Nuôi dạy con là một việc không dễ dàng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thách thức sẽ còn lớn hơn nếu ta phải nuôi con một mình, không có bạn đời bên cạnh.
Một mình nuôi con cũng có nghĩa là có thêm nhiều áp lực, mệt mỏi và stress. Nếu người làm mẹ (làm cha) đơn thân quá mệt mỏi hoặc quá nghiêm khắc với con thì trẻ có thể gặp nhiều vấn đề thuộc về hành vi hơn. Những gia đình với cha mẹ đơn thân cũng thường phải lo lắng về chuyện tài chính nhiều hơn vì họ chỉ có một nguồn thu nhập chính. Và còn một nỗi lo nữa – lo con sẽ thiếu vắng một hình mẫu (về người đàn ông hoặc phụ nữ).
Dù ở trời Đông hay trời Tây, xã hội vẫn thường bày tỏ sự cảm thương với những người nuôi con một mình. Nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu rằng họ cần phải có một số chiến lược tích cực nhằm giúp họ giảm thiểu áp lực và căng thẳng.
- Thể hiện tình yêu dành cho con. Dành thời gian hằng ngày để chơi, đọc hoặc đơn giản là ngồi cùng với con. Trao cho con sự hỗ trợ và tình yêu không điều kiện.
- Xây dựng thời gian biểu và đặt ra những giới hạn. Quy định thời gian ăn, ngủ… giúp trẻ tạo thói quen tốt. Giải thích những nguyên tắc và mong đợi đối với trẻ, đồng thời đôn đốc trẻ.
- Đừng để cảm giác có tội đè nặng. Không nên tự trách chính mình hoặc nuông chiều thái quá và làm hư con như một cách bù đắp cho con.
- Chùm sóc bản thân. Đừng quên đưa hoạt động thể chất vào lịch trình hằng ngày, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ. Sắp xếp thời gian (ít nhất vài tiếng mỗi tuần) để có thể tận hưởng một mình hoặc ở cùng với bạn bè. Và một điều nữa là sức khỏe tinh thần của cha mẹ đơn thân là rất quan trọng.
- Tìm sự hỗ trợ của người khác. Kết nối và chia sẻ với những người mẹ người cha có cùng hoàn cảnh. Người thân, bạn bè và hàng xóm tốt cũng có thể hỗ trợ nhiều. Tuy nhiên, nên thận trọng khi nhờ một người bạn (hoặc bạn trai, bạn gái) mới quen trông chừng con trẻ.
- Đừng tự khép lại các mục tiêu cá nhân. Chẳng hạn như tiếp tục học lên cao hay tham gia một khóa đào tạo nào đó. Chuyện học thêm một kỹ năng mới có thể là chuyện quá sức với các bà mẹ đơn thân. Nhưng những bước đi nhỏ sẽ tạo nên sự khác biệt lớn.
- Giữ thái độ tích cực. Khi gặp khó khăn, thái độ cởi mở và trung thực với con là bình thường nhưng nên nhắc con rằng mọi thứ rồi sẽ tốt hơn. Cần trao cho con một mức độ trách nhiệm phù hợp với lứa tuổi, như thế, sẽ tốt hơn là cứ mong đợi con phải cư xử như một “người lớn bé nhỏ”. Và không quên giữ thái độ hài hước khi đối mặt với những thách thức xảy ra hằng ngày. Còn mỗi khi đạt được một thành quả nào đó, dù nhỏ dù lớn, hãy biết cách tự mỉm cười đầy tự hào.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng những người con tuổi teen của cha mẹ đơn thân dễ bị trầm cảm và tự ti hơn. Những dấu hiệu trầm cảm bao gồm sự cô lập trong đời sống xã hội, cảm giác buồn bã, đơn độc và không được yêu thương, không thích ngoại hình của bản thân, dễ giận dữ và cảm giác vô vọng.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng khi trẻ lớn lên trong những gia đình có cha mẹ đơn thân thì con trai sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn con gái, đặc biệt là trong trường hợp người mẹ cũng đồng thời làm cha. Người mẹ chiếm số đông trong các gia đình có cha mẹ đơn thân và dù họ hết sức nỗ lực nhưng các cậu con trai có thể cảm thấy đơn độc, thiếu vắng. Nhu cầu gia nhập nhóm để tự khẳng định bản thân có thể khiến trẻ dễ bị lạm dụng. Người mẹ đơn thân cần kiên nhẫn, sẵn sàng hỗ trợ và chủ động tìm kiếm các hoạt động, các hình mẫu để con trai thích nghi với cảm giác giận dữ, chán ghét và dễ bị tổn thương. Những người cha đơn thân cũng cần biết cảm thông, thấu hiểu và an ủi con trai của họ để làm dịu bớt sự vắng mặt của người mẹ.
Hãy trò chuyện với con về chuyện ly thân hoặc ly dị
Nhiều gia đình có cha mẹ đơn thân là kết quả của việc ly thân hay ly dị. Lâm vào cuộc chiến dai dẳng với người kia sau khi ly thân, ly dị dường như là chuyện khá phổ biến. Thế nhưng, thay vì cố ép họ trở thành một người cha người mẹ như mình mong muốn, bạn nên tập trung để nuôi dạy con một cách tốt nhất có thể.
Nên nói chuyện với con về những thay đổi mà người mẹ, người cha đang đối mặt. Hãy lắng nghe cảm xúc của con và trả lời những câu hỏi của trẻ một cách thẳng thắn – tránh nói về các chi tiết không cần thiết và “bêu xấu” người cha (người mẹ) kia. Cũng không quên nói với con rằng chúng không liên quan gì đến nguyên nhân của sự chia cách này và bạn luôn yêu thương con.
Chuyện hẹn hò của cha mẹ đơn thân
Rồi con sẽ yêu và có những mối quan hệ lãng mạn khi trưởng thành, nên bạn đừng che giấu chuyện hẹn hò với trẻ mà nên cho trẻ nhận thấy những ảnh hưởng lành mạnh, tích cực trong tình yêu.
Tuy nhiên, khi bắt đầu hẹn hò với người mới thì nên cân nhắc về ảnh hưởng của người này với con. Hãy tìm người biết tôn trọng cả bạn và con, có thể nên chờ đến lúc mối quan hệ đã thật sự nghiêm túc rồi hãy giới thiệu người đó với con.
Chủ động “bổ sung” những hình mẫu tích cực cho trẻ
Các phụ huynh đơn thân có một vị trí đặc biệt trong cuộc sống của con vì họ đảm đương cả hai vai trò của mẹ và cha do người còn lại đã khuất, do ly dị, do họ bỏ rơi đứa trẻ hay hoàn toàn bỏ qua trách nhiệm này.
Người mẹ hoặc người cha nên tránh gieo vào đầu trẻ những nhận xét tiêu cực về người khác phái. Xây dựng mối quan hệ với những người có phẩm chất tốt cũng là cách “bổ sung” những hình mẫu tích cực cho trẻ; đồng thời chỉ ra cho trẻ thấy những thành tựu, phẩm chất đáng quý của các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng hoặc thậm chí trên truyền thông. Chẳng hạn, người làm mẹ đơn thân nên chỉ cho trẻ thấy các phẩm chất tốt đẹp ở những người đàn ông chung quanh.
Nuôi con một mình có thể là một hành trình đầy thách thức nhưng cũng đầy hoa thơm trái ngọt. Tình yêu, sự trung thực và thái độ tích cực sẽ giúp những phụ huynh đơn độc này giảm bớt áp lực và đưa con họ trưởng thành.
– Tổng hợp
Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/nuoi-con-mot-minh-can-co-chien-luoc-322746.html
- Những bí quyết giúp shop mới nâng cao lợi thế cạnh tranh của mình trên Shopee
- Thanh toán QR Code là gì? Hướng dẫn cách sử dụng QR Code để thanh toán
- Một số câu hỏi liên quan đến đánh giá sản phẩm trên gian hàng Tiki
- Mẹo giúp người bán tối ưu hóa xử lý đơn hàng trong các dịp siêu sale Shopee
- Làm gì khi khách hàng ‘say NO’ với sản phẩm của bạn?