Các phụ huynh vẫn thường dùng cách mua chuộc để trẻ ngừng làm chuyện gì đó. Chẳng hạn, nếu cậu con trai ghét làm bài tập và mỗi tối cậu bé thường giận dữ, khóc lóc khi phải làm bài. Thế là người cha buộc lòng phải mặc cả rằng cậu sẽ được chơi game nếu chịu làm xong bài và không la hét. Một khi nghe được lời hứa tuyệt vời này, cậu ta nín khóc và làm xong bài một cách chớp nhoáng. Nhưng có đúng là sứ mệnh đã được hoàn thành?
Giây phút mà người cha mua chuộc con mình, ông đã cho cậu bé nhận thấy “sức mạnh của cơn giận” và đã thưởng cho một hành vi xấu, dạy cho đứa bé cách “la đủ to để được nhận thưởng”.
Sự mua chuộc có thể giải quyết vấn đề trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu sử dụng thường xuyên, nó không chỉ làm mạnh hơn những hành vi không mong muốn mà còn làm cho trẻ quen với đặc quyền.
Phần thưởng có lẽ có ý nghĩa hơn là mua chuộc, nhưng nếu bị lạm dụng thì hậu quả là như nhau. Chẳng hạn, cha mẹ có thể dùng sơ đồ trả thưởng để giúp con hình thành một hành vi tốt. Cách này thường tỏ ra hiệu quả lúc đầu. Nhưng sau đó, kết quả không đều và trong một số trường hợp, hành vi này cũng chấm dứt khi phần thưởng không còn.
Và quan trọng nhất, việc dùng phần thưởng vật chất hay các nhà tâm lý gọi là “động lực từ bên ngoài” để khiến đối tượng làm một chuyện gì đó sẽ bào mòn sự phát triển của động lực nội tại. Nói cách khác, nếu trẻ cứ được thưởng vì đạt điểm tốt ở trường, thì động lực học tập của trẻ có thể hoàn toàn dựa trên việc sẽ được nhận quà thưởng mà không phải vì sự đón nhận kiến thức một cách tự nhiên, xuất phát từ bên trong. Trẻ cũng sẽ mong đợi phần thưởng cho những hành vi nên tự giác dù có nhận thưởng hay không chẳng hạn như cần cư xử tốt, tuân theo nguyên tắc và tôn trọng người khác. Kết luận trên được rút ra sau rất nhiều cuộc nghiên cứu đã diễn ra trong hàng thập niên.
Khi trẻ lớn lên, chúng sẽ không còn được thưởng cho những việc nhỏ. Nếu trẻ quen với chuyện luôn được khích lệ bằng phần thưởng, chúng sẽ khó điều chỉnh và tự mình làm mọi việc. Đó là lý do vì sao động lực nội tại rất quan trọng.
Động lực nội tại là khi chúng ta làm việc gì đó vì niềm vui vốn có được tìm thấy trong chính hoạt động hoặc công việc đó. Chẳng hạn, một đứa trẻ không cần bất cứ sự kích thích nào để chơi bóng đá vì rất thích trò chơi này và cảm thấy hạnh phúc khi được chơi bóng. Sau đây là một số cách giúp nuôi dưỡng động lực nội tại ở trẻ.
1. Khuyến khích trẻ đề ra cho riêng mình những mục tiêu thực tế và có thể đạt được. Khi trẻ có thể đặt ra mục tiêu và tiến từng bước đến mục tiêu đó thì trẻ sẽ học được tính tự quyết. Trẻ cũng hiểu được rằng sự chọn lựa của mình sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến chuyện thành công hay thất bại.
2. Tạo ra một môi trường có thể nuôi dưỡng lòng tự trọng và sự tự tin. Khi một đứa trẻ tin vào chính mình và khả năng của mình, trẻ sẽ có động lực để làm việc mà không cần một củ cà rốt lơ lửng trước mặt.
3. Thảo luận về cảm giác của trẻ khi thành công. Hãy để trẻ giải thích xem thành công làm cho trẻ cảm thấy thế nào. Đây là cách để trẻ nhận ra rằng những cảm xúc tích cực cũng chính là một phần thưởng.
4. Khen ngợi thành công của trẻ. Hãy cho trẻ biết đích xác hành động nào của trẻ thì thật đáng khen. Khen ngợi là cách xây dựng sự tự tin, khuyến khích trẻ tin vào khả năng của chính mình. Khi đó, trẻ sẽ được khích lệ từ bên trong và không cần dựa vào sự mua chuộc hay phần thưởng để thể hiện.
Phần thưởng vật chất vẫn có tác dụng khích lệ trong một số trường hợp. Nhưng nếu lạm dụng thái quá, chúng sẽ hủy hoại động lực tự nhiên, làm cho một đứa trẻ thiếu khả năng tự khích lệ và như thế, sẽ khó khăn hơn để trẻ có thể đạt được trọn vẹn tiềm năng của mình.
– Theo Psychology Today, Kiddie Matters
Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/khich-le-tre-ma-khong-can-mua-chuoc-340232.html
- Hướng dẫn kinh doanh đối với khách hàng thuộc nhóm người làm việc nước ngoài
- Black Box Testing Là Gì? Kỹ Thuật, Ví Dụ Và Phân Loại
- Interactive Content Là Gì – Xu hướng Content Marketing 2017
- Top 8 kinh nghiệm bán hàng online bạn cần phải có
- Tổng hợp kiến thức về cách tạo Anchor text – Case Study GTV SEO