Vợ chồng chị đang chờ đợi đứa con thứ hai ra đời với nhiều vui mừng pha trộn những âu lo. Thêm một đứa con có nghĩa là sẽ bận rộn gấp bội, tốn kém nhiều hơn, phải sắp xếp, thậm chí thay đổi hoàn toàn nếp sống cũ.
Thấy mấy đứa con nhỏ của bạn bè khóc lóc tranh giành đồ chơi với nhau, nhìn cô bạn hàng xóm đầu bù tóc rối, tay dắt đứa bé lên ba, tay đẩy xe nôi đứa con mới đầy tuổi, chị cũng có phần e ngại. Tuy vậy, bên cạnh những lo lắng thoáng qua ấy thì lần này chị đã có kinh nghiệm sinh con nên bình tĩnh và chuẩn bị mọi thứ chu đáo hơn. Viễn cảnh hạnh phúc ngập tràn tâm hồn chị khi nghĩ đến đứa con bé bỏng sắp chào đời, tưởng tượng hình ảnh bé Vi – đứa con đầu – lăng xăng quanh chiếc nôi nựng nịu em bé với vẻ trịnh trọng vì nay đã lên chức “chị hai”.
Tuy vậy, giữa những lo âu pha lẫn vui mừng đó, đôi khi một ý nghĩ e ngại mơ hồ xâm chiếm tâm hồn. Chị nhớ đến một ấn tượng sâu đậm vào năm mới lên sáu, khi mẹ sinh em trai. Bỗng dưng trong nhà có thêm một đứa bé nhỏ xíu, chị nhớ lại thoạt tiên mình đã rất sung sướng, cùng cười vui với ba mẹ mỗi khi em bé bi bô những tiếng vô nghĩa mà chỉ có mẹ mới hiểu để cắt nghĩa cho hai cha con.
Sau những giờ phút thần tiên và hạnh phúc ấy, bắt đầu xuất hiện một vài rắc rối. Mẹ không chịu đựng nổi đứa con gái lớn cả ngày quanh quẩn bên em, làm ồn ào kinh động giấc ngủ của bé. Rồi có lần em khóc mà không có ai chung quanh, cô chị thử bắt chước mẹ cho uống nước làm em bé bị sặc. Mẹ chạy đến tái xanh mặt mày, sau đó là cả một cơn bão ghê gớm đổ ập xuống đầu và sau lần ấy, đứa em được bảo vệ kỹ lưỡng ở xa tầm tay chăm sóc vụng về của cô chị.
Thế rồi, không bao lâu sau, cô chị đã cảm nhận nỗi đau khổ khi thấy mình bị gạt ra khỏi con tim của ba mẹ, để dành chỗ cho đứa em ngày càng thu hút cao độ sự quan tâm của người lớn. Một buổi tối, cô chị đã vừa khóc nức nở vừa buộc tội mẹ: “Mẹ không còn thương con mà chỉ thương em bé”. Mẹ chị đã hết sức ngạc nhiên trả lời: “Ồ không, mẹ thương cả hai đứa như nhau”. Nhưng điều ấy không thuyết phục được một bé gái mới lên bảy, kể từ đó, tính tình chị trở nên rụt rè và khép kín cho đến mãi về sau này.
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Một thống kê tại Viện dưỡng nhi ở Connecticut (Hoa Kỳ) cho thấy, gần 50% các trẻ em con đầu lòng tỏ ra khổ sở từ khi có đứa em kế. Đơn giản chỉ vì trước đó đứa bé này vốn là trung tâm điểm của gia đình, đến khi nhận thấy em bé chiếm mất địa vị của mình thì sinh lòng oán giận.
Những đứa trẻ càng gắn bó, dựa dẫm vào cha mẹ bao nhiêu thì khi bị cha mẹ bỏ bê, lúc đứa con thứ chào đời, sẽ càng đau khổ bấy nhiêu. Ngược lại, trẻ nào có tính độc lập, không đeo theo mẹ thì dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh mới hơn.
Phản ứng của các bậc cha mẹ trong trường hợp này cũng không giống nhau. Một số cho rằng việc ganh tị với em như thế là không hay, là một tính xấu nên rầy la khiển trách. Số khác, ngược lại, cảm thấy lo lắng và đâm ra chiều chuộng, dỗ dành khiến đứa con đầu càng trở nên khó tính hơn. Phổ biến nhất là hầu hết không quan tâm nhiều đến vấn đề nhạy cảm này và một mực nghĩ rằng, họ vẫn thương các con như nhau.
Theo các nhà tâm lý, chúng ta khó mà thể hiện tình thương một cách giống nhau đối với hai người. Mỗi người có cá tính, thói quen, đặc tính hoàn toàn khác biệt, do đó, tình cảm chúng ta đối với họ cũng thay đổi tùy theo tính chất ấy.
Một đứa con mới sinh cần được sự chăm sóc chu đáo nhất trong khả năng của cha mẹ, khác với anh hay chị nó, giờ đây bước sang một giai đoạn mới là bớt được quan tâm. Vì vậy, mặc dù vẫn thương yêu hai con một cách sâu sắc, nhưng một điều hiển nhiên là cha mẹ – nhất là người mẹ – gắn bó với đứa con mới sinh hơn rất nhiều. Khi đã nhìn nhận rằng, sự thay đổi này là tất yếu, các bậc cha mẹ có thể giúp cho đứa con đầu chấp nhận hoàn cảnh mới một cách dễ dàng hơn.
Nhiều bậc cha mẹ lại cho rằng, phải chuẩn bị tinh thần trước cho con mình về việc nó sắp có em bằng cách nói đi nói lại: “Con sắp có em, con phải cưng em”. Điều đó thật ra khó mang lại tác dụng như mong muốn, bởi vì một đứa trẻ có thể tưởng tượng được trong phòng sẽ có thêm một em bé nằm trong chiếc nôi vừa mới sắm, nhưng làm sao nó biết được trong lòng mình sẽ ra sao khi nhìn mẹ suốt ngày săn sóc em bé.
Cho nên, điều quan trọng chính là thái độ của cha mẹ đối với con, có thể bắt đầu từ trước khi sinh bằng cách thay đổi một vài thói quen trong nhà. Nhất là sau khi sinh rồi thì phải thận trọng trong xử sự đối với con. Một bà mẹ tế nhị có rất nhiều cách để tạo cho đứa con đầu niềm hãnh diện rằng nó đã lớn, có thể tự lo cho mình trong khi mẹ phải bận chăm sóc em, làm cho bé bớt đi mặc cảm bị bỏ rơi.
Dù đứa con chỉ làm bận tay, bận chân thêm chứ chẳng giúp được gì, nhưng một bà mẹ khéo léo có thể tập cho con quen dần với vị trí mới bằng cách nhờ phụ giúp: “Anh hai kiếm giúp mẹ cái tã để thay cho em” hay “Chị hai đem bình sữa lại cho em coi”. Tất nhiên, bổn phận của người lớn là phải để mắt trông chừng cả hai con, không thể lơ là để cho đứa bé ba tuổi có cơ hội bồng đứa mới sinh rất dễ gây ra tai họa.
Một khi đứa con lớn nghĩ rằng, em mình xuất hiện khiến nó bị “mất phần”, không còn được thương yêu như trước, nó sẽ ngấm ngầm oán em hơn là thương. Nhưng nếu thấy cha mẹ vẫn quan tâm đến nó, lại ý thức được vị trí mới của mình, đứa trẻ sẽ vững dạ và thương yêu em. Những đứa trẻ ấy hình thành được tư cách mạnh mẽ, không ghen với em mà bắt đầu biết đến tính vị tha của người lớn.