Mở kinh doanh dịch vụ spa hay tiệm cắt tóc gội đầu đang là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn khởi nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, mở tiệm cắt tóc gôi đầu hay kinh doanh spa cần những gì và cần bao nhiêu tiền? Các bước thực hiện như thế nào và cần những kinh nghiệm gì?..
Cho dù bạn có đang mở tiệm cắt tóc nam hay nữ, mở dịch vụ spa bình dân hay spa mini, cao cấp thì vẫn cần phải có một lộ trình, một kế hoạch kinh doanh đầy đủ. Chủ đề về Kinh doanh spa và hair salon này mình sẽ chia ra làm 4 phần chính, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các phương án để bắt đầu lựa chọn kinh doanh, khảo sát thị trường và phương án lập bảng giá phù hợp.
Mở dịch vụ spa, tiệm cắt tóc cần những gì?
Lựa chọn phương án bắt đầu
Khi kinh doanh spa và hair salon, bạn có 3 lựa chọn. Thứ nhất là nhượng quyền, bạn trả phí để được sử dụng thương hiệu có tên tuổi trên thị trường, tận dụng uy tín của họ mà không cần tốn kém thời gian, tiền bạc để quảng bá. Thứ hai là mua lại salon do phá sản hoặc nghỉ làm đổi nghề,… Nghĩa là bạn mua lại toàn bộ đồ nghề lẫn thương hiệu của họ, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư lại có thể tận dụng được tiếng tăm của chủ tiệm cũ nếu đó là một salon tốt. Cuối cùng là mở salon mới hoàn toàn, nếu bạn có đủ tiềm lực tài chính, một tay nghề chắc chắn và đủ tự tin.
Nhiều bạn vẫn hay thắc mắc chuyện mở spa, hay tiệm cắt tóc cần bao nhiêu vốn. Cái này sẽ phụ thuộc vào quy mô và đầu việc đầu tư trang thiết bị của bạn. Nếu ít vốn thì nên bắt đầu bằng lựa chọn kinh doanh nhượng quyền, mua lại salon cũ. Đó là 2 phương án khả thi khi chúng ta có số vốn nhỏ.
Chi phí mở tiệm cắt tóc càng tối ưu nếu khảo sát thị trường càng kỹ lưỡng
Thời gian mở cửa
Cho dù là mở dịch vụ làm đẹp hay tiệm cắt tóc, gội đầu… bạn nên chú ý đến khung giờ mở cửa, đừng bỏ lỡ bất kỳ dịp nào bởi đó là cơ hội đón được nhiều khách hàng nhất. Ví dụ thứ 7, chủ nhật (bắt buộc phải mở cửa) đặc biệt cận các ngày lễ tết còn phải mở cửa kéo dài hơn ngày thường. Vì chỉ những ngày nghỉ, tối muộn các chị em, các mẹ mới hoàn thành xong công việc để rảnh rang chăm sóc bản thân, hoặc gần tới các ngày lễ tết nhu cầu làm đẹp tăng cao do ai cũng muốn tân trang lại nhan sắc sau một thời gian dài.
Thông thường các salon hay spa đều có lịch làm việc từ 10h00 sáng đến 6h00 chiều đối với những nơi ít khách, những nơi đông khách thì kéo dài hơn từ 10h00 sáng đến 9h00 tối. Trong đó giờ nghỉ trưa và sau 5h chiều được gọi là giờ cao điểm. Riêng chủ nhật hoặc vào các ngày lễ thì có thể chỉ đến 5h chiều là nghỉ. Các salon và spa cũng phải linh hoạt thời gian mở cửa cho những trường hợp đặc biệt như mở cửa sớm hơn để trang điểm kịp đi dự tiệc hoặc cô dâu kịp giờ cử hành hôn lễ.
Lập bảng giá dịch vụ spa, hair salon
Một kinh nghiệm trong kinh doanh dịch vụ spa, cắt tóc cần được lưu ý hết sức. Cái này rất quan trọng nha vì nếu không tính toán cho ra một bảng giá phù hợp với mặt bằng chung thị trường lẫn chi phí đầu tư thì bạn thua lỗ là cái chắc. Nếu giá thấp quá sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, nếu cao quá sẽ ít khách, bởi vậy hãy nghiên cứu thật cẩn thận.
Hãy bắt đầu tìm hiểu về địa bàn bạn kinh doanh, đó có phải là khu đô thị cao cấp hay không, rồi tìm hiểu xem mức thu nhập trung bình của người dân nơi đây rơi vào khoảng thấp, trung bình hay khá, cao. Nếu tiệm mở ở khu dân cư cao cấp, mức sống người dân khá cao thì đừng ngần ngại mở những dịch vụ chất lượng cao. Còn ngược lại xung quanh salon là khu dân cư bình thường, mức thu nhập từ trung bình trở xuống thì các dịch vụ phải được tối giản nhất, salon chỉ nên cung cấp dịch vụ làm tóc, nhuộm tóc màu cơ bản với giá hợp lý một chút, còn spa thì cũng chỉ nên dừng lại ở các dịch vụ đơn giản.
Thiết lập bảng giá dịch vụ spa cần cân nhắc thật kỹ lưỡng
Khi lập bảng giá cho dịch vụ spa hay tiệm cắt tóc gội đầu hãy chú trọng 3 yếu tố, một là chi phí nhân công, hai là chi phí hoạt động và cuối cùng là lợi nhuận.
Chi phí nhân công được tính theo giờ thực hiện một dịch vụ cắt tóc hoặc làm đẹp. Khoản chi này bao gồm lương cho nhân viên tạo mẫu, làm đẹp, cho nhân viên hành chính như tiếp tân, phục vụ, quản lý và các khoản phúc lợi cho họ. Là chủ nên đương nhiên lương của bạn phải xếp đầu bảng rồi.
Chi phí hoạt động thường chiếm 40-50% chi phí vật tư và nhân công, bao gồm các loại chi phí như tiền điện, nước, tiền thuê hoặc tiền khấu hao địa điểm, tài sản cố định,… Sau khi tổng kết thu chi bạn sẽ có được con số chính xác nhất về loại chi phí này.
Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất đó là lợi nhuận. Tùy từng nơi nhưng thông thường lợi tức của một salon thường chiếm 11- 15%. Nếu sau khi lấy tổng Doanh thu – tổng Chi phí = lợi nhuận mà chưa đủ để bù đắp chi phí hoặc chưa được như ý, hãy tăng giá thành dịch vụ lên.
Vậy làm sao để có thể tính được bảng giá vừa chuẩn vừa nhanh? Đơn giản, hãy đặt ra mức doanh thu mục tiêu cho cả năm rồi dựa vào đó để tính ra giá dịch vụ/ giờ.
Ví dụ: Bạn đặt ra doanh thu mục tiêu là 52.000 USD/năm thì các giá dịch vụ của tiệm sẽ là:
Tuần: 52.000 USD/52 tuần = 1.000 USD/tuần;
Giờ: 1.000USD/100 giờ mở cửa mỗi tuần = 10 USD/giờ;
Lãi 10%/ giờ là 1 USD, cộng vào thành 11 USD/ giờ. Như vậy tiền dịch vụ của salon sẽ là 11 USD/ giờ.
Với 3 bước trên, bạn có thể đã định hình cho mình một hướng đi rõ ràng (mở mới, nhượng quyền hay mua lại) khi lựa chọn kinh doanh dịch vụ spa, massa hay mở tiệm cắt tóc, gội đầu. Biết cách khảo sát thị trường từ đó đưa ra mức độ đầu tư và quy mô cửa hàng phù hợp, cũng như phương pháp thiết lập bảng giá dịch vụ sao cho có lời.
Khi đã chắc chắn 3 bước này, hãy tiếp tục tìm hiểu xem khi kinh doanh spa, hay hair salon chúng ta có thể mở các loại hình dịch vụ nào dễ thu lãi, quy trình vận hành, và phương pháp tiếp thị hiệu quả trong phần 2: [Kinh doanh spa và mở tiệm cắt tóc] Những dịch vụ hốt bạc không thể bỏ lỡ.
Nguồn: https://www.sapo.vn/blog/kinh-doanh-dich-vu-spa-va-mo-tiem-hair-salon-nhu-the-nao-de-thanh-cong/