Mẹ vợ, con rể

Chị, phụ nữ đơn thân, có năm đứa con gái. Gọi chị là doanh nhân thành đạt thì hơi quá bởi chị vẫn còn nhiều lắm mối lo toan. Làm ăn, người nợ mình, mình nợ người, ngày nào đó “ùm xòe” biết thế nào mà lần. Thương trường là chiến trường, lao tâm khổ tứ.

Ba cô con gái lớn lập gia đình ra riêng một tay chị lo hết từ nhà cửa, xe cộ và mỗi cô một cơ sở làm ăn. Ngoài thu nhập chính, các cô còn được mẹ hỗ trợ tiền hằng tháng. Chị quan niệm, con gái chị không ngửa tay xin tiền chồng nhưng cũng không phải vất vả ngược xuôi kiếm tiền nuôi con. Tiền con rể đưa cho vợ lấy đó chi dụng gia đình, khoảng trời riêng mua sắm, tiêu pha của con gái không ảnh hưởng đến chồng và con cái.

Ba anh con rể đều quý mẹ vợ không phải vì mẹ vợ giàu có, xởi lởi, cho con gái tiền hằng tháng mà đơn giản chỉ là mẹ vợ thương con rể thôi. Còn nữa, mẹ con (rể) hợp nhau và có thể nói chuyện với nhau hàng giờ, điều mà mẹ không có với con gái. Điều hay nữa, thuộc “hàng hiếm” là ba anh con rể là bạn thân của nhau.

Ban đầu, một anh quen với một cô, rồi giới thiệu cho hai anh còn lại. Về làm rể một nhà lại là bạn thân nên ba anh tâm đầu ý hợp lắm, nhất là tiệc tùng, ba anh có dịp ngồi nâng ly, nói chuyện đến “tàn canh” mà không bị cô vợ nào cằn nhằn, nhăn nhó, nhắc nhở kêu chồng đứng lên, đi về.

Thêm chuyện hiếm gặp là có hôm khuya khoắt mẹ vợ giật mình vì tiếng chuông gọi cửa của con rể. Thì ra lỡ quá chén với bạn bè, vợ giận không mở cửa cho vào nhà, cầu cứu mẹ vợ là an toàn nhất. Mẹ vợ đã chứa chấp, còn lên tiếng bênh vực con rể, nó quý mẹ mới về nhà mẹ xin ngủ nhờ chứ nó dư sức thuê khách sạn ngủ qua đêm, còn nữa là nó biết giữ gìn hạnh phúc gia đình, cũng như biết tôn trọng vợ. Do đó, nhà mẹ vợ được các anh gọi là nhà “tạm lánh”.

Tất nhiên, sáng ra, phải có cú điện thoại bảo lãnh của mẹ vợ, các anh mới được cho về nhà. Nhiều khi con gái làm căng với chồng, cằn nhằn mẹ “vẽ đường cho hươu chạy”.

Chị biết, con gái chị vốn được nuông chiều, không phải làm dâu nên không thuộc loại biết ăn ở, cư xử phải phép lắm, cho nên không chỉ giải quyết “thấu tình, đạt lý” mà còn không được nghiêng tình cảm về bên nào. Không bênh con gái cũng không đe con rể. Ôi, con lớn, lập gia đình ra riêng, tưởng yên mà có yên?

Một gia đình đã thấy khó xử rồi đằng này đến ba gia đình, còn hai cô độc thân nữa. Người xưa nói, con gái như hũ mắm treo đầu giường cấm có sai. Xử sự không khéo dễ “rã đám” như chơi!

Tất nhiên ba anh con rể không lợi dụng sự biết điều của mẹ vợ, hiếm lắm mới dám “xé rào” bởi các anh biết vợ mình dữ, làm quá gặp ca khó mẹ vợ lắc đầu coi như… ra đường.

Nhiều người nghe chuyện nói chị hạnh phúc vì hòa hợp được với con rể, tuy nhiên chỉ mình chị biết, nuôi con lớn, dạy dỗ con nên người không chỉ đến trưởng thành là hết mà còn phải can thiệp dạy con cách xử sự khi có gia đình riêng. Bây giờ bạn trẻ thường quan niệm, không hợp là chia tay, để lâu mất thời gian, phí tuổi xuân. Trải nghiệm nhiều chị hiểu, tình vợ chồng đâu phải “có chuyện” là ký đơn?

Chị muốn nhà chị có con cháu về đông vui đủ cặp, không muốn thấy đứa con nào mang gương mặt buồn. Tất nhiên trong khuôn khổ biết điều, biết phải quấy, không phải cứ được mẹ vợ cưng mà các anh rể muốn làm gì thì làm.

Ăn dễ, ở khó; dâu là con, rể là khách – với khách, luôn là thái độ trân trọng, quý mến, ngoài mặt không bênh con gái mình nhưng sau đó phải phân tích cho con gái hiểu, nhịn chồng một chút không phải thua thiệt mà đó là đức tính quý báu; nói cho con rể biết, thương vợ, vợ chồng tương kính là chuyện bình thường một khi đã gắn kết đời nhau. Lý thuyết là vậy, còn thực tế thì… Tuy nhiên, cứ phải làm hết sức mình, một khi nói được thẳng thắn với nhau cùng hiểu, thông cảm đã là thành công.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *