Nhu cầu cải thiện vẻ ngoài của cánh đàn ông cũng như chị em phụ nữ ngày một lớn. Mà số lượng phòng tập thể hình tại các thành phố vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chính vì vậy, mở phòng tập gym đang là xu hướng kinh doanh mới, “hốt bạc” trong những năm trở lại đây.
Nhu cầu đã rõ, câu hỏi đặt ra là: Làm sao để phòng tập gym thu về cho người chủ khoản lợi nhuận kếch xù với vốn ít, chi phí thấp? Mở kinh doanh phòng tập thể hình cần phải làm những gì khi bắt đầu?
Thấu hiểu nỗi băn khoăn của bạn, Uplevo xin gửi đến bạn bài tổng hợp đầy đủ và chi tiết nhất vềbí kíp mở phòng tập gym. Hy vọng có thể giúp hoạt động kinh doanh của bạn trở nên thuận lợi hơn.
>> Xem thêm những nội dung hay khác tại Uplevo:
- 14 Ý tưởng kinh doanh đơn giản năm 2019
- 10 Mô hình kinh doanh tuyệt vời cho dân khởi nghiệp
- 10 Loại hình kinh doanh nhỏ, kiếm tại hòa hiệu quả
- Kinh doanh gì với 100 triệu làm giàu nhanh chóng
Tại sao mở phòng tập gym lại giúp bạn thu về lợi nhuận lớn?
Kinh doanh phòng gym hứa hẹn đem lại cho bạn khoản lợi nhuận lớn, tại sao vậy? Hãy cùng Uplevo tìm hiểu:
1. Thị trường đầy tiềm năng
Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ. Tính đến năm 2017, có tới “hơn 60% dân số vẫn còn nằm trong độ tuổi lao động” (theo Tổng cục Thống kê). Tiềm năng của thị trường kinh doanh phòng tập thể hình là rất lớn, nhất là khi thu nhập của người dân ngày một tăng, mà nhu cầu cải thiện vẻ ngoài của họ là trông thấy.
2. Dễ dàng tính toán chi phí vốn ban đầu
Điểm khiến kinh doanh phòng tập gym với các loại hình kinh doanh khác (như nhà hàng, thời trang) là bạn không phải quá lo lắng tới các loại chi phí biến đổi.
Nếu như ở kinh doanh quần áo, nhu cầu của người mua có thể khiến chi phí biến đổi có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Thì với việc mở phòng tập gym, chi phí quan trọng nhất lại nằm ở việc mua sắm máy móc tập luyện, và chi phí mặt bằng kinh doanh.
3. Số lượng nhân lực phòng tập không quá lớn
Khi kinh doanh trong lĩnh vực tập luyện thể hình, số lượng nhân viên trong phòng tập không đòi hỏi quá lớn như các ngành nghề khác. Với quy mô kinh doanh vừa và nhỏ, bạn chỉ cần 1 – 2 lễ tân (theo ca), 2 huấn luyện viên, 1 – 2 tạp vụ và 1 quản lý.
Với quy mô lớn hơn, bạn cũng đòi hỏi số lượng nhân lực lớn hơn. Nhưng chắc chắn, so với các doanh nghiệp lớn kinh doanh trong các lĩnh vực khác, con số nhân lực vẫn là nhỏ hơn.
4. Khả năng mở rộng kinh doanh thông qua phương thức nhượng quyền
Khi phòng tập gym của bạn thành công, khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua phương thức nhượng quyền cũng dễ dàng hơn.
So với các loại hình kinh doanh khác, nhượng quyền trong kinh doanh phòng tập thể hình chỉ quan tâm tới các vấn đề như nhân lực và máy móc thiết bị. Trong khi, với nhà hàng thì bạn phải quan tâm thêm chất lượng của đồ ăn, thời trang thì lo tới vấn đề kho hàng,…
Kinh nghiệm mở phòng tập gym hiệu quả
Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp bạn mở một phòng tập gym hiệu quả, sinh lời:
1. Tìm hiểu và khảo sát thị trường
Công việc đầu tiên bạn cần phải thực hiện để mở phòng tập gym, đó chính là tìm hiểu và khảo sát thị trường.
Trong bước thực hiện này, bạn cần phác thảo cho mình thị trường và đối tượng khách hàng bạn muốn hướng tới.
Bạn dự định mở phòng tập tại địa điểm nào? Nhóm khách hàng trọng tâm của bạn là ai? (Các bạn sinh viên hay người đã có thu nhập ổn định?) Nhu cầu cơ bản của nhóm khách hàng bạn nhắm tới là gì? (Phòng tập đầy đủ máy móc, hay chi phí cho mỗi lần tập phải chăng?)
Đây chính là tiền đề để bạn triển khai những bước tiếp theo trong kế hoạch kinh doanh phòng tập thể hình của mình.
2. Lên kế hoạch và xác định mô hình kinh doanh phòng tập gym
Sau khi đã khảo sát thị trường, bạn cần xây dựng cho mình một bản kế hoạch kinh doanh tổng thể cho phòng tập gym của mình.
Trong bản kế hoạch kinh doanh, bạn cần xác định rõ mô hình kinh doanh của phòng tập. Có hai cách phân loại mô hình kinh doanh phòng tập thể hình cơ bản:
Theo loại hình kinh doanh
Phòng tập gym của bạn sẽ hoạt động theo hình thức chuyên biệt, tức chỉ hoạt động dưới dạng một phòng tập thể hình đơn thuần.
Hoặc kết hợp những loại hình kinh doanh khác có liên quan, như tập yoga, dance sports, hoặc tập aerobic.
Theo thu nhập khách hàng
Bạn sẽ kinh doanh phòng tập gym theo hướng bình dân, chỉ trang bị những trang thiết bị cơ bản, là nơi khách tự tới tập luyện với chi phí phòng tập phải chăng.
Hay phát triển phòng tập theo hướng cao cấp, hỗ trợ khách hàng với huấn luyện viên riêng, máy móc hiện đại.
Xác định rõ mô hình kinh doanh sẽ giúp bạn dễ dàng trong việc xác định vốn đầu tư, nhân lực, trang thiết bị tập luyện, kế hoạch truyền thông – marketing cho phòng tập gym.
3. Xác định vốn đầu tư cho phòng tập gym
Sau khi lựa chọn mô hình kinh doanh, đã đến lúc bạn cần xác định vốn đầu tư cho phòng tập gym.
Với những phòng tập bình dân, không yêu cầu phải trang bị quá nhiều máy móc đắt tiền, phục vụ chuyên biệt hoạt động tập thể hình, và không cần phải “nuôi” quá nhiều PT, chi phí đầu tư ban đầu thường rơi vào khoảng 500 triệu – 700 triệu đồng. Một con số vốn khá là ít với một phòng tập gym.
Với những phòng tập cao cấp, cần vốn đầu tư nhất định cho máy móc tập luyện, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh thuận lợi, cần đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, vốn đầu tư phải bỏ ra sẽ nằm trong khoảng 1,2 tỷ (là khoảng tiết kiệm) – 1,5 tỷ đồng ban đầu (nếu đầu tư vốn lớn).
4. Trang bị máy tập phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu
Theo kinh nghiệm thường thấy, nếu đối tượng khách hàng của phòng tập là nam, bạn nên đầu tư lượng trang thiết bị liên quan tới tạ là nhều nhất. Bởi nam giới thường có nhu cầu cải thiện thể hình liên quan tới vai, xô và ngực là nhiều nhất.
Nếu đối tượng chủ yếu của phòng tập là nữ, máy chạy bộ nên là trang thiết bị được quan tâm đầu tư. Vì các chị em phụ nữ thường chú trọng tới việc giảm mỡ bụng và làm thon dáng người là nhiều nhất.
5. Lựa chọn mặt bằng kinh doanh
Với phòng tập gym bình dân, bạn nên lựa chọn địa điểm kinh doanh đông dân cư, gần khu vực sinh sống của đối tượng khách hàng mục tiêu. Địa điểm có thể ở trong ngõ, hoặc ngoài mặt phố không quan trọng.
Với phòng tập gym cao cấp, địa điểm không chỉ phải nằm ở khu đông dân cư, mà còn phải thể hiện tính sang trọng, “high-end” của dịch vụ. Chính vì vậy, các phòng tập này thường tọa lạc tại trung tâm thương mại, hoặc ở mặt tiền khu phố lớn.
Điều kiện tiên quyết với bất kỳ phòng tập gym nào, đó là đem lại sự thoải mái với người tập. Chính vì thế, nó phải hội tụ những yếu tố sau:
- Diện tích phòng tập phải từ 70 m2 trở lên.
- Không gian rộng rãi, sạch sẽ.
- Có điều hòa và hệ thống thông khí tốt.
- Máy móc tập luyện đặt cách nhau một khoảng nhất định để đảm bảo sự an toàn và thoải mái của người tập.
- Nên có phòng tắm và phòng thay đồ cho khách có nhu cầu.
6. Tuyển dụng nhân lực cho phòng tập gym
Một phòng tập gym thành công phải có đội ngũ nhân lực gồm:
- Huấn luyện viên: Hỗ trợ và tư vấn khách hàng làm quen với giáo án tập luyện. Với những phòng tập cao cấp, đội ngũ nhân lực này cần phải chiếm số lượng lớn.
- Lễ tân: Đây là nhóm nhân lực mà khách hàng gặp đầu tiên khi đăng ký tập luyện tại phòng tập. Đội ngũ nhân lực này phải thể hiện sự nhiệt tình, thân thiện với hội viên.
- Tạp vụ: Nhóm nhân lực này phải đảm bảo phòng tập luôn sạch sẽ, gọn gàng.
- Quản lý: Đội ngũ nhân lực này có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng mới cho phòng tập, chăm sóc khách hàng cũ. Ngoài ra, đây cũng chính là bộ phận quản lý các thành phần nhân sự khác của phòng tập.
Mỗi bộ phận nhân sự một công việc. Nhiệm vụ của chủ phòng tập là đảm bảo các nhóm nhân sự có thể kết hợp với nhau trơn tru trong một chuỗi “mắt xích” hoạt động kinh doanh.
Nhiều khi tài sản lớn nhất của doanh nghiệp không nằm ở hệ thống máy móc tập luyện, mà lại nằm ở đội ngũ nhân sự chất lượng.
7. Hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh
Để có thể mở phòng tập gym, bạn cần hoàn thành các thủ tục giấy tờ cần thiết.
Bạn có 2 cách để đăng ký kinh doanh phòng tập thể hình.
Đăng ký kinh doanh dưới dạng kinh doanh hộ cá thể. Với phương thức này, bạn chỉ cần chứng minh thư và hợp đồng thuê mặt bằng đem đến UBND quận/huyện địa điểm bạn đặt phòng tập là có thể đăng ký kinh doanh.
Đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp. Theo nghị định 106/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh các hoạt động thể thao, bạn cần phải nộp những giấy tờ hành chính sau:
- Đơn đề nghị đăng ký kinh doanh và các giấy tờ có liên quan tới Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp kinh doanh.
- Đơn xin chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, và bản tóm tắt quá trình chuẩn bị để đáp ứng điều kiện kinh doanh, tới UBND, hoặc Sở Văn hóa – Thể thao cấp tỉnh.
Ngoài ra, huấn luyện viên của phòng gym cần phải có bằng cấp liên quan tới chuyên ngành thể thao từ bậc trung cấp trở lên (phù hợp với hoạt động thể thao xin đăng ký kinh doanh). Cơ sở vật chất phải đáp ứng yêu cầu về diện tích, mặt bằng, dụng cụ sơ cứu, điều kiện phòng cháy chữa cháy theo luật định.
8. Truyền thông, marketing cho phòng tập gym
Hoạt động truyền thông, marketing là cần thiết để phòng tập của bạn được khách hàng biết đến rộng rãi.
Sử dụng mạng xã hội, chạy quảng cáo trên Google hoặc Facebook, hay đẩy nội dung chuẩn SEO trên Website của phòng tập là một trong những cách truyền thông hiệu quả để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng.
>> Marketing Online là gì? Cẩm nang toàn diện về Marketing Online
Ngoài ra, các hoạt động tiếp thị truyền thống như thiết kế tờ rơi, thiết kế banner, thiết kế brochure quảng cáo cho phòng tập. Một số những kênh marketing như giảm giá, thiết lập hệ thống tặng điểm thưởng, khách hàng thân thiết cũng nên được quan tâm.
Cần làm gì tiếp theo?
Trong những công việc tiếp theo, cần cân nhắc việc thiết kế logo cho phòng tập gym để cải thiện mức độ nhận diện của thương hiệu bạn.
Để phòng ngừa những rủi ro liên quan tới việc khách hàng không may làm hỏng thiết bị tập luyện trong phòng tập, bạn cũng nên xem xét tới yếu tố khấu hao tài sản cố định. Chi phí cho mỗi máy tập thường không rẻ tiền, ngay cả với những máy móc bình dân, cơ bản nhất.
Hoạt động giữ nhân tài của phòng tập cũng cần phải được quan tâm. Hiện nay, số lượng phòng gym ở các thành phố lớn mọc lên như nấm. Nếu bạn không có các kế hoạch trọng dụng nhân lực (như chế độ lương thưởng, hoa hồng,…), rất có thể họ sẽ đầu quân cho đối thủ của bạn.
Để tối đa hóa doanh thu, bạn có thể kết hợp kinh doanh một số mặt hàng có liên quan tới hoạt động thể thao, tập thể hình, như bột Whey, quần áo thể thao,… Khách hàng sẽ rất vui lòng sử dụng các sản phẩm có thể bổ trợ cho hoạt động tập luyện của họ.
Hy vọng những kinh nghiệm vừa rồi sẽ giúp bạn lên kế hoạch và thực hiện những bước đi cụ thể cho hoạt động kinh doanh phòng tập gym trong tương lai.
Khám phá thêm những bài viết của Uplevo về kinh doanh.