Những điều nhỏ nhặt

Câu chuyện không có gì mà hai mẹ con ầm ĩ rồi giận nhau cả buổi tối, cô con gái út đang học lớp 11 bỏ bữa cơm chiều ra ban công ngồi khóc. Dở hơn nữa là có cô giáo đến dạy đàn chứng kiến.

Chiều đi học về, cô vào phòng mình và thấy có vài thứ bị xáo trộn. Không hiểu do ở trường cô có chuyện buồn, bị điểm thấp hay bị bạn bè nói xấu mà cô bực bội lắm. Cô chạy xộc ra phòng khách hỏi thật lớn (lúc ấy mẹ cô đang trao đổi qua điện thoại với khách hàng) rằng ai đã vào phòng cô lục lọi đồ đạc. Hai chị lớn và cô giúp việc đều nói “không”.

Cô giúp việc còn cho biết sáng nay không lau dọn phòng cô vì đã dọn hôm qua rồi. Mẹ cô rời điện thoại nhìn cô và nói: “Là mẹ đó”. Bà nói thêm, mẹ có vào phòng con mở ngăn tủ thấy có mấy bức tranh con vẽ đẹp quá nên mẹ lấy ra xem. Bà mẹ nói thật nhưng chưa nói hết.

Thật ra là khi phát hiện tranh quá đẹp, khi ấy có cô chị đầu (đã lấy chồng ra riêng) về nhà chơi, bà liền gọi con gái lớn vào khoe. Cô chị vốn tánh hơi bốc đồng đã lục ngăn tủ của em lấy tất cả những bức tranh bỏ ra giường, chụp hình và post Facebook khoe tranh em gái vẽ (đây còn là điều mà cô út rất kỵ).

Cô chị làm những thao tác ấy xong thì vừa đến giờ đón con, nên dọn vội vàng vào tủ cho em mà không chú ý thứ tự sắp xếp ban đầu.

Bà mẹ giận con út lắm. Vừa lúc cô giáo dạy đàn đến. Cô út còn to tiếng với mẹ là tại sao mẹ tự ý vào phòng con lục lọi đồ đạc, mẹ muốn tìm gì cũng phải đợi con về. Lúc này bà mẹ hết kiên nhẫn hay dịu dàng với con, thêm nữa bà thấy xấu hổ vì có cô giáo mà con gái có thái độ hỗn hào với mẹ. Bà quay sang cô giáo nói: “Hôm nay xin phép cô cho em nghỉ học và có thể sẽ không học nữa cho tới khi nào em ấy xin lỗi vì có thái độ to tiếng với mọi người trong nhà”.

Bà nhấn mạnh, thậm chí ngày mai con gái cũng sẽ không được đến trường, học hành giỏi giang, tiếng Anh như gió, giải toán rào rào làm gì khi không biết cách cư xử với người lớn. Muốn học văn hóa trước hết phải có căn bản làm người đã.

Tiếp đó là một bài “lên lớp” dài, rằng thế hệ của bà lớn lên trong đói, nghèo, phải vừa học vừa làm, phấn đấu cật lực mới có để con cái được tiện nghi như hôm nay, con út sướng quá đâm hư. Bà tràng giang đại hải rằng con gái hãy nhìn bạn bè cùng trang lứa đang sống trong những vùng lũ lụt, phải chờ người đến cứu trợ, thèm được đi học, thèm thấy sách vở vì mọi thứ đã trôi theo mưa lũ hết rồi… Cuối cùng, bà gọi điện cho lái xe ngày mai không đưa con gái đi học nữa.

Sau đó cả nhà ai nấy lặng lẽ lui vào góc riêng của mình, bà mẹ cũng vào phòng, mặc kệ con út ngồi khóc rấm rứt.

Phân tích sẽ thấy, lý do cô út bực tức không phải không đúng. Cô không thích có ai đó vào phòng cô và tò mò đồ đạc của cô mà cô cho rằng đó là vi phạm quyền riêng tư. Phần bà mẹ la rầy con gái, lây sang cả cô giáo bị “văng miểng” cũng không sai. Ai chẳng có lúc nóng giận, thái độ con gái như thế là không được, cần phải chấn chỉnh; muốn giỏi giang, thành đạt trước hết phải biết làm người, biết trên dưới, lễ phép, nhường nhịn, chịu thiệt thòi một chút cũng không sao!

Khuya đó, cô út vào phòng mẹ và nói lời xin lỗi. Lúc này bà mẹ mới nói thật là ban chiều chị hai có lấy mấy bức tranh chụp hình post Facebook, biết con út không thích điều đó, nhưng chị đã làm rồi và chẳng qua là vì chị thương và hãnh diện cô em giỏi giang xinh đẹp nên đừng trách chị hai.

Cô út thêm cú sốc nữa nhưng cô nghe lời mẹ, không “truy cứu trách nhiệm” chị hai, cô nói thêm là cô không muốn có lần sau như vậy nữa. Tất nhiên sau đó bà mẹ gọi điện cho cô giáo dạy đàn và anh tài xế bảo rằng mọi thứ đã bình thường rồi!

Trong cuộc sống, những chuyện vặt vãnh gia đình như vậy xảy ra rất nhiều, hằng ngày đôi khi có những chuyện không đáng mà thành bão to, không giải quyết nổi! Trường hợp này cả mẹ và con gái đều biết cách giải quyết vấn đề trở nên có hậu sau cơn giận.

Bởi thế, điều nhỏ nhặt, vụn vặt nào trong cuộc sống cũng có thể làm bài học cả!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *