Hướng Dẫn Chụp Ảnh Sản Phẩm Quảng Cáo Đẹp, Chuyên Nghiệp

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, liệu điều này có còn đúng trong việc chụp hình sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng kinh doanh trực tuyến? Thực tế đã chứng minh rằng: Hình ảnh trực quan là khía cạnh vô cùng quan trọng để khách hàng đánh giá giá trị của sản phẩm.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào trong chúng ta cũng có đủ điều kiện tài chính để thuê một studio tầm cỡ về chụp các bức hình sản phẩm để ta upload lên các nền tảng trực tuyến.

Bài viết dưới đây của Uplevo sẽ là cẩm nang đầy đủ nhất dành riêng cho bạn để có được những bức hình sản phẩm chuyên nghiệp, đủ sức nâng tầm hình ảnh thương hiệu của bạn trong mắt khách hàng.

Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị cho mình các thiết bị bắt buộc phải có trong một buổi chụp hình sản phẩm:

> 6 mẹo chụp ảnh sản phẩm bằng điện thoại

 

6 thiết bị chụp hình sản phẩm cần thiết

Với những người lần đầu tiếp cận với nhiếp ảnh, việc tìm kiếm các công cụ bổ trợ cho hoạt động chụp hình không phải là điều đơn giản, nhất là khi trên thị trường có quá nhiều sự lựa chọn.

6 thiết bị chụp hình sản phẩm cần thiết

Lời khuyên đầu tiên chúng tôi gửi tới bạn là: Nếu ngân sách không có nhiều, bạn cũng không cần phải quá lo lắng. Điều bạn cần làm ở đây là tận dụng những thứ bạn có trong tay, tìm hiểu thật kỹ các công cụ cần thiết và không chi tiêu quá lượng ngân sách trong kế hoạch bạn đã đề ra.

Tuy nhiên, sẽ có các công cụ bạn nhất định phải có trong tay trong một buổi chụp hình sản phẩm và đó là:

1. Máy ảnh/điện thoại:

Đừng dại dột mà đổ đến hàng chục triệu đồng mà mua những chiếc máy ảnh dành cho dân chuyên. Có công cụ là một chuyện nhưng chắc gì bạn đã biết cách sử dụng thành thạo chúng. Trước mắt, bạn hãy thử tận dụng chiếc máy ảnh bạn có trong tay.

máy ảnh hoặc điện thoại

Sau đó, bạn chụp thử vài bức ảnh và đưa ra nhận định về tác phẩm nghệ thuật bạn vừa thực hiện. Có thể, bạn sẽ cảm thấy bất ngờ vì những gì bạn có trong tay. Rốt cuộc, một buổi chụp hình thành công cần phải có sự đóng góp của nhiều hơn một chiếc máy ảnh.

> 10 phần mềm, ứng dụng chụp ảnh đẹp

2. Tripod:

Kiềng ba chân chính là công cụ giúp cố định chiếc máy ảnh của bạn trong suốt buổi chụp hình. Một bức ảnh chuyên nghiệp sẽ phải hạn chế tới mức thấp nhất độ rung và các tác nhân gây mờ ảnh.

chuẩn bị Tripod

Bạn hoàn toàn có thể tìm thiết bị phù hợp cho chiếc máy ảnh của mình tại các cửa hàng bán đồ phụ kiện nhiếp ảnh.

3. Phông nền trắng:

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, phông nền trắng giúp sản phẩm của bạn trở nên nổi bật và đẹp mắt hơn.

Có rất nhiều cách để tạo phông trắng như: Tận dụng cuộn giấy trắng A3, mua phông tại các cửa hàng vật lý, tìm kiếm trên Shopee, Lazada,…

4. Đồ hắt sáng:

Trong nhiếp ảnh, người ta gọi công cụ này là tấm bounce. Tấm này có nhiệm vụ điều phối ánh sáng để đổ bóng cho vật thể bạn muốn chụp ảnh.

chuẩn bị đồ hắt sáng

Đây cũng là vật dụng cần đề tạo độ sâu và điểm nhấn cho sản phẩm khi lên hình.

5. Bàn:

Một chiếc bàn màu trắng có diện tích vừa phải, trong khoảng 60 – 65 cm2 là đủ để bạn có điểm tựa cho sản phẩm của mình.

6. Phòng chụp:

Phòng chụp ảnh lý tưởng phải là căn phòng có cửa sổ nằm đối diện tường. Điều này giúp bạn thu được đủ lượng ánh sáng tự nhiên để bức hình trở nên chân thực. Nếu thiếu ánh sáng, bạn bắt buộc phải mua thêm các dụng cụ chiếu sáng nhân tạo để bổ sung cho bức hình.

chuẩn bị phòng chụp ảnh sản phẩm

Nhưng bạn cũng nên nhớ: Nhiều ánh sáng cũng không phải là điều tốt. Trong trường hợp này, bức hình sẽ bị lóa và có hiện tượng “cháy hình”.

Các bước chụp ảnh sản phẩm quảng cáo

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị cần thiết, đã đến lúc bạn bắt tay vào chụp hình sản phẩm rồi. Dưới đây sẽ là hướng dẫn chi tiết dành cho bạn:

Bước 1: Setup bối cảnh chụp hình

Bạn hãy bắt đầu với địa điểm đặt camera. Lý tưởng nhất, máy ảnh của bạn phải nằm ngang một góc 90 độ với cửa sổ – nơi tỏa nguồn sáng. Camera càng gần cửa sổ, ánh sáng tỏa ra trong khung hình càng mạnh và ngược lại.

Nếu ánh sáng tự nhiên trong phòng là đủ, bạn nên tắt toàn bộ các thiết bị phát sáng nhân tạo. Ánh sáng thiếu tự nhiên có thể ảnh hưởng tới bức hình của bạn. Nếu thiếu, bạn nên cân nhắc mua các thiết bị tạo sáng chuyên dụng.

Ssetup bối cảnh chụp ảnh sản phẩm

Background của tấm hình nên được đặt chếch 45 độ (hoặc các góc lệch khác tùy vào mức độ đổ bóng mà bạn muốn) để tạo độ sâu cho vật thể trong bức hình.

Bạn cũng nên chú ý một điểm: Không nên đặt camera chĩa thẳng về hướng ánh sáng chiếu trực tiếp. Mức độ ánh sáng quá chói có thể khiến bức hình của bạn bị “cháy”.

Bước 2: Setup background

Tấm phông bạt được đặt hướng dọc theo vật thể chụp hình. Một cách làm thông minh là bạn nên đặt background tựa vào bức tường. Bức tường giúp cả tấm phông bạt lẫn vật thể chụp hình được cố định và có điểm tựa vững chắc.

Setup background chụp

Bạn có thể tham khảo cách bố trí vật thể chụp hình và phông nền theo ví dụ ở phía dưới đây.

Bước 3: Setup camera

Để có bức hình đẹp, bạn cần một chút trợ giúp từ người bạn “máy ảnh”. Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho bạn:

– Chuyển chế độ camera từ WB (cân bằng trắng) thành AWB (cân bằng trắng tự động).

– Tắt đèn flash.

– Thiết lập ảnh chụp trong máy ảnh về chế độ cao nhất (ở đây là chế độ RAW). Một số máy ảnh không có chế độ RAW, bạn có thể tùy chỉnh chất lượng cao nhất cho máy ảnh (Superfine) và kích cỡ ảnh lớn (Large).

– Thiết lập độ nhạy sáng (ISO) là 100. Độ nhạy sáng càng cao, ảnh sẽ bị can nhiễu nhiều hơn. Thông thường, độ nhạy ảnh thấp nhất trong các thiết bị camera thương mại là 100. Đây cũng là chỉ số bạn nên thiết lập.

– Về tùy chỉnh độ phơi sáng, bạn nên cài đặt chế độ này về tự động. Mặc dù cài đặt độ phơi sáng bằng tay là lý tưởng nhất, nhưng đây không phải là cách làm dễ dàng với những tay không chuyên trong lĩnh vực nhiếp ảnh như bạn.

– Về chế độ zoom: Bạn không nên sử dụng chế độ này trong các máy ảnh kỹ thuật số. Chất lượng ảnh sẽ bị ảnh xuống trông thấy nếu bạn dùng chế độ zoom. Thay vì phóng to, bạn có thể tiến gần hơn vào vật thể chụp, chất lượng được giữ nguyên mà vẫn đảm bảo mọi chi tiết được ghi lại.

Bước 4: Căn chỉnh vị trí đặt sản phẩm

Có vẻ điều này là tương đối khó khăn với những người chưa có nhiều kiến thức về nhiếp ảnh như chúng ta, nhưng bạn cũng nên nắm qua một vài nguyên tắc cơ bản như: Đặt logo thương hiệu trên sản phẩm ở vị trí nổi bật trên camera, đặt vật thể chụp hình tuân theo quy tắc ⅓, theo tỷ lệ vàng,…

căn chỉnh vị trí chụp sản phẩm

Ngoài ra, bạn nên bố trí tấm bounce làm sao để độ bóng của vật thể lên phông nền phía sau đạt được chiều sâu nhất định.

Bước 5: Chụp hình và tự mình đánh giá

Một khi bức hình đã được chụp, bạn nên dành chút thời gian để đánh giá thành quả mình tạo ra. Đây là lúc những kinh nghiệm bạn tích lũy bao lâu nay lên tiếng: Những gì ổn và những gì cần cải thiện? Có điều gì bạn thấy mình có thể làm tốt hơn nữa?

chụp hình và tự mình đánh giá

Kinh nghiệm là thứ không phải ngày một ngày hai có được. Khi bạn làm một điều gì đó trong thời gian dài, kinh nghiệm của bạn sẽ tự nhiên được cải thiện.

Upload hình chụp lên máy tính là một ý tưởng hay. Tại đây, bạn có thể bao quát toàn bộ các khía cạnh liên quan tới bức hình bạn chụp. Chúng tôi khuyến nghị bạn sử dụng Adobe Lightroom để tính chỉnh hình ảnh theo ý muốn.

Bước 6: Retouch hình chụp, chỉnh sửa hậu kỳ

Nếu bạn hài lòng với bức hình thô, đã đến lúc bạn khiến nó trở nên “lung linh” hơn bằng cách retouch lại hình chụp.

Retouch hình chụp chỉnh sửa hậu kỳ

Retouch là một thuật ngữ trong nhiếp ảnh dùng để chỉ hoạt động chỉnh sửa lại hình ảnh với các yếu tố liên quan tới độ nét, độ tương phản, sự phơi sáng,…

Retouch đòi hỏi bạn phải có kiến thức tương đối về nhiếp ảnh. Bạn có thể tự mình chỉnh sửa hậu kỳ để nâng cao tay nghề của mình. Nếu không có đủ thời gian, bạn có thể outsource từ dịch vụ bên ngoài.

Tối ưu hóa ảnh chụp trên nền tảng website

Hình ảnh của bạn không chỉ đẹp về mặt trực quan, nó còn phải đáp ứng những yêu cầu khác về SEO trên nền tảng trực tuyến. Đó có thể là vấn đề về kích cỡ, dung lượng file ảnh,… Dưới đây là một vài lời chỉ dẫn dành cho bạn:

1. Tính chỉnh lại kích cỡ file ảnh

Cách tối nhất để tối ưu hóa ảnh chụp trên nền tảng website, đó chính là tính chỉnh lại kích cỡ file ảnh. Nếu website của bạn chỉ đủ để hiện những hình ảnh có chiều rộng là 600 pixel mà ảnh gốc của bạn có kích thước tới 1500 pixel, bạn nên có những điều chỉnh ngay tức khắc.

Trước tiên, bạn cần định hình xem chiều rộng hiển thị tiêu chuẩn ảnh trên website của bạn là bao nhiêu. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần click chuột phải vào hình ảnh trên website, chọn Kiểm tra (hoặc phím tắt Ctrl + Shift + I) là bạn có được thông số chuẩn về kích cỡ file ảnh.

nén hình ảnh bằng Photoshop

Sau đó, bạn thực hiện tính chỉnh kích cỡ theo tiêu chuẩn có sẵn. Có rất nhiều công cụ có thể giúp bạn resize ảnh. Bạn có thể sử dụng tùy chỉnh Ctrl + Alt + Shift + S trong Photoshop, hoặc sử dụng công cụ có sẵn của Microsoft Picture hoặc Mac Preview.

2. Nén dung lượng ảnh

Dung lượng ảnh nên được nén với độ lớn file dưới 100KB. Có nhiều công cụ trên mạng có thể giúp bạn thực hiện công việc này, một trong số đó là JPEGmini.com.

Về định dạng file ảnh, bạn có thể sử dụng các đuôi file như JPG, JPEG hoặc PNG.

Một số lưu ý về kỹ năng hình chụp sản phẩm

Bạn nên sử dụng ánh sáng tự nhiên thay vì ánh sáng nhân tạo. Ánh sáng tự nhiên bao giờ cũng đem lại cho người xem cảm giác thoải mái và “thật” hơn so với ánh đèn căn chỉnh bằng điện. Ngoài ra, chi phí để trang trải cho các thiết bị đèn nhân tạo có thể ngang ngửa chi phí thuê chuyên gia chụp hình từ bên ngoài (mà chất lượng thành phẩm thì chắc chắn hơn).

Khi chụp hình bằng ánh sáng tự nhiên, rất có thể bạn sẽ gặp phải một vài vấn đề như: Cửa sổ bị phản bóng trên sản phẩm như ví dụ ở phía dưới làm mất nhiều thời gian cho quá trình chỉnh sửa hậu kỳ.

Việc tự mình chụp hình và thực hiện các công đoạn chỉnh sửa ảnh hậu kỳ có thể khiến bạn bỡ ngỡ và mất nhiều thời gian. Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm phần nào về công việc này, từ đó hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình cũng sẽ được tối ưu hóa hơn.

Chúc bạn thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *