Nuôi dưỡng sở thích của con

Sưu tập tem, đọc sách, hát, vẽ, làm đồ thủ công hay đá bóng – các sở thích thật sự là một phần quan trọng giúp phát triển bản sắc của mỗi cá nhân chúng ta.

Sở thích cho phép ta tạm lánh khỏi những áp lực và căng thẳng của cuộc sống hằng ngày. Và điều này cũng có thể áp dụng cho trẻ nhỏ. Việc học tập và thi cử liên miên có thể làm trẻ rất mệt mỏi. Theo đuổi sở thích giúp trẻ thư giãn và nuôi dưỡng những mối quan tâm riêng của chúng. Khi được làm điều mình yêu thích, trẻ thường ở trong trạng thái thăng hoa và thực sự “sống trong hiện tại” thay vì phải bận tâm về quá khứ hoặc lo nghĩ về những gì sắp xảy ra ngày mai. Được sống trong hiện tại là một trạng thái rất lành mạnh.

nuoi-duong-so-thich-cua-con

Một số sở thích mang tính cạnh tranh cao, một số khác thì không như vậy. Nhưng hầu hết sở thích đều giúp phát triển những kỹ năng khiến chúng ta cảm thấy đủ đầy năng lực, hiểu biết và mạnh mẽ hơn nếu như thực hành thường xuyên. Vì thế, nuôi dưỡng sở thích giúp ích nhiều cho việc xây dựng lòng tự trọng và sự tự tin.

Nhiều sở thích làm cho cơ thể mạnh mẽ hơn, đôi mắt thêm tinh tường hoặc đôi bàn tay thành thạo hơn. Đây cũng là cách chơi mà học. Sở thích thường mang đến những tình bạn và quan hệ mới nhờ chia sẻ cùng một mối quan tâm với nhau và cũng là một tài sản hữu ích một khi trẻ phải trải qua khó khăn trong tình bạn hay trong đời sống gia đình.

Dưới đây là những cách để cha mẹ có thể nuôi dưỡng sở thích của trẻ.

Khuyến khích cá tính và hỗ trợ trẻ

Đôi khi trẻ chỉ muốn có cùng sở thích như bạn bè. Hãy thử khuyến khích trẻ khám phá sở thích riêng và tìm thấy “tình yêu thực sự”. Trẻ có lẽ cần một bàn tay hỗ trợ để có thể tự mình thử nghiệm điều gì đó mới mẻ. Vì vậy, phụ huynh đừng quên quan sát và giúp trẻ định hướng. Trẻ luôn thích nhào lộn và xoay người nhanh? Có lẽ thể dục dụng cụ sẽ phù hợp và mang lại niềm vui cho trẻ.

Giới thiệu cho trẻ những sự chọn lựa

Con gái của bạn có thể chưa từng nghe nói tới origami (nghệ thuật gấp giấy có xuất xứ từ Nhật Bản) và cậu con trai thậm chí không nghĩ rằng con trai có thể học ballet. Hãy cho trẻ biết thế giới này có gì và sở thích nào thì phù hợp với túi tiền của bạn.

Khuyến khích “những sở thích thoải mái”

Thoải mái ở đây có nghĩa là thoải mái về tiền và thời gian để trẻ có thể dễ dàng thực hành sở thích. Trẻ có thể đắm mình vào một sở thích như thế bất cứ lúc nào chúng thích mà không bị ràng buộc bởi thời gian biểu hoặc căng thẳng tài chính. Chẳng hạn như đọc sách, chạy bộ hoặc thậm chí học một ngôn ngữ mới trên phần mềm máy tính.

Nên ứng xử với chuyện sở thích một cách nhẹ nhàng

Nếu bạn đầu tư quá nhiều tiền của và năng lượng để nuông chiều sở thích của con để rồi chúng lại muốn theo đuổi sở thích khác thì điều đó sẽ gây ra sự giận dữ, bực tức không đáng có. Nên giữ sự cân bằng giữa cuộc sống của bạn và cuộc sống của con.

Cũng đừng quanh quẩn với hy vọng con bạn sẽ trở thành vận động viên Olympic hoặc nhạc sĩ đẳng cấp thế giới. Nhiều đứa trẻ trải qua các sở thích và mối quan tâm khác nhau như là một phần của quá trình phát triển. Cha mẹ nên ứng xử thoải mái, nhẹ nhàng với chuyện này. Hãy đợi xem trẻ thực sự theo đuổi đến mức nào trước khi đầu tư vào dụng cụ, phương tiện và chấp nhận rằng mối quan tâm đó có thể không tồn tại mãi.

“Buông bỏ” sự cạnh tranh

Theo đuổi sở thích là để vui vẻ và tận hưởng. Vì vậy nên quá trình trải nghiệm mới quan trọng chứ không phải là sản phẩm, miễn sao trẻ thấy vui thích là xem như đã “gặt hái kết quả”. Trường học và nhiều chuyện khác nữa trong cuộc sống đã có đủ áp lực cạnh tranh.

Hãy là hình mẫu cho trẻ

Trẻ con làm theo những gì bạn làm, chứ không phải những gì bạn nói. Việc dành thời gian để tự mình nuông chiều một sở thích mà bạn muốn khuyến khích con đón nhận và tận hưởng trong quá trình phát triển bản thân cũng có ích cho sức khỏe tinh thần của chính bạn. Hãy cho trẻ nhìn thấy bạn dành thời gian để tách khỏi công việc, việc nhà và thư giãn với một sở thích nào đó.

– Theo Emotionally Healthy Kids

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *