Phải chăng bụt chùa nhà không thiêng?

Khi xem bộ phim Time between Dog and Wolf được phát trên HTV7 cách đây không lâu (phim hành động – tình cảm của Hàn Quốc, được giải  thưởng phim truyền hình xuất sắc nhất của Liên hoan phim Seoul lần thứ 3), có lẽ suy nghĩ chung của khán giả là tác giả kịch bản đã cố ý nhấn mạnh về quan niệm nghề cha truyền con nối.

Nội dung phim nói về nghề tình báo thông qua một vụ phá án ma túy lớn tầm quốc tế. Hai nhân vật nam chính là các tình báo viên.

Nếu một người vào nghề do ảnh hưởng từ người cha, thì người kia như mang gien di truyền trong máu huyết và có ý thức báo thù cho cha mẹ (đều làm tình báo, bị chết dưới tay bọn xã hội đen).

Có một chi tiết khá lý thú là khi anh chàng tình báo viên ra mắt cha của người yêu, ông bố hỏi chàng trai về nghề nghiệp của anh (tất nhiên anh không nói cụ thể làm nghề gì); khi hỏi đến nghề nghiệp người bố, anh trả lời bố cũng làm nghề như anh.

Ông bố cô người yêu đã nói rằng gia đình anh thật có phước khi có con trai nối nghiệp bố và ông tiếc là con gái mình chẳng chịu theo nghiệp bố.

Có đúng thật là may mắn cho gia đình nào có con cái nối nghiệp cha mẹ?

Hiện nay, nhiều bạn trẻ không muốn làm việc cho cha mẹ vì nhiều lý do muốn tự do bay nhảy, không muốn bị cha mẹ cai quản hay lệ thuộc vào cha mẹ, không muốn núp dưới cái bóng cha mẹ mình…).

Bay nhảy

Nhiều ông bố bà mẹ than thở con cái mình cứ thích đi làm ở đâu đâu, không chịu về nhà làm việc. Họ có thể trả lương gấp đôi, gấp ba nhưng cậu con trai nhất định không chịu “làm thuê” cho cha mẹ.

Cậu ta không muốn bị cha mẹ quản lý về giờ giấc, cách làm việc, nói thẳng ra là muốn… tránh mặt cha mẹ, khỏi bị cha mẹ xét nét. Nói chung là “Bụt chùa nhà không thiêng”!

Một bà mẹ than phiền về cô con gái duy nhất của mình rằng cho cô học ngành kinh tế với mục đích sau này cai quản cơ ngơi gia đình, vậy mà tốt nghiệp xong, cô đi du học mất tiêu!

Khổ nỗi là những năm cô đi du học là thời đỉnh cao sự nghiệp làm ăn của cha mẹ, cũng là giai đoạn  tốt nhất để cô về nắm bắt công việc của công ty cho chuyện kế thừa sau này.

Thế nhưng, cô ấy như con chim bay mãi. Lý do cô đưa ra là cô muốn tích lũy nhiều kinh nghiệm, nhưng mẹ cô cho rằng đó là điều không cần thiết, học ngoài đời chưa chắc bằng học từ cha mẹ vì không ai chỉ bảo con cái cặn kẽ hơn cha mẹ.

Còn có những lý do khác nữa mà con cái không muốn theo nghề của gia đình. Đó là họ thấy cha mẹ cực khổ quá. Có những ông bố bà mẹ làm ngành y luôn mong muốn con mình theo nghề cha mẹ, thế nhưng con cái luôn từ chối. Họ không muốn đi con đường khổ ải ấy!

Cũng có những cô, cậu chỉ thích đời công chức khi họ chứng kiến cha mẹ mình quá lao tâm khổ tứ với chuyện kinh doanh buôn bán.

Ngược lại, con cái gia đình công chức thì quá ngán cảnh sớm vác ô đi tối vác về của bố mẹ, chỉ đủ ăn là may, giàu có là chuyện quá xa vời!

Quản lý việc làm ăn của gia đình - Phải chăng bụt chùa nhà không thiêng? - 2

Về tắm ao ta

Một bạn trẻ tâm sự rằng hồi mới ra trường, cô nhận ngay một việc làm khá thú vị trong một cơ quan quản lý nhà nước, một chỗ làm được nhiều người mơ ước.

Thế nhưng, mẹ cô “dỗ dành” cô về nhà… bán bánh mì! Đó là vì gia đình cô có một lò bánh mì nổi tiếng (có thương hiệu).

Mẹ cô sẵn sàng trả lương gấp ba lần lương công chức của cô, mà công việc chỉ là giám sát, kiểm tra. Hằng ngày cô đi một vòng các “chi nhánh”, ghi nhận tình hình mua bán.

Thời gian đầu, cô chán vì công việc đơn điệu và rõ ràng là không có tương lai. Nhìn bạn bè bay nhảy công ty này, công ty kia cô thấy họ sướng quá!

Sau đó, mẹ giao cho cô việc đặt hàng nguyên liệu, rồi tiến tới phụ trách kiểm tra khâu chế biến… Công việc nối tiếp công việc một cách từ từ mà tiến.

Dần dà, không biết từ lúc nào, cô đã nắm hết được tất cả việc kinh doanh của gia đình, từ bí quyết chế biến đến lượng bán ra hằng ngày và kế hoạch tuần, tháng, quý, năm…

Giờ đây, cô gần như là người giữ vai trò chủ chốt trong công việc. Mẹ cô rất tự hào về cô cũng như tự hào về cách đào tạo của mình.

Nhiều bạn trẻ sau thời gian bôn ba bên ngoài dần “ngộ” ra ý  nghĩa của cụm từ “về tắm ao ta”. Có bạn tâm sự rằng làm bên ngoài cũng học được ít nhiều kinh nghiệm, nhưng về nhà, nắm bắt ngay việc gia đình lại có cái lợi khác.

Cũng có những ông bố, bà mẹ thất vọng khi con cái không đáp ứng được yêu cầu của cha mẹ trong việc quản lý làm ăn của gia đình mà phần nhiều do ỷ lại, không biết lo, quán xuyến…

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện về nhà làm việc. Do đó, “về tắm ao ta” là cách giải quyết khá tối ưu trong thời buổi khó kiếm việc như hiện nay và là điều mà các bạn trẻ cần suy nghĩ.

Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/phai-chang-but-chua-nha-khong-thieng-464516.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *