bạn và domain đối thủ vào ô tương ứng. Lưu ý: Semrush cho phép phân tích cùng một lúc tối đa 4 đối thủ cạnh tranh. Chọn quốc gia Việt Nam và nhấn Compare.
- – Bước 3: Đọc kết quả phân tích
- + Top opportunities for you: Missing (những từ khóa bạn không xếp hạng trong khi đối thủ đang làm rất tốt), Weak (những từ khóa bạn đang xếp hạng thấp hơn đối thủ).
- + Keyword Overlap: Là sơ đồ hình tròn thể hiện tổng quan số lượng từ khóa của bạn và đối thủ.
- + All keyword details: Danh sách từ khóa chi tiết với các thông số về lượng tìm kiếm, độ khó,…
- – Bước 4: Khi tìm được những từ khóa tìm năng, bạn có thể tick chọn ở đầu mỗi từ khóa rồi nhấp Keyword Manager để thêm vào kho dữ liệu.
Ưu điểm:
- – Đa dạng chức năng hỗ trợ người dùng
- – Phân tích từ khóa đối thủ cạnh tranh trực tiếp
- – So sánh tương quan từ khóa của doanh nghiệp mình với các đối thủ
- – Cơ sở dữ liệu rất lớn
- – Có thể tìm ra vấn đề và đề xuất giải pháp khắc phục cho trang web của bạn
Nhược điểm:
- – Phải trả phí mới được sử dụng
2. Google Keyword Planner
Google Keyword Planner hiện tại là một trong các công cụ nghiên cứu từ khóa SEO được ưa chuộng nhất hiện nay bởi cách sử dụng cực kì đơn giản mà không phải mất phí. Tuy nhiên, nếu tài khoản Google Ads không trả tiền (hay nói cách khác là chưa chạy quảng cáo) thì dữ liệu của Keyword Planner sẽ rất thô và thiếu chính xác.
Ví dụ: Với việc tìm kiếm các từ khóa liên quan của từ “nghiên cứu từ khóa”, ta sẽ nhận được 2 kết quả khác nhau từ 2 tài khoản (1 tài khoản đã chạy quảng cáo và 1 tài khoản mới).
Vì vậy, để sử dụng Keyword Planner một cách tốt nhất, bạn hãy sử dụng các tài khoản Ads đã chi trả để nhận được dữ liệu với con số chính xác.
Ưu điểm:
- – Được dùng miễn phí
- – Dữ liệu được xuất trực tiếp từ Google
Nhược điểm:
- – Không thể biết được dữ liệu chính xác nếu sử dụng tài khoản mới
- – Không biết được sự thay đổi xu hướng nội dung
3. Ahrefs
Đây là công cụ cần phải trả phí mới được sử dụng, tuy nhiên nó sẽ giúp bạn khá nhiều trong việc nghiên cứu từ khóa: danh sách các từ khóa dài liên quan đến từ khóa chủ quan mà bạn đã nhập, số lần click chuột, search volume chính xác,…
Ưu điểm:
- – Đề xuất số lượng từ khóa lớn
- – Dữ liệu chính xác
Nhược điểm:
- – Cần trả phí để được sử dụng
- – Có thể gây lãng phí nếu bạn không sử dụng hết tính năng (do phí khá đắt)
4. Keyword Tool
Được xem là công cụ nghiên cứu từ khóa phổ biến không kém Keyword Planner, Keyword Tool sẽ gợi ý cho bạn rất nhiều từ khóa hữu ích, đặc biệt là từ khóa dài. Ngoài ra, bạn có thể dùng nó để kiểm tra từ khóa của đối thủ, volume search,.. Công cụ này hiện có thể sử dụng miễn phí, tuy nhiên sẽ bị hạn chế một số tính năng. Vì vậy, nếu bạn có điều kiện, hãy đầu tư một gói để được trải nghiệm tốt nhất.
Ưu điểm:
- – Gợi ý số lượng lớn các từ khóa hữu ích
- – Sử dụng miễn phí
Nhược điểm:
- – Bị hạn chế thông tin nếu sử dụng bản miễn phí
- – Nếu muốn tải danh sách từ khóa, bạn cần phải đăng nhập
VI – Từ khóa SEO và từ khóa Google Ads khác nhau ở điểm nào?
Từ khóa chạy quảng cáo Google cũng được tìm như cách thực hiện với từ khóa SEO tuy nhiên về bản chất lại khác nhau. Để biết chúng khác nhau như thế nào, trước hết bạn cần hiểu sự khác biệt giữa Google Ads và SEO.
1. So sánh SEO và Google Ads
Dưới đây là các điểm khác nhau chính ảnh hưởng đến việc lựa chọn từ khóa:
Google Ads | SEO |
➢ Hướng đến mục tiêu ngắn hạn | ➢ Mục tiêu phát triển dài hạn |
➢ Phải trả phí khi khách hàng click vào quảng cáo | ➢ Truy cập là hoàn toàn miễn phí |
➢ Xuất hiện ngay vị trí top khi bạn bắt đầu chiến dịch | ➢ Cần rất nhiều thời gian để thực hiện các hoạt động khác nhau mới có được thứ hạng tốt |
➢ Thường thực hiện ngắn hạn | ➢ Kế hoạch dài hạn |
➢ Phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách, còn tiền thì còn thấy được quảng cáo, hết tiền sẽ bị dừng ngay. | ➢ Nếu quá trình làm SEO dừng lại, thứ hạng tìm kiếm vẫn giữ hoặc sẽ bị giảm dần theo thời gian nhưng vẫn mang đến lượng traffic tự nhiên lâu dài. |
2. Sự khác nhau giữa từ khóa SEO và từ khóa Google Ads
Từ khóa Google Ads
Ưu tiên chọn các từ khóa trực tiếp liên quan đến mục đích bán hàng và đẩy nhiều từ cùng một lúc. Nếu ngân sách dồi dào, có thể chọn thêm các từ khóa gián tiếp để tăng traffic cho website.
Với bản chất của quảng cáo Google là trả phí (theo giá thầu) để được lên top ngay lập tức, từ khóa thường được chọn để chạy quảng cáo là các từ khóa có ý nghĩa trực tiếp liên quan đến việc bán hàng với lượng tìm kiếm lớn. Chẳng hạn như dịch vụ SEO, dịch vụ SEO trọn gói. Thông thường, họ sẽ triển khai một lúc nhiều từ khóa để đạt được mục đích bán hàng nhanh và hiệu quả nhất.
Ngoài ra, với những công ty có nguồn ngân sách khủng, ngoài mục đích bán hàng, họ muốn kéo thêm traffic về website thì có thể lựa chọn thêm các từ khóa gián tiếp để cung cấp thông tin giúp số lượng truy cập vào website tăng lên đáng kể. Ví dụ: nghiên cứu từ khóa, cách nghiên cứu từ khóa.
Từ khóa SEO
Bao gồm cả từ khóa trực tiếp và gián tiếp. Thường sẽ triển khai từ khóa gián tiếp trước, trực tiếp sau.
Với SEO, một bộ từ khóa cho ngách thường bao gồm cả từ khóa trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên chúng sẽ không được đẩy cùng lúc như từ khóa của Google Ads.
Quá trình SEO không phải đấu thầu từ khóa để được lên top mà cần thực hiện content, onpage, offpage trong một thời gian dài nên những từ khóa trực tiếp có độ cạnh tranh cao, lưu lượng tìm kiếm lớn sẽ mất một khoảng thời gian rất lâu để SEO lên top. Do đó, người ta thường sẽ chọn các từ khóa gián tiếp (độ cạnh tranh thấp) để đẩy trước nhằm tăng sức mạnh cho website (đặc biệt là các website mới), sau đó mới đẩy các từ khóa trực tiếp.
Tôi đã mô tả quá trình nghiên cứu từ khóa trên đây một cách chi tiết, cụ thể từng bước một. Bởi trước khi thực hiện nó, tôi cũng đã thử tìm đọc một số tài liệu, bài viết hướng dẫn về vấn đề này nhưng hầu như tất cả đều đề cập khá chung chung. Do đó, hy vọng rằng sau khi đọc đến đây, bạn đã có thể căn cứ vào những kiến thức tôi cung cấp để áp dụng ngay vào thực tế.
Có thể ở những lần đầu sẽ khá khó khăn nhưng bạn đừng vội nản lòng bởi bất cứ bài học nào cũng cần thực hành nhiều lần mới có thể “ngấm” được. Nếu có bất kỳ trở ngại trong quá trình làm, đừng quên để lại bình luận bên dưới, tôi sẽ theo sát và hỗ trợ cho các bạn. Cuối cùng, chúc các bạn thực hiện thành công!