Kiên nhẫn với con cái

Bác sĩ Benjamin Spock, tác giả quyển sách nổi tiếng Phương pháp chăm sóc con trẻ (Baby and Child care) được dịch ra 26 ngôn ngữ trên thế giới và phát hành hơn 20 triệu cuốn chỉ riêng ở Mỹ, đã lưu ý các bậc cha mẹ phải luôn nhớ đến điều này: Các mối quan hệ trong gia đình – cũng như ngoài xã hội – chỉ tốt đẹp khi nào ngay từ đầu hai bên biết tôn trọng lẫn nhau.

Tôn trọng lẫn nhau? Điều này có thể hơi lạ tai đối với một số bậc làm cha mẹ. Ai cũng thừa nhận mình yêu thương con cái nhất trên đời đến độ sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì chúng. Thế nhưng, nếu hồi tưởng lại cách thức vẫn xử sự với con cái hàng ngày, hẳn có nhiều điều chúng ta phải giật mình.

Anh nhớ thử xem có bao giờ xử tệ với con hay không? Đã bao nhiêu lần vì thiếu kiềm chế mà anh làm nó hoảng sợ, thậm chí đau đớn? Hay chị có khi nào nổi đóa lên đến độ hăm dọa sẽ dành cho con những hình phạt nặng nề nhất? Hoặc tệ hại hơn là thẳng tay vất bỏ những món đồ chơi con trẻ hết mực yêu quý chỉ để hả cơn giận?

Đáng buồn thay, hầu như câu trả lời luôn luôn là “Có!”. Theo các nhà tâm lý học, lý do khiến cha mẹ dễ nổi nóng với con cái là vì mang tư thế “kẻ bề trên”. Và lắm khi con cái là đối tượng thân cận nhất để cha hay mẹ dễ dàng thể hiện uy quyền cũng như trút hết mọi nỗi mệt nhọc, nhất là sau một ngày kiệt sức vì công việc.

Tâm lý này càng phổ biến hơn trong một gia đình mà các bậc cha mẹ có cường độ làm việc căng thẳng ngoài xã hội. Đôi khi do suốt ngày đối phó với đồng sự, căng thẳng với cấp trên, bực bội với đối tác nhưng vẫn phải nhường nhịn vì không muốn mất bạn, mất việc hay mất khách hàng, buổi chiều anh hay chị mang tâm trạng bị tổn thương ấy về nhà một cách không ý thức.

May mắn thay nếu hôm đó con cái ngoan ngoãn, vui vẻ quấn quýt một bên, xoa dịu được hết mọi nhọc nhằn của cha mẹ. Thế nhưng trong thực tế, thông thường con cái vẫn mang đến nhiều phiền toái hơn. Lũ trẻ quấy rầy cha với những câu hỏi “tại sao” bất tận, bám theo mẹ yêu cầu giải quyết ngay bao nhiêu chuyện vớ vẩn mà chúng cho là rất quan trọng: áo búp bê bị rách, chọn quà sinh nhật cho bạn, giải giúp bài toán khó ở nhà…

Và thế là cơn giận bùng nổ ra không hề kiềm chế: “Câm miệng lại, đi chỗ khác chơi” hoặc “Con không để cho ba (mẹ) yên được phút nào hay sao?”. Càng chẳng dám nói với khách hàng: “Không được phép bỏ đi chỗ khác khi tôi đang giải thích!”… Cho nên đến khi về nhà, chỉ cần con cái làm điều gì trái ý, nhiều người lập tức nổi xung thiên và la mắng hết lời. Quả thật là bất công. Trong khi đó, nếu bất đồng ý kiến với ai, thông thường anh hay chị đều cố gắng kiên nhẫn để bàn bạc, thuyết phục, tranh luận chứ không bao giờ sẵn sàng tát tai họ một cái rồi đùng đùng bỏ đi.

Rõ ràng các bậc cha mẹ có hàng ngàn lý do chính đáng để mất kiên nhẫn như vậy. Chẳng hạn ít ai thiếu tế nhị đến độ buộc anh phải rời mắt khỏi màn ảnh ti vi đang trực tiếp truyền hình trận chung kết bóng đá “sinh tử” giữa Việt Nam và Thái Lan trong kỳ SEA Games vừa qua chỉ để nghe người ấy thút thít kể chuyện vừa bị bạn bè chòng ghẹo ra sao. Hay như khi có một khách hàng yêu cầu cung cấp món đồ nào đó, nếu được chị nhẹ nhàng giải thích lý do bất khả kháng khiến không thể đáp ứng, chị sẽ dễ dàng nhận được sự thông cảm chứ đâu có bị họ “làm mình làm mẩy” đến không chịu đựng được.

Tuy vậy, dù thế nào cũng đừng quên rằng cách giao thiệp giữa cha mẹ và con cái có ảnh hưởng lớn đến cá tính của trẻ, đến cách cư xử khi chúng lớn lên và thậm chí tác động đến cuộc hôn nhân của chúng sau này.

Thế thì biện pháp nào tốt nhất để hạn chế những tấn kịch gia đình nho nhỏ như vậy? Tất nhiên sẽ tốt nhất nếu bạn có thể tự kiềm chế. Còn không, khi thấy mình sắp nổi giận với con cái thì nên áp dụng một mẹo nhỏ là chú ý ngay đến việc điều hòa hơi thở bằng cách hít vào thở ra nhẹ nhàng, hoặc bắt đầu đếm nhẩm từ 1 đến 60 trong vòng một phút. Sự tập trung ấy sẽ giúp bạn bình tĩnh phần nào để có thể dịu giọng nói với con: “Ba (mẹ) mệt lắm rồi, con đừng làm như thế nữa”.

Bắt nguồn từ ý thức tôn trọng nhân cách của con cái, chúng ta mới có thể xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình. Điều này sẽ tránh cho cả đôi bên phải đối diện với điều tệ hại, khi đứa con chứng kiến nỗi giận dữ khủng khiếp trên gương mặt cha mẹ, đồng thời cha mẹ nhìn thấy rõ nỗi sợ hãi kinh hoàng trong đôi mắt của đứa con mà họ yêu quý nhất trên đời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *