Kinh doanh quán cafe thường có mức độ cạnh tranh khá lớn. Dù bạn là một quán cafe nhỏ, vừa hay lớn thì cũng đều có những đối thủ cạnh tranh nhất định. Vì thế, sản phẩm, dịch vụ của bạn hoàn toàn có thể bị thay thế bởi đối thủ. Mức độ cạnh tranh càng cao thì việc phân tích đối thủ kỹ lưỡng, nhanh chóng, chính xác là điều rất cần thiết. Phân tích đối thủ sẽ giúp tạo ra thêm lợi thế cạnh tranh. Hãy cùng Hoc11.vn tìm hiểu 7 bước phân tích đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh quán cafe qua bài viết này.
1. Xác định đối thủ cạnh tranh của quán cafe
Để xác định đối thủ cạnh tranh chính xác của quán cafe thì trước đó, chủ quán cần xác định được phân khúc thị trường cũng như khu vực hoạt động của quán mình. Muốn xác định được đối thủ cạnh tranh của quán, bạn nên dành thời gian đi các quán cafe quanh khu vực kinh doanh của mình và trải nghiệm để lý giải các câu hỏi như:
- Các quán cafe khác đang kinh doanh như thế nào?
- Họ có lượng khách hàng thường xuyên là ai? (Đối tượng khách hàng thường xuyên ghé đến quán họ?)
- Điểm nhấn thu hút khách hàng của họ là gì?
- Họ đang mở rộng, duy trì hay thu hẹp quy mô kinh doanh?
Khi bạn trả lời được càng nhiều câu hỏi với các khía cạnh khác nhau thì bạn càng xác định được rõ ràng bức tranh về đối thủ của mình. Sau khi khảo sát, xác định đối thủ cạnh tranh, chúng ta có thể phân loại đối thủ thành 3 dạng:
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp:
Đây là các quán cafe cung cấp đồ uống giống bạn, theo phong cách giống bạn. Họ cùng nhắm đến một đối tượng khách hàng, phục vụ cùng một nhu cầu giống bạn. Quan trọng hơn, dịch vụ, sản phẩm họ cung cấp hoàn toàn có thể thay thế cho quán cafe của bạn.
Khi xác định đối thủ cạnh tranh, có một lưu ý bạn nên xem xét là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của bạn có thể không chung một địa bàn kinh doanh giống bạn nhưng vẫn cạnh tranh trực tiếp nếu họ có dịch vụ vận chuyển đồ uống, giao hàng tận nơi cho khách hàng.
Ví dụ: Các quán cafe sách cùng cung cấp dịch vụ đồ uống kèm theo không gian đọc sách tại chung một khu vực sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nhau. Họ giống nhau về sản phẩm, dịch vụ, khách hàng mục tiêu, khu vực kinh doanh và cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Đối thủ cạnh tranh gián tiếp:
Đây là các cửa hàng, địa điểm kinh doanh có thể không bán cafe, không bán các loại đồ uống giống bạn. Nhưng, cửa hàng của họ có thể đáp ứng các nhu cầu, giải quyết các vấn đề của khách hàng giống bạn.
Ví dụ: Các quán cafe vỉa hè, cafe bệt và cafe thương hiệu sang trọng là đối thủ cạnh tranh gián tiếp với nhau. Họ có nhiều điểm khác biệt về cách thức bán hàng, không gian, đặc thù dịch vụ riêng nhưng cùng đáp ứng nhu cầu uống cafe cho khách hàng. Khách hàng có thể mua cafe tại quán vỉa hè hay quán thương hiệu thì vẫn giải quyết được nhu cầu của mình.
Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn:
Đây là các cửa hàng, địa điểm kinh doanh chưa kinh doanh, bán cafe nhưng với tiềm lực, khả năng phát triển, họ có thể gia nhập thị trường và ảnh hưởng, cạnh tranh với bạn trong tương lai.
Ví dụ: Các nhà hàng bán đồ ăn nhanh trong giai đoạn mới phát triển chưa bán cafe. Nhưng, cùng với việc đáp ứng nhu cầu đồ uống cho khách hàng, họ bắt đầu thêm lựa chọn cafe và các loại đồ uống khác vào menu lựa chọn.
2. Phân tích sản phẩm của đối thủ cạnh tranh
Chúng ta cần phân tích sản phẩm của các quán cafe cạnh tranh. Bạn cần xem xét những yếu tố như:
- Họ cung cấp những sản phẩm gì?
- Sản phẩm của họ có đa dạng không?
- Chất lượng sản phẩm như thế nào?
- Điều gì khiến khách hàng quay lại quán của họ?
- Điều gì về sản phẩm của đối thủ khiến khách hàng khó chịu, chưa hài lòng?
Ở bước này, bạn hãy xem xét thực đơn, các lựa chọn đồ uống mà đối thủ có thể cung cấp. Dưới đây là các câu hỏi gợi ý giúp bạn phân tích sản phẩm của đối thủ:
- Đối thủ cung cấp bao nhiêu lựa chọn đồ uống?
- Đối thủ có cho khách hàng lựa chọn mix các vị với nhau không?
- Với những khách hàng không uống cafe, họ có những lựa chọn nào khác?
- Đối thủ có bán đồ ăn chế biến hay chỉ là các món đồ ăn nhanh?
- Trên menu, đối thủ có thiết kế điểm nhấn giúp khách hàng dễ lựa chọn không?
- Đối thủ có hướng phong cách quán đến một nhóm đối tượng khách hàng cụ thể nào không? Ví dụ như cafe sách, cafe chó, cafe mèo… .
- Họ có các đồ uống dạng nước trái cây hay sinh tố không?
- Họ đang bán giá thấp hơn hay cao hơn thị trường? Tại sao lại như vậy, điều đó có hợp lý với họ không?
- Họ có giảm giá hoặc thực hiện khuyến mãi không?
Có một lưu ý bạn nên xem xét điều chỉnh cho quán cafe của mình. Đó là, thông thường cả bạn, đối thủ cũng như nhiều người khác đều nghĩ rằng chìa khóa giúp thu hút được khách hàng là nhờ đa dạng hóa đồ uống. Vậy nên bạn nghĩ rằng cung cấp trong menu càng nhiều lựa chọn cho khách hàng thì càng tốt.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học đã cảnh báo về nghịch lý của sự lựa chọn. Khi con người càng có nhiều lựa chọn, họ sẽ càng cảm thấy choáng ngợp và khó đưa ra quyết định mua hàng. Khi họ có ít lựa chọn hơn, họ sẽ quyết định nhanh hơn. Giải pháp ở đây là bạn hãy thiết lập menu đồ uống với các lựa chọn rõ ràng giúp khách quyết định được đồ uống phù hợp nhất với họ.
3. Phân tích dịch vụ khách hàng của quán cafe đối thủ:
Khi xem xét dịch vụ khách hàng của đối thủ, chúng ta cần xem xét cả quy trình khách hàng được phục vụ, các kênh phân phối của đối thủ, nhân viên của đối thủ… Trải nghiệm tại một quán cafe của bạn nhiều khi không phải chỉ ở cốc cafe bạn uống mà có thể bắt đầu ngay từ khi bạn gửi xe, khi bạn bước vào cửa có nhân viên hướng dẫn, đặt đồ nhanh chóng. Trải nghiệm đó nhiều khi còn đến từ chính những nụ cười, sự thân thiện của nhân viên quán. Tất cả trải nghiệm đó mới tạo nên dịch vụ khách hàng của đối thủ.
Khách hàng sẽ đến với những quán cafe cho họ trải nghiệm dịch vụ tốt. Nếu khách hàng vội vàng đến công sở, họ muốn có trải nghiệm mua hàng nhanh chóng. Với khách hàng đến quán cafe để trò chuyện, họ muốn có trải nghiệm không gian thoải mái.
Phân tích dịch vụ khách hàng của đối thủ thông qua những tiêu chí sau:
- Cách mà đối thủ xử lý đơn hàng như thế nào?
- Họ giúp khách hàng có trải nghiệm như thế nào? Ví dụ như thoải mái, ấm cúng, sang trọng, hay cung cấp dịch vụ nhanh chóng…
- Họ có bán hàng theo dạng combo, khuyến khích khách mua thêm không?
- Trung bình khách hàng cần đợi bao lâu để được phục vụ đồ uống?
- Họ sẽ mang đồ uống ra tận bàn hay khách hàng phải nhận ở quầy bar?
- Khách hàng có thường gặp nguy cơ bị nhầm lẫn đồ uống đã đặt không?
- Nhân viên pha chế của họ có kinh nghiệm, kỹ năng tốt không?
- Khách hàng có thể đặt đồ uống qua thiết bị máy tính bảng hoặc ứng dụng nào đó tại cửa hàng không?
- Họ có những phương thức thanh toán như thế nào?
- Chủ quán có mặt tại quán và tương tác, giao lưu với khách hàng không?
Khảo sát dịch vụ từ khách hàng của quán cafe đối thủ:
Ngoài việc tự mình trải nghiệm và giải đáp, phân tích dịch vụ của đối thủ cạnh tranh. Bạn có thể kết nối, tham vấn ý kiến các khách hàng khác để hiểu xem lý do họ hài lòng/không hài lòng về dịch vụ của đối thủ. Mặt khác, bạn cũng nên thông qua các mạng xã hội như Facebook, Youtube để xem khách hàng đang nghĩ gì, đánh giá như thế nào về quán cafe của đối thủ. Chính những góc nhìn khác nhau sẽ giúp bạn phân tích đối thủ rõ ràng hơn.
4. Phân tích cơ sở vật chất của quán cafe đối thủ:
Cơ sở vật chất ở đây chính là không gian quán đối thủ. Bạn cần xác định quán cafe của đối thủ đang hướng theo phong cách, vị trí nào. Họ có những điểm nhấn khác biệt gì để thu hút khách hàng. Các loại hình quán cafe khác nhau sẽ có đặc thù riêng về không gian, trang trí để phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu riêng. Khi bạn xem xét, phân tích cơ sở vật chất của quán cafe đối thủ, bạn cần chú ý cách trang trí, sắp xếp quán của đối thủ đã phù hợp đối tượng khách hàng chưa.
Phân tích về không gian và nội thất quán cafe đối thủ:
- Màu sắc chủ đạo của quán có phù hợp không? Ví dụ cafe văn phòng hướng đến đối tượng khách hàng là dân văn phòng, công sở thì không nên trang trí màu sắc lòe loẹt.
- Nội thất quán đã phù hợp? Ví dụ cafe “hộp” đề cao sự yên tĩnh, riêng tư thì nội thất quán đã giúp khách hàng cảm nhận được sự riêng tư hay chưa.
- Ánh sáng quán đã phù hợp? Ví dụ cafe thương hiệu đề cao sự sang trọng, lịch sử thì ánh sáng quán đã đủ rõ ràng, giúp khách hàng thoải mái chưa.
- Cách sắp xếp của quán đã phù hợp? Ví dụ cafe sân vườn đề cao trải nghiệm cafe trong không gian nhiều cây xanh, thiên nhiên, thoáng đãng thì cách sắp xếp bàn của quán đã giúp khách tận hưởng được không gian xanh chưa.
- Các yếu tố đặc thù của quán đã phù hợp? Ví dụ như quán cafe sách đã giúp khách hàng có nhiều lựa chọn đầu sách yêu thích, phù hợp hay chưa.
Phân tích cảm giác về cơ sở vật chất của quán cafe đối thủ từ góc độ trải nghiệm của một khách hàng:
- Bạn cảm thấy thế nào khi bước vào quán cafe của đối thủ?
- Điều gì đã khiến bạn cảm thấy như vậy?
- Đồ nội thất của quán có khiến bạn thoải mái?
- Quán bố trí nhiều hay ít chỗ ngồi?
- Màu sắc chủ đạo của quán là gì?
- Màu sắc đó có phù hợp với khách hàng mục tiêu không?
- Không gian quán thoáng đãng, sắp xếp khoa học, phù hợp hay chật chội, lộn xộn?
- Bạn có muốn tận hưởng thời gian ở quán hay muốn rời đi nhanh chóng?
Bạn hãy đến và trải nghiệm không gian quán cafe của đối thủ. Bạn hãy ghi lại cảm nhận của bạn trong không gian đó và bạn sẽ hiểu hơn về cách đối thủ đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chính trong những lần trải nghiệm, phân tích cơ sở vật chất của đối thủ này, bạn có thể xác định được đối thủ có đang tiếp cận khách hàng đúng cách không. Nhìn nhận được đối thủ chuẩn xác sẽ giúp bạn có thêm nhiều cơ hội làm tốt hơn họ và cạnh tranh thành công.
5. Phân tích cách Marketing của đối thủ
Truyền thông là một “mặt trận” quan trọng tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các quán cafe. Đồ uống của bạn dù ngon. Không gian quán dù có đẹp. Nhưng truyền thông của bạn kém, thậm chí không được kiểm soát cũng đều sẽ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của khách hàng.
Khách hàng chưa trải nghiệm dịch vụ của quán thông thường sẽ lựa chọn những quán có truyền thông cho họ cảm nhận tốt. Các kênh truyền thông mà quán cafe thường chú ý đầu tư thông tin, nỗ lực thu hút khách hàng có thể kể đến như: Facebook; Youtube; Instagram, phát tờ rơi… Bạn nên xem xét đối thủ hiện đang dùng các kênh truyền thông nào và phân tích cách thức họ truyền thông. Bạn có thể phân tích truyền thông của đối thủ với các câu hỏi gợi ý như:
- Đối thủ sử dụng các hình thức truyền thông nào?
- Họ có website không?
- Website của đối thủ như thế nào, có hấp dẫn, đầy đủ thông tin không?
- Đối thủ có chạy quảng cáo Google, Facebook không?
- Họ có những chương trình khuyến mãi gì?
- Họ có tương tác với cộng đồng khách hàng thông qua các sự kiện không?
- Họ có cung cấp thẻ quà tặng hoặc thẻ khách hàng thân thiết không?
- Fanpage của họ đăng tải nội dung gì, có hấp dẫn, thu hút khách hàng không?
6. Phân tích SWOT đối thủ cạnh tranh của quán cafe
SWOT là một mô hình phân tích kinh doanh của doanh nghiệp, dựa trên 4 yếu tố: S – Strengths – Điểm mạnh; W – Weaknesses – Điểm yếu; O – Opportunities – Cơ hội; T – Threats – Thách thức.
Thông qua phân tích SWOT, bạn sẽ xác định được điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ cũng như cơ hội, thách thức mà doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi đối thủ. Trên cơ sở phân tích, nhìn nhận SWOT của đối thủ, bạn sẽ có thêm cái nhìn soi chiếu, nhìn nhận sâu hơn SWOT của chính mình.
- Với các điểm mạnh của đối thủ, bạn hãy học hỏi chọn lọc, phù hợp với quán mình.
- Với các điểm yếu của đối thủ, bạn hãy tránh lặp lại các sai lầm, điểm yếu này.
- Với cơ hội của họ, bạn hãy xem xét đó cũng có phải cơ hội của mình không và tận dụng.
- Còn với các thách thức của đối thủ, bạn cũng cần xem xét kỹ lưỡng để tìm ra các phương án ứng phó kịp thời.
Bạn có thể tham khảo các câu hỏi gợi ý để bạn phân tích SWOT của các quán cafe đối thủ:
Điểm mạnh
- Họ làm tốt những điều gì?
- Đối thủ cạnh tranh có lợi thế gì hơn so với bạn?
- Quán cafe của bạn có lợi thế, điểm mạnh gì hơn so với đối thủ?
- Những điều kiện gì sẽ khiến điểm mạnh của đối thủ gia tăng?
Điểm yếu
- Điểm yếu của đối thủ là gì?
- Họ có thể làm gì để tốt hơn, khắc phục các điểm yếu?
- Các quán cafe đối thủ có thể đánh vào điểm yếu nào của bạn?
- Bạn có thể khắc phục các điểm yếu của mình bằng cách nào?
- Có cách nào để bạn khai thác được điểm yếu của đối thủ và cạnh tranh với họ?
Cơ hội
- Khách hàng đang cần các sản phẩm, dịch vụ gì liên quan đến quán cafe?
- Có nhu cầu nào của khách hàng hiện thị trường chưa đáp ứng được đầy đủ?
- Khách hàng mua gì từ đối thủ?
- Khách hàng không mua gì từ quán cafe của bạn?
- Bạn có cơ hội nào để vượt qua, cạnh tranh với đối thủ không?
- Có những mặt hàng có lợi nhuận thấp nào bạn có thể loại bỏ khỏi dịch vụ của mình không?
- Sự thay đổi về thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của khách hàng có đang tạo cơ hội kinh doanh cho bạn?
Thách thức
- Đối thủ đang có những động thái gì tạo nên thách thức cho bạn?
- Những trở lực phát triển của thị trường quán cafe hiện nay là gì?
- Những thách thức nào sẽ khiến đối thủ hoặc bạn buộc phải rời khỏi thị trường, tạm ngừng kinh doanh?
Lưu ý:
Một lưu ý khi bạn phân tích SWOT của đối thủ là điểm mạnh, cơ hội của đối thủ nhiều khi không phải điểm mạnh, cơ hội của bạn. Bởi vì giữa bạn và đối thủ có nhiều điểm khác biệt riêng. Ví dụ như về khách hàng mục tiêu, phong cách quán, định hướng phát triển… . Do đó, khi nhìn nhận điểm mạnh, cơ hội của đối thủ, bạn nên học hỏi, tham khảo rất chọn lọc và chỉ áp dụng những điều phù hợp với quán của mình.
Chúng ta thấy quán của đối thủ có phong cách nội thất cổ điển, sang trọng và cảm thấy đó là một điểm mạnh. Tuy nhiên, điểm mạnh đó chưa chắc đã phù hợp với quán cafe của chúng ta vì khách hàng thường xuyên của chúng ta là sinh viên. Họ yêu thích phong cách trẻ trung, tươi mới, nhiều phá cách, màu sắc nổi bật hơn.
Hoặc chúng ta nhận thấy đối thủ có cơ hội ở vị trí quán gần các trường đại học, tiếp cận được đối tượng khách hàng là sinh viên. Cơ hội đó khiến các quán đối thủ trang trí theo phong cách trẻ trung, tươi sáng, màu sắc phá cách. Tuy cũng gần các trường đại học nhưng định hướng phát triển quán của bạn là cafe thương hiệu với đầu tư chi phí lớn hơn. Vậy thì cơ hội của đối thủ và bạn không trùng khớp nhau.
Bạn nên phân tích SWOT để nhìn nhận sâu hơn về đối thủ và chính mình nhưng không nên “sao chép” nguyên dạng điểm mạnh và cơ hội của đối thủ.
7. Lập báo cáo phân tích đối thủ cạnh tranh của quán cafe
Để lập báo cáo phân tích đối thủ cạnh tranh của quán cafe, bạn có thể tham khảo bài viết chi tiết trên CRIF D&B Việt Nam. Qua bài viết, bạn sẽ hiểu hơn tại sao cần phải có báo cáo phân tích; các thành phần cần có của một báo cáo phân tích và những lưu ý để có mẫu báo cáo phân tích tốt.
Kết luận:
Với báo cáo phân tích cạnh tranh kỹ lưỡng, bạn sẽ nhìn nhận được vị thế quán cafe của mình trên thị trường. Bạn cũng sẽ có những cơ sở thông tin cụ thể, rõ ràng để đưa các ý tưởng đổi mới vào quy trình kinh doanh hiện nay trở nên hiệu quả hơn. Nếu bạn dự định mở quán cafe có quy mô và phạm vi hoạt động nhỏ thì các đối thủ cạnh tranh cũng chỉ ở mức nhỏ. Như vậy việc thu thập thông tin cũng dễ dàng hơn khi tiến hành thực tế tại quán hay trên các kênh truyền thông của đối thủ.
Nguồn: https://suno.vn/blog/phan-tich-doi-thu-canh-tranh-cua-quan-cafe-chi-voi-7-buoc/