Đóng vai trò là bộ quy chuẩn thương hiệu của mỗi doanh nghiệp, Brand Guidelines chính là yếu tố duy trì tính nhất quán của nhận diện trong suốt quá trình xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm được tầm quan trọng và những thời điểm cần dùng tới Brand Guidelines. Bài viết sau đây của Hoc11.vn sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc đó.
Brand Guidelines là gì?
Brand Guidelines là một bản hướng dẫn cụ thể được trình bày theo cấu trúc một cuốn sách, chỉ ra cách mà thương hiệu của doanh nghiệp hoạt động và làm thế nào để phát triển các ý tưởng xây dựng thương hiệu một cách thống nhất, xuyên suốt.
Brand Guidelines quy định rõ về việc sử dụng các yếu tố tham gia vào việc quảng bá thương hiệu thông qua liệt kê chi tiết về màu sắc, font chữ, tỷ lệ giữa các thành tố tạo nên bộ nhận diện thương hiệu…. Chúng hỗ trợ các nhà thiết kế, chuyên gia ngôn ngữ hay bất kể ai sử dụng các yếu tố để thực hiện những công việc như thiết kế ấn phẩm truyền thông, thiết kế văn phòng phẩm, đồng phục và các sản phẩm phục vụ chiến dịch Marketing đúng quy cách.
Brand Guidelines của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, nhưng chúng vẫn có những điểm chung về kết cấu bao gồm tổng quan về doanh nghiệp, sứ mệnh cốt lõi, tuyên ngôn thương hiệu, cách sử dụng logo, bảng màu, phong cách chữ viết, hình ảnh, phối cảnh… Chúng quy định tính nhất quán của hệ thống nhận diện thương hiệu nhưng cũng truyền cảm hứng sáng tạo cho mọi người.
= >> Xem thêm Vai trò của Brand Guidelines đối với doanh nghiệp
Xây dựng thương hiệu gắn liền với quá trình Brand Guidelines?
Brand Guidelines xuất hiện xuyên suốt trong cả quá trình doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tuy nhiên có những thời điểm cụ thể, chúng đóng vai trò quyết định tính hiệu quả và thành công của công việc.
1. Khi tập huấn các nhân viên mới
Trong thời đại mới, quá trình tuyển dụng diễn ra thường xuyên và việc doanh nghiệp tiếp nhận những lứa nhân viên mới là điều có thể diễn ra hàng ngày, hàng tuần. Khi mới gia nhập, ngoài những kiến thức chuyên môn phù hợp với vị trí tuyển dụng, nhân viên mới của bạn gần như một tờ giấy trắng, tức là không có nhiều khái niệm về thương hiệu và những câu chuyện ẩn sau sứ mệnh, tuyên ngôn cũng như hệ thống nhận diện thương hiệu.
Việc cần làm đầu tiên chính là tổ chức những buổi tập huấn để nhân viên mới làm quen và có được cái nhìn từ tổng quát tới cụ thể. Với Brand Guidelines, rất dễ dàng để bạn kể được câu chuyện hoàn chỉnh về thương hiệu từ khi mới ra đời cho đến thời điểm hiện tại, từ đó nhấn mạnh vào giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tuyên ngôn, định vị của thương hiệu.
Không những vậy, hãy tưởng tượng, sẽ vô cùng tốn thời gian nếu bạn phải mô tả cho một nhân viên thiết kế rằng tỉ lệ giữa các thành tố trong logo là bao nhiêu, họ được phép dùng tông màu đậm nhạt như thế nào, hay phải tìm lại font chữ đang dùng để cho họ xem lại. Mọi thứ sẽ được giải quyết nhanh chóng với những hướng dẫn cụ thể trong Brand Guidelines, bao gồm các thông số kỹ thuật, quy chuẩn mã màu, font chữ, cách phối cảnh trên ấn phẩm… Việc của nhân viên mới đơn giản chỉ là tuân theo đúng những quy tắc đó và áp dụng chúng vào công việc của mình.
2. Khi thiết kế và in ấn các thiết bị, văn phòng phẩm
Các thiết bị và văn phòng phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tính chuyên nghiệp của thương hiệu và sự đầu tư nghiêm túc của doanh nghiệp, vì vậy chúng nhất thiết phải được thiết kế một cách đồng bộ với hệ thống nhận diện thương hiệu. Hướng dẫn quy chuẩn các yếu tố nhận diện đều được liệt kê đầy đủ trong Brand Guidelines và cần được áp dụng nghiêm chỉnh trong thực tế.
Với từng thiết bị và văn phòng phẩm như backdrop quầy lễ tân, nội thất, danh thiếp, giấy tiêu đề, phong bì thư, hóa đơn, file folder, đồng phục nhân viên…, các yếu tố như bảng màu đặc trưng, logo tiêu chuẩn, quy cách phông chữ, tỷ lệ, khoảng cách tối thiểu cần được tuân theo quy định trong Brand Guidelines. Chúng tạo thành một thể thống nhất và tăng mức độ nhận diện thương hiệu đối với khách hàng.
Nếu không sử dụng Brand Guidelines, việc thiết kế và in ấn sẽ không đồng nhất với quy định chung, mỗi món đồ lại mang một thiết kế riêng và dễ tạo cảm giác lộn xộn, không chuyên nghiệp.
3. Khi thiết kế và in ấn các ấn phẩm truyền thông
Trước hết, Brand Guidelines giúp các nhân viên trong bộ phận truyền thông và thiết kế nắm được quy tắc chung cần phải tuân theo. Công cụ này cũng góp phần truyền cảm hứng tới họ để lên ý tưởng cho các sản phẩm của mình.
Với đặc trưng riêng, các ấn phẩm truyền thông có thể được sáng tạo với nhiều nội dung và hình ảnh đặc sắc nhằm truyền tải rõ thông điệp của thương hiệu tới khách hàng. Tuy nhiên, không ít nhà thiết kế lại có xu hướng sáng tạo quá đà, rời xa dần thực tế và những yếu tố nhận diện cốt lõi của thương hiệu. Đây chính là lúc Brand Guidelines phát huy tầm quan trọng của mình, nhấn mạnh vào trọng tâm và nhắc nhở các nhân viên thiết kế phải luôn chú ý tới tính đồng bộ trong nhận diện. Ngoài ra, Brand Guidelines cũng giúp bạn đối chiếu giữa thành phẩm và mã màu chuẩn trong trường hợp màu in bị sai lệch so với bản gốc.
Sự ra đời của những ấn phẩm truyền thông ấn tượng, vừa truyền đạt thông điệp rõ ràng, vừa thể hiện được các yếu tố nhận diện thương hiệu sẽ tác động mạnh mẽ tới nhận thức của khách hàng, từ đó khẳng định tinh thần và khiến họ ngày càng ghi nhớ nhiều hơn về hình ảnh thương hiệu.
4. Khi triển khai các chiến dịch Marketing
Để góp phần làm nên một chiến dịch Marketing thành công, yếu tố thị giác và cảm xúc đều đóng vai trò như vũ khí bí mật có ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức và thái độ của khách hàng đối với thương hiệu. Cả 2 yếu tố này đều được nhắc tới trong Brand Guidelines thông qua ý nghĩa của tên gọi, logo, biểu tượng, màu sắc thương hiệu. Chúng liên quan mật thiết tới từng phần, từng khâu của một chiến dịch Marketing để đảm bảo không bỏ sót bất cứ điều gì khiến khách hàng liên tưởng và ghi nhớ thương hiệu.
Hãy nhìn vào chiến dịch đình đám của Điện máy xanh bắt đầu từ cuối năm 2016. Thương hiệu này đã phổ cập nhận diện thương hiệu của mình trên một cách triệt để với việc sử dụng hai màu xanh, vàng chủ đạo kết hợp với biểu tượng đặc trưng trong logo của mình. Sự đổ bộ của binh đoàn màu xanh cùng bài hát gây ám ảnh đã khiến công chúng không thể không ghi nhớ thương hiệu này. Rõ ràng, Brand Guidelines đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc định hướng nhất quán về mặt hình ảnh.
5. Khi hợp tác cùng Agency
Trường hợp này có vài điểm tương tự với tình huống bạn phải hướng dẫn những nhân viên mới gia nhập doanh nghiệp. Agency là đơn vị tư vấn và giúp bạn hoạch định chiến lược, sáng tạo và triển khai các kế hoạch vì một mục tiêu cụ thể. Vì vậy, hơn ai hết, họ phải là những người am hiểu cặn kẽ và nắm được tinh thần của thương hiệu. Nếu chưa từng có kinh nghiệp hợp tác trước đó, Agency cũng chỉ là người ngoài cuộc không có nhiều kiến thức về thương hiệu của bạn.
Đây là lúc bạn cần tới Brand Guidelines để mang tới cái nhìn tổng quát và cụ thể về thương hiệu tới Agency, giúp họ hiểu được câu chuyện riêng của thương hiệu và nắm vững định hướng của doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng bởi chỉ cần hiểu sai giá trị cốt lõi, hiểu sai định vị hay không áp dụng chính xác bộ nhận diện thương hiệu, mọi kế hoạch hay chiến dịch của Agency dù có nghiên cứu và xây dựng công phu tới đâu cũng là vô nghĩa.
Tóm lại, Brand Guidelines đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc lan tỏa câu chuyện về thương hiệu một cách thống nhất và tăng cường khả năng nhận diện từ phía khách hàng. Đã đến lúc doanh nghiệp phải nhìn lại hệ thống nhận diện của thương hiệu, bổ sung Brand Guidelines nếu còn thiếu và tuân thủ nếu Brand Guidelines đã được xây dựng một cách kỳ công tỉ mỉ. Bạn cũng có thể liên hệ với các chuyên gia của Hoc11.vn để hoàn thiện cuốn kim chỉ nam này cho doanh nghiệp.
Nguồn: Hoc11.vn branding
Chuyên gia số 1 về thiết kế Thương hiệu
Xem thêm những bài viết chất lượng khác:
- 5 Bước để triển khai xây dựng thương hiệu mạnh hiệu quả
- 4 bước đánh giá nhanh hiện trang thương hiệu doanh nghiệp
Nguồn: https://www.saokim.com.vn/blog/xay-dung-thuong-hieu/khi-nao-doanh-nghiep-can-toi-brand-guidelines/